Căng thẳng việc chuyển giao chính quyền tại Chad
Mới chỉ cách đây hơn một năm thôi, nhiều người còn nghĩ rằng ông Idriss Déby Itno sẽ giữ chức tổng thống Chad đến tận cuối đời. Ông đã ngồi trên “ghế nóng” từ năm 1990 và trải qua 4 cuộc đảo chính bất thành. Ngay cả khi quân nổi dậy FACT giành được một số chiến thắng ở miền bắc Chad, các nhà quan sát vẫn nhận định rằng Tổng thống Déby vẫn nắm chắc lợi thế trong cuộc nội chiến.
Ông Idriss Déby qua đời ngày 20-4-2021 vì trúng đạn. Tại thời điểm đó, ông Déby đang trực tiếp chỉ huy quân chính phủ xung phong tấn công làng Mele bị FACT chiếm đóng. Tổng thống đã được đưa về thủ đô N'Djamena để điều trị nhưng không thể qua khỏi vết thương.
Nền chính trị Chad rơi vào khủng hoảng vì cái chết của ông Idriss Déby. Sau hơn 30 năm “cùng chung sống” dưới thời cố tổng thống, các phe phái chính trị bắt đầu xung đột với nhau. Sự rối ren chỉ tạm lắng sau khi quân đội Chad thành lập cái gọi là “Hội đồng quân sự chuyển tiếp” để tiếp quản đất nước. Quân đội làm việc này phần vì muốn ổn định lại để tập trung vào cuộc nội chiến, phần do muốn “níu kéo” quyền lực trong tay mình. Đứng đầu hội đồng chuyển tiếp là tướng Mahamat Idriss Déby Itno, con trai của cố tổng thống Idriss Déby. Ông Mahamat hứa là sau 18 tháng, hội đồng quân sự sẽ tổ chức bầu cử toàn dân và giao lại quyền lực cho chính phủ dân sự mới. Bản thân ông Mahamat sẽ không tự ứng cử trong cuộc bầu cử này.
20/10 vừa qua là ngày cuối cùng của thời hạn 18 tháng đó. Trong vòng nửa năm qua, hội đồng quân sự chuyển tiếp đã mở cuộc đối thoại giữa các bên, trong đó có cả đại diện của FACT và phong trào dân chủ Wakit Tama. Sau nhiều cuộc đàm phán, cuối cùng họ đã đi đến một quyết định mà không ai ngờ tới: đẩy lùi thời hạn tổ chức bầu cử thêm hai năm nữa, đồng thời bổ nhiệm tướng Mahamat Idriss Déby làm Tổng thống lâm thời và cho phép ông này ra tranh cử. Một nội các mới sẽ được thành lập dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Saleh Kebzabo, chủ tịch đảng UNDR đối lập.
Quyết định trên đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Không ít người cảm thấy thất vọng vì tuột mất cơ hội bầu ra đại diện cho mình sau hơn 30 năm sống dưới chế độ của ông Idriss Déby. Nhiều người khác vẫn còn nhớ về con trai cả của cố Tổng thống Déby và anh trai của tướng Mahatma, Brahim Déby Itno. Brahim khi chỉ mới 21 tuổi đã được tham gia công chuyện của chính phủ và thậm chí còn từng mắng chửi các quan chức nội các. Anh ta bị ám sát năm 2007 sau khi rời hộp đêm ở Paris. Có bằng chứng để tin vụ ám sát có sự tham dự của một số quan chức Chad từng bị Brahim nhục mạ. Việc một đứa con khác của ông Déby lên nắm quyền không khỏi khiến nhiều người lo lắng cho sự ổn định của chính phủ Chad.
Vào ngày 21-10 vừa qua, hàng trăm người biểu tình đã xuống đường ở các thành phố lớn tại Chad nhằm phản đối việc tấn phong tướng Mahamat Déby. Cuộc biểu tình nhanh chóng trở nên bạo lực khi người biểu tình đốt lốp xe và lật ngược ô tô làm hàng rào chặn đường. Theo tuyên cáo báo chí từ chính phủ, cảnh sát bạo động chỉ nổ súng sau khi trụ sở và các chi nhánh của đảng UNDR bị người biểu tình châm lửa đốt.
Chính phủ Chad đã ra lệnh áp dụng thiết quân luật tại ba thành phố lớn nhất nước là NDjamena, Moundou và Koumra. Quân đội và các lực lượng hành pháp được phép sử dụng vũ khí nóng để trấn áp bất kỳ người nào có hành động phá hoại trật tự. Mặt khác chính phủ cũng ra yêu sách đòi giải tán phong trào Wakit Tama và buộc bảy đảng chính trị khác nhau tạm ngừng hoạt động trong ba tháng. Trong số bảy đảng phái có Đảng Xã hội không biên giới và Đảng Cải cách, hai lực lượng lớn đối lập với chính phủ.
Đổ máu mới đây đã diễn ra tại đám tang của nhà báo Narcisse Oredje. Anh bị trúng đạn khi đang tác nghiệp cho đài radio CEFOD tại NDjamena. Narcisse cũng là một nhà hoạt động vì nhân quyền và từng lên tiếng chỉ trích hội đồng quân sự chuyển giao. Đụng độ giữa cảnh sát và những người đưa tang nhà báo đã khiến hai nạn nhân tử vong và ba người bị thương nặng. Tổng thư ký UNESCO Audrey Azoulay sau đó đã lên tiếng phản đối bạo lực tại Chad và yêu cầu cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra về cái chết của nhà báo Narcisse Oredje.
Từ Liên minh Châu Phi đến Liên hợp quốc đều có những tuyên bố chỉ trích việc sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình của chính phủ lâm thời Chad. Vậy nhưng theo ngoại giao, nhà sử học Daniel Bessner thì: “Tiếng nói của Pháp và Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định những bước đi tiếp theo của chính phủ Chad. Đối với Pháp, Chad là “bản lề” cho họ duy trì ảnh hưởng của mình tại các nước thuộc địa Châu Phi cũ. Còn với Mỹ, Chad được coi như một trong những “đối trọng” với các quốc gia nhóm OPEC. Tổng thống Idriss Déby đã khôn khéo dùng vị trí địa lý, dầu mỏ và quân đội nước mình để biến Mỹ và Pháp thành đồng minh của ông. Chắc hẳn con trai ông ta sẽ không muốn đánh mất hai “người bạn”.
Cả Mỹ và Pháp đều đã lên tiếng phản đối hành động của NDjamena, đồng thời yêu cầu rút ngắn thời hạn chờ cuộc tổng tuyển cử mới.