Căng mình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ Tư, 05/10/2022, 09:05

Miền Trung những ngày bão lũ, người dân oằn mình gánh chịu cơn thịnh nộ “kép” của thiên tai. Khi hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão Noru còn chưa kịp khắc phục, thì từ đại ngàn, lũ ống, lũ quét lại cuồn cuộn đổ về trong đêm, cuốn cả gia sản, nhà cửa lẫn con người trôi theo dòng nước. Trong đại họa đó, lực lượng Công an lại xung phong lên đường, đến với nhân dân vùng lũ, gồng mình cùng bà con chống chọi, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tan hoang huyện biên giới sau trận lũ quét trong đêm

Rạng sáng ngày 2-10, người dân bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đang chìm trong giấc ngủ sâu, bỗng bị đánh thức bởi tiếng mưa mỗi lúc một to, cùng với đó là nước từ thượng nguồn đổ về, càng gần sáng lưu lượng càng lớn.

Vốn quen sống chung với lũ, nhiều gia đình vội vã trở dậy để kê cao đồ đạc, lùa gia súc, gia cầm đến vị trí an toàn để tránh lũ ống, lũ quét. Vợ chồng chị Và Y Dờ (SN 1995), trú tại bản Sơn Hà, xã Cà Tạ cũng vậy. Thấy nước từ thượng nguồn chảy về mỗi lúc một lớn, chị trao đứa con gái út mới 4 tháng tuổi cho hai đứa con lớn trông, còn hai vợ chồng tranh thủ kê cao đồ đạc.

Căng mình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ -0
Công an huyện Quỳnh Lưu giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.

Trong lúc đang loay hoay dọn dẹp trong nhà, bất ngờ trong đêm tối, chị Dờ nghe tiếng động lớn, tiếng rung lắc sầm sập xung quanh. Chưa kịp định thần thì bất ngờ một đợt lũ ống từ trên núi ập xuống, băng qua ngôi nhà cấp 4 của gia đình, cuốn theo mọi thứ, cả hai vợ chồng chị cũng bị dòng nước cuốn dạt vào một góc nhà. Trong lẫn tạp âm thanh của dông bão, chị Dờ bừng tỉnh khi nghe tiếng con khóc thét, bản năng người mẹ trỗi dậy, chị lao ra dòng nước lũ để tìm con thì cả mấy đứa trẻ đều bị nước cuốn văng ra khỏi nhà. May mắn, hai đứa lớn kịp bấu víu vào bờ cây bên đường nên cứu được, còn đứa út bị dòng nước cuốn đi mất. Sau gần một ngày nỗ lực tìm kiếm, chiều hôm sau thi thể cháu bé mới được tìm thấy, cách vị trí ngôi nhà khoảng 50m về phía hạ lưu.

Trận lũ quét kinh hoàng trong đêm hôm ấy đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với huyện biên giới Kỳ Sơn, với hàng chục ngôi nhà bị sập, chôn vùi trong bùn đất, tài sản của nhiều gia đình bị mất trắng, cùng với đó là hàng mét khối bùn đất, cây xanh, đá tảng ngổn ngang trên khắp các con đường của thị trấn Mường Xén. Phần lớn cơ quan, công sở, nhà dân ở khu vực khối 1 của thị trấn bị bùn non và đất đá ngập dày hơn 2m.

Thống kê của huyện Kỳ Sơn cho thấy, trận lũ quét đã khiến 14 nhà bị trôi hoàn toàn, 100 nhà bị ngập nặng, 19 nhà bị sạt lở, 2 xe ô tô bị trôi, 10 ô tô bị ngập trong bùn đất. Mưa lũ cũng đã làm sập hoàn toàn nhà làm việc của Công an xã Tà Cạ. Đến chiềutối ngày 3-10, hai bản Hòa Sơn và Sơn Hà, xã Tà Cạ vẫn còn hơn 230 hộ bị cô lập. Để tiếp cận, lực lượng cứu trợ phải chặt tre làm cầu tạm bắc qua các điểm sạt lở hỗ trợ giúp đỡ nhân dân.

Căng mình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ -0
Công an huyện Kỳ Sơn bám vách núi cheo leo tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân bị cô lập do lũ.

Khắc phục hậu quả

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, ngay từ trưa ngày 1-10, khi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xảy ra mưa rất to, nước từ sông Cả dâng lên cao bất thường, Công an huyện Kỳ Sơn quán triệt đến toàn bộ lực lượng công an xã, anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị bám sát cơ sở, địa bàn để cảnh báo người dân không đi qua những vùng nguy hiểm như khe suối, cầu tràn. Đồng thời, hỗ trợ bà con di chuyển đồ đạc, tài sản lên cao đề phòng ngập nước gây hư hỏng. Đặc biệt, sau trận lũ ống quét qua bản Sơn Hà, công an huyện đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ có mặt tại địa bàn để di chuyển người dân ra khỏi vùng sạt lở, nguy hiểm; cùng với đó chung tay giúp đỡ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, di chuyển lớp bùn đất vùi lấp quanh nhà để cứu tài sản, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Tiếp sức cùng Công an huyện Kỳ Sơn, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 150 cán bộ, chiến sĩ từ chiều tối ngày 2-10 vượt quãng đường hơn 250 km, xung kích lên đường đến với bà con vùng lũ.

Căng mình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an làm cọc tiêu sống giúp người dân di chuyển an toàn trong vùng nước ngập.

Đại tá Cao Minh Huyền, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trực tiếp chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả, với quyết tâm sớm đưa cuộc sống của người dân nơi huyện miền núi Kỳ Sơn trở lại bình thường. Công an các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong... cũng lập các đoàn công tác, trực tiếp đến với tâm lũ để giúp đỡ nhân dân Kỳ Sơn sớm khắc phục hậu quả của thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Tại đây, cùng với các lực lượng khác như quân đội, bộ đội biên phòng..., các cán bộ, chiến sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân sơ tán tài sản, dọn dẹp nhà cửa và đặc biệt là đưa các nhu yếu phẩm, nước uống cho các hộ dân đang bị cô lập. Cùng với đó, lực lượng “4 tại chỗ” của địa phương và người dân cùng nhau hỗ trợ, tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ khắc phục gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi bị chia cắt, nước, bùn ngập và sạt lở khiến nhiều tuyến đường không thể lưu thông nên công tác khắc phục dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.

Căng mình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ -0
Vượt lũ dữ tiếp tế thực phẩm cho đồng bào vùng bị cô lập.

Không riêng gì địa bàn huyện Kỳ Sơn, trong những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng tại nhiều tỉnh miền Trung, trong đó tập trung lượng mưa lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương, như Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)...

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến chiều 3-10, mưa lũ tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã làm 8 người chết, hơn 200 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái và hơn 14.033 ngôi nhà khác bị ngập. Mưa lũ cũng làm hàng trăm nghìn hecta hoa màu, ao hồ và gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đối với các vùng đồng bằng bị lũ lụt chia cắt, để kịp thời cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, lực lượng Công an đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với công an cơ sở tại các vùng bị ngập lụt, ứng trực 100% quân số để sát cánh cùng bà con trong những ngày chống chọi với cơn “đại hồng thủy”, giúp dân chống lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn. Trong đó, lực lượng CSGT tình nguyện trở thành những “cọc tiêu sống” tại các tuyến đường bị ngập nước hoặc bị chia cắt do sạt lở đất, để hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn. Cùng với đó, tại nhiều vị trí cầu tràn, đường liên thôn, liên xã hoặc một số tuyến tỉnh lộ, quốc lộ bị ngập, nước chảy xiết do lũ dâng, lực lượng công an xã đã cắt cử người căng dây, cắm biển cảnh báo và túc trực 24/24h hằng ngày để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi người dân cố tình băng qua.

Căng mình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ -0
Công an xã Yên Thắng (huyện Tương Dương) kết bè vượt lũ đưa người dân đi cấp cứu.

Tính đến thời điểm này, đối với các vùng đồng bằng và hạ du, nước lũ bắt đầu rút trên diện rộng. Nước xuống đến đâu, lực lượng Công an cùng nhân dân và các tổ chức đoàn thể khác tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường, thu dọn bùn non tại nhà dân, các công sở, trường học để đảm bảo các hoạt động được diễn ra bình thường ngay sau khi nước lũ đi qua. Riêng tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, công tác khắc phục hậu quả của trận lũ quét dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 1 tuần đến hơn 10 ngày. Trong quãng thời gian đó, lực lượng Công an sẽ cùng ăn, cùng ở và cùng chung tay với bà con để dọn dẹp, khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại cho đến khi người dân có cuộc sống ổn định, an yên sau cơn đại hồng thủy.

Sáng 3-10, tại Trạm Y tế xã Mường Típ (Kỳ Sơn), sản phụ Hờ Y N. (SN 2003) bị băng huyết sau sinh, nguy hiểm đến tính mạng, cần cấp cứu kịp thời. Địa bàn vùng biên giới khó khăn cùng với tình hình mưa lũ khiến các ngả đường từ xã ra trung tâm huyện lỵ bị chia cắt, ko đi lại được. Công an xã Mường Típ đã nhanh chóng cử 2 cán bộ cùng 1 xe ô tô tải chở sản phụ đến Bệnh xá Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 sơ cứu, sau đó tiếp tục vận chuyển cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương. Sau khi vượt qua hơn 90 km đường núi, sản phụ đã được cấp cứu kịp thời.

Trước đó, địa bàn xã Yên Thắng (Tương Dương) cũng bị lũ cô lập hoàn toàn. Ngày 1- 10, cháu Xên Hoàng P. (2022), trú ở bản Xốp Cốc, xã Yên Thắng bị sốt xuất huyết nặng, nguy hiểm đến tính mạng, cần phải đưa đi cấp cứu. Công an xã đã nhanh trí chặt tre kết thành bè nổi, làm phương tiện để đưa cháu bé vượt qua dòng nước xiết đến trung tâm y tế huyện cấp cứu kịp thời.

Thiện Thành
.
.
.