Xứ lụa Tân Châu…

Thứ Năm, 30/11/2017, 14:31
Trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Nam bộ, hình ảnh tấm lụa Lãnh Mỹ A phất phơ bay trong gió, luôn gợi nhớ về một thời kiêu sa, rực rỡ. Đó là thương hiệu của xứ lụa Tân Châu (An Giang).

“Lãnh Mỹ A” có thời được ví như “nữ hoàng tơ tằm” vượt ra khỏi biên giới Việt Nam sang các quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Lãnh Mỹ A thành món quà tặng con gái ngày xuất giá, hoặc tặng cho nhà thông gia trong ngày cưới. Lụa Tân Châu là biểu hiện sự sang trọng, quý phái, đỉnh cao của loại lụa tơ tằm ở phương Nam

Người Tân Châu cũng có câu ca rằng:

Trai nào thanh bằng trai sông Của

Gái nào thảo bằng gái Tân Châu

Tháng ngày dệt lụa, trồng dâu

Phụng dưỡng cha mẹ quản đâu nhọc nhằn...”.

Nữ hoàng tơ tằm

Trọn một vùng đất phù sa sông Cửu Long, có lẽ An Giang là nơi duy nhất có nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Khi nước nổi rút xuống, cả một dải đất cát pha nằm ven sông Tiền, sông Hậu trải dài từ Tân Châu đến Chợ Mới rồi qua tận biên giới Campuchia nối tiếp nhau xanh ngát những ruộng dâu. Các bậc lão nông nhớ lại, có thời diện tích trồng dâu lên tới 10.000 ha mà vẫn chưa đủ cung cấp cho tằm nuôi.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Tân Châu không biết có tự bao giờ. Đất Bắc có làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nổi danh cả ngàn năm về trước. Miền Trung có làng lụa Mã Châu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) gắn với câu chuyện tình nổi tiếng của cô thôn nữ hái dâu dưới trăng ở vùng đất Thanh Chiêm là Đoàn Thị Ngọc (Đoàn Quý phi) với Chúa Nguyễn Phúc Lan (1601-1648).

Dệt lụa lãnh Mỹ A ở Tân Châu, An Giang.

Đời sau còn lưu lại câu ca rằng: “Mã Châu tơ lụa mỹ miều/ Sáng mai cửi mắc, ban chiều tơ giăng”. Và rất có thể những cư dân miền Trung hơn 400 trăm năm về trước đã vào phương Nam khẩn hoang, lập nghiệp, mang theo truyền thống quê hương và nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa bên bờ châu thổ sông Cửu Long.

Nghề dệt lụa ở Tân Châu chắc chắn còn có sự ảnh hưởng ít nhiều đến nghề dệt thổ cẩm Châu Giang của người dân tộc Chăm tại phum Xoài, Châu Phong (Tân Châu) có nguồn tích lâu đời. Ngoài việc dệt áo quần, khăn, túi cho cộng đồng Chăm, dệt thổ cẩm Châu Giang chỉ cung cấp cho thị trường xưa nay những mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ nên quy mô và thị trường không rộng, không nhiều như lụa Tân Châu.

Từ lúc chiếm Nam kỳ lục tỉnh, người Pháp đặc biệt quan tâm khai thác nghề dâu tằm tơ, nên đã chọn Tân Châu lập ra Viện Tơ tằm vào tháng 7-1908, làm trung tâm phát triển nghề thủ công nghệ tơ lụa Nam Kỳ để cung cấp cho nước Pháp. Vì vậy không có gì ngạc nhiên, khi từ đầu thế kỷ 20 nghề sản xuất và buôn bán tơ lụa xứ Tân Châu vang danh khắp nơi.

Để có những tấm lụa mềm mịn và óng ả mát lạnh trên da thịt, người dân làm nghề đã phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả, công phu, lấm tấm mồ hôi nhỏ giọt từ việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và nhuộm vải... Một nghề gia truyền được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Ở các vùng miền khác, người ta chỉ hái lá dâu cho lên nong để tằm ăn, còn Tân Châu thì khác. Dâu cắt thành từng bó mang về, dùng dao cực bén to bản xắt lá dâu nhỏ ra để cho tằm ăn. Cũng câu tục ngữ: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, chăm sóc tằm phải túc trực cả ngày lẫn đêm bên bộ ván với nong nia và ngồi canh tay liên tục sắc lá dâu. Nhất là giai đoạn đưa tằm lên bủa giăng tơ. Tằm ăn dâu rào rào cả đêm ngày, do đó khoảng một, hai canh lại phải thêm lá dâu vào nong nia.

Đây cũng là công đoạn đầy hứng khởi và trông đợi nhất của người nuôi tằm khi đã chín mọng. Lúc đưa tằm lên bủa giăng tơ, nhìn khắp làng, đâu đâu cũng óng ánh tơ màu vàng ươm, đẹp lung linh dưới nắng.

Tiếp đến là công đoạn ươm tơ, cả làng như đang vào vụ nấu bánh chưng ngày tết. Hàng trăm lò than cháy hừng hực nấu cho nồi đồng và nước sôi lên ùng ục, rồi cho kén vào nồi, kéo bánh xe quay mối tơ... Người thợ ươm tài ba như một vua đầu bếp, một tay cầm đũa cái khuấy động liên hồi, một tay quay đều bánh xe cuộn tơ cho đến khi nào trong nồi chỉ còn lại xác tằm mới thôi. Do đó mà dân gian mới thành chuyện, con tằm còn nợ lá dâu nên khi thành nhộng, nhả kén ươm tơ còn phải trả nợ bằng xác tằm...

Lụa Tân Châu được nhuộm bằng trái mặc nưa, loại cây độc nhất vô nhị này chỉ có lác đác ở vùng An Giang, còn lại chủ yếu là Campuchia. Đây cũng là bí kíp từ người xưa để cho ra đời những tấm lụa óng ả, đen tuyền làm nên lãnh Mỹ A. Cây mặc nưa có màu đen, thân gỗ, lá mỏng, quả kết từng chùm tròn trĩnh giống như trái nhãn. Cây mặc nưa nếu trồng khoảng 5 năm thì cho trái, nhưng chỉ hạp trồng gần bên hông nhà mới có nhiều trái, nhiều mủ.

Thợ nhuộm phơi lụa.

Còn lạ ở chỗ, muốn cho ra trái phải chặt phần ngọn, cành. Chịu đau đớn như vậy, cây mới cho trái có nhựa nhiều. Nhưng đã hái trái thì phải dùng ngay, nếu để vài ngày mủ trong trái sẽ mất dần. Khoảng tháng 6 âm lịch đến tháng Chạp ta, là thời gian mặc nưa ra trái. Người thợ nhuộm “dân bàn tay đen” thường chọn những trái lớn còn xanh, có nhiều nhựa.

Cho trái mặc nưa vào cối giã hoặc nghiền bằng máy ép lấy nước màu vàng vàng. Khi tiếp xúc với không khí, nước chuyển sang màu đen tuyền.

Anh Trí, con trai út của nghệ nhân Tám Lăng, cho biết: bình quân nhuộm một cây lụa 10m tốn khoảng 50kg trái mặc nưa. Mủ mặc nưa sẽ biến những người thợ nhuộm có bàn tay đen quanh năm. Giờ đây, nguồn nguyên liệu tư nhiên này ngày càng trở nên khan hiếm vô cùng. Muốn giữ làng nghề truyền thống không chỉ lưu giữ nghề, phát triển ngày càng lớn mạnh mà con phải tính đến những người thợ giữ lửa nghề và nguyên liệu truyền thống như trái mặc nưa.

Công đoạn quan trọng và kỳ công nhất để cho ra đời lãnh Mỹ A chính là nhuộm lụa. Người thợ nhuộm phải nhúng hàng trăm lần để từng sợi tơ thấm đều, thấm sâu dung dịch mặc nưa. Tiếp đến là công đoạn phơi 4 nắng. Anh Nguyễn Văn Châu, một thợ nhuộm, cho biết, cả quá trình vừa nhúng vừa phơi nắng kéo dài khoảng 40-45 ngày. Lãnh phơi khô xong, thợ quấn lại thành cuộn tròn rồi mang đi nện.

Ngày trước người thợ dùng búa gỗ nện từng cuộn lụa quấn tròn nên rất vất vả. Nay đã có máy móc vận hành thay thế sức người, nhưng âm thanh nện lụa vang vang từng đêm khuya của xứ lụa tạo thành một thứ ngôn ngữ đặc trưng. Giống như tiếng thoi dệt vải của làng dệt Bảy Hiền, Sài Gòn, hồi trước hễ nghe là biết làng dệt vải Quảng Nam trên đất Nam Bộ.

Muốn có tấm lãnh Mỹ A đen tuyền bóng loáng, còn phải trải qua các giai đoạn vô hồ, xả... Trong từng công đoạn có những chi tiết đặc trưng, tỉ mẩn và bí kíp gia truyền của những thợ làng nghề và nghệ nhân làng dệt lưu giữ bao đời.

Thăng trầm việc giữ lửa nghề lụa

Nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa đất Tân Châu cực thịnh nhất có lẽ trong những năm từ 1935 đến 1965. Sau đó là thời kỳ manh mún, do chiến tranh quá khốc liệt nên chỉ giữ lại nghề truyền thống nhỏ lẻ. Vào thập niên 1960, cả làng lụa Tân Châu có khoảng 250 khung dệt với khoảng 90 máy nện, đã làm nên những hãng dệt danh tiếng như: Đỗ Phước Hòa, Trịnh Thế Nhân, Trần Văn Nho, Trần Văn Tôn, Trần Ngọc Linh...

Thời hoàng kim đó, tơ lụa Tân Châu sản xuất không kịp bán trong nước và xuất khẩu sang các nước: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Campuchia, Philippines và Pháp. Chạy dọc theo hai bờ Tiền Giang, Hậu Giang, từ biên giới Campuchia bạt ngàn những bãi dâu xanh và những nong tằm chín rộ từ Tân Châu đến Chợ Mới. Nhà nhà đều có khung cửi, nong tằm, quay tơ óng ánh vàng ươm và những cô thợ dệt xinh đẹp dệt vải vang tiếng thoi đưa lách cách cả ngày lẫn đêm ở các làng dệt nổi tiếng Tân An, Vĩnh Hòa (Tân Châu), Long Điền, Chợ Thủ (Chợ Mới)…

Sau năm 1975, Công ty tơ lụa An Giang thành lập trên đất Tân Châu nhưng chỉ sau một thời gian cầm cự cũng không thể tồn tại nổi do sợi polyester quá rẻ. Nghệ nhân Tám Lăng, bậc cao niên trong nghề lụa đã ngoài 90 tuổi bùi ngùi nhớ lại: “Hồi xưa đất Tân Châu có khoảng 1.000ha trồng dâu tằm, nhưng đến nay chỉ còn ít lắm. Tui mong chánh quyền Tân Châu quan tâm đầu tư để làng lụa hồi sinh...”.

Trái mặc nưa dùng để nhuộm lụa.

Quyết tâm và mong mỏi của người dân xứ lụa Tân Châu đã thành sự thật khi chính quyền tỉnh An Giang chủ trương hồi sinh làng nghề truyền thống vào năm 2006. Đầu tiên là HTX Làng nghề tơ lụa Tân Châu hình thành với 26 hộ thành viên. Chủ nhiệm HTX thời đó là ông Nguyễn Phước Sang từng trải qua những cung bậc thăng trầm làng nghề nhớ lại: Lúc HTX mới thành lập có 10 máy dệt cũ kỹ, thiếu vốn nghiêm trọng nên bà con phải thắt lưng buộc bụng, cầm cự để nuôi giữ nghề truyền thống quê hương.

Mọi việc bắt đầu khởi sắc, sáng sủa hơn khi có ngân hàng chính sách cho vay 1 tỷ đồng tín dụng ưu đãi khoảng 30 triệu/hộ. HTX đầu tư thêm 15 máy dệt lụa của Nhật cùng 2 máy dệt lụa hoa văn, 1 phân xưởng ươm dệt... Các nghệ nhân lão luyện làng nghề ra tay chỉ dạy nghề cho các công nhân nâng cao tay nghề ươm tơ, dệt lụa quyết không để mai một nghề tơ lụa và làm hồi sinh xứ lụa Tân Châu.

Đến nay làng lụa Tân Châu đã phục hiện nghề xưa với nhiều cải tiến kỹ thuật, nhiều công đoạn được thay thế bằng máy móc tại Long Châu, Long Hưng, Long Thạnh... cùng nhiều hộ gia đình dệt lụa nhỏ lẻ.

Về thị xã Tân Châu ngày nay, tiếng thoi vang lách cách bên tai suốt đêm ngày, những cô công nhân trẻ cười tươi, duyên dáng bên khung dệt. Trên ruộng dâu, tiếng cười, tiếng hát véo von trong trẻo của những thôn nữ mặc áo bà ba, đội nón lá, gợi nhớ một thời bình yên, hưng thịnh và huy hoàng của nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa.

Nghệ nhân Ba Cảnh (Cơ sở xe tơ Bảo Trọng) hồ hởi mừng vui khi làng dệt hồi sinh. Ông kêu mấy người con đang lên thành phố kiếm sống quay về quê cùng mở xưởng dệt. Không nơi đâu bằng quê hương, gia đình mình và cũng không làm nghề gì tốt hơn nghề truyền thống của quê mình.

Lụa Tân Châu nay đã hồi sinh và đang dần thăng hoa trên sàn diễn thời trang theo xu hướng sản phẩm chất lượng cao và mang đậm dấu ấn Việt, tâm hồn Việt. Lần đầu tiên, lãnh Mỹ A được mang lên sàn diễn các nơi như: Thượng Hải (Trung Quốc), Australia, New Zealand...

Mới đây, lụa Tân Châu được dùng trong các bộ sưu tập độc đáo khiến cho người xem trong và ngoài nước tìm đến. Thành công rất rõ nét khi một người Pháp tình cờ phát hiện và mê mẩn với vẻ đẹp hoàn mỹ của tơ lụa Tân Châu nên đã tìm đến Tân Châu, đặt hợp đồng mua lãnh Mỹ A để cung cấp cho thị trường thời trang châu Âu. Người Pháp đã đặt nền móng cho tơ lụa Tân Châu và cũng chính người Pháp đã mang lụa Tân Châu ngày nay đến với châu Âu.

Nghề dệt lụa truyền thống của Tân Châu giờ đây đang sống lại, tiếp tục cuộc hành trình đầy sáng tạo nghệ thuật và truyền thống cần cù, chăm chỉ của người dân An Giang. Lụa tơ tằm Tân Châu đang hồi sinh và đang phát triển nhờ vào những nghệ nhân yêu nghề truyền thống và luôn giữ lửa làng nghề cho quê hương. Ruộng dâu đã xanh lại ngày thêm nhiều. Vụ thu hoạch trái mặc nưa thêm đầy nhiều cần xé. Tiếng thoi lách cách vang lên và tiếng nói, nụ cười rất tươi của những thôn nữ xinh đẹp bên khung cửi càng thêm đẹp hơn...

Đông Kha
.
.
.