Tôi làm tài xế xe ôm công nghệ

Thứ Hai, 05/08/2019, 14:00
Những năm gần đây, bên cạnh xe ôm truyền thống thì còn có các hãng xe ôm công nghệ mang đến nhiều thuận lợi cho người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung. Chỉ cần bấm điện thoại vào phần mềm ứng dụng của hãng xe mình đã đăng ký, khách hàng sẽ biết có xe nào đang ở gần mình nhất, quãng đường định đến mất bao nhiêu tiền.

Thế nhưng, ít người biết rằng nghề tài xế công nghệ cũng lắm gian nan, nhất là khi gặp phải những cuộc gọi “đểu”, những vụ “boom” hàng hay những khách say xỉn hoặc cướp giật...

1. Mất gần 1 tiếng đồng hồ thuyết phục, anh Thắng, hàng xóm của tôi làm nghề tài xế xe ôm công nghệ, mới đồng ý cho tôi mượn chiếc Wave cùng điện thoại di động có cục pin “trâu”, xài liên tục 40 tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên là anh giao cho tôi luôn cả áo khoác cùng 2 nón bảo hiểm để tôi hành nghề lấy tư liệu viết báo. Anh nói: “Nếu bữa nay chưa xong thì cuối tuần sau tui về quê đám giỗ, tui cho anh mượn tiếp”.

Bài học nhập môn đầu tiên mà anh Thắng dạy tôi là: Khi đón khách, tuyệt đối không đeo khẩu trang và nhất là kính đen vì khách dễ tưởng mình là thành phần bất hảo. Đừng bao giờ chở khách say xỉn vì họ có thể gây tai nạn cho mình. Khi nhận được cuộc gọi đặt xe, nếu khu vực đó không quen thuộc với mình thì khi đến - nhất là ban đêm - hãy quan sát xung quanh trước khi gọi báo cho khách.

Khi chở khách đến nơi, tuyệt đối không cho khách mượn điện thoại dù khách có viện lý do “kêu người nhà ra trả tiền”. Nếu cần, mình bảo khách cho số điện thoại rồi mình tự gọi. Cũng không nên lấy điện thoại ra xem tiền cước nếu khách trả bằng tiền mặt mà phải nhớ thuộc lòng từ trước vì nếu gặp bọn cướp giật, mình sẽ mất điện thoại, còn đuổi theo nó thì lắm khi mất luôn cả xe...

Hình ảnh thường thấy khi các tài xế xe ôm công nghệ đón khách.

Mới nghe sơ qua, tôi đã thấy ù tai chóng mặt nhưng 6 giờ sáng hôm sau, tôi vẫn quyết định nhập vai. Theo anh Thắng, địa điểm thuận tiện mà anh vẫn thường bám trụ để đợi khách là một đoạn nằm trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú. Vì vậy lúc tấp xe vào một quán cà phê cóc, tôi đã thấy 2 tài xế công nghệ ngồi sẵn. Một anh hỏi tôi: “Lính mới à? Mua tài của ông Thắng hả?”. Tôi cười: “Bữa nay ảnh bận, nhờ tôi chạy giùm”.

Ly cà phê đen bưng ra chưa kịp uống thì có cuộc gọi. Khách đặt xe từ đường Vườn Lài đến đường Nguyễn Trường Tộ. Lúc cho khách biết tôi đã có mặt thì mới hay “khách” là một cậu bé 8 tuổi. Trả tiền cho tôi trước, mẹ cậu dặn: “Chú chở nó nhanh nhanh nhưng nhớ cẩn thận. Coi chừng nó trễ học”.

Đợi cậu bé ngồi ngay ngắn trên xe, tôi nổ máy. Chạy chưa được 500m thì tôi có cảm giác chiếc Wave không thăng bằng. Chưa kịp hiểu lý do thì cậu bé đã dựa hẳn vào người tôi, đầu ngoẹo sang một bên. Hóa ra cậu ngủ gục. Hoảng quá, tôi giảm tốc độ rồi dừng lại. Sẵn có chai nước suối, tôi đổ ra lòng bàn tay, vã lên mặt cậu. Từ đó đến căn nhà nơi cô giáo của cậu mở lớp dạy thêm, tôi phải liên tục nói chuyện để cậu tỉnh ngủ. Vậy mà khi xuống xe, cậu vẫn trong trạng thái lờ đờ.

Đợi cậu bé vào hẳn trong nhà, tôi định quay về vị trí cũ thì lại có cuộc gọi. Lần này khách đặt xe từ đường Nguyễn Trường Tộ đến chợ Bà Hom, quận 6. Đó là một phụ nữ trạc tuổi 40, ăn mặc diêm dúa, tay cầm bịch bánh da lợn. Xe vừa nổ máy, chị ta đã lấy một cái mời tôi: “Chú ăn đi. Bánh da lợn nước cốt dừa quê tui đó. Ngon lắm”.

Nhớ lời anh Thắng dặn không bao giờ ăn uống bất cứ thứ gì khách mời, đề phòng bị bỏ thuốc mê nên tôi cảm ơn, viện cớ là mình ăn sáng no rồi. Vậy mà khi xuống xe vào chợ, chị ta vẫn cố ấn vào tay tôi bịch nylon còn 2 cái bánh: “Chú cầm đi. Trưa khỏi mua cơm”.

Khách nước ngoài nhất định không chịu đội mũ bảo hiểm vì… nó hôi quá!.

2. Trở lại đường Lũy Bán Bích thì khá xa, tôi quyết định tấp vào lề trước công viên Phú Lâm. Đâu khoảng nửa tiếng, có cuộc điện thoại kêu tôi từ bến xe miền Tây lên đường Tô Ký, quận 12. Vừa dừng xe thì ngay lập tức, một thanh niên chừng 30 tuổi, mặt mũi bặm trợn bước ra chửi thề: “Mày giành mối của tao hả?”. Tôi lắc đầu: “Tôi có biết mối của anh là ai đâu. Tổng đài gọi thì tôi đến. Còn nếu là khách của anh thì anh cứ việc đi”.

Nhìn sang bên phải, cách tôi chừng 5m là một ông khá lớn tuổi, vai khoác túi xách. Nhìn mặt ông, tôi đoán là người đã gọi xe tôi nhưng có lẽ trước đó, ông đã bị gã thanh niên chèo kéo đi xe của gã. Thấy thái độ hung hăng, ông đứng xụi lơ không dám lên tiếng. Tôi sực nhớ lại lời anh Thắng: “Ở một số nơi như bến xe, nhà chờ xe bus, bệnh viện, quán nhậu..., một số xe ôm truyền thống sẵn sàng gây sự đánh nhau nếu thấy mình đón khách. Vì vậy, nếu có cuộc gọi đến những chỗ ấy thì hoặc mình từ chối, hoặc bảo khách vui lòng đi ra xa...”.

11h30’, tôi đã chạy được 4 “cuốc”, kiếm tổng cộng 116 nghìn. Theo anh Thắng, buổi trưa nếu không muốn về nhà thì tôi có thể đến một quán cơm bình dân trên đường số 1, khu Tên Lửa, quận Bình Tân. Tại đó, khá nhiều xe ôm công nghệ vẫn thường ghé ăn, trò chuyện với họ tôi sẽ có thêm tư liệu.

Minh, sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Giao thông Vận tải, người mà tôi gặp ở quán cơm hôm ấy kể: “Em chạy xe để kiếm thêm tiền học. Nhưng vừa rồi em mới bị “boom” hàng, mất 190 nghìn”. Theo lời Minh, có một khách đặt cậu mua 6 phần cơm gà rán tại một quán trên đường Phạm Văn Chí, quận 6, điểm giao hàng là ở đường 50, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Tuy nhiên, khi đem đến nơi thì khách tắt điện thoại. Bấm chuông gọi căn nhà là địa chỉ giao hàng, chủ nhà cho biết gia đình không ai đặt cơm và cũng không ai có số điện thoại đó.

Tôi hỏi rồi 6 phần cơm giải quyết ra sao? Minh lắc đầu: “Em trở lại quán, năn nỉ họ nhưng họ không nhận vì trong cơm đã để chung rau xà lách, cà chua, dưa leo và cái đùi gà. Cuối cùng, em đành mang về nhà trọ, tặng bạn bè mỗi người một hộp”.

Có thể nói, cũng như xe ôm truyền thống, tài xế xe ôm công nghệ gặp không ít rủi ro khi hành nghề nên khá nhiều người khi trò chuyện với tôi đã cho biết họ chỉ chạy một thời gian, khi nào có việc tốt hơn thì họ sẽ bỏ. Cũng không thiếu trường hợp 2-3 sinh viên chung tiền mua chiếc xe gắn máy rồi một người đứng ra đăng ký với hãng xe ôm công nghệ. Sau đó họ chia nhau mỗi người chạy một khoảng thời gian tùy theo giờ giấc học hành.

Minh nói: “Em có 4 đứa bạn, mỗi đứa một xe nhưng chỉ một người đăng ký xe ôm công nghệ. Nếu đứa này bận thì đứa khác chạy thay nên nhiều lần bị khách phản ánh vì khi gọi thì xe số này, điện thoại số này, tài xế này nhưng khi đón khách thì lại là xe khác, số điện thoại khác và người cũng khác. Gặp khách khó tính hoặc lo xa, họ từ chối không đi, chưa kể họ còn gọi về tổng đài nói tài xế bán khách...”.

Với doanh nghiệp kinh doanh xe ôm công nghệ, đây là thị phần đầy tiềm năng với hàng trăm nghìn lượt khách mỗi ngày nếu tính trên phạm vi cả nước mà không bị quản lý chặt chẽ như taxi. Bên cạnh đó, tài xế xe ôm công nghệ cũng không bị giới hạn số lượng mà một trong những nguyên nhân là việc đầu tư khá thấp, chỉ cần khoảng 14 triệu cùng một số thủ tục đơn giản là đã có một chiếc xe mới tinh để hành nghề.

Anh Thịnh, tài xế xe ôm công nghệ thường xuyên cắm chốt ở khu vực chợ Bà Chiểu cho biết, chính vì điều kiện hoạt động khá thoáng nên đã xuất hiện xe ôm công nghệ “đểu”, lừa gạt khách hàng. Họ ăn mặc, mũ nón như tài xế chính hãng. Họ cũng có điện thoại thông minh cài đặt phầm mềm gọi xe của hãng mà họ giả danh nhưng tiền cước thì cao chót vót.

Anh Mậu, bạn anh Thịnh kể tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt: Đó là lần một phụ nữ khá lớn tuổi, từ Kon Tum xuống bến xe miền Đông. Đang loay hoay với mớ hành lý thì một xe ôm công nghệ “đểu” tiếp cận bà: “Cô về đâu, con đưa cô về. Cô yên tâm. Xe con là xe của hãng, quãng đường đi, giá tiền đều được tính rõ ràng trên điện thoại chứ không phải xe chạy tự do như mấy ông kia”.

Nghe xuôi tai, bà khách nói về quận 7. Ngay lập tức, tài xế giơ điện thoại cho bà xem rồi báo giá 350 nghìn đồng. Bà khách ngạc nhiên vì trước đó, con gái bà đã dặn từ bến xe miền Đông về quận 7 nếu đi xe ôm công nghệ chỉ khoảng 120 nghìn thôi. Bà hỏi: “Sao mắc vậy chú? Nghe con gái tui nói...”.

Không để bà khách dứt lời, tay tài xế liến thoắng: “Trời ơi, tại cô không biết đó chớ. Đây là quận Bình Thạnh, cô muốn về quận 7 thì con phải chở cô đi qua quận 1, quận 2, 3, 4, 5, 6 rồi mới tới nhà cô”. Tôi hỏi anh Mậu cuối cùng thì sao. Anh lắc đầu: “Biết nó lừa người ta nhưng tụi tui đâu dám phản ứng vì nó hoạt động có băng có nhóm. May mắn là một người đi chung chuyến xe với bà, chỉ đường cho bà về bằng xe bus”.

Vụ việc tài xế xe ôm truyền thống xung đột với lái xe ôm công nghệ (ảnh cắt từ clip video).

3. 7h tối, tôi chạy cuốc xe thứ 6. Khách là một thanh niên trạc tuổi 20, dáng đi ẻo lả, giọng nói eo éo, mặc sơ mi trắng, may bằng loại vải rất mỏng, bó sát người. Cậu đặt xe từ đường Hậu Giang, quận 6 đến rạp chiếu phim Vườn Lài, quận 10. Đây là một trong những điểm tụ họp của giới đồng tính nam nên tôi đoán cậu cũng là dân trong hội. Lúc đến nơi, mặc dù tôi đã dừng xe nhưng cậu không xuống mà cứ ngồi nhìn qua ngó lại.

Một lát, cậu nói: “Anh chở em qua Lê Hồng Phong, chỗ hồ Kỳ Hòa đó”. Chao ơi, tôi đã ở vào cái tuổi “chán cơm, thèm đất, thích nghe kèn” mà cậu ta “anh anh em em” ngọt xớt khiến tôi nổi da gà. Thế đã hết đâu, lúc đến hồ Kỳ Hòa, cậu vẫn ngồi trên xe nhìn ngó. Cuối cùng cậu nói: “Thôi anh chở em về lại Hậu Giang đi”. Tôi cho biết nếu về lại Hậu Giang, cậu phải trả cho tôi thêm 20 nghìn nữa nhưng cậu im lặng.

Đến đường Hậu Giang, nơi tôi đã đón cậu, cậu móc túi đưa tờ 20 nghìn - là số tiền cước được ấn định ngay từ lúc cậu đặt xe: “Anh thông cảm cho em. Bữa nay ế khách quá (?!). Bữa khác em bù lại cho anh nghe”. Tôi chưng hửng, chưa biết phải nói gì thì cậu đã ngoe nguẩy đi vào con hẻm. Và trong lúc tôi còn đang tần ngần thì một tài xế xe ôm truyền thống ngồi trên chiếc Dream dựng sát gốc cây lên tiếng: “Trả khách rồi thì đi đi cha! Đứng đó chờ gì nữa”. Tôi biết anh ta nghĩ tôi tranh giành thị phần của anh ta.

Kể từ khi xe ôm công nghệ xuất hiện đến nay, đã có một cuộc “chiến tranh ngầm” giữa tài xế công nghệ và tài xế xe ôm truyền thống. Theo anh Thắng, đây là một trong những vấn đề nan giải bởi lẽ đa số xe ôm truyền thống đều là người lớn tuổi, phương tiện cũ, giá cả thì một số tài xế “tùy mặt đặt tên”, trong lúc xe ôm công nghệ đa phần là người trẻ tuổi, năng động, sử dụng xe mới, tiền bạc minh bạch và nếu khách muốn khiếu nại thì cũng có địa chỉ rõ ràng.

Anh Thành khuyên tôi: “Tốt nhất là chỉ nhận khách qua tổng đài, còn lúc về, nếu muốn kiếm thêm thì chọn khách dọc đường chứ đừng ghé bến xe, nhà chờ xe bus, bệnh viện, quán nhậu hoặc chợ. Trường hợp khách gọi mà khi đón, nếu thấy có xe ôm truyền thống cũng muốn bắt khách thì nhường cho họ. Tui đã từng chạy truyền thống nên tui biết, cả ngày chỉ trông nhờ vào mấy cuốc xe...”.

11h khuya, tôi đang định về thì có khách đặt đi từ đường số 7, phường Bình Trị Đông đến cầu Kinh Xáng, huyện Bình Chánh. Tới nơi mới hay đó là quán bia ôm. Người đặt xe có lẽ là một tiếp viên, nhìn qua cách ăn mặc. Chạy chưa được 1km thì cô bắt đầu ói.

Sợ cô ngã, tôi dừng lại để cô ói cho hết bởi lẽ cứ mỗi lần ói, cô lại nghiêng hẳn người sang một bên thì cô phều phào: “Đi đi chú, hổng sao đâu. Bữa nào con cũng say, cũng ói. Ói xong là tỉnh liền hà...”.

Vũ Cao
.
.
.