Tổ ấm cho bầy chim lạc đàn dưới chân Núi Cấm

Thứ Bảy, 05/12/2009, 15:40
Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) - vốn là một khu du lịch nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến hành hương, vui chơi. Thế nhưng, ít ai biết rằng dưới chân quả núi linh thiêng này có câu chuyện đầy cảm động về gia đình có một bà già ngoài 70 tuổi và một người đàn ông hơn 40 tuổi sống chung với 12 đứa trẻ. Tất cả những đứa trẻ này đều được sinh ra từ những cuộc tình ngang trái, bị cha mẹ chúng chối bỏ ngay từ lúc mới lọt lòng.

Số phận của những đứa trẻ này chắc chắn sẽ gặp nhiều bất hạnh, nếu như không có tấm lòng Bồ Tát của ông, bà và nhân dân chòm xóm.

Từ Quốc lộ 91 theo hướng Tri Tôn - Nhà Bàng đến chân Núi Cấm rồi rẽ vào chừng 300 mét là tới nhà anh Nguyễn Tấn Bông (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Thấy khách lạ thập thò ngoài cửa, một cậu bé trạc 10 tuổi ngó ra rồi hét toáng: "Ba Bông ơi, có khách nè". Sau ít phút, một người đàn ông nhỏ nhắn, có khuôn mặt phúc hậu chạy ra mở cổng. Vừa bước vào sân, chúng tôi bị... hoa mắt bởi hàng chục đứa trẻ tầm 8-12 tuổi túa ra, thi nhau khoanh tay: "Con chào chú ạ!". Chúng tôi vừa ngồi vào ghế thì đã có bé nhanh nhảu mang nước ra, rồi đứa thì mân mê máy ghi âm, máy ảnh, sổ tay... đứa thì ôm cổ ba, cười nói ríu rít. Cả căn nhà ngập tràn những âm thanh vui tươi, ngộ nghĩnh như trong tổ ấm của bầy sẻ non.

Nghịch đồ của chúng tôi một lúc, đám trẻ lại ùa ra khi người bà, tóc bạc trắng ẵm một cháu bé chừng vài tháng tuổi bước ra. Chúng vây chung quanh, thi nhau hôn hít em út. Không đợi tôi hỏi, anh Bông kể luôn. Đây là đứa trẻ mồ côi thứ 13 được anh đưa về ngôi nhà này để nuôi nấng, chăm sóc.

Vào một buổi chiều tháng 4/2009, khi anh Bông đang xay bột nấu cháo cho mấy bé thì nhận được một cuộc điện thoại. Phía đầu dây xưng là một bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 121 (TP Cần Thơ). Bà bác sĩ cho biết hiện ở bệnh viện đang sắp có một ca... bỏ con, đề nghị anh chuẩn bị lên mà ẵm về. Sản phụ là sinh viên của một trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ, lỡ mang bầu tới tháng thứ 6 rồi nên không bỏ đi được. Cô này một mình ôm cái bụng to như cái trống vào bệnh viện  đề nghị các bác sĩ... phá thai. Bà bác sĩ  trong một lần đọc báo biết anh Bông thường hay nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi về nuôi nên đã lục tìm số điện thoại gọi cho anh.

Thế là anh Bông vội gọi cho mấy người bà con, nhờ đến nhà chăm sóc lũ trẻ (khi đó đã có 11 đứa) để anh xuống TP Cần Thơ một thời gian. Anh Bông cùng mẹ là bà Võ Thị Ba sấp ngửa xuống bệnh viện được ít ngày thì sản phụ lên bàn mổ.

"Lúc ấy là khoảng 21h, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật và đưa được đứa bé ra. Đến khoảng 24h thì mẹ cháu bé biến đi đâu mất tiêu. Đứa trẻ khóc váng lên thì các bác sĩ mới xô tới, thấy nó nằm tơ hơ giữa đống tã lót" - Bà Ba kể lại.

Lúc lọt lòng, không ai nghĩ là đứa bé sống nổi. Đưa lên bàn cân nó chỉ được 1,3kg, các bác sĩ phải đưa vào lồng ấp để cứu lấy tính mạng cháu bé. Một thời gian sau, cháu bé đã cứng cáp thì mẹ con bà Ba xin phép được đưa cháu về An Giang, đặt tên là Nguyễn Thị Cẩm Đào.

Anh Bông giãi bày: "Nói thật với các anh là với 12 đứa trẻ trong nhà, hai mẹ con tôi phải rất cố gắng mới có thể chăm sóc, nuôi dưỡng chúng bằng như người ta. Thâm tâm, hai mẹ con đều muốn dừng lại ở đây, không dám nhận thêm cháu nào nữa vì lo không đủ sức. Thế nhưng sau cú điện thoại của bà bác sĩ Bệnh viện Quân y, hai mẹ con không ai bảo ai đều tất bật thu xếp công chuyện để xuống đón cháu bé. Bởi vì chỉ nghĩ đến cảnh đứa trẻ sơ sinh mà bị bỏ rơi là tôi không cầm lòng nổi". Dưới bàn tay của hai mẹ con bà Ba, bé Cẩm Đào đến nay đã khá cứng cáp, trông cũng xinh xắn đáng yêu như những đứa trẻ sinh tròn tháng khác.

Tổ ấm dưới chân Núi Cấm.

Đã 8 năm nay, hai mẹ con anh Bông cứ nghe tiếng có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi là lại tất tả đem về nuôi. Tất cả 13 đứa trẻ ở nhà anh Bông đều bị bố mẹ bỏ rơi, chủ yếu là ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Ngôi nhà hiện tại mà hai mẹ con anh và các cháu đang ở là vừa mới được xây dựng cách đây một năm. Trước tháng 11/2008, mười mấy bà cháu vẫn ở tại một căn nhà cheo leo trên núi Cấm.

Anh Bông sinh năm 1953, là bộ đội ở chiến trường Campuchia. Năm 1984, anh giải ngũ về quê và sống với mẹ từ đó tới giờ. Bà Võ Thị Ba năm nay 72 tuổi, từng là "lơ xe" tuyến TP HCM - Cần Thơ. Năm 1993, bà đi viếng chùa, vãn cảnh núi bỗng cảm thấy yêu mến vùng Cấm Sơn một cách lạ thường. Lân la hỏi được mảnh đất, hai mẹ con lên núi Cấm sinh sống luôn từ ấy.

Và chuyện có con nuôi bắt đầu từ một ngày hè năm 2001, khi hai mẹ con anh Bông về Cần Thơ ăn giỗ. Chị Thúy, người em họ anh Bông trong lúc nuôi em dâu sinh tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thấy một phụ nữ trẻ, bụng mang dạ chửa mà không người thân thích. Hỏi nguồn cơn, được biết chị tên N. trót yêu lầm một gã Sở Khanh. Khi biết cô gái mang bầu hơn 4 tháng, hắn đã quất ngựa truy phong, bỏ lại người yêu cùng đứa con trong bụng.

Nhà nghèo lại bị cho là chửa hoang, gia đình bà con lối xóm khinh rẻ, đến ngày sinh nở, chị N. lặng lẽ một mình đến bệnh viện. Dành dụm được gần 3 triệu đồng, nhập viện được mấy hôm thì số tiền trên bị kẻ gian lấy mất. Nhiều lần chị N. tâm sự với chị Thúy rằng, không biết sau khi sinh có nuôi nổi con không, hay sẽ phải bỏ lại nơi này. Chị Thúy kể lại chuyện cho bà Ba hay, hai mẹ con bà Ba động lòng trắc ẩn về Cần Thơ giúp người khốn khó.

Và cậu bé Nguyễn Sơn Ngọc về làm con nuôi của anh Bông, cháu bà Ba từ đấy. Quen tay, quen chân lại muốn cho thằng Ngọc có em, thế là bà Ba nhờ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ nếu có những hoàn cảnh như cháu Ngọc thì cho bà biết. Và khi Ngọc vừa tròn tuổi thì bệnh viện báo tin có một hoàn cảnh éo le khác có khả năng bỏ rơi con. Được biết, người mẹ đứa trẻ ấy còn ở tuổi vị thành niên, cô bị một gã đã có vợ lừa tình rồi mang thai.

Được sự giúp đỡ của bà Ba, cô lên bàn sinh, nhưng đây lại là ca sinh khó. Các bác sĩ chẩn đoán rất có thể phải mổ cứu mẹ, bỏ con. Rất may là sau ca mổ người mẹ vẫn an toàn và tim đứa bé vẫn đập. Nhưng đứa bé lại bị chứng huyết tràn phổi. Được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, 20 ngày sau đứa bé bình phục. Còn người mẹ ruột và bà ngoại đã bỏ đi biệt tăm.--PageBreak--

Thế là bà nội Ba cùng cha Bông có đứa con nuôi thứ hai. Cũng những hoàn cảnh như thế, Nguyễn Sơn Hương, Cẩm Như, Sơn Tự, Sơn Giàu, Sơn Tiên, Sơn Tịnh, Sơn Thành, Sơn Tiền, Sơn Nhã, Sơn Minh lần lượt được đưa lên núi. Giữa chốn đại ngàn của vùng Thiên Cấm Sơn, 12 đứa trẻ đã theo cha Bông và bà nội Ba đầy bất ngờ như thế.

"Nhiều đêm nằm, tôi suy nghĩ mãi, không hiểu sao mình có thể nuôi cùng lúc mười mấy đứa trẻ được thế này. Nhìn chúng trắng trẻo, xinh xắn, tôi không thể tin rằng tất cả đều ra đời từ những mối tình vụng trộm, những vụ lừa tình và từ những cô gái mại dâm..." - anh Bông tâm sự.

Theo lời một bác sĩ ở Bệnh viện Cần Thơ, bất cứ sản phụ nào sau khi đã "gửi" con cho mẹ con anh Bông đều được anh chăm sóc cẩn thận sau khi sinh, đồng thời cho tiền để về quê. Anh Bông cũng không quên ghi lại địa chỉ của mình cho họ, để nếu ai đó sau này thấy hối hận về việc mình đã làm, có thể đến xin lại đứa trẻ. Thật tiếc, từ năm 2001 đến nay chưa một sản phụ nào lên núi Cấm để tìm lại đứa con của mình (!?).

Việc sinh hoạt, chăm sóc hàng chục đứa trẻ lít nhít đối với một người... chưa có kinh nghiệm làm bố như anh Bông quả thật không hề đơn giản. Hàng ngày, anh phải dậy sớm đi chợ chọn những thức ăn tươi ngon về chế biến cho các con.

Vì không có sữa mẹ, anh Bông phải nuôi các con bằng sữa bột. Anh luôn tìm mua loại sữa đắt nhất, tốt nhất. Mấy người bán sữa, bán tã giấy cứ thấy anh là mắt sáng lên, vì họ bán được rất nhiều hàng. Để có tiền mua thức ăn cho lũ trẻ, anh Bông ngoài việc đi gánh thuê mướn còn khai phá 15ha đất vườn rừng. Ban ngày làm việc quần quật, tối về anh lại cùng mẹ xay bột, nấu cháo, thay tã, giặt giũ... như một người mẹ.

"Khổ nhất là những khi tụi nó bị ốm. Cứ một đứa bị là lây cho cả chục đứa. Nhiều đêm hai mẹ con cứ cho đứa này uống thuốc, nựng đứa kia ngủ thế mà vèo cái đã sáng bảnh. Mọi công việc của ngày mới lại bắt đầu, khi mà hai mẹ con chưa ai chợp lấy được một phút".

Và mỗi lần như vậy, anh phải bỏ ngày làm xuống núi chạy vạy thuốc thang. Vậy mà có lần anh đã phải mất đi đứa con. Đó là trường hợp bé Nguyễn Sơn Thành. Vừa mới chào đời, Thành đã mắc phải chứng não úng thủy. Thế là bệnh viện lại điện cho mẹ con bà Ba. Động lòng, bà cùng anh Bông đem Thành về chạy chữa. Từ Bệnh viện Nhi đồng I, Trung tâm Hòa Hảo, chỗ nào Thành cũng được đưa đến. Nhưng sau 33 tháng cưu mang, Sơn Thành đã vĩnh viễn ra đi...

Về với bà Ba, bố Bông, lũ trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng, được đi học như bao đứa trẻ khác.

Lần đầu tiên trong đời anh Bông phải giấu những giọt nước mắt của người cha vào trong sâu thẳm cõi lòng để nuôi 11 đứa con còn lại. Nhưng sau đó chính người cha này đã thêm một lần nuốt lệ... Khi chuyện hai mẹ con anh nhận nuôi nấng, chăm sóc hàng chục đứa trẻ mồ côi được biết đến rộng rãi, một số kẻ xấu bụng phao tin đồn: Nào là nuôi trẻ để bán cho người nước ngoài, hoặc tổ chức cho đi ăn xin... Khi ấy, anh Bông đã có lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của mấy đứa nhỏ, rồi tâm nguyện của mẹ già, anh lại thấy mình có trách nhiệm nên cắn răng chịu đựng.

Thường thường, một vợ một chồng khi có con thường phải cầu viện hai bên nội ngoại giúp đỡ, hoặc phải thuê người giúp, đằng này chỉ có hai mẹ con anh Bông ngày ngày lầm lụi với một đàn con. Tuy khó khăn, vất vả song hai mẹ con anh lại có niềm vui vô bờ. Đó là những lúc bé Sơn Ngọc khoe được phiếu bé ngoan, các bé Sơn Hương, Sơn Tịnh, Sơn Giàu bi bô tập đọc.

Suốt 5-6 năm, hai mẹ con cứ âm thầm nuôi nấng lũ trẻ mà dường như không ai ở xã biết. Cho tới khi một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thì mẹ con anh Bông mới được mọi người quan tâm hơn. Ngôi nhà hiện tại là do một Việt kiều chu cấp. Dọn về nhà mới được một năm, song anh Bông vẫn luôn lưu luyến ngôi nhà cũ. Anh bảo, ở trên ấy khí hậu mát mẻ, trong lành tốt cho cả mẹ con anh và lũ trẻ.

Tới tuổi các cháu phải được đến trường nếu không cho các cháu đi thì thiệt thòi lắm. Các cháu không cha mẹ đã là một sự thiệt thòi, nếu bị thất học nữa thì... Nghĩ vậy, anh Bông đành tạm biệt tổ ấm nơi đỉnh Thiên Cấm Sơn để hạ sơn xuống ngôi nhà mới. Tuy ngôi nhà khá rộng rãi, song nằm sát mặt đường nên rất ồn ào. Hơn nữa, thời tiết ở đây quanh năm nắng nóng, trẻ càng dễ bị bệnh.

Bà Ba năm nay cũng tuổi cao sức yếu. Tháng trước bà đã phải nhập viện vì lao lực. Các bác sĩ bắt bà phải nằm viện vài tháng để phục hồi sức khỏe, song được một tuần thì bà đã trốn viện về với lũ trẻ. Bà bảo: "Tôi sẽ dành chút hơi sức cuối cùng để lo cho chúng, những thiên thần của tôi".

Được biết, mỗi tháng mỗi cháu được trợ cấp xã hội một khoản là 240 ngàn đồng, liệu có đủ mua thức ăn, chưa nói đến đồ dùng học tập, dụng cụ sinh hoạt cho các cháu? Thêm nữa, cứ dăm ba tháng lại có một cháu bé gia nhập vào đại gia đình của anh Bông. Như vậy phải chăng cuộc sống vẫn còn nhiều cuộc tình ngang trái, hay là vẫn có quá nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin?

Minh Tiến
.
.
.