Nặng tình con chữ ở Hồng Ca
"Giấy chứng nhận biết chữ"
Trại giam Hồng Ca những ngày cuối năm giá rét. 7 giờ sáng, khi trời còn chưa sáng rõ, sương vẫn mờ mịt một vùng đồi núi thì Trung tâm chỉ huy Trại đã vào giờ làm việc. Cách đó không xa, sau cánh cửa trại giam, các đội phạm nhân của Phân trại 1 đã vào giờ lao động cải tạo. Trong khu nhà sinh hoạt cộng đồng nép mình dưới gốc đa cổ thụ xoè tán rộng, giờ học của lớp xóa mù chữ cho phạm nhân cũng đã bắt đầu.
Đại úy Lê Quyết Thắng - cán bộ Đội Giáo dục đang giảng bài trong lớp học xóa mù chữ ở Trại giam Hồng Ca |
Thiếu tá Đặng Đức Long, Phó đội trưởng Đội Tham mưu Trại giam Hồng Ca nói với chúng tôi rằng, trong số các phạm nhân đang chấp hành án ở Trại thì có đến 70% là người dân tộc thiểu số, rất nhiều phạm nhân chưa biết chữ. Bởi vậy, việc dạy học xóa mù chữ được duy trì đều đặn nhiều năm qua, là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân.
Đầu giờ học, cũng điểm danh đầu giờ, truy bài, báo cáo sĩ số với thầy giáo chủ nhiệm, rất trật tự và nền nếp. Đại úy Lê Quyết Thắng - cán bộ Đội Giáo dục của Phân trại 1 là thầy giáo phụ trách lớp học đặc biệt này. Đặc biệt bởi 40 học sinh là người các dân tộc Mông, Dao, La Hủ, Tày,… ngồi chung một lớp, trong đó có những mái đầu còn xanh và rất nhiều mái đầu đã điểm bạc. Lớp học đang giờ học toán theo chương trình lớp 2. Dòng chữ nắn nót rất đẹp của thầy Thắng ghi ngày tháng năm, tiết luyện tập toán và những phép toán cộng trừ. Cả lớp ai cũng đang cặm cụi làm tính trên chiếc bảng con. Những bàn tay chai sạn, gân guốc, có cả những bàn tay xăm trổ đang cố gắng cầm viên phấn cần mẫn viết.
Nhịp điệu giờ học chậm rãi, bởi với những học sinh đặc biệt này thì không thể dạy nhanh mà phải giảng đi giảng lại thì "cái chữ mới nằm trong đầu". Một đoạn văn ngắn chỉ vài câu nhưng có khi phải học cả buổi, đánh vần từng chữ, đọc từng câu. Những phép toán trong phạm vi 10, tưởng đơn giản nhưng phải qua nhiều buổi học, học sinh mới hiểu thông qua những dụng cụ dạy học trực quan nhất.
Để tổ chức và duy trì được lớp học này không phải là điều dễ dàng. Các cán bộ quản giáo và cán bộ giáo dục phải rà soát những phạm nhân chưa biết chữ rồi thuyết phục, động viên họ đến lớp. Phạm nhân đến lớp rồi, nhưng để họ "bám lớp" lại khó hơn. Thầy giáo Thắng vừa giảng bài vừa kể chuyện, vừa nghiêm khắc vừa đùa vui, kết hợp động viên, khuyến khích học sinh khiến giờ học trở nên nhẹ nhàng và cuốn hút. Không đơn giản là câu văn, bài toán mà lồng ghép bài học rất đời thường để những người lầm lỗi biết ăn năn hối hận và có ý thức sửa sai. Nhiều người sống khép mình khi đến lớp học cũng dần dần hòa đồng, tự tin hơn, chấp hành nội quy của Trại tốt hơn.
Bằng giọng nói lơ lớ tiếng phổ thông, phạm nhân Vừ Seo Cẩu (quê ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nói với tôi rằng, ngày nào anh cũng chăm chỉ lao động cải tạo để được đến lớp học, được gặp thầy giáo và "các bạn" ở lớp, được cười vui và biết thêm nhiều "cái số, cái chữ". Học sinh sau khi hoàn thành chương trình học sẽ thi khảo sát, nếu đạt sẽ được cấp "Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn biết chữ" do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Trấn Yên cấp. Ngày càng nhiều phạm nhân biết chữ nên ở phòng đọc sách ngay cạnh lớp học, những cuốn sách cũ dần, trang sách quăn mép vì được nhiều người đọc truyền tay. Thỉnh thoảng có chữ khó, người này hỏi người kia, rồi hỏi thầy giáo.
Thầy trò lại ngồi tụm lại, thầy giải thích quy tắc ghép vần, hướng dẫn cách đọc, giải nghĩa từ… Từ ngày biết chữ, ở bất cứ đâu họ cũng viết, không chỉ có bảng - phấn mà có khi là que củi viết trên nền đất trong giờ giải lao khi đi lao động cải tạo.
Với nhiều phạm nhân ở đây, tờ giấy chứng nhận biết chữ là niềm ước ao, là động lực để họ đến lớp mỗi ngày. Để sau này ra trại về với gia đình, họ đã là những người biết chữ - đó là sự thay đổi lớn lao. Cứ mỗi phạm nhân mãn hạn tù, cán bộ quản giáo lại dặn dò kĩ, rằng về địa phương phải chăm đọc chữ, làm tính, đừng để tái mù chữ. Biết chữ rồi thì dạy cho vợ, cho con, cho cháu, để luôn làm điều tốt, tránh xa điều xấu…
Những cánh thư tay
Cuối buổi học, phạm nhân Hờ Chầu Của (40 tuổi, người dân tộc Mông) mang giấy chứng nhận biết chữ khoe với tôi. Trên giấy đề rõ họ tên học sinh, năm sinh, quê quán và nội dung "Đã đạt tiêu chuẩn biết chữ lớp 3 trong kì thi kiểm tra xóa mù chữ tại Hội đồng kiểm tra Trại giam Hồng Ca". Từ khi nhận được giấy chứng nhận, phạm nhân Của vui lắm.
"Lúc đầu vào trại, tôi nghe tiếng phổ thông còn khó khăn, nói gì đến đọc và viết. Đi học cái chữ thấy rất hay, khi đã biết đọc, biết viết thì nói cũng tốt hơn. Giờ cán bộ nói gì tôi đều hiểu. Hiểu quy định, nội quy của trại; hiểu chính sách giảm án phạt tù, tha tù trước thời hạn. Vì thế tôi phải cố gắng cải tạo cho tốt" - phạm nhân Của hào hứng nói.
Từ ngày biết chữ, tháng nào phạm nhân Của cũng đều đặn viết 2 lá thư gửi về nhà ở xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Thư tuy chưa dài, viết còn chậm, nhưng Của nắn nót từng con chữ. Con gái Của thường thay mẹ và 4 em nhỏ viết thư cho bố. Lần đầu tiên nhận được thư của con, đọc được điều con viết, hiểu được điều vợ gửi gắm, động viên, Của ra ngồi dưới gốc cây đa gần lớp học, vừa đọc vừa khóc nức nở. Có lẽ giây phút đó, Của nhận ra những giờ học chữ đã mang lại ý nghĩa lớn lao, con chữ đã chuyên chở cả thông tin và tình cảm của gia đình đến với Của, khiến phạm nhân này có động lực cải tạo tốt hơn, mức án 15 năm 6 tháng sẽ ngắn lại để anh sớm về với vợ con.
Ở Trại Hồng Ca có rất nhiều hòm thư đặt ở các khu phạm nhân. Đến phòng làm việc của Đại úy Thắng, cũng lại thấy anh đang tập hợp thư của phạm nhân để gửi ra bưu điện. Có lẽ đã lâu lắm tôi mới lại thấy cả chồng thư viết tay, bì thư được người viết tự trang trí rất đẹp, thậm chí trích cả thơ đầy tình cảm. Bên cạnh đó là chồng thư vừa gửi đến sắp được chuyển cho phạm nhân.
Cô trò Trường Mầm non Họa My - Trại giam Hồng Ca trong giờ học hát |
Bởi đa phần phạm nhân ở Trại giam Hồng Ca là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên những lần được thăm gặp người nhà rất ít ỏi. Để "gặp" được người thân, ngoài những cuộc điện thoại ngắn ngủi theo quy định, họ chỉ còn cách học chữ để tự tay viết thư và nhận thư của gia đình. Có lẽ, chỉ qua những lá thư, họ mới có thể gửi gắm nhiều tâm sự, suy nghĩ thật của mình. Những lá thư không chỉ trở thành kênh liên lạc chủ yếu với người thân mà còn là "tài sản" quý giá mà họ nâng niu, cất giữ.
Bi bô con trẻ
Ở phía bên ngoài cánh cổng trại giam, cách lớp học xoá mù chữ chừng một cây số là Trường Mầm non Họa My thuộc Trại giam Hồng Ca. Ngay đầu cổng trường là bảng nội quy rất chi tiết có kí tên vị "hiệu trưởng" của trường: Thượng tá Nông Nghiệp Tiến - Phó Giám thị Trại giam Hồng Ca. Trong khuôn viên khang trang ấy là một thế giới khác hẳn. Sân chơi với rất nhiều đồ chơi vận động, nhiều cây hoa, băng rôn, khẩu hiệu, ảnh trưng bày sinh động, đẹp mắt.
Cô giáo Lương Thị Phương Lan - Hiệu phó nhà trường dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trường. Cô cho biết Trường được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, là môi trường học tập của con em cán bộ trong Trại, ngoài ra có cả con em của người dân địa phương. Tháng 6-2014, nhóm trẻ Họa My được thành lập, đến năm 2017 trở thành Trường Mầm non Họa My. Nhịp làm việc của nhà trường trùng khít với lịch làm việc đặc thù của Trại, bao lâu nay đã thành quen. Ngày nào cũng vậy, cán bộ chiến sĩ của Trại phải gửi con sớm để kịp giờ làm, nên chưa đến 7 giờ sáng cô trò gặp nhau. Chiều muộn lúc 17 giờ 30 phút, con mới chào cô ra về.
Tôi đi thăm tất cả các lớp, lớp học múa, lớp học hát, lớp 5 tuổi đang học chữ cái. Những ánh mắt trong trẻo, những nụ cười ngây thơ của tụi trẻ khiến tôi bất giác nghĩ tới lớp học xóa mù chữ trong trại giam. Hai lớp học ấy là sự khác biệt của hai thế giới "ngoài này" và "trong kia" nhưng lại như có một mối liên hệ vô hình. Một lớp hướng đến tương lai, một lớp sửa chữa lỗi lầm từ quá khứ. Một lớp dạy dỗ con của cán bộ chiến sĩ của Trại, để họ chuyên tâm với công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, kiên trì đem con chữ cảm hóa những mảnh đời lầm lỡ…