Australia nhìn gần:

Lừa đảo nhà và khuôn mặt máu ở Sydney

Thứ Sáu, 25/11/2011, 10:10
Văn minh, thanh bình, yên ả, đa dạng về sắc tộc, nền kinh tế thuộc hạng đứng đầu thế giới, nền giáo dục cũng nổi tiếng không kém, Australia bấy lâu nay vẫn là đích đến của cả 4 châu lục còn lại. Nhưng mảnh đất nhiều khi được coi là "thiên đường" ấy có hẳn chỉ toàn màu hồng? 20 tháng là quãng thời gian không đủ dài nhưng cũng không quá ngắn để một người Việt là phóng viên ANTG đi trọn nước Úc, khám phá ra những điều có khi còn ít người để ý. Có lẽ, nó sẽ có ích cho du học sinh và những người lần đầu đặt chân đến xứ sở của những con chuột túi.

1. Ngay sau khi nhận được thư mời của trường và visa học tập, công việc đầu tiên của tôi là lên mạng tìm thuê một căn phòng tại Sydney. Cái tâm thế người Việt là cứ phải "an cư rồi mới lạc nghiệp" đeo đẳng khiến tôi tìm cách dò hỏi đủ mọi đường là làm sao tự thuê được một căn phòng ưng ý (gần trường để đỡ tiền đi lại, không quá cũ nát, tránh xa những khu an ninh  kém…)  với giá vừa phải tại cái thành phố đắt đỏ mà giá nhà quy ra tiền Việt trung bình cứ phải cỡ từ 13-16 triệu/tháng.

Phải thú thực là tôi không hề nhận được bất kỳ hướng dẫn cụ thể từ ngôi trường sắp sang học về những chuyện cụ thể như thế này (chỉ đến khi sang đến nơi thì trường mới cung cấp cho sinh viên mới một gói thông tin đầy đủ về việc thuê nhà ra sao, chống lừa đảo trong việc thuê nhà như thế nào, làm sao để hạn chế thấp nhất những rủi ro phát sinh khi thuê nhà… nhưng nhiều khi sẽ là quá muộn trước những trò lừa đảo bài bản có thể đến sớm hơn sẽ được kể lại dưới đây). Cơ hội duy nhất chỉ còn cách lên mạng! Hàng chục trang web về thuê nhà tại Úc sẽ giúp bạn gửi yêu cầu lên để chủ nhà liên lạc với bạn, hoặc vào từng tin cho thuê nhà để cân nhắc lựa chọn. Và một cái bẫy đã được giăng ra.

Một email từ địa chỉ lifeandme004@yahoo.com trả lời yêu cầu thông tin cụ thể về căn phòng đang rao cho thuê, xưng danh là Christina Macquillan, giới thiệu chi tiết "căn hộ có 3 phòng, một phòng chủ nhà đang sử dụng, một phòng cho thuê và phòng còn lại là phòng khách. Giá thuê mỗi tháng là 600 đô Úc, tiền đặt cọc là 1.000 đô.

Căn hộ có địa chỉ tại 67 Wenworth Ave, Sydney. 5 phút đi bộ tới nhà ga trung tâm. 5 phút đi bộ tới khu China Town. 10 phút đi bộ tới Darling Habour. 10 phút đi bộ tới khu mua sắm trung tâm của Sydney. 20 phút đi bộ tới Nhà hát Con sò". Chi tiết các phòng trong nhà cũng được chụp ảnh cẩn thận và gửi qua email. Nhìn chi tiết căn hộ qua ảnh, tôi đã bị chinh phục hoàn toàn, thầm nhủ mình đã gặp may mắn.

Đính kèm những thông tin hấp dẫn trên là một email hướng dẫn thủ tục tiến hành ký hợp đồng, trong đó chủ nhà yêu cầu "gửi tiền đặt cọc và tiền thuê nhà trước 1 tháng thông qua dịch vụ chuyển tiền của Western Union cho mẹ tôi hiện đang sống tại London". Chủ nhà cũng yêu cầu tôi gửi thông tin về số hộ chiếu, ngày chuyển đến và đi, địa chỉ hiện tại ở Việt Nam để ký và gửi hợp đồng tới khi nhận được tiền mặt. Chủ nhà cũng sẵn lòng cung cấp thông tin cá nhân bản thân nếu tôi yêu cầu, nhưng điểm mấu chốt vẫn là ở chỗ khi tôi đã hoàn thành việc chuyển tiền.

Khi xem xét kỹ những bức ảnh được gửi tới, bản năng mách bảo tôi chúng có vấn đề khi kích cỡ và dung lượng các bức ảnh không đồng đều, màu sắc các bức tường trong căn nhà cũng có khác biệt… chứng tỏ chúng không được chụp hoặc chỉnh sửa cùng một lúc. Tìm kiếm thêm thông tin trên báo chí của Úc về lừa đảo thuê nhà, tôi nhận được một cảnh báo mang tính nguyên tắc là tuyệt đối không được thanh toán tiền thuê nhà qua dịch vụ Western Union. Thêm vào đó, các diễn đàn mạng tại Úc cũng đưa lên các phương pháp nhận diện "Scams" (lừa đảo) thuê nhà, bao gồm các đặc trưng sau: giá hời; địa chỉ thanh toán ở Nigeria, Anh hoặc Mỹ; chủ nhà hiện đang đi vắng; thanh toán qua Western Union thay vì tài khoản ngân hàng cụ thể….

Thử nắn gân nhân vật có tên là Christina Macquillan, tôi gửi một email thông báo rằng thuận tiện nhất là tôi sẽ nhờ một người đại diện tại Sydney sẵn lòng đến tận nơi để xem nhà, ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp. Bức thư trả lời cho tôi biết chủ nhà đang đi công tác ở Perth trong 3 tuần nên không thể bố trí cuộc hẹn. Chủ nhà cũng dành hàng trăm chữ để thanh minh lý do tại sao lại phải quy định như vậy bởi đã từng bị lừa như thế nào, đã từng mất công từ xa về mở cửa rồi vô ích như thế nào, đã từng bị chậm trả tiền nhà bởi những người không có năng lực tài chính như thế nào…

Chắc đến 80% rằng đây là một vụ lừa đảo, tôi tiếp tục dấn thêm để lấy tư liệu cho những bài điều tra sau này bằng cách yêu cầu Christina gửi thông tin chi tiết địa chỉ của người được cho là mẹ cô ở London, hợp đồng thuê nhà dự kiến để xem qua, đồng thời thông báo sẽ chờ cô ta để ký hợp đồng trực tiếp vì 3 tuần nữa tôi đã có mặt tại Sydney. Một email chỉ vẻn vẹn có 3 dòng gửi lại. Và từ đó, Christina Macquillan dường như biến mất, hoàn toàn không trả lời những email của tôi nữa. Những nỗ lực tìm kiếm thông tin về địa chỉ email lifeandme004@yahoo.com không có bất kỳ dấu tích nào.

Thử mở rộng khả năng tìm kiếm sang các địa chỉ email có thể liên quan như lifeandme001 cho tới 009, hóa ra địa chỉ lifeandme001@yahoo.com đã có trong danh sách thông báo lừa đảo tại trang cho thuê nhà www.craiglist.com và www.expatriates.com khi thực hiện lừa đảo cho thuê căn hộ tại Paris dưới cái tên Ann Clare Collings. Trong đó nhân vật này còn thực hiện nghiệp vụ lừa đảo cao tay hơn so với khi định lừa tôi nhiều, khi cung cấp cả những giấy tờ sau cho người thuê: hộ chiếu ăn cắp, hóa đơn tiền gas, hợp đồng thuê nhà chi tiết và hàng loạt giấy tờ giả mạo khác… Địa chỉ email lifeandme003@yahoo.com cũng được liệt kê trong danh sách lừa đảo của trang www.eu-rentals.com.

Chỉ một điều nhỏ nhặt như thuê nhà, chỉ một bài học cảnh giác  nhỏ mà đã ngốn của cá nhân tôi tới 5 ngày. Trong khi đó, nếu nhận được một cuốn sách hướng dẫn nho nhỏ của trường tới học gửi trước cho tân sinh viên, hoặc qua các trung tâm du học gửi cho các bạn du học sinh đi học qua giới thiệu từ trung tâm đó, nhiều người sẽ tránh được những rủi ro không đáng có. Tiếc là dường như cho đến giờ, nhiều ngôi trường danh tiếng cũng như trung tâm uy tín đang sốt sắng quảng bá cho một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới vẫn còn bỏ ngỏ những điều cần thiết như vậy.

Hình ảnh và địa chỉ email được sử dụng để lừa đảo PV ANTG.

2. Ngay trong tháng đầu tiên sống tại nước Úc, một vụ tấn công vào người châu Á diễn ra ngay trước mắt và ngay tại đường phố đông đúc  ở khu phố trung tâm thương mại Sydney đã dội cho tôi một gáo nước lạnh.

Đang lang thang trên ngã tư Pitt Street (một trong những cái nôi của khách du lịch bụi tại Sydney với hàng loạt khách sạn và nhà nghỉ giá rẻ) cắt Hay Street, những tiếng kêu náo loạn bất thường vang lên. Ngay ngã tư, một đôi nam nữ tóc vàng to béo, đeo đủ thứ khuyên trên người, quần áo bẩn thỉu, đang ra sức đấm đá túi bụi một thanh niên châu Á. Người thanh niên châu Á không dám phản kháng, chỉ ôm mặt chịu đòn, tay chìa ra một tấm thẻ, luôn miệng kêu "Tôi là nhân viên bảo vệ! Tôi là nhân viên bảo vệ!". Người phụ nữ to béo ăn mặc bẩn thỉu thì vừa gào thét chửi bới, vừa túm tóc, vừa ra sức giật chiếc túi thanh niên châu Á đang ôm trong bụng.

Nhiều người đi đường thấy cảnh bất bình chỉ đứng nhìn, chỉ có tôi, một thanh niên châu Á nữa và một phụ nữ cao tuổi người Úc là nhảy vào lôi đôi nam nữ kia ra. Ả phụ nữ to béo lại tiếp tục quay ra định tấn công người thanh niên châu Á đứng ra can thiệp. Nhưng ả đụng phải thứ rắn! Anh này vừa chửi lại đúng bằng thứ tiếng lóng địa phương, vừa đỡ những cú đánh rất có nghề (ở Úc rất hiếm khi nam giới được tự vệ bằng cách đánh lại phụ nữ nếu không muốn gặp rắc rối vô cùng về mặt pháp lý). Thấy người can thiệp nhấc máy gọi điện thoại cho cảnh sát, đôi nam nữ Bogan kia hậm hực bỏ đi (Bogan là một thuật ngữ tiếng lóng mang tính miệt thị tại Úc, chỉ những người thuộc tầng lớp nghèo, ít ăn học, ăn mặc bẩn thỉu và thường là hành xử một cách thô lỗ, hay tụ tập uống rượu bia tại những nơi công cộng).

Người thanh niên châu Á bị tấn công vừa lau vết máu trên mặt vừa kể lại, thoạt đầu đôi nam nữ ấy đến gần xin tiền. Khi anh này không cho thì họ bắt đầu chửi. Anh bỏ đi thì họ đi theo và bất ngờ xông vào tấn công để cướp tiền, miệng la hét như thể đang đánh lộn để mọi người không nghi ngờ. Chúng tôi đứng cạnh anh này cho đến khi cảnh sát và xe cứu thương đến nơi, đề phòng đôi nam nữ Bogan kia quay trở lại.

Càng sống lâu ở Sydney, những cảnh tượng người gốc châu Á thi thoảng bị tấn công, bị kỳ thị, bị "xin đểu" càng hiện ra nhiều hơn. Những cảnh tượng này không chỉ xảy ra nhiều ở khu phía tây Sydney (khu tập trung nhiều người nhập cư, người nghèo, các băng đảng gốc Á và Tây Á… mà dân cư bang New South Wales dùng hẳn một thuật ngữ lóng cũng mang tính phân biệt là "Westie" để chỉ những người dân vùng này) mà còn ở các nhà ga, trên tàu điện, tại bến xe buýt, các góc phố khuất ở ngay khu trung tâm Sydney.

Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh "xin đểu" ngay tại bến xe buýt ở nhà ga trung tâm Sydney (Central Station). Lúc đó là hơn 10 giờ tối, khi những người đi làm muộn nhất và các sinh viên tự học ca tối tại thư viện đứng chờ xe về nhà. Một Bogan nồng nặc mùi rượu đi tới từng người xin tiền. Khi ai đó nói không có, hắn thò tay vào túi lục tiền ngay. Từng người từng người một mà không có ai dám phản kháng. Người nào hắn lục túi thấy có tiền buộc phải rút ra đưa mấy đồng. May cho tôi là trong đợt xuống Melbourne chơi đã kịp giao du với một dân giang hồ và dân Bogan sở tại, được "truyền nghề" cho một vài câu chửi bằng tiếng lóng đặc trưng của dân giang hồ Úc. Khi gã Bogan chìa bàn tay ra trước mặt tôi và cô bạn đi cùng đang dúm người vì sợ hãi, một vài câu của người "trong nghề" bật ra. Gã sững lại một chút, bỏ qua chúng tôi, rồi tiếp tục đi nắn túi người kế bên.

Phải thực lòng mà nói, tuy Australia là một trong những quốc gia thanh bình và duy trì được sự đa dạng sắc tộc bậc nhất trên thế giới, nhưng không phải là không còn khoảng cách và sự phân biệt đối xử giữa các chủng tộc, giữa "đầu trắng" và "đầu đen" (người gốc Anglo-Saxons và người các sắc dân châu Á), giữa "ABC" (Australian Born Chinese - người Trung Quốc sinh ở Úc, ám chỉ cư dân thế hệ 2 của những người nhập cư và đã có quốc tịch Úc) và "FOB" (Fresh On Board- người vừa mới đến Úc để học tập hoặc làm việc)…

Vụ tấn công một thanh niên người Ấn Độ đến chết trên đường phố West Footscray tại Melbourne và nghi án một người Ấn Độ khác bị thiêu cháy hồi đầu năm 2010… đã bùng lên làn sóng quan ngại và phẫn nộ đã ấp ủ trong cộng đồng người Ấn Độ nói riêng và người Châu Á nói chung. Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra tại 2 thành phố lớn nhất nước Úc là Sydney và Melbourne phản đối tình trạng phân biệt đối xử và yêu cầu chính quyền các bang phải bảo vệ sinh viên và người gốc Ấn Độ. Nims, một sinh viên người Ấn Độ học cùng trường đã không ít lần rủ tôi tham dự các cuộc biểu tình trên, thậm chí họ còn gửi thư mời các Bộ trưởng Ấn Độ sang thăm Úc trong thời điểm đó cùng xuống đường tham gia.

Những câu chuyện về sự phân biệt đối xử tại Úc đối với các sắc dân châu Á không chỉ đơn thuần giới hạn ở các hành vi bạo lực đáng lên án, mà nó còn trong cả cách hành xử, ngôn từ, cách phục vụ của các cư dân địa phương trải rộng khắp nơi trên nước Úc rộng lớn. Tôi đã nếm trải  qua cảm giác rất thực ấy khi uống café tại một quán ven biển tuyệt đẹp tại khu nghỉ dưỡng biển Bicheno ở Tasmania, khi lấy phòng nghỉ tại "thành phố khởi đầu của hoang mạc Úc" Broken Hill ở New South Wales, khi cố gắng ngăn cản đám Bogan nhỏ tuổi lấy chai ném vào những người châu Á đi làm vào sáng sớm ngay tại ga Flinders trong những đêm vạ vật thâm nhập ở Melbourne, khi lang thang ở "trái tim của thổ dân Úc" tại đỉnh núi thiêng ở Alice Springs, khi đi mua những con cua bùn nổi tiếng tại thành phố biển Darwin ở Northern Territory…

Việt Đông
.
.
.