Kể chuyện… đặc xá xưa và nay

Thứ Năm, 29/08/2013, 19:30

Chỉ còn không đầy 2 tuần nữa là đến dịp đặc xá 2-9. Theo Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, đặc xá thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, là cơ hội để những người lầm lỡ sau một thời gian thụ án đã biết cải tà quy chính và bừng cháy khát vọng hoàn lương được ra tù trước thời hạn, thỏa mong ước đoàn tụ với gia đình, hòa nhập xã hội và sống có ích. Theo quy định của Luật Đặc xá, phạm nhân để được có tên trong danh sách đặc xá và được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá, phải là những người cải tạo tốt và thỏa mãn những tiêu chí nhất định.

Nhân dịp đặc xá sắp tới này, chúng tôi trở ngược về quá khứ tìm hiểu việc "phóng thích" tù nhân của triều vua xưa gần 2 thế kỷ trước để rồi ghi nhận nhiều câu chuyện, những nét tương đồng lẫn khác biệt giữa xưa và nay…

1. Chúng tôi gặp Thiếu tướng Hồ Thanh Đình tại Trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh  Bình Dương) khi ông đến nơi này kiểm tra tình hình lập hồ sơ đặc xá. Là nơi đang "an cư" của hơn 4.000 phạm nhân mắc đủ trọng tội buôn người, buôn ma túy, giết người, cướp tài sản,  hiếp dâm…, năm nay An Phước có 520 phạm nhân đủ điều kiện xem xét đặc xá, trong đó có 3 phạm nhân đủ tiêu chuẩn xét đặc xá nhưng viết đơn xin không đề nghị đặc xá vì sắp được mãn hạn tù.

Dưới góc nhìn của mình, Thiếu tướng Hồ Thanh Đình cho rằng 3 phạm nhân có đơn đề nghị không xét đặc xá ấy chẳng phải để "nhượng suất" cho bạn tù mà vì họ chưa tự tin vào con đường hoàn lương của mình: "Phạm nhân phải thỏa những điều kiện nhất định mới được xét đặc xá, hoàn toàn không có chuyện xin cho hay nhượng suất gì cả" - Thiếu tướng Hồ Thanh Đình khẳng định như thế và cho rằng 3 phạm nhân kia đã không đủ bản lĩnh, rằng họ khước từ quyền lợi nhằm "để dành" phòng khi hữu sự, bởi họ biết rất rõ mỗi người chỉ được đặc xá một lần, nếu "sử dụng" quyền này, họ sợ ở lần tái phạm sau sẽ mất cơ hội.

Trên cơ sở nhìn nhận ấy, Thiếu tướng Hồ Thanh Đình trăn trở rằng khi mãn án, nhiều khả năng 3 phạm nhân khước từ quyền lợi được đặc xá kia sẽ lại… gây án, bởi trong họ không có quyết tâm, không có niềm tin vào con đường tu tâm dưỡng tính của chính mình.

Theo quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013, đối tượng được xét đặc xá là người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam hay trại tạm giam do  Bộ Công an cùng Bộ Quốc phòng quản lý. Điều kiện để được đề nghị đặc xá là chấp hành tốt nội quy trại giam, chấp hành án phạt tù ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn và ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn…

Theo Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, nét mới của việc xét đặc xá năm 2013 này là nếu phạm nhân lập được công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù như cứu người,  cứu tài sản của Nhà nước, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn… có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên; hoặc nếu là con đẻ, con nuôi của Bà mẹ Việt Nam anh hùng… là những yếu tố để được xem xét đề nghị đặc xá.

Chúng tôi hỏi Thiếu tướng Hồ Thanh Đình những trường hợp không được xét đặc xá, ông cho biết quyết định của Chủ tịch nước nêu rõ đó là những người có căn cứ để khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma túy (người nghiện), người phạm tội về ma túy bị phạt tù đến 7 năm mà thời gian chấp hành còn lại trên 1 năm hay phạm các tội về ma túy bị phạt tù trên 7-15 năm mà thời hạn chấp hành còn trên 2 năm...: "Không xét đặc xá cho người đồng thời phạm 2 tội như giết người và cướp tài sản, giết người và hiếp dâm, giết người và hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em, giết người có tổ chức, hiếp dâm có tính loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí, cướp tài sản và trộm cắp có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…" - Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, khẳng định.

Theo quy định tại điều 3 Nghị định 76/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá, Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định về đặc xá nhân dịp đất nước có sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội có ý nghĩa lớn về đối nội, đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước; vào ngày lễ Quốc khánh 2-9 hoặc các ngày lễ khác gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, xét thấy cần thiết.

Thực tế cho thấy công tác đặc xá ở Việt Nam thường được triển khai nhân dịp Quốc khánh 2-9 (có năm đặc xá vào dịp 30-4 hay tết Nguyên đán), đối tượng phạm các trọng tội cướp - hiếp - giết hay nghiện ma túy được xét duyệt rất kỹ và với những trường hợp gây trọng án, cơ hội để được lọt vào danh sách được tha tù trước thời hạn chỉ là con số không.

Ấy là chuyện đặc xá ở thời nay. Hơn trăm năm trước, sự thể có gì khác?

Phóng viên Chuyên đề ANTG trao đổi với Thiếu tướng Hồ Thanh Đình về công tác đặc xá tại Trại giam An Phước.

2. "Các tội phạm vào thập ác, giết người, lấy trộm tiền của, đồ vật công, cùng các tội ăn cướp, trộm cắp, đốt nhà, đào mả, tham tang, cong vẹo pháp luật, giả dối, phạm tội thông gian, cướp lấy nhân khẩu của người khác, bắt người đem bán, dụ dỗ đàn bà - con gái và trẻ con người ta, chủ mưu sai kẻ khác giết người, cố ý tha, buộc tội người ta, biết người ấy có tội mà dung túng, ẩn giấu không đưa ra, kêu việc đút tiền… gặp được ân xá đều không được tha".  

Trên đây là trích đoạn trong Bộ Hình của triều Nguyễn giai đoạn Vua Gia Long lập quốc. Tội thập ác được nhắc đến ở đây gồm các tội mưu phản, tội mưu đại nghịch (phá hủy lăng tẩm, cung miếu của nhà vua), tội mưu bạn (phản nước), tội ác nghịch (đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ của mình hoặc chồng (vợ), tội bất đạo (giết 3 người trong một nhà), tội đại bất kính (ăn trộm đồ dùng của vua hoặc nơi đại tự), tội bất hiếu, tội bất mục (mưu giết và bán người họ hàng), tội bất nghĩa (giết quan viên, giết thầy dạy học, lấy chồng khác khi có tang chồng…) và tội nổi loạn (gian dâm với đàn bà con gái trong họ và thông dâm với nàng hầu của cha).

Theo qui định lúc bấy giờ của thiên tử, tù phạm mắc hết thảy các tội trên - những tội mà họ chủ tâm, cố ý làm đều không được tha khi gặp được ân xá. Những người vì lỡ lầm mà gây nên tội thì sẽ được tha tội khi có dịp ân xá. Với những trường hợp không nằm trong danh sách ân xá (nay là đặc xá) thì chỉ khi có xá thư của vua mới được tha tội hoặc giảm tội…

Thời Nguyễn, việc ân xá thường được diễn ra nhân dịp vua lên ngôi. Sử triều Nguyễn chép, Gia Long năm thứ 1 (1802), vua có Chiếu ban ơn rằng: Phàm các tù phải đồ (tội đồ, bắt làm nô lệ cho biết nhục với mức phạt thấp nhất là đồ 1 năm đánh 60 trượng, cao nhất đồ 3 năm phạt đánh 100 trượng - PV) mới hay cũ, không kể là đã hay chưa xử tội, đều khoan tha cho tất cả. Duy có những tội giết người và kẻ cầm đầu bọn ăn cướp thì không được dự vào lệ ân xá  này".

Năm 1820, ngay khi lên ngôi báu tiếp nối từ di chiếu của vua cha là Hoàng đế Gia Long, Vua Minh Mạng cũng có Chiếu ban Dụ ân xá cho tù phạm: "Kể từ lúc mờ sáng ngày mồng 1 tháng Giêng trở về trước, phàm những người can tội quân, lưu (không nỡ giết chết, đem đánh đòn và đày phương xa) dù đã hay chưa kết án đều tha cho cả. Về tội xử tử có bao nhiêu người, giao cho Bộ Hình tra xét lại tội danh nặng, nhẹ thế nào tâu lên xin chỉ khoan giảm"…

Bên cạnh việc nối ngôi, các vua triều Nguyễn còn ban ơn ân xá cho tù phạm nhân những dịp khánh điển to lớn như mừng thọ Hoàng thái hậu (mừng thọ mẹ vua - PV), nhận tin thắng trận hay khi đất nước liên tục gặp thiên tai. Điều này diễn ra vào năm Tự Đức thứ 4 (1851), Dụ rằng: "Độ này đầy tuần không mưa, ta nghĩ đến thóc lúa là nguồn sống của dân, lấy làm sốt ruột, cho là bớt việc hình phạt mới có cơ cảm triệu được khí hòa của trời đất… Nay chuẩn định cho các nha môn xét việc hình ngục biết: phàm những kẻ can phạm nào nên đem ra tra hỏi, hãy tạm hoãn việc tra tấn, cứ giam giữ lại, đợi xét, nhưng phải để ý cấp dưỡng cho họ. Còn như những án đã lâu năm chưa giải quyết được, như các án lính Hộ vệ can tội đánh mất đao vàng, phủ Thừa Thiên xét hỏi việc tên Niệm ăn trộm vàng… đều là những án khó khăn tra xét, thì những tên can phạm ấy chuẩn cho được tạm tháo bỏ xiềng khóa, nếu họ có thân nhân bảo lãnh, được tạm về thăm nhà 10 ngày, nếu không có người bảo lãnh thì cứ giam lại mà cấp dưỡng cho họ, đợi xét".

Tổ công tác đang kiểm tra hồ sơ phạm nhân trong danh sách đặc xá .

3. Luận về chuyện ân xá xưa lẫn nay, mới thấy thời nào cũng vậy, thấy rằng tội phạm can tội hiếp dâm (đặc biệt mang tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em), trộm cướp và đặc biệt là tội phạm can án giết người đều nằm trong danh sách tội phạm không được xét đặc xá tha tù trước thời hạn. Theo Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, mục đích của việc ân xá suy cho cùng là tạo cơ hội để những người từng lỡ lầm được cơ hội hoàn lương, sống có ích. Thế nên họ phải là những người không còn nguy cơ gây hại cho xã hội. Chứ với phạm nhân nghiện ma túy hay phạm các trọng tội giết người, hiếp dâm, trộm cướp từ 2 lần trở lên… nếu được xét đặc xá tha tù trước thời hạn thì họ dễ có nguy cơ tái phạm, gây hoang mang cho xã hội, như vậy sẽ làm sai lệch đi ý nghĩa của việc đặc xá!    

Quy định là vậy nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, các vì vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị ngày trước cũng có những chiếu cố, cho ân xá một số tù phạm lẽ ra phải xử tội chết. Điển hình là việc Vua Thiệu Trị chuẩn tờ tâu tha cho một nữ tử tội can án giết người vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

Trong chỉ dụ, Vua Thiệu Trị ghi: "Nguyễn Thị Tú nguyên trước can án giết người phải xử tử, trước đây sai dụ được tên ăn cướp ra thú, kể cũng hơi biết sợ hãi, hối lỗi. Nay cha mẹ thị ấy già, ốm, không có người chăm nuôi, tình cũng đáng thương, gia ơn cho được tha ngay, nhưng phải già hiệu 1 tháng (đóng gông), phạt xuy 100 roi (vừa đánh vừa răn cho biết tội), lại phải nộp 20  lạng bạc cấp  cho gia thuộc  kẻ bị chết để làm tiền nuôi sống".

Như 2 triều vua tiền triều là Gia Long và Minh Mạng, để tránh việc ân xá tha tội chết cho tử tội bị lạm dụng, trong dụ, Vua Thiệu Trị lưu ý với triều thần: "Việc này lòng ta thương tình mà định tội, mà đặt ra hình phạt. Từ nay trở đi, những án nào mà tình, lý không giống như thế thì không được viện dụ này mà làm lệ”.

Phạm nhân tại Trại giam An Phước.

Chúng tôi xin trích lời dụ của Vua Gia Long, vị vua sáng lập triều Nguyễn về quan niệm của người trị vì thiên hạ trong chuyện ân xá (nay ta gọi là đặc xá): "Nhà nước đặt ra điển hình rõ ràng  cốt để răn kẻ ác, trị kẻ gian, trừ hại cho dân. Người xưa trong việc hình ngục lúc nào cũng để lòng kính cẩn thương xót, mà cũng răn người về lỗi tha vậy. Xưa có câu nói rằng "Phải cẩn thận chớ có xá bậy", "tha kẻ có tội, làm hại kẻ lương dân". Lại có câu rằng "Một năm 2 lần xá, người lương thiện đều hậm  hực", đều là nói việc hình phạt phải nên cẩn thận, đừng để kẻ có tội được may mà phải tội. Ta từ khi thân trông coi chính sự đến nay, những việc hình ngục vẫn thường để ý đến. Đã từng sức các quan coi giữ việc hình được tùy nghi xử đoán cho nghiêm  minh. Vì là ta muốn cho việc hình được công bằng, người có tội không oan ức, cho nên không khinh suất ban ra ân xá, sợ rằng làm ơn cho kẻ bạo ngược, khoan thứ cho kẻ gian ác, thành ra tha tội để nuôi dưỡng cho sự gian phi vậy!"

N.Thành Dũng
.
.
.