Kapar Klang, khu lao động ổ chuột ở Malaysia

Thứ Năm, 15/01/2015, 14:10
Klang là thành phố cảng của bang Selangor nằm cách trung tâm Kuala Lumpur hơn 50 km về hướng tây. Klang được giới hàng hải đánh giá là một cảng biển nhộn nhịp đứng thứ 13 trên thế giới. Nó cũng được giới doanh nhân thế giới đánh giá là nơi sản xuất gỗ đứng top 10 toàn cầu.

Chúng tôi thì nhận định Klang là một nơi đáng để tổ chức lao động quốc tế ILO để mắt đến bởi hiện tượng buôn nô lệ lao động vẫn còn hiện hữu.

"Hãy cứu giúp chúng tôi!"

Đó là lời cầu cứu trên mạng xã hội của anh Phan - một công dân Việt Nam đang "ẩn cư" tại Malaysia. Chúng tôi tìm cách liên lạc với anh Phan để tìm hiểu nguyên nhân xuất phát lời cầu cứu này. Qua điện thoại, Phan cho biết quê anh ở Cần Thơ và bị một tay cò xuất khẩu lao động lừa bán sang Malaysia gần một năm nay.

Vì không thông thạo tiếng Malaysia nên anh chỉ biết mình đang ở "đâu đó" trong một khu vực sản xuất gỗ của thành phố Klang chứ không biết địa chỉ chính xác. Phan không dám ra khỏi nơi ẩn nấp vì Cảnh sát Viện Minh Thiên đang lùng sục gắt gao tìm bắt người cư ngụ bất hợp pháp. Chúng tôi yêu cầu Phan nhìn qua khe hở nơi trú ẩn với hy vọng thấy một tấm biển hiệu của công ty sản xuất gỗ. Phan cho biết, ở khu vực đó có rất nhiều xưởng sản xuất không biển hiệu.

Chúng tôi phải nhờ Jasson, 44 tuổi, kỹ sư chế tạo thiết bị công nghệ cao cấp, công dân Malaysia cư ngụ tại Kuala Lumpur đưa đi tìm Phan. Qua mô tả của Phan, Jasson phán đoán, đó là khu vực số 42100, Klang. Jasson cho biết, đó là một khu công nghiệp có rất nhiều xưởng sản xuất gỗ không biển hiệu do người Trung Quốc làm chủ. Với Malaysia, đó là biểu hiện của việc sản xuất lậu. Jasson đã từng đến nơi đó và anh đã kinh ngạc khi trông thấy rất nhiều công nhân nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Gần 2 giờ dò dẫm khắp khu vực, cuối cùng Jasson cũng tìm được nơi ẩn nấp của Phan. Đó là một con hẻm nhỏ nằm bên cạnh tường rào Công ty Masdef Malaysia. 

Chúng tôi chạy ôtô vào một dãy phố nhếch nhác, tiêu điều và hoang vắng. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp một nhóm người có nước da sậm, ăn mặc xuềnh xoàng ngồi túm tụm ở các góc tường nhem nhuốc. Tận cùng con hẻm dài hơn 1km, chúng tôi gặp một con đường đất lầy lội, chiếc barie không ở chế độ chặn đường và gã bảo vệ to cao có nước da màu than hầm đang ngủ gật. Chúng tôi chạy xe thẳng vào.
Văn phòng công ty "buôn" lao động của “boss”.

Qua khỏi chiếc barie, con đường nhếch nhác lọt thỏm giữa một bên là những ngôi nhà xưởng chế tạo gỗ không biển hiệu, một bên là dãy nhà thấp lụp xụp trông như lán trại của thợ rừng. Tất cả, kể cả các xưởng gỗ và dãy nhà đều im ỉm cửa.

Từ điện thoại vọng ra tiếng Phan reo: "Tôi thấy mấy anh rồi". Từ một khe vách gỗ xuất hiện một cánh tay vẫy.

Cánh tay ra hiệu cho chúng tôi lách người qua một cánh cửa hẹp. Quang cảnh bên trong dãy nhà khiến chúng tôi bị sốc mạnh.

Đó là một dãy hộp liền vách nhau được ghép bằng những tấm ván gỗ phế thải. Mỗi hộp có diện tích khoảng 2m x 0,8m x 0,7m. Nếu nằm riêng nó sẽ giống chiếc quan tài rẻ tiền loại lớn. Tuy nhiên nó nằm trong một khối và có chiếc cửa nhỏ kèm ổ khóa nên được gọi là "phòng". Hộp này chồng lên hộp kia và nối tiếp nhau thành một dãy liền khối. Mỗi hộp được xem là một "phòng trọ" - thế giới riêng - của một công nhân. Mọi tài sản cá nhân đều được nhét chung vào chỗ ngủ đó. Những món nằm ngoài hộp được xem là đồ vô chủ. Những hộp nằm tầng trên có thêm chiếc thang gỗ.

Mặt trước dãy hộp tiếp giáp đường đất, mặt sau là khu vực sinh hoạt chung bao gồm nhiều chức năng: nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà ăn. Sát khu vực sinh hoạt chung là một bãi hoang lầy lội nước, lúc nhúc dòi bọ và nhiều loại côn trùng không tên.
Hộp chứa lao động ở Klang mà các “boss” gọi là ký túc xá.

Phan và một công nhân tên Đinh Xuân Phúc (quê Quảng Bình) vừa mời chúng tôi ngồi xuống nền sàn bên cạnh vũng lầy hôi thối thì gã bảo vệ người Bangladesh ngủ gục khi nãy xuất hiện với cặp mắt cú vọ. Phan kịp lẩn người vào một chiếc hộp. Jasson chìa bằng lái xe để chứng minh mình là công dân Malaysia, gã bảo vệ mới chịu rời đi.

Phan cho biết, để được cư trú trong một chiếc hộp như vậy mỗi công nhân phải đóng cho "boss" khoảng 155 RM/tháng. Số tiền đó bao gồm cả tiền "thuế". Thuế gì thì cả Phan, Xuân Phúc và tất cả những công nhân bất hợp pháp ở khu vực này đều không biết.

Theo diễn giải của Phan, "boss" là người đứng đầu một đường dây mua bán lao động bất hợp pháp ở khu vực này. "Boss" của Phan là một phụ nữ người Trung Quốc tạm cư ở Malaysia ít người biết tên mà chỉ gọi chung chung là "Boss Star Shine". Bà ta nấp dưới danh nghĩa Công ty dịch vụ cung ứng lao động "Star Shine Agency" có địa chỉ văn phòng ở số 11, Jalan Belaburan, Park 42100, Klang Selangor. Đó là một công ty ma chuyên cung ứng lao động bất hợp pháp cho khu công nghiệp Klang.

Theo Phan, hiện có khoảng hơn 300 lao động người Việt đang làm "nô lệ" cho cặp vợ chồng này. Những người lao động này sống trong môi trường sinh hoạt tồi tệ, lao động quần quật nhưng tiền lương chỉ vừa đủ sống.

Một mắt xích trong đường dây mua bán người

Vào tháng 8/2013, Phan đăng ký xuất khẩu lao động sang Đài Loan tại chi nhánh một công ty ở TP HCM (có trụ sở chính ở Hà Nội). Trong những ngày ở Hà Nội chờ xuất ngoại, Phan được một người tên là Nguyễn Đình Luân tiếp cận, rủ rê xuất khẩu lao động sang Malaysia làm công nhân đóng gói sản phẩm, được nhận lương trọn vẹn hơn 10 triệu đồng/tháng, không bị trừ bất kỳ khoản nào lại được cư trú tại ký túc xá sang trọng.

Luân giới thiệu rằng, đó là đường dây lao động hợp pháp. Do công ty bên Malaysia cần gấp công nhân nên tuyển được người nào, Luân cho "bay" đi ngay.

Luân chỉ thu chi phí xin visa xuất khẩu lao động 1.250 USD (trong khi chi phí xuất khẩu lao động sang Đài Loan mà Phan phải đóng cho công ty xuất khẩu lao động gần 100 triệu nhưng mức lương cũng chỉ ở mức 15 triệu VND).

Thế là Phan cùng 2 thanh niên khác (tên Hồng và Huỳnh) được Luân đưa ra sân bay. Luân cho biết, khi 3 người đến sân bay Kuala Lumpur sẽ có "người của công ty" đến đón.

Quả nhiên, khi vừa đặt chân xuống đất Malaysia, Phan và 2 người bạn đồng hành được một cặp vợ chồng (chồng tên Cường, vợ tên Hà) đón bằng ôtô chở thẳng về Klang bàn giao cho bà Boss Star Shine (công nhân gọi lóng bà ta là Boss SS). Vợ chồng Cường, Hà nhận được một khoản tiền của bà Boss

Ngay lập tức, bà Boss SS thu giữ hộ chiếu rồi đẩy Phan vào một cái hộp mà bà ta gọi là ký túc xá. Sáng hôm sau, Phan bị đưa đến công ty sản xuất bút bi Pen Plastic. Mấy ngày sau, qua những công nhân cũ, Phan mới biết mình đã rơi vào một đường dây buôn bán lao động bất hợp pháp. Không có hợp đồng lao động, Phan không được nhận lương trực tiếp từ công ty sử dụng lao động.

Bà Boss SS nhận lương của Phan rồi trừ rất nhiều khoản như: tiền gas, tiền phòng trọ, tiền nấu ăn, tiền thuế... Mỗi tháng bà Boss SS chỉ phát cho Phan hơn 500 RM. Phan chỉ còn phản ứng duy nhất là làm việc xìu xìu để công ty đuổi việc. Công ty này vừa đuổi việc, bà Boss SS lại "nhét" Phan vào công ty khác.
Một lao động bất hợp pháp bỏ trốn khỏi boss, ngay sau đó anh ta bị Cảnh sát Viện Minh Thiên lùng bắt khi đang lặn ngụp dưới đường cống thoát nước.

Không có hộ chiếu trong tay, Phan không thể trở về nước. Mỗi khi biết Phan có ý định trốn về nước, bà Boss SS liền cử ngay một gã côn đồ gốc Bangladesh đến đe dọa hành hung. Phan sợ quá tìm cách bỏ trốn và sống nhờ sự bao bọc của những lao động đồng hương hợp pháp.

Dưới trướng bà Boss SS có ít nhất 10 "đại lý" đang hoạt động "tuyển mộ" lao động ở khắp các quốc gia Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ, Việt Nam để nhập khẩu "chui" vào khu công nghiệp Klang. Vợ chồng Hà, Cường (quê Thanh Hóa) là một mắt xích nhỏ của "thị phần" Việt Nam.

Dưới tay "đại lý" Hà - Cường có ít nhất 10 gã cò "tay em" như Nguyễn Đình Luân ở rải rác từ Bắc tới Nam để "tuyển dụng" lao động. Mỗi lao động, cò “tay em” bán cho "đại lý" đầu mối tại sân bay Malaysia với giá 100 RM. Số tiền gọi là "chi phí xuất khẩu lao động", cò "tay em" lừa được bao nhiêu, hưởng trọn bấy nhiêu.

Sau khi mua, "đại lý" nhận lao động tại sân bay Malaysia rồi chở thẳng đến "công ty" bán cho boss giá 500RM/lao động.

Boss "nhốt, nuôi" rồi cho công ty sử dụng lao động thuê lại. Hàng tháng, boss nhận thuê (tiền lương) trực tiếp từ công ty sử dụng lao động rồi phát lại cho người lao động sau khi trừ rất nhiều khoản vô lý, trong đó có khoản gọi là "thuế". "Thuế" là khoản tiền boss hối lộ cho một quan chức bảo kê nào đó.

Nhờ khoản "thuế" đó mà Cảnh sát Viện Minh Thiên chưa từng xuất hiện tại khu vực 42100, Klang mặc dù nổi tiếng là điểm chứa lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, chỉ cần một lao động bất hợp pháp bỏ trốn khỏi tầm khống chế của boss, lập tức cảnh sát xuất hiện.

"Nuôi" được một lao động, hàng tháng boss bỏ túi không dưới 500 RM. Hiện Boss SS có trong tay khoảng 300 lao động người Việt và hơn 200 lao động "đề pơ" (người Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia...).

Ở Malaysia, loại "buôn người" như Boss SS không hiếm. Những dãy hộp gỗ được cho là ký túc xá là những "chuồng" nuôi lao động. Mỗi boss đều có vài "chuồng" như thế. Ở khu vực Phan trú ẩn, có hơn 10 boss "nuôi, nhốt" lao động bất hợp pháp như vậy.

Những lao động bất hợp pháp nằm trong tay các boss đều phải làm việc như nô lệ. Họ hoàn toàn không còn bất cứ thứ quyền con người nào trong tay. Chỉ cần có biểu hiện bất phục tùng với boss, người lao động đều bị Cảnh sát Viện Minh Thiên bắt giữ vì tội cư trú trái phép.

Đã có vài vụ án mạng xảy ra trong khu vực này. Nhiều người lao động Việt Nam xác nhận hồi đầu năm 2014, một lao động bất hợp pháp quê Nghệ An bị boss đẩy vào đường cùng đã tự tử bằng cách nhảy xuống đất từ một ngôi nhà cao tầng. Tiếc là không ai nhớ tên tuổi, quê quán của nạn nhân. Ngay sau khi sự việc xảy ra, boss cho người tung tin rằng nạn nhân bất cẩn trong lao động nên té lầu tử vong.

Vài tháng sau, một lao động quê Bắc Giang vui miệng kể cho bạn bè nghe về sự thật vụ án. Vài ngày sau người ta trông thấy thi thể anh này bị trương sình ở một bãi cỏ hoang. Những gã "chó săn" của boss rỉ tai từng người: "Đó là hậu quả của việc không biết vâng lời boss". Cả hai nạn nhân đều được đưa về nước an táng một cách lặng lẽ. Là lao động bất hợp pháp nên không ai chịu trách nhiệm bồi thường cho cái chết của họ.

Qua bài viết này, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng bắt tay vào cuộc, điều tra, truy tố những kẻ buôn người qua hình thức xuất khẩu lao động chui.

Qua sự hướng dẫn của chúng tôi, Phan đã tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur làm thủ tục hồi hương. Hiện, anh đã trở về nhà an toàn.

Khi biết chúng tôi điều tra về nạn buôn lao động bất hợp pháp, anh Tô Thế Dương (cư ngụ tại xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) nhờ anh Phan chuyển đến tận tay chúng tôi một lá thư tố cáo.

Trong thư, anh Dương cho biết mình đã bị một cò “tay em” tên Nguyễn Văn Chín dụ dỗ sang Malaysia bằng đường du lịch rồi bán cho boss SS. Hiện anh đang làm việc như một nô lệ ở Klang. Anh muốn trở về nước nhưng không có tiền lẫn giấy tờ tùy thân. Anh tha thiết mong các cơ quan chức năng điều tra phá vỡ những đường dây “đen”, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho hàng trăm người bị bán như anh đang sống vạ vật ở Klang được hồi hương. Anh sẵn lòng cung cấp mọi thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng.

Nông Huyền Sơn
.
.
.