Hai lần đi tìm “thần y” chữa vô sinh…

Thứ Ba, 29/06/2021, 21:12
Để thực hiện các bài viết, tôi đã 2 lần phải vào vai là người phụ nữ hiếm muộn, tìm đường chữa vô sinh nhằm vạch trần thủ đoạn của những lang băm tự xưng là "thần y" cùng những lời quảng cáo có cánh khiến cho không ít người bị dụ dỗ.

Và với trường hợp chủ động như tôi còn từng phải bật khóc trước những tình huống éo le, thì không hiểu có biết bao nhiêu cặp vợ chồng đã phải ngậm đắng nuốt cay bởi những cái thứ gọi là "không sinh được con không lấy tiền" ấy?

Thoái lui vào phút chót

Lần thứ nhất tôi vào vai đi chữa vô sinh là vào năm 2013. Khi ấy tôi cùng nam đồng nghiệp trong vai là một cặp vợ chồng hiếm muộn, tìm đến làng cổ An Thái (Yên Mỹ, Bình Lục, Hà Nam). Đến đây chúng tôi đã gặp rất nhiều "cò" của các cơ sở khám chữa bệnh. 

Ngay cả khi chúng tôi quả quyết là đã có địa chỉ phòng khám mà mình định đến nhưng một người đàn ông trạc 50 tuổi vẫn chèo kéo đưa chúng tôi về "phòng khám" của một người mà ông này khẳng định là rất uy tín. 

Đó là một ngôi nhà 3 tầng bề thế nằm giữa làng, cổng lúc nào cũng khóa im ỉm. Điều đặc biệt ở đây là lúc nào cũng có 3 đến 5 phụ nữ ăn nằm chữa bệnh.

Ra đón chúng tôi là một bà cụ áng chừng ngoài 70 tuổi. Vừa nhìn thấy chúng tôi bà đã hớn hở: "Vào đây, vào đây. Ai giới thiệu cho mà biết đường đến nhà tôi? Thế có bị "cò" nào lôi kéo không? Riêng nhà tôi chả nhờ "cò" nào hết. Cứ hữu xạ tự nhiên hương thôi. Tìm đến đây là đúng người rồi".

Chúng tôi nói rằng mình đã có một con gái 7 tuổi, muốn sinh thêm nhưng không được, đã từng đi khắp nơi khám nhưng các bác sĩ nói là cả hai vợ chồng đều không sao. Chưa kịp hỏi quê quán, tên tuổi, bà lang Q. bắt ngay bệnh: "Chắc chắn là do tổn thương khi sinh lần thứ nhất rồi. Đã vào nhà bà thì cứ yên tâm là sẽ sinh được".

Những tấm biển quảng cáo chữa bệnh vô sinh ở làng An Thái.

Như để khẳng định uy tín của bà lang Q., 2 người phụ nữ luống tuổi (cũng đang trọ ở đây chữa vô sinh - pv) thêm lời: "Đúng đấy! Những trường hợp như anh chị bà chữa giỏi lắm, biết bao người khỏi bệnh rồi. Ngày nào bà chả có những cuộc điện thoại đến cảm ơn". 

Để khẳng định uy tín, bà Q. còn kể, đây là nghề gia truyền từ đời bố chồng để lại. Và các con của bà cũng là những lương y đang hành nghề tận miền Nam. 

Sau một hồi quảng cáo, bà Q. vào trong buồng lấy ra một chậu nước ấm cùng với vài dụng cụ thô sơ rồi bắt tôi lên bàn (chiếc bàn này giống hệt chiếc bàn đẻ ở các bệnh viện - pv). 

Trong cảnh huống đó tôi thực sự quá sợ hãi. Rõ ràng là tôi đang trong tâm thế của một người bệnh, mà đã đi khám bệnh thì nhất nhất phải tuân theo sự chỉ dẫn của "bác sĩ". 

Thấy tôi lưỡng lự bà Q. giục tôi mau chóng lên bàn để không làm mất thời gian của bà. Lúc này, không biết làm cách nào tôi đành phải vào vai một người vợ cực kỳ nhõng nhẽo và khó ưa. 

Tôi bảo với "anh chồng" là đồng nghiệp đi cùng đóng vai rằng: "Chồng ơi, vợ sợ đau lắm. Vợ không dám lên đâu". Đồng nghiệp tôi hiểu ý nên vào vai rất ngọt, anh ấy quát tôi xơi xơi: "Thôi lên bàn đi. Không có con thì khóc lóc ỉ ôi, nói là đau đớn thế nào em cũng chịu được. Việc xuống đây cũng là em tự quyết, nằng nặc đòi anh chở đi bằng được. Mất bao công phi xe máy xuống đây, thôi vào khám đi. Khám nhanh còn về không nắng".

Thấy "chồng tôi" mắng, mấy người phụ nữ đang ở bán trú tại nhà bà Q. để chữa bệnh lên lớp: "Gớm, đi chữa ở các bệnh viện nó lại chả đau gấp mấy lần. Ở đó người ta không quan tâm đến cảm giác của bệnh nhân đâu. Còn ở đây bà Q. làm nhẹ nhàng và nhanh lắm, không lo đâu".

Thấy tình thế gần như không thể thoái lui, tôi bắt đầu "mặt dày". Tôi nói với "chồng mình": "Nhưng mà em đói lắm, nếu mà khám bây giờ chắc là em ngất đấy. Hay anh cứ chở em ra ngoài đường để em ăn chút đã rồi em vào khám sau cũng được". 

Nghe tôi nói vậy bà Q. hồ hởi: "Ôi giời tưởng gì, trong nhà bà có xôi, để bà vào lấy cho mà ăn". Nói là làm, bà Q. vào buồng rồi mang ra một đĩa xôi đậu đầy ú ụ. Bà Q. đặt đĩa xôi trước mặt tôi bảo: "Cháu ăn đi rồi cô làm cho. Yên tâm chỉ một loáng là xong". 

Cái một loáng mà bà Q. nói chính là sẽ thọc tay vào âm đạo của bệnh nhân để xem cổ tử cung cong hay thẳng. Nếu cong bà sẽ "nắn" lại cho thẳng, chỉ cần làm vậy là kiểu gì cũng sinh được con.

Khi gần như đã bị dồn đến chân tường, tôi lúc đó đã bật khóc vì hoảng sợ. Không hoảng sợ sao được khi nghĩ đến cảnh tôi phải nằm lên cái bàn lạnh toát để bà Q. thám thính xem cổ tử cung tôi cong hay thẳng. Thấy mặt tôi tái xanh, đồng nghiệp đã ra tay giải cứu. 

"Đấy bà với các chị nhìn con vợ em có chán không. Chỉ là lên bàn để khám thôi mà mặt nó xanh như đít nhái. Cứ õng à õng ẹo thế này thì bao giờ mới khám xong. Thôi để cháu chở nó ra ngoài, lên dây cót tinh thần cho nó rồi sẽ quay lại khám luôn".  Chỉ chờ có thế tôi chạy nhanh ra bậc cửa để xỏ giày và... chuồn!

Bệnh từ mồm... "thần y"!

Lần thứ 2 tôi nhập vai đi chữa vô sinh là vào năm 2016. Hồi đó trên các diễn đàn mạng xã hội đang nổi lên một vị "thần y" có khả năng chữa bệnh siêu phàm. Họ ngợi ca, cho rằng ông Nguyễn Văn L. (Yên Mỹ, Hưng Yên) chỉ cần sờ vào cổ tay là có thể biết được người ta có bệnh gì, tình trạng sức khỏe ra sao, khả năng sinh con là bao nhiêu phần trăm.

Với những người khả năng sinh con 0% thì chỉ bốc thuốc theo đơn của vị này, việc có con dễ như trở bàn tay. Để tuyên truyền cho khả năng đặc biệt của mình, "thần y" này tự nhận mình là một bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Quân y 103 đã nghỉ hưu.

Vẫn trong vai là cặp vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi đưa nhau đến gặp "thần y" L. Vừa nhìn thấy "vợ chồng" tôi, ông L. hỏi: "Thế thăm khám ở đâu chưa? Đã kết luận thế nào chưa?" Sau phần trình bày của chúng tôi là do vợ có bệnh, dù vẫn mang bầu được nhưng dễ sảy và nhiều lần phải bỏ vì không có tim thai, đã thăm khám các bệnh viện Trung ương nhưng các bác sĩ chỉ kết luận chung chung, kiểu trứng có vấn đề. 

Nghe vậy ông L. bắt đầu thể hiện khả năng bắt mạch "đẳng cấp nhất Việt Nam" của mình (theo chính lời ông L. nói - pv). Vừa bắt mạch ông L. vừa phán: "Bệnh như vậy đến đây là đúng địa chỉ rồi đấy".

Sau khoảng 30 giây trầm ngâm, "thần y" L. phán tiếp: "Trứng không có vấn đề gì, buồng trứng tốt. Cái này chỉ có vì nội tiết của mình không nối được với màng nuôi nên khi có thai rồi mà không phát triển thai là do màng nuôi và tuyến rau. Thế nên không cái thai nào vượt quá ba tháng được. Phải uống thuốc trước đi để cho nó cân bằng, để thay đổi trạng thái huyết máu trong cơ thể".

Rồi ông L. còn cho rằng vòi trứng thông, không bị tắc, buồng trứng không có u nang. Chúng tôi tỏ ý nghi ngờ về khả năng, ông L. "nổ tung trời": "Ở đây thì siêu về mạch rồi, chính vì siêu như thế mà cả nước này không ai có. Rất nhiều trường hợp đi khám cả ở các bệnh viện cũng không chẩn đoán ra được, bởi vì y học hiện đại bây giờ chỉ là máy móc”.

Muốn xem độ "nổ" của ông L. đến đâu, tôi hỏi thêm: "Cháu nghe nói ngoài bắt mạch về hiếm muộn bác còn nhìn ra cả các bệnh khác. Cháu muốn hỏi là cháu đi khám nhiều lần về viêm gan B, chỗ thì bảo cháu nhiễm, chỗ lại bảo không. Vậy bác bắt mạch thì có thấy cháu bị hay không ạ?". "Viên gan B thì tùy thôi, ai cũng có thể bị nhiễm, lúc nào cơ thể yếu thì virus nó xâm nhập. Tôi bắt mạch thì không thấy có đâu" - Ông L. nói.

Cuốn sổ khám bệnh của "thần y", liệt kê những bệnh mà phóng viên chưa từng mắc phải.

Khám xong, ông L. lôi một cuốn sổ khám bệnh rồi ghi bệnh án với nội dung: "Kinh nguyệt bình thường, trứng bình thường, buồng trứng bình thường, viêm nội tuyến, màng nuôi tụ máu…". Khó có thể tin chỉ một lần bắt mạch mà ông L. nhìn thấu được những bệnh không hề tồn tại trong người tôi.

Khám xong cho tôi, ông L. bảo "chồng tôi" ngồi gần lại để ông bắt mạch. Vừa sờ vào tay, ông L. đã phán: "Tối qua uống nhiều rượu phải không? Uống rượu vào là bắt mạch không chính xác lắm đâu đấy nhé!" Có một điều đặc biệt là đồng nghiệp của tôi gần như nói không với rượu. Nhưng để ông ta không bị mất mặt thì anh đồng nghiệp gật gù thừa nhận. 

Ông L. tiếp tục phán: "Thận tốt, nhưng đang bị dạ dày đấy, bỏ rượu đi. Dương vật bình thường, tinh trùng sống 69/19. Tinh trùng thế này cũng không đáng lo ngại đâu. Ở đây có các loại thuốc chữa từ 00 (tức là không có tinh trùng - PV) đến từ 10 trở lên…

Khám xét qua loa một hồi đến phần ông L. kê đơn. Ông ta bảo: "Uống ít nhất cũng phải chục thang, mỗi thang 140k". Nói rồi ông L. bảo chúng tôi mua tạm chục thang uống trước. Đến đoạn này tôi lại loay hoay kiếm cớ. Tôi nói với ông L. rằng tôi bị bệnh dị ứng thuốc nam, hễ cứ uống là người nổi mẩn ngứa toàn thân. 

Nghe tôi nói vậy ông L. đon đả bảo: "Muốn được con thì phải cố mà chịu". Nhưng tôi "không chịu" mà thoái lui bằng cách chỉ xin mua tạm 1 thang về uống thử, nếu không bị dị ứng nặng tôi sẽ qua lại mua đủ liều. 

Thấy thái độ dứt khoát của tôi, ông L. buông một câu lạnh lùng: "Tuỳ cô". Cho đến hôm nay tôi vẫn giữ cuốn sổ khám bệnh do "thần y" L. chẩn đoán, trong đó là những triệu chứng bệnh mà tôi chưa từng bao giờ mắc phải.

Trâm Anh
.
.
.