Đời công nhân trong các KCN: Ám ảnh mưu sinh

Thứ Hai, 16/06/2014, 16:35

Đời công nhân, là đầu tắt mặt tối với những guồng quay ca kíp căng thẳng hết ngày này qua tháng khác…
Đời công nhân, là chen chúc tạm bợ trong những khu trọ tồi tàn rẻ tiền, là những bữa cơm vội vã đạm bạc, là bấp bênh nay đây mai đó, bị đối xử bạc bẽo, nay đi làm, mai có thể thất nghiệp ở nhà ôm con…

Vẫn biết trên thế gian, trăm nghề thì ngàn nghiệp, nghề nào cũng có những nỗi vất vả riêng. Thế nhưng, tìm hiểu về đời sống người công nhân trong các khu công nghiệp (KCN), chúng tôi vẫn không khỏi bùi ngùi. Những phận người này, bao giờ mới thoát khỏi nỗi ám ảnh mưu sinh đè nặng?

Những căn nhà…không thể gọi là nhà…!

6h sáng, không xa KCN Bắc Thăng Long (hay còn được gọi là KCN Việt Nhật) bề thế với những cụm khói bốc lên đen đặc, là lúc mà từng tốp công nhân vừa kết thúc ca đêm. Với gương mặt mệt mỏi, phờ phạc, họ ùn ùn kéo nhau về những căn nhà "ở trọ trần gian", những căn nhà mà không thể gọi là nhà.

Xã Kim Chung, huyện Đông Anh là chốn tập trung ngụ cư của hàng trăm mảnh đời, mỗi người một số phận, nhưng họ đều là những mảnh đời tha hương cầu thực, quay cuồng với những nỗi lo mưu sinh đeo bám hết ngày này qua tháng khác.

Một dãy trọ dành cho công nhân thuê ở gần KCN Bắc Thăng Long.

Dưới cái nắng sớm và bầu không khí oi ả của ngày hè, tôi theo chân một toán công nhân của KCN Bắc Thăng Long, với lý do tìm phòng trọ cho cô em gái cũng là công nhân đang cần chỗ ở. Mặc dù đã hình dung sẵn trong đầu, nhưng cảnh tượng phô bày vẫn khiến tôi không khỏi xót xa.

Khu trọ gồm 5 căn phòng sát nhau. Ngoài sân, la liệt những đống vỏ chai phế thải và rau quả dập nát, bốc lên mùi ngai ngái khó chịu. Nghe nói, là hàng tồn của hai vợ chồng làm công nhân chạy chợ rau quả kiếm thêm chút đỉnh bày ra. Bên cạnh bể nước công cộng ở góc sân, một thanh niên khoảng 20 tuổi đang tắm, trên mình mặc một chiếc quần đùi.

Thấy tôi có vẻ sốc trước kiểu tắm… lộ thiên như thế. Cậu thanh niên toét miệng cười hề hề: "Chị thông cảm, em đi làm ca đêm về mồ hôi mồ kê nhễ nhại, không tắm không tỉnh ngủ được, lát nữa em còn phải đi học".

Thì ra, ngoài làm công nhân cho Công ty Canon ở KCN Bắc Thăng Long, cậu còn tranh thủ theo học trường trung cấp dạy nghề ở thôn Nhuế, Kim Chung. Tôi hỏi: "Vừa học vừa làm thì lấy đâu ra sức?". Cậu chàng vừa lau người, vừa cười: "Thì cũng phải cố chứ chị, cũng phải học lấy một cái nghề gì đó, như sửa chữa máy móc, xe cộ để mà kiếm sống. Chứ làm công nhân mãi sao được, nhỡ may mấy công ty giải tán, thì có mà "móm" à?".

Tôi thấy vui vui vì điệu bộ rất đỗi vô tư của cậu, liền hỏi tiếp: "Thế tắm ngoài này, không ngại à?". Cậu xua tay: "Ôi dào, ngại gì, ai chả như ai. Mùa đông rét căm căm em còn đứng ngoài này dội nước lạnh cơ mà, có điều phải chống đẩy hay chạy bộ cho nóng người lên thì mới tắm được. Hơi đâu mà đun nước lịch kịch, tốn tiền. Đàn ông ai cũng tắm ngoài này hết, còn phụ nữ thì xách nước vào trong nhà vệ sinh đằng kia".

Vừa nói, cậu vừa chỉ tay về phía sau dãy nhà, dưới tán cây um tùm là ba phòng vệ sinh chung, chỉ độ vài mét vuông. Hai con chó nhốt trong lồng thấy có người lại gần gầm lên sủa dữ dội. Cậu thanh niên lắc đầu lè lưỡi: "Nhưng trong đấy hôi lắm, em chả ham!".

Tất cả mọi sinh hoạt tắm giặt, nấu nướng của nhiều hộ gia đình chỉ tập trung quanh một bể nước.

Bà chủ dãy trọ, bịt khẩu trang kín mít, đang phơi lúa trước cửa. Thấy chúng tôi hỏi, liền đon đả chạy ra, nhiệt tình dẫn vào phòng. Bà chỉ tay về căn phòng cuối dãy, quả quyết: "Đây là căn phòng đẹp nhất khu, mà giá thì không đâu rẻ bằng. Hai vợ chồng công nhân thuê trước phải trả nhà để về quê làm ruộng!".

Tôi dợm bước vào căn phòng  quả thực không quá khi dừng cụm từ "ổ chuột" để mô tả. Mỗi phòng chỉ độ 8m2, được ngăn cách bởi lớp vách mỏng manh, tạm bợ. Mái nhà nham nhở, rách nát, được buộc chằng buộc đụp bằng dây thép, cánh cửa bằng gỗ khi đẩy vào thì cứ chực bật ra. Đồ đạc của những người ở trước vẫn chưa dọn hết đi, ngổn ngang quần áo vắt trên dây thép căng giữa nhà, một chiếc xe đạp mini đứng dựng ở góc nhà, còn lại là nồi niêu xong chảo vứt mỗi nơi một chiếc. Mùi ẩm mốc bốc lên vô cùng khó chịu. Phòng trọ này có giá 400 nghìn/tháng.

Căn phòng sát cạnh chợt bật mở, một người đàn ông khoảng 40 tuổi đẩy cửa bước ra, trên tay anh là đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt. Anh bế con ra bể nước, rồi một tay cắp con bên hông, một tay cúi xuống rửa cái đĩa bột. Tôi nhanh tay chạy lại đỡ rồi tranh thủ hỏi chuyện. Anh tên là Thịnh, quê tận Thanh Hóa, cũng lấy vợ làm công nhân. Anh chị cưới nhau được dăm năm nay, gặp nhau trong nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, rồi cùng nhau xây dựng gia đình.

Hai năm nay, anh phải bỏ việc ở nhà vì bị gai cột sống, không đứng liên tục để làm việc được. Nên đành tình nguyện ở nhà trông con cho vợ đi làm. Vợ anh người Hưng Yên, rất tần tảo chịu khó, ngoài đi làm công nhân trong KCN còn tranh thủ chạy chợ kiếm thêm tiền. Thì ra đống hoa quả nẫu giữa sân là của anh chị. Hàng ngày, sau khi làm ca đêm về, chị tranh thủ qua nhà người quen lấy mối hoa quả rồi chở ra chợ Bầu. Sáng sớm anh cho con ăn bột xong sẽ bế cháu ra ngoài chợ để trông hàng đỡ vợ. Chị vợ về nhà ngủ để đêm tiếp tục vào ca.

"Thành ra, vợ chồng mà nhiều lúc chỉ gặp nhau chớp nhoáng trong bữa cơm thôi chị ạ. Vợ tôi cũng bị đủ thứ bệnh hành hạ, huyết áp thấp, đau dạ dày nhưng vẫn phải cố thôi. Bệnh của tôi cứ đứng lâu một chỗ là không chịu được. Bây giờ bán hàng, lúc nào đau, mỏi thì loăng quăng đi lại chỗ này, chỗ kia một tí cho đỡ đau. Chứ làm công nhân, mà không đảm bảo đủ năng suất, thì cũng bị đuổi thẳng cổ…!".

Ảnh khu vệ sinh kèm phòng tắm chật hẹp và ngột ngạt.

Anh chưa nói xong thì có tiếng phụ nữ the thé như xé vải trước cổng: "Này, ai để cái xe đạp giữa đường giữa chợ như thế này hả, tôi lại đạp cho một cái đổ kềnh bây giờ!". Anh cuống quýt đặt đứa con xuống giường, chạy ra đẩy chiếc xe đạp vào một góc.

Anh ngượng nghịu nhìn tôi: "Sân nhỏ mà lại đông người, nhiều lúc để xe cũng khó. Có lúc còn cãi nhau ầm lên vì tranh nhau tắm, giặt ở bể nước cơ. Tôi định bụng dựng xe đấy để đợi cho thằng cu ăn xong sẽ dắt con ra chợ để thay ca cho mẹ nó về ngủ.. Thôi thì trăm người trăm tính, mình được gửi nhờ hoa quả ở góc sân là đã may lắm rồi".

Nói xong, anh vội vã chuẩn bị nào tã, nào sữa, nào bột lỉnh kỉnh cho vào giỏ xe. Một ngày, lại bắt đầu như thế…

Và những câu chuyện buồn…

2h chiều, cứ thành lệ ở những hàng giải khát, quán trà đá gần các KCN lại trở nên đông đúc. Qua chén nước chè đặc, qua làn khói thuốc lào, những câu chuyện buồn, những số phận bất hạnh của những người công nhân cứ xen kẽ nhau trải dài, trăn trở…

Chị Hồng (34 tuổi) quê ở Cổ Lễ, Nam Định buồn buồn khi nhắc đến chuyện của mình. Trên gương mặt khắc khổ, sớm già trước tuổi của chị, những giọt mồ hôi cứ đuổi nhau, thấm ướt cả chiếc khăn bịt đầu. Chị tâm sự: "Tôi bỏ quê lên đây làm công nhân cũng đã gần 4 năm nay. Công nhân ở khu này thì đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng nhiều nhất là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định…

Thời gian đầu tôi cứ tưởng làm việc vất vả thôi, nhưng hóa ra còn lừa lọc nhau nữa cô ạ. Khốn khổ lắm. Tôi nhớ những ngày đầu mới lơ ngơ xuống đây, có biết gì đâu, lúc đấy bị bọn cò mồi nó dụ dỗ nộp tiền để "chạy" vào làm công nhân. Chúng nó dọa tôi là lớn tuổi rồi, người ta không tuyển, họ chỉ tuyển 19 -20 tuổi. Thế là lo quá, đưa tiền cho chúng nó để được nhận, đâu hình như là 3 hay 4 trăm nghìn gì đó. Cuối cùng hỏi ra mới biết mình bị lừa… Bọn cò ấy cũng là công nhân như chúng tôi. Nhưng biết thế chứ cũng chả tìm mà đòi lại được".

Hoàng (24 tuổi), quê ở Nghệ An, nghe thấy thế vội vàng tiếp lời: “Thế còn chưa khổ bằng em gái tôi đây này, có chửa đến tháng thứ 3, nó ốm nghén đến rạc cả người, lần nào nghỉ hoặc đi làm muộn cũng xin phép bà tổ trưởng đàng hoàng. Vậy mà đùng một cái, phòng tổ chức gọi lên bắt nghỉ việc, hóa ra tổ trưởng nói rằng con bé này hay nghỉ mà không báo. Thế là ôm bụng chửa mà thất nghiệp rồi đấy!".

Nghe vậy, tôi ngạc nhiên hỏi: "Thế đùng một cái cho nghỉ như vậy thì không được bồi thường theo hợp đồng à?".

Cả toán công nhân đang ngồi uống nước nghe vậy cười ầm lên: "Gọi là sờ vào cái hợp đồng mà có nhớ mặt ngang mũi dọc nó như thế nào đâu. Cứ mấy trăm người ngồi với nhau, xong người ta phát đến tay một tờ giấy. Bên tuyển dụng  giục loạn lên: "Ký nhanh lên để còn thu!". Thế là hối hả tranh nhau ký chứ có đọc đâu mà biết!

Muôn nỗi lo toan không tên…

Lương công nhân ở các KCN chỉ vào khoảng 2,5 - 3 triệu/ tháng nếu chịu khó nai lưng làm việc chăm chỉ. Thấp chỉ khoảng 1,5 triệu/ tháng, tùy vào từng doanh nghiệp chi trả. Trong các KCN, công nhân nữ chiếm đa phần. Tôi biết có rất nhiều trường hợp các bạn nữ vừa tốt nghiệp THPT liền vội vã xin đi làm công nhân, một phần vì gia cảnh khó khăn, phần vì lực học yếu không theo nổi, một lý do nhiều bạn nữ được hỏi đều thốt ra rất ngô nghê là: "Để kiếm chồng!". Thường thì các công nhân yêu nhau chỉ thông qua quá trình gặp gỡ tại nơi làm việc cùng nhau.

Cô công nhân tên Hiền (23 tuổi) quên tận vùng núi Bắc Cạn có nước da trắng và chiếc răng khểnh rất duyên tâm sự: "Em với chồng em bây giờ gặp nhau nhiều nhất là ở nhà máy, ăn cơm, nói chuyện cùng nhau. Chứ mỗi lần đi làm về mệt rũ người chỉ mau chóng nấu cơm, tắm ào rồi leo lên giường ngủ. Đến thời gian xem tivi còn không có, sách báo chủ yếu lấy để lót ăn cơm thì hẹn hò nhau vào lúc nào!".

Nỗi lo lớn nhất của các cặp vợ chồng cùng là công nhân phải đối mặt chính là việc  gửi con cái ở đâu? Nhiều cặp vợ chồng chọn giải pháp là tập hợp trẻ con thành một nhóm rồi thuê bà chủ trọ kiêm luôn dịch vụ trông trẻ. Mỗi gia đình mất khoảng từ 800 đến 1 triệu đồng/ tháng để trả cho bà chủ trọ, thường là những người phụ nữ đã có tuổi trông tại gia, giống như những nhà trẻ tư nhân.

Tính ra mỗi cặp vợ chồng công nhân trung bình kiếm được khoảng 5 triệu/ tháng,  phí nhà trọ  và phí thuê trông giữ trẻ đã hết khoảng 1 triệu rưỡi. Còn đủ các loại chi phí điện nước, xăng xe…, thêm cả khoản tiền gửi về nhà cho gia đình ở quê…Thế nên nhiều bữa cơm bày lên chỉ có đậu phụ, rau luộc là chuyện thường xuyên. Việc gửi con theo học các trường công lập dường như chỉ là mơ ước khi hầu hết cha mẹ chúng đều là công nhân tứ xứ không có hộ khẩu Hà Nội…

Rất nhiều cặp gia đình lại chọn giải pháp gửi con về cho ông bà ở quê trông. Cô công nhân tên Hiền tiếp tục kể: "Em sinh được hai cháu, đều gửi lên Bắc Cạn cho ông bà ngoại chăm cả. Bố mẹ em cũng nghèo khó lắm, gần 70 tuổi rồi vẫn phải lên nương làm rẫy, mắt mũi thì kèm nhèm, chẳng có thời gian công sức để mà chăm cháu. Lần về quê ăn tết, trời thì rét buốt, thấy hai đứa con mình mặt mũi nhem nhuốc, lại mặc mỗi chiếc áo len mỏng, còn thì cởi truồng, đi chân trần mà rớt nước mắt. Nhưng chị ạ, trẻ con bản em toàn như vậy mà vẫn lớn sòn sòn. Vợ chồng em xót con nhưng biết làm sao, đón xuống đây thì ai trông, hai vợ chồng đi làm cả ngày…".

Kể đến đây đôi mắt Hiền chợt ầng ậng nước. "Dịp nghỉ hè này, em sẽ tặng cho con bé út một chiếc đàn piano  đồ chơi mà nó ao ước từ lâu. Con bé nhà em có khiếu ca hát chị ạ, nó thích xem chương trình Đồ-rê-mí trên tivi. Cứ gọi điện xuống đòi em dẫn nó đi thi, nhưng mà…". Hiền bỏ lửng câu nói, ánh mắt nhìn xa xăm…

Huyền Vũ
.
.
.