Cải tạo phạm nhân tại các trại giam: Lấy yêu thương để cảm hóa lầm lỗi

Thứ Năm, 21/09/2017, 20:03
Với một số phạm nhân không chịu hoàn lương, khi bị giam giữ và cải tạo tại các trại giam vẫn cố tình chống đối, gây ảnh hưởng tới an ninh, an toàn trại giam. Để đấu lý, đấu trí với những đối tượng này, những người làm công tác quản lý, cải tạo và giam giữ đã có những đấu pháp nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt, lấy yêu thương để cảm hóa lầm lỗi.


Những phạm nhân không chịu hoàn lương

Đã gần 5 tháng trôi qua, song khi nhắc lại chuyện mình bị phạm nhân gí lưỡi dao lam vào cổ khống chế, bắt làm con tin để đòi yêu sách với Ban giám thị, Trung úy Nguyễn Thị Dung, công tác tại Bệnh xá Trại giam số 3 (Tổng cục VIII) vẫn chưa hết rùng mình.

Chuyện xảy ra vào sáng ngày 25-4-2017, khi vừa đến phòng làm việc thì chị Dung bị phạm nhân Phạm Minh Công (23 tuổi), quê huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, hiện đang chấp hành mức án 9 năm 10 tháng về các tội danh "Bắt, giữ người trái pháp luật", "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý gây thương tích", bất ngờ lao đến, dùng nửa chiếc dao lam gí vào cổ khống chế, sau đó kéo đến trước cửa phòng nhà vệ sinh của bệnh xá để cố thủ và đòi yêu sách Ban Giám thị cho đổi trại giam. Lúc này, một số phạm nhân đang lao động ở gần đó nghe tiếng kêu cứu liền chạy đến giải cứu an toàn cho Trung úy Dung.

Giáo dục riêng phạm nhân là một trong những biện pháp giáo dục đạt hiệu quả cao.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Quản giáo, Trại giam số 3 cho biết: Phạm Minh Công là phạm nhân được chuyển từ trại giam khác đến, tuy nhiên với bản chất côn đồ, đã nhiều lần phạm tội trong trại giam. 18 tuổi, Công bị TAND quận Ô Môn (Cần Thơ) xử phạt 7 năm 6 tháng tù về tội "Cướp tài sản". Quá trình thụ án tại Trại giam số 3, phạm nhân này tiếp tục gây án.

Ngày 3-6-2013, Phạm Minh Công cùng 7 phạm nhân khác giả vờ bị bệnh để lên Bệnh xá của Trại xin thuốc để bắt và nhốt cán bộ y tế của trại làm con tin, tạo áp lực cho Ban Giám thị để đòi chuyển trại giam. 2 năm sau đó, Phạm Minh Công lại tiếp tục phạm tội mới khi đánh bạn tù gây thương tích, bị tòa tuyên phạt thêm 3 năm tù giam.

Chuyện của phạm nhân Phạm Minh Công không phải là trường hợp cá biệt, bởi trong số phạm nhân đang thụ án ở các trại giam trên cả nước, vẫn có một số phạm nhân không chịu hoàn lương.

Trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn Vinh (31 tuổi), quê Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa), phạm tội cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, án tù 10 năm và vào trại giam ngày 12-2-2006, thụ án tại Trại giam A2 (Bộ Công an). Do không chịu cải tạo và bị kỷ luật nên ngày 7-5-2012 được chuyển về Trại giam số 6. Một phạm nhân khác cũng từ Trại giam A2 chuyển đến, là Lê Hoàng Tâm (29 tuổi), trú tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thụ án 9 năm tù.

Những phạm nhân này, quá trình thụ án do có tư tưởng trốn trại hoặc khống chế cán bộ để đòi yêu sách nên thường xuyên bị xếp loại cải tạo yếu kém, phải chịu các hình thức kỷ luật của trại giam. Thậm chí, có một số phạm nhân đã phải chuyển qua 3 - 4 trại giam khác nhau, án chồng án nhưng bản tính vẫn không thay đổi khi tiếp tục gây rối tại nơi mới chuyển đến khiến công tác giáo dục, cải tạo và cảm hóa gặp không ít khó khăn.

Thức tỉnh lương tri những người lầm lỗi

Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 cho biết: Ở Trại giam số 3, đặc thù là chỉ có phạm nhân nam, phạm nhân mang nhiều tiền án, án từ 10 năm đến chung thân chiếm đa số nên thi thoảng một số phạm nhân có biểu hiện tiêu cực để đòi yêu sách. Tuy nhiên, ngày nay do nắm bắt được tư tưởng, tâm tư tình cảm của các phạm nhân nên mọi biểu hiện này đều được Ban Giám thị nắm bắt kịp thời.

Có thể kể đến như phạm nhân Lê Hữu Còn, quê Thanh Hóa, án 20 năm về tội giết người và cố ý gây thương tích. Trong thời gian đầu khi mới chuyển đến Trại giam số 3 thụ án, phạm nhân đã chống đối, không hợp tác với cán bộ trong quá trình giáo dục, cải tạo. Phạm nhân Thái Dương Đức, quê tại TP Vinh, phạm tội giết người, quá trình thụ án tại đây cũng thường xuyên gây rối, không chấp hành các quy định, nội quy buồng giam và tìm cách gây hấn với bạn tù.

Cảm hóa, giáo dục phạm nhân trong giờ lao động.

Đối với những phạm nhân này, một mặt Ban Giám thị vừa phát động phong trào tố giác tội phạm đến tận buồng giam để nắm bắt tư tưởng, diễn biến; mặt khác áp dụng các hình thức giáo dục chung, giáo dục riêng, thậm chí tác động đến cả gia đình, người thân để cùng chung tay giáo dục, cảm hóa.

Nhờ vậy, số phạm nhân có những phản ứng tiêu cực khi vào Trại giam số 3 cải tạo đã giảm hẳn, thậm chí nhiều phạm nhân thay đổi nhận thức, cải tạo tốt đã được giảm án, trở thành "cán bộ" của các phạm nhân khác. Có thể kể đến trường hợp của phạm nhân Nguyễn Tuấn Sơn, quê Thanh Hóa, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thời kỳ đầu mới vào trại liên tục bị kỷ luật giam riêng vì chống đối. Sau một thời gian được cảm hóa, phạm nhân này đã có thành tích cải tạo khá, được xét giảm án và chuyển sang làm đội trưởng tự quản. 

Trường hợp phạm nhân Phạm Minh Công gí dao lam vào cổ nữ cán bộ ở Trại giam số 3, sau khi được đưa về lại Trại giam thụ án, cán bộ quản giáo qua tìm hiểu được biết hoàn cảnh của Công cũng khá éo le khi bố mất sớm, gia cảnh khó khăn, mẹ già yếu nên đã thường xuyên quan tâm, hỏi han và động viên. Sự gần gũi, ân cần của cán bộ đã khiến phạm nhân Công lay động, hứa không tái phạm, đồng thời sẽ tu tâm cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Trong khi đó, ở Trại giam số 6, từ nhiều năm qua cũng được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân. Theo Đại tá Võ Thành Vinh, Phó giám thị Trại giam, thì những phạm nhân này đều trải qua từ 3 - 4 trại giam khác nhau, nhiều lần bị xử lý kỷ luật, giam riêng vì vi phạm nội quy trại giam, chính vì vậy biện pháp giáo dục, cải tạo càng rắn, càng nghiêm khắc thì chỉ mang lại tác dụng ngược.

Do đó, từ nhiều năm qua, cùng với giáo dục chung, giáo dục riêng, thậm chí là giáo dục cá biệt, Ban Giám thị còn thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tư tưởng để hiểu thêm về hoàn cảnh của từng phạm nhân, để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục hợp lý.

Với những phạm nhân già yếu nhưng đã cải tạo tốt và được giảm án, Trại giam đã tạo điều kiện để họ viết thư xin chuyển về trại cũ chấp hành án, tạo thuận lợi cho nhân thân trong việc thăm gặp. Những phạm nhân khác, sau khi tiến bộ trong giáo dục cải tạo, đơn vị có hình thức biểu dương trước các phạm nhân, vừa động viên, khích lệ họ vừa làm gương cho các phạm nhân khác.

Với chính sách nhân đạo đó, ngày 26-1-2015, phạm nhân Lê Hoàng Tâm đã viết đơn tự nguyện xin ở lại trại giam số 6 tiếp tục thi hành án. Trường hợp phạm nhân Trần Duy Minh, quê ở Đồng Nai, thụ án chung thân vì can tội mua bán trái phép chất ma túy và giết người, bản thân bị nhiễm HIV. Khi được chuyển từ trại giam khác đến, phạm nhân này luôn có tư tưởng chống đối, tìm cách đào thoát khỏi nơi giam giữ.

Phạm nhân Nguyễn Bá Hoành, quê ở Hải Phòng, án chung thân về các tội danh cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, bắt phạm nhân và cán bộ làm con tin. "Đó là thời điểm cuối năm 2012, giáp tết Nguyên đán nên tâm lý, tư tưởng phạm nhân cũng có những diễn biến khó lường. Nắm bắt được điều đó, chúng tôi đã áp dụng đồng thời các biện pháp giáo dục, vừa cương vừa nhu, vừa mềm mỏng nhưng cũng rất cương quyết, nghiêm khắc đối với từng phạm nhân để họ hiểu rằng, pháp luật rất nghiêm minh, nhưng pháp luật cũng rất nhân đạo và hết sức khoan hồng với những ai biết ăn năn, hối cải. Với chính sách giáo dục đặc biệt đó, đến nay cả hai phạm nhân đều đã được giảm án, trong suốt 5 năm qua từ những kẻ bất cần đời, xếp loại cải tạo kém đến nay đã được xếp loại khá và đã 2 lần được đề nghị giảm án", Đại tá Võ Thành Vinh cho biết.

Đánh giá mới đây nhất tại Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp đảm bảo An ninh trật tự giữa các đơn vị Trại giam số 3, Trại giam số 6 và Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, đối với những phạm nhân có tư tưởng chống đối, khi vào thụ án tại các trại giam thường tìm mọi cách để gây hấn hòng tạo áp lực, ra yêu sách với cán bộ.

Tất nhiên, những hành vi này đều phải trả giá bằng những bản án chồng lên án. Song, với lương tâm và trách nhiệm, ngoài việc áp dụng đồng bộ các biện pháp giáo dục trong trại giam, các cán bộ quản giáo còn thông qua người thân, gia đình của họ để tác động, cảm hóa để thức tỉnh lương tri của những phạm nhân này.

Qua đó, kỷ luật kỷ cương và trật tự an toàn trại giam được thiết lập, giữ vững, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho can phạm nhân trong quá trình giam giữ, cải tạo.

Thiện Thành
.
.
.