Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, người lãnh đạo giản dị, mẫu mực
- Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với Bộ đội Biên phòng Việt Nam
- Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với việc xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh
Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an (từ tháng 8-1953 đến cuối năm 1980), Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn được coi là người đặt nền móng đầu tiên cho công tác xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của ngành Công an. Thời gian biến thiên nhưng những lời dạy của Bác Hồ, tấm gương của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn vẫn luôn được các thế hệ CAND học tập, noi theo.
Thắp một nén nhang trước bàn thờ của cố Bộ trưởng ở xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An, thấy lòng rung lên những xúc cảm lắng đọng tri ân. Qua những tấm ảnh của Bộ trưởng đến thăm và làm việc với nhiều đơn vị công an; những lời ghi nhớ công ơn của cán bộ, chiến sĩ trong sổ lưu niệm ở nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng; tiếp xúc với những người dân địa phương đã từng được gặp gỡ, nói chuyện với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khi ông về thăm quê..., chúng tôi thấy ấn tượng của mọi người nơi đây về ông là một người lãnh đạo của ngành Công an giản dị, chất phác trong cuộc sống, nghiêm túc, tận tình trong mỗi việc làm.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với cán bộ, chiến sĩ CAND lập công xuất sắc ở “Đại hội tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc năm 1979”. |
Sinh ra trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương Xôviết Nghệ Tĩnh, đồng chí Trần Quốc Hoàn là người con ưu tú của dân tộc, một trong những học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng là người đặt nền móng xây dựng và phát triển hệ thống lý luận CAND Việt Nam.
Còn nhớ, cách đây không lâu, bên ấm nước chè xanh xứ Nghệ, tôi được ngồi tiếp chuyện bà Phạm Thị Tâm - cháu dâu thúc bá của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Mắt bà nhòa lệ khi nhắc đến ông. Trong ký ức của bà Tâm, đồng chí Trần Quốc Hoàn là người lãnh đạo cao nhất của ngành Công an hàng chục năm trời nhưng mỗi lần về nhà ông vẫn giữ tác phong giản dị, chất phác như những người dân quê chân lấm, tay bùn.
Sáng sớm, Bộ trưởng nhắc người trong nhà nấu một nồi lớn nước chè xanh, rồi tự ông đến các nhà láng giềng mời qua uống nước. Bộ trưởng hỏi thăm việc cày cấy, con cái học hành. Ai làm được cái nhà mới, mua được con trâu tốt, Bộ trưởng chúc mừng, động viên. Ông đặc biệt quan tâm hỏi han cặn kẽ các cháu đang học ở các trường, động viên bà con chắt chiu, chịu khó cho con cái ăn học để nên người.
Trong ký ức của rất nhiều cụ cao niên ở Nam Trung, Nam Đàn, câu chuyện xúc động về đồng chí Trần Quốc Hoàn 14 tuổi đã đi theo cách mạng, phấn đấu học hành vẫn được các cụ kể lại như bài học để giáo dục con cháu. Năm 14 tuổi, khi đang học phổ thông ở Nam Trung, thiếu niên Trần Quốc Hoàn đã lặng lẽ rời trường qua núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh tham gia cách mạng. Tối về, không thấy cậu bé Hoàn ôm cặp sách về nhà, cha mẹ và người làng đã đốt đuốc đi tìm khắp vùng núi Nam Trung vì nỗi lo hổ vồ cậu bé, bởi trước đó ở làng đã có người bị hổ vồ.
Sau mấy ngày tìm kiếm, gia đình quay về mới phát hiện Trần Quốc Hoàn để thư gửi cha mẹ dưới gối nằm. Đồng chí xin lỗi mẹ cha và bày tỏ quyết tâm đi theo cách mạng để góp công, góp sức giải phóng quê hương đất nước theo các cụ tiền bối của quê hương như Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu... và đặc biệt là Bác Hồ kính yêu.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 18 tuổi, sau đó bị thực dân Pháp bắt và giam cầm khi còn rất trẻ. Ngay từ ngày đó ông đã bộc lộ bản lĩnh kiên cường, bất khuất của một nhà cách mạng tầm cỡ.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Thủ đô Hà Nội và Liên khu I, sau đó đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Liên khu ủy II, Bí thư Liên khu ủy X, Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Trên bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng phu nhân Lê Song Toàn và các con chụp ảnh lưu niệm tại số 1, phố Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 2-9-1955. |
Đồng chí Trần Quốc Hoàn vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, từ đó cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của người thanh niên chí lớn trải qua rất nhiều cương vị công tác và ở ông luôn thấm nhuần lý tưởng cách mạng: giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Sau này, làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng CAND phải luôn nêu cao việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện, “lấy 6 điều Bác Hồ dạy CAND làm kim chỉ nam cho mọi hành động”.
Đánh giá về đồng chí Trần Quốc Hoàn, trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu đồng chí ngày 7-9-1986, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu rõ: “Đồng chí Trần Quốc Hoàn, một đảng viên cộng sản ưu tú và kiên cường, một cán bộ lãnh đạo cách mạng giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước ta, đã cống hiến trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc”.
Trong gần 28 năm với cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng với lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách và tổ chức, nguyên tắc, phương châm, hình thức, biện pháp, đồng thời chỉ đạo lực lượng CAND đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, ý đồ hoạt động của bọn phản cách mạng và các loại tội phạm khác.
Nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ở Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An. |
Ngay sau khi được Đảng cử sang phụ trách lực lượng công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo tổng kết công tác công an từ khi thành lập, rút ra 7 kết luận quan trọng của công tác công an (Đó là công tác bảo vệ cơ quan, công tác điều tra nghiên cứu, công tác bắt và xét xử, công tác hỏi cung, công tác quản chế, công tác kiểm soát sự ra vào vùng tạm chiếm và công an xã).
Đồng chí Bộ trưởng cũng trực tiếp chỉ đạo lực lượng CAND triển khai và đẩy mạnh các mặt công tác an ninh: khám phá vụ gián điệp Âu Trạch Niên năm 1969; đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO năm 1976; vấn đề bảo vệ an ninh biên giới... Đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng xác định phong trào quần chúng là nhiệm vụ chiến lược số 1 của lực lượng công an.
Ghi nhớ công lao to lớn của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã xây dựng khu tưởng niệm ông ở Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An. Từ khi khánh thành đến nay, khu tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã liên tục tiếp đón các đoàn trong và ngoài lực lượng công an về thăm, trở thành một địa chỉ tham quan, sinh hoạt chính trị của Bộ Công an cũng như người dân cả nước.
Hằng năm, tại đây diễn ra hàng trăm lượt viếng thăm của công an các đơn vị, địa phương và cấp ủy, chính quyền các cấp. Khu tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã, đang và sẽ trở thành địa chỉ thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ lực lượng công an khắp nơi tìm đến mỗi khi về với huyện Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.
Rời nhà cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, chúng tôi đến UBND xã Nam Trung khi trời đã về chiều. Các cán bộ xã nơi đây bắt tay chúng tôi thật chặt cho biết, nhiều năm qua, chính quyền và địa phương nơi đây luôn xem việc học, giáo dục con em nên người là việc chính, quan trọng nhất. Là một xã thuần nông, diện tích đất canh tác ít, diện tích tự nhiên chỉ có 851,49 ha, với dân số hơn 6.300 người, song hàng trăm gia đình ở quê hương cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã tự nguyện hiến đất, hiến tài sản để làm đường giao thông, công trình thủy lợi.
Nam Trung đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở vật chất, hạ tầng ở Nam Trung được đầu tư ngày một phát huy hiệu quả. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều bước cải cách hành chính để đưa quy chế dân chủ về tận cơ sở, xứng danh quê hương anh hùng.