Bảo vệ dân phố và Dân phòng - khi hai nhập một
Mục đích nhập hai thành một là để có thể tập trung được sức mạnh nguồn nhân lực, phương tiện để thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), phòng chống tội phạm và phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại địa bàn dân cư... Một đề xuất đáng chú ý, song vẫn còn nhiều điều tiếp tục phải hoàn thiện.
Lực lượng Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. |
Nhiều khó khăn do kiêm nhiệm, hoạt động không chuyên trách
Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tại các quận huyện của thành phố có hai lực lượng làm công tác tham gia giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm và PCCC. BVDP được thành lập và hoạt động theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17-4-2006 của Chính phủ, mỗi khu phố được thành lập một tổ BVDP có từ 3 đến 7 đội viên. Còn lực lượng DP được thành lập và hoạt động theo Luật PCCC, Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ; mỗi khu phố, ấp, một đội có từ 10 đến 30 đội viên.
Biên chế và chế độ hoạt động khác nhau nhưng cả hai lực lượng này đều có chung nhiệm vụ vừa tham gia thực hiện giữ gìn ANTT, vừa tham gia thực hiện công tác PCCC. Thực tế, BVDP chính là lực lượng nòng cốt của... đội DP, hoạt động có hiệu quả. Do đó, sau khi khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động, Công an TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo để xuất Bộ Công an nghiên cứu đề xuất hợp nhất hai lực lượng này thành một, hoạt động theo chế độ chuyên trách với số lượng thường trực tối thiểu 10 người trong một ca trực.
Mục đích của việc hợp nhất này là để có thể tập trung được sức mạnh nguồn nhân lực, phương tiện để thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ tham gia giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm và PCCC tại địa bàn dân cư, thuận tiện trong chỉ huy điều hành thực hiện xử lý vụ việc, đồng thời tiết kiệm được kinh phí và hoạt động thực chất hơn, hiệu quả hơn.
TP Hồ Chí Minh hiện có 1.991 đội DP trên 1.991 khu phố, tổng cộng 21.461 đội viên. Số lượng khá đông đảo, hầu như các đội DP đều đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay đảm bảo an toàn cháy, nổ tại khu dân cư. Lực lượng DP và nhân dân nơi cư trú đã kịp thời phát hiện và dập tắt tại chỗ nhiều vụ cháy trên địa bàn ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, cháy lan gây thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình như lực lượng BVDP của phường Nguyễn Thái Bình quận 1, lực lượng DP của xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè đã tự xử lý trên 20 vụ cháy từ 2012 đến nay...
Các đội DP còn tham gia xử lý vụ việc ở địa bàn khác khi được yêu cầu. Mỗi khi có sự cố cháy, nổ, cứu nạn - cứu hộ (CNCH), lực lượng DP đã làm tốt việc thông tin báo cháy, báo sự cố và tham gia chữa cháy ban đầu, kết hợp bảo vệ hiện trường trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt. Hằng năm, lực lượng DP cùng BVDP kịp thời phát hiện và dập tắt tại chỗ nhiều vụ cháy...
Tuy nhiên, do không có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về PCCC nên lực lượng DP chưa chủ động và khó thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành quy định, nội quy an toàn PCCC trong khu dân cư. Đồng thời, các phương tiện chữa cháy và CNCH trang bị cho lực lượng DP còn thô sơ, chưa có phương tiện cơ giới (máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy nhỏ...). Đa số đội DP ở và làm việc chung với ban điều hành khu phố hoặc không có nơi làm việc.
Thậm chí, một số quận huyện tận dụng vỉa hè, lòng đường nhỏ, chật chội làm chốt bảo vệ, bảo quản phương tiện PCCC. Việc duy trì quân số đội viên DP tại thành phố gặp nhiều khó khăn do luật quy định chế độ hoạt động của đội DP là kiêm nhiệm, hoạt động không chuyên trách, vừa tham gia đội DP, vừa làm việc khác ở nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú. Do đó rất khó khăn trong việc tổ chức thường trực 24/24 tại địa bàn dân cư và cũng khó huy động khi có sự cố đột xuất xảy ra.
Chưa kể, cũng chính vì chế độ kiêm nhiệm nên việc tham gia là không bắt buộc, cố định, dẫn đến việc thường xuyên thay đổi đội viên. Người mới tham gia chưa được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, người được huấn luyện nghiệp vụ PCCC lại thay đổi không tham gia đội DP. Chất lượng nghiệp vụ của đội DP thường xuyên không ổn định, khó thực hiện nhiệm vụ PCCC theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách thấp, nguồn hỗ trợ chủ yếu là phụ cấp không đủ trang trải cuộc sống cho người tham gia là nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến việc tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng DP. Hiện nay quy định mức hỗ trợ thường xuyên chỉ có cho đội trưởng và đội phó, bằng 25% lương cơ sở/người/tháng. Đây là mức hỗ trợ rất thấp. Tất cả các đội viên khác không được hưởng mức hỗ trợ nào cả nên rất khó tuyển dụng và duy trì lực lượng này thường xuyên, liên tục.
Điều 5, Luật PCCC quy định: “Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe, có trách nhiệm tham gia vào đội DP, đội PCCC cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu” nhưng không quy định độ tuổi tối đa. Lực lượng DP tuổi trung bình từ 35-45 tuổi trở lên, có nơi đội viên đội DP trên 60 tuổi. Khi có vụ việc cháy nổ xảy ra thì việc xử lý tình huống bị chậm chạp, khó khăn, đặc biệt là khi xử lý các đám cháy phức tạp.
Hiện cũng chưa có quy định cụ thể về việc xã hội hóa trong công tác PCCC nên chưa thể huy động được các nguồn lực trong nhân dân để phục vụ công tác này. Một số quy định cụ thể, cần thiết khác cũng thiếu hoặc bất cập.
Sáp nhập là cần thiết
Nằm ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, BVDP phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã được trang bị những phương tiện và công cụ hỗ trợ hiện đại, chuyên nghiệp như xe mô tô chuyên dụng, áo giáp chống đạn, ô tô tuần tra, xe chữa cháy, camera hành trình... góp phần rất hiệu quả trong việc PCCC và phòng chống tội phạm.
Ông Lý Nhơn Thành, Trưởng ban BVDP phường Nguyễn Thái Bình cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền đầu tư tất cả các phương tiện này cũng lên tới gần 2 tỷ đồng. Có 4 mô tô phân khối lớn, 1 ô tô tuần tra - chữa cháy, một xe chữa cháy mini, một máy chữa cháy, 15 áo giáp chống đạn, 15 mũ bảo hiểm loại A2, 15 tấm khiên, 3 camera hành trình và nhiều thiết bị khác”.
Trên cả nước, hiện chưa có ban BVDP nào được đầu tư trang bị những phương tiện và công cụ hiện đại và chuyên nghiệp như vậy. Mỗi chiếc mô tô phân khối lớn có giá khoảng 70 triệu đồng; khiên, gậy và mũ được mua với số tiền tổng cộng khoảng 200 triệu đồng; áo giáp chống đạn trên dưới 10 triệu đồng/chiếc. Ngoài xe tuần tra - chữa cháy và xe chữa cháy mini, ông Thành mới mua một máy chữa cháy lớn có thể kết nối trực tiếp vào các họng nước chữa cháy với giá 3.800 USD...
Dàn xe mô tô, xe phục vụ tuần tra và xe chữa cháy mini để chữa cháy kịp thời trên địa bàn phường. |
Đáng ngạc nhiên là số kinh phí đều là của cá nhân ông Thành đứng ra vay ngân hàng để có tiền mua sắm chứ không dùng tiền ngân sách nhà nước. Ông cho biết, sau khi được ủy ban nhân dân phường và quận đồng ý chủ trương mua sắm các thiết bị phục vụ cho việc phòng chống tội phạm và cháy nổ, ông đã đứng ra vay tiền ngân hàng với tư cách cá nhân. Và phía ngân hàng cũng tạo điều kiện khi biết mục đích của ông, không phải chứng minh tài sản thế chấp. Đến nay, ông Thành đã tự trả được phần lớn khoản vay này.
BVDP phường Nguyễn Thái Bình có tất cả 15 thành viên trụ sở làm việc ở ngay ngã tư đường Nguyễn Công Trứ - Calmete, đồng thời là nơi nghỉ ngơi của anh em. Vì được quan tâm, sử dụng những phương tiện hiện đại trong công việc nên từ năm 2008 đến nay, các vụ cháy nhỏ đều được nhanh chóng dập tắt, tội phạm trên địa bàn giảm hẳn và đội BVDP được người dân rất tin tưởng.
Ông Thành cho rằng, hiện nay lực lượng BVDP gần giống như lực lượng dân quân tự vệ, nên cần khuyến khích người dân tham gia lực lượng BVDP và nếu thế có thể được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự. Việc này cũng nhằm để trẻ hóa lực lượng. Có nhiều người lớn tuổi trong đội sẽ rất khó khăn khi cơ động CNCH.
Trực tiếp khảo sát tình hình lực lượng BVDP ở phường Nguyễn Thái Bình vào ngày 4-3, Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, khẳng định: Nhà nước luôn quan tâm đến đội ngũ tham gia lực lượng DP, những người dân có đủ sức khỏe từ 18 trở lên đều được tham gia lực lượng này. Bộ Công an và Cục Cảnh sát PCCC-CNCH đánh giá cao hoạt động của lực lượng BVDP. Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất có chế độ chính sách đối với lực lượng này”.
“Tôi thấy việc sáp nhập lực lượng BVDP và DP là cần thiết”, Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng nhấn mạnh. Riêng trường hợp ông Lý Nhơn Thành, sắp tới Cục sẽ có những hành động biểu dương, nhân rộng tấm gương tốt này để cho những địa phương khác học tập.
Với đề xuất hợp nhất hai lực lượng BVDP và DP, để có thể thực hiện được, Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng trước mắt, cần có quy định cụ thể về quy chế phối hợp giữa các lực lượng BVDP, đội DP và dân quân tự vệ tại địa phương để phát huy sức mạnh nguồn nhân lực, phương tiện và thống nhất trong chỉ đạo chỉ huy. Chế độ, chính sách cho lực lượng DP như chế độ tiền lương hằng tháng cho tất cả đội viên cần được bổ sung, đảm bảo cuộc sống để có thể thu hút được lực lượng trẻ, có sức khỏe, có nghiệp vụ để yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Công an TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị nghiên cứu đề xuất quy định, cơ chế để huy động được lực lượng chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND, sau khi hoàn thành nghĩa vụ về địa phương sẽ tham gia làm nòng cốt trong đội DP. Việc này giúp phát huy được nghiệp vụ đã được đào tạo huấn luyện trong thời gian phục vụ trong CAND, tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và có kinh nghiệm thực tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng DP.