500 năm một làng gốm cổ
Non nửa thiên niên kỷ, đất và bùn trong cuộc thiên di của người Việt ngày mở nước đã hóa từ bụi đất thành huy hoàng. Gần 500 năm cho một làng nghề với biết bao biến thiên dữ lành của thời cuộc vẫn còn đây cát bụi kim cương cho đời, cho người.
Trăm năm đất gốm dưới tay người
Làng gốm cổ Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) nép mình bên dòng sông Thu Bồn với vẻ đẹp mộc mạc xưa cũ. Trong sách sử và trong lời kể tự hào của người làng thì từ những năm đầu thế kỉ XVI, gốm đã hình thành ở vùng đất này. Hành trình 500 năm là hành trình của người đi mở đất có gốc gác từ các vùng Nam Định, Hải Dương và Thanh Hóa, họ mang theo sự thương nhớ quê hương xứ sở đầy nghĩa nặng tình thâm được gửi vào đất này của những dòng người thiên di về phương Nam.
Thời kỳ huy hoàng nhất của làng gốm là vào thế kỷ XVI - XVII, sản phẩm của làng được mệnh danh là “thổ sản quốc gia”, dùng để tiến vua. Để có được danh phận ấy, người thợ gốm đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, cả nước mắt để tạo nên cái tên cho dòng gốm này. Đất lấy về, người thợ phải trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi nhuyễn mịn như bột bánh mới được. Mọi công đoạn trong quy trình làm gốm đều được nghệ nhân thực hiện tỉ mỉ, từ khâu tạo hình đất sét bằng bàn xoay. Sản phẩm sau khi tạo hình xong để cho se lại, mang ra ngoài nắng phơi hoặc hong nơi góc bếp cho khô mới nung. Lò nung được xếp thật khéo để các sản phẩm vừa đảm bảo không bị chèn ép, vừa tiết kiệm diện tích. Tùy vào sản phẩm mà người thợ có thể nung từ một đến ba ngày.
Ngày trước, sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Có lẽ, một phần nhờ đất sét của dòng sông Thu Bồn bồi đắp và bàn tay khéo léo của người thợ Thanh Hà. Nhưng, có lẽ điều quan trọng nhất, như cái cách mà người làng vẫn bám víu vào mấy trăm năm qua để giữ nghề, ấy là nghề gốm thủ công này là sự kết tinh từ tâm hồn người làm ra nó và thực tế cuộc sống. Nếu không yêu nghề thì không có sản phẩm đẹp. Người và gốm đều phải kiên nhẫn, kiên nhẫn đến phút cuối cùng khi sản phẩm lên bàn xoay, đặt ra đất để hong khô, kiên nhẫn với từng ngọn lửa, biết điều chỉnh để gốm chín vừa đủ, không bị cháy đen và cũng không bị sống sượng. Nghề gốm đặc biệt phải có một trái tim, phải có cảm xúc thật sự khi đôi tay trần chạm vào thớ đất sét dẻo. Và, khi đã dành cho gốm tình yêu thật sự và bằng nỗ lực tiếp cận thì sẽ gìn giữ được nghề và sống được với nghề.
Ở chốn này, từng con đường, những góc sân đến mái ngói đều được làm từ đất nung. Một cảm giác thật bình yên với không gian xanh của hàng cau trước ngõ và sản phẩm gốm vừa mới tạo hình xong đang được phơi nắng trước khi đưa vào lò nung. Theo lời chia sẻ của những nghệ nhân nổi tiếng lâu đời ở Thanh Hà thì để làm ra một sản phẩm đúng chất gốm của làng đòi hỏi kỳ công và tâm huyết rất nhiều. Có lẽ một phần nhờ đất sét của dòng sông Thu Bồn bồi đắp và bàn tay khéo léo của người thợ Thanh Hà. Nếu có một sự so sánh, thì sản phẩm gốm của Thổ Hà (Bắc Giang) được làm từ đất sét xanh, còn ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) lại sử dụng sét trắng, gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) thì lại từ sét vàng nâu, còn gốm Thanh Hà được lấy từ đất sét nâu dọc sông thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao, tạo nên sự độc đáo riêng có của loại gốm xứ này.
Ngôi làng nhỏ và bình yên này đã trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió. Có những thời kỳ tưởng chừng như nghề gốm nơi đây bị rơi vào lãng quên. Thế nhưng, chính nhờ sự tâm huyết và lòng yêu nghề, những nghệ nhân của làng đã một lần nữa làm “sống lại” nét đẹp cũng như giữ được hồn cốt của làng. Mấy trăm năm của Hội An, gốm Thanh Hà gắn liền với sự hưng thịnh của di sản. Có những giai đoạn tưởng chừng như cái tên gốm Thanh Hà đã không còn tồn tại bởi sức ép của kinh tế thị trường. Có thời điểm, cả làng chỉ còn đúng 5 hộ làm gốm. Người người bỏ làng đi làm việc khác, bỏ lại những đôi mắt già nua thương nhớ gốm cổ bơ vơ bên bàn xoay mỗi ngày. những năm sau 1980 trở đi, thị trường tiêu thụ gốm dân dụng bị bóp nghẹt bởi sự đổ bộ của các đồ dùng bằng nhôm, sắt, nhựa. Do không thể cạnh tranh nổi nên những năm trước 2000, làng nghề gốm Thanh Hà dần chuyển qua nghề làm gạch, ngói âm dương. Nghề này dù thu nhập không cao nhưng vẫn giúp bà con có cái ăn, bám được cái nghề vốn đã được tiền hiền truyền lại qua trăm năm suy biến, hưng thịnh.
Từng có giai đoạn tưởng chừng thất truyền, hiện làng gốm Thanh Hà vẫn giữ được 32 hộ làm gốm chính, trong đó có 5 hộ làm gốm truyền thống, 5 hộ làm gốm mỹ nghệ và 95 thợ gốm gồm thợ làm đất, thợ chuốt, thợ đẩy, thợ lò, lái buôn gốm... Họ đều là những người nắm trong tay kinh nghiệm chế tác, các kiến thức chế tác gốm truyền thống bằng bàn xoay, nung gốm bằng lò. Chính những cá nhân, hộ gia đình này là đối tượng trung tâm, quan trọng để làm cơ sở cho việc ra đời những tác phẩm gốm sứ độc đáo, giữ cái hồn của làng nghề.
Cát bụi huy hoàng
Ở làng gốm thuở ấy, vẫn có những người giữ gốm như cái cách riêng của mình để lưu truyền cho ngày sau. Như cụ bà Nguyễn Thị Được (đã mất), người dành 80 năm cuộc đời cho gốm cũng đã trăn trở rất nhiều để giữ nghề, truyền nghề cho những người trẻ sau này. Dù nghề gốm lắm nhọc nhằn, thế nhưng, tình yêu bà dành cho gốm mấy chục năm nay thì không thay đổi. Hơn 80 năm làm nghề gốm, chưa một ngày lò nung của bà tắt lửa. Ngày nào cũng thế, dù có lúc bận bịu, hay đau ốm nhưng lò nung của bà vẫn luôn đỏ rực. Gia đình bà có đến 6 đời làm gốm. Tài hoa và một đời yêu gốm, bà đã không ngại mang hết những bí quyết đi truyền dạy cho người trong làng, chỉ với mong ước là nghề gốm cổ của làng không bị thất truyền. Những người trong làng được bà chỉ dạy giờ đã là những người thợ giỏi. Bởi, họ biết bà là một trong hai người cuối cùng ở làng này nắm được chế tác và trực tiếp chuốt thành công nhiều mẫu đất và kĩ thuật nung sành. Cả những am hiểu về cách nhận biết trạng thái gốm sành trong khi nung theo kinh nghiệm dân gian bao đời của các thợ gốm tiền bối truyền lại. Bây giờ, con dâu cụ Được là bà Phạm Thị Mỹ Dung - chủ cơ sở gốm Sơn Thúy - là tay thợ nữ nổi tiếng và được phong thợ giỏi nhiều lần ở làng gốm Thanh Hà.
Nhưng rồi, một thách thức khác lại đến khi những lò nung tỏa khói giữa miền di sản. Thời điểm đầu những năm 2000, Hội An bắt đầu phát triển du lịch và được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa nhân loại, ngành công nghiệp không khói yêu cầu phải “xanh”. Trước yêu cầu ấy, sự trăn trở của chính quyền, nỗi lo lắng của những người làm gốm lại bùng lên. Trước yêu cầu đổi mới, các lò nung truyền thống gây ô nhiễm khói bụi đã được thay thế bằng lò điện. Những nghệ nhân được học ngoại ngữ, học làm du lịch, các cơ sở làm gốm được thiết kế lại, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi tham quan học tập. Cứ thế, làng gốm lần vực dậy và hồi sinh ngoạn mục. Có những năm gần đây, khách du lịch lên tới 650.000 người mỗi năm, mang lại doanh thu gần 25 tỷ đồng chỉ với việc bán vé tham quan. Bây giờ, toàn làng nghề có 32 cơ sở duy trì sản xuất. Người làng gốm đã sống được với nghề, ngoài việc bán sản phẩm cho du khách, các cơ sở sản xuất còn được trích lại một phần số tiền vé tham quan du lịch, sử dụng dịch vụ.
Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, nghề truyền thống nơi đây có lúc tưởng như bị lãng quên. Thế nhưng, nhờ vào cái tâm và lòng yêu nghề của những nghệ nhân mà làng nghề vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, một lần nữa làm sống lại cái đẹp, cái hồn của một làng nghề truyền thống Việt. Bây giờ, nhờ tư duy nhanh nhẹn của những người trẻ yêu và thương miền gốm cổ, họ vừa giữ lấy nghề của cha ông, vừa tận dụng sức mạnh số để tìm hiểu các xu hướng mới, mở kênh mua bán sản phẩm trên mạng xã hội, trên sàn thương mại điện tử.
Người làng gốm vẫn còn, ngày ngày những đôi tay vẫn còn chạm đến những khối đất sét để tạo hình hài cho đất. Không gì bền bằng gốm, những sản phẩm đã sống đủ các hành trình từ đất qua lửa. Và rồi, gốm Thanh Hà đón nhận niềm vui lớn khi chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 7 năm 2022.
Ông Lê Văn Xê, Trưởng ban quản lý làng nghề gốm Thanh Hà tự bạch: “Hơn 10 năm trước, gốm rơi vào tình trạng không có đầu ra, nhiều người đã tìm hướng đi khác. Những năm gần đây khi du lịch phát triển, gốm sống trở lại, cả làng nối lại với nghề. Chính quyền địa phương ở đây cũng đã tạo nhiều điều kiện để làng nghề phát triển. Điều này cũng ít nhiều làm hài lòng những người yêu nghề trong làng. Sản phẩm ở Thanh Hà làm ra luôn thu hút du khách địa phương, trong nước và ngoài nước, bởi có đặc điểm riêng, không giống ở bất cứ nơi nào. Nhìn cách những người trẻ hăng say và nhiệt huyết với nghề, lớp người cao tuổi cũng thấy an lòng và phấn khởi trước tương lai nghề truyền thống của cha ông”.
Gốm không chỉ đưa đến cho người dùng ở quanh vùng mà đã đi xa, rất xa ở nước ngoài. Đó không chỉ là món quà của xứ này, mà còn là hồn đất, hồn người gói trong gốm cổ theo tay người đi đến những miền xa.
Công viên đất nung tại làng gốm Thanh Hà có diện tích lên đến 6.000 m2, là công viên gốm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây là nơi bảo tồn và lưu giữ các sản phẩm gốm của làng, đồng thời quảng bá gốm Việt đến với bạn bè quốc tế. Công viên gốm Thanh Hà có khu vực chợ để trao đổi, mua bán các sản phẩm về gốm, triển lãm và trưng bày các sản phẩm gốm độc đáo do chính các nghệ nhân làm ra. Đặc biệt nhất là khu cả “Thế giới thu nhỏ” thể hiện các sản phẩm gốm tinh xảo, tái hiện cực kỳ sinh động qua các công trình kiến trúc của Việt Nam và tất cả các kỳ quan của thế giới chỉ với sản phẩm gốm.