Gần lắm Trường Sa!

Yêu biển bằng cả trái tim (bài 1)

Thứ Tư, 03/05/2023, 08:20

Họ, có người là lính mang nghiệp nhà binh, có người là cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận kinh tế xây dựng đất nước, có người chỉ là cô gái bé nhỏ mơ mộng, hay chỉ là cô ca sĩ có giọng hát véo von như chim sơn ca… Nhưng tất cả, họ có chung một tình yêu biển đảo tha thiết, sâu sắc, thậm chí đến kỳ lạ. Trường Sa trong trái tim họ, như một phần máu thịt, như một phần cuộc sống.

1. Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa là người yêu biển đến kỳ lạ. Cả tuổi thanh xuân của anh gắn liền với quần đảo Trường Sa, tính ra cho đến thời điểm này, hơn nửa thời gian sống trên đời của anh là ở biển. Sinh năm 1973, năm 1998, anh tốt nghiệp đại học, đến năm 2000, lần đầu tiên anh được ra với Trường Sa. Anh còn nhớ như in thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ năm đó, người trai mang chí lớn ra giữa trùng khơi ôm mộng “cưỡi sóng đạp gió”.

7-1.jpg -0
Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa.

“Ngày đó, điều kiện vật chất trên đảo Trường Sa còn thiếu thốn lắm nhưng niềm tự hào, tình yêu đất nước và ý chí của tuổi trẻ nên đối với những người lính chúng tôi, khó khăn chỉ là sự tôi luyện mà thôi, còn tương lai là cả chân trời rộng mở. Anh em trên đảo thân nhau như ruột thịt, yêu thương, chia sẻ và cùng nhau rèn luyện, phấn đấu”, anh Nhương bồi hồi nhớ lại.

3 năm trên đảo trôi vèo như một kỷ niệm, anh trở về đất liền theo sự phân công nhiệm vụ. Với kinh nghiệm của mình, năm 2005, anh lại được điều ra là chỉ huy trưởng Đảo Cô Lin. Lúc này, khó khăn lại nhân lên gấp bội, vì Cô Lin là đảo chìm, điều kiện vật chất thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng lúc này, người chỉ huy trưởng đó lại có trong tay kinh nghiệm, ý chí đã được tôi luyện vững vàng tay súng. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để rồi chỉ sau một thời gian vào đất liền, anh lại được cử ra Đảo Song Tử Tây, rồi đảo Sơn Ca. “Kinh qua” khắp các đảo chìm đảo nổi, vòng tròn khép kín đã đưa anh quay trở lại đảo Trường Sa năm 2021, trở thành chỉ huy trưởng nơi đây.

“Cả cuộc đời tôi gắn với biển đảo, cả thanh xuân của tôi đều ở biển đảo. Quần đảo Trường Sa là nhà của tôi, còn nhà trong đất liền dường như trở thành quán trọ. Nhiều khi nghĩ thấy mình cũng có phần “bất công” với gia đình, nhất là với cha mẹ, vợ con. Nhưng với tôi, biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng đã ăn vào máu thịt, không thể tách rời. Xa biển đảo là tôi không chịu được, dù nói thật, được phân công làm nhiệm vụ trên đảo là trách nhiệm của người cán bộ đảng viên, chiến sỹ, song tự trong trái tim mình, tôi biết tình yêu của mình đã dành trọn cho biển đảo”, anh tâm sự.

Chồng công tác triền miên trên biển đảo, tất cả việc gia đình, một vai người vợ tảo tần của anh ở quê hương Nam Định gánh vác. Thậm chí ngay cả khi ở đảo, anh cũng có lần phải nhờ vợ chăm sóc. Đó là năm 2017, khi đang công tác tại đảo Sơn Ca, vợ anh cùng đoàn công tác tới thăm đảo. Sau bao năm xa cách, anh mất ngủ nhiều đêm chờ ngày hội ngộ. Nhưng đúng ngày vợ đặt chân lên đảo, anh Nhương lại mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp. May mắn có lực lượng quân y cùng các đồng đội và hơn hết là người vợ hiền bên cạnh động viên chăm sóc, anh đã nhanh chóng phục hồi. Đến bây giờ, cô con gái đầu đã học đại học năm thứ 3, cô con gái thứ 2 hiện đang học lớp 12, nhưng cả 2 lần vợ sinh nở, anh đều không có mặt. Lúc đó, do điều kiện liên lạc khó khăn, những cánh thư ra đảo có khi phải nửa năm trời mới tới nên anh thậm chí không biết thời điểm mình được làm cha, không có trải nghiệm thiêng liêng khi đón nhận sinh linh bé nhỏ là giọt máu của mình. Để rồi lúc trở về đất liền, cha con đều bỡ ngỡ, quá trình làm quen với con rất khó, đến khi làm quen được rồi thì cha lại xách ba lô ra biển. Cả tuổi thơ của con hầu như anh không có mặt.

Cả thanh xuân, cống hiến cho biển đảo, cũng không chăm sóc được cho cha mẹ già. Những khi trái gió trở trời, ước được ngồi bóp chân, đấm lưng cho cha già, mẹ héo mà cũng không làm được. Rồi có những khi xảy ra chuyện, cha mẹ đi viện, tất cả chỉ cậy nhờ người thân. Nhận tin báo từ đất liền, lòng nóng như lửa đốt, nhưng cũng chỉ có cách đợi tin mới. Những lúc đó, anh lại ra thao trường cùng anh em đồng chí tập luyện để tạm quên đi nỗi lo lắng, và cũng là để tự hứa rằng sẽ cố gắng bảo vệ đảo tốt nhất có thể, để dành bình yên về trong đất liền, như vậy, dù không trực tiếp, nhưng anh đã góp phần chăm sóc cha mẹ già và các con nhỏ, cùng người vợ tảo tần yêu thương.

2. Chị Nguyễn Thị Phượng quê ở Hải Dương nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Có nghĩa là, quê hương hay nơi chị sống đều là vùng đồng bằng, không có biển, nhưng tình yêu biển dường như có sẵn trong người, chỉ chờ có dịp “bắt sóng” là bùng cháy.

Gần 50 năm cuộc đời, mải miết với cơm áo gạo tiền, với hàng trăm công việc của người tham gia ban lãnh đạo một con thuyền kinh tế trong đất liền, chị hầu như không có thời gian để đi ra khỏi quỹ đạo của mình. Thế rồi năm 2017, cơ duyên với biển đến với chị khi lần đầu được đi Trường Sa. Hành trình hàng nghìn hải lý trên biển đã đánh thức tình yêu biển từ bên trong sâu thẳm con người chị.

Chị yêu biển một cách say mê, yêu từng con sóng, từng câu hát, từng cái cây cằn cỗi trên đảo, thậm chí từng con ốc, từng viên đá san hô đối với chị cũng là một niềm yêu say đắm. Chị yêu các anh lính trẻ đang ngày đêm canh giữ đảo tiền tiêu, yêu từng em bé – công dân nhí trên đảo đang sống để khẳng định chủ quyền, yêu từng cột mốc hiên ngang sừng sững… Tình yêu thôi thúc, chị nhất quyết tìm cách được trở lại Trường Sa lần thứ 2, rồi lần thứ 3, thứ 4, thứ 5…

7-2.jpg -0
Chị Nguyễn Thị Phượng - người phụ nữ đã 5 lần đến với Trường Sa.

Mỗi lần đi ra biển, ra Trường Sa, chị lại ki cóp mang từng chút công sức đóng góp từ trong đất liền ra xây dựng đảo. Công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo Cô Lin do Agribank xây dựng, hay chiếc chuông chùa trên đảo Trường Sa do Agribank đặt đúc từ Nam Định chuyển ra đảo cung tiến… đều có dấu ấn đóng góp của chị; chưa kể, mỗi lần đến với đảo, chị cùng đoàn công tác lại tay xách nách mang bao nhiêu quà cáp để dành tặng cho các chiến sĩ, nhân dân sống trên đảo. Không chỉ yêu biển từ trái tim, phòng làm việc của chị có một góc riêng dành cho biển đảo, là kỷ niệm của những chuyến đi, có món quà tự sưu tầm, nhưng phần lớn là quà của những người lính biển gửi tặng.

“Nhìn góc Trường Sa của tôi, mọi người nói đùa tôi giống như một người lính biển, và thú thực tôi cũng thấy mình giống như một người lính biển, yêu biển, lúc nào cũng trong tâm thế của người lính. Trước khi đi Trường Sa, tôi nghĩ sẽ chỉ đi một lần, nhưng sau khi đi về, lại muốn đi nữa, và càng đi, càng thấy yêu thương, chỉ mong nếu có cơ hội, tôi sẽ lại đi tiếp, cho đến lúc không thể đi được nữa mới thôi. Bởi, mỗi lần đi như vậy, thêm một sức mạnh, có thêm một niềm tin, một quyết tâm mới, và nghĩ rằng mình phải làm nhiều hơn nữa, mình có khả năng làm nhiều hơn nữa để góp sức cùng với mọi người, với toàn thể các tầng lớp nhân dân trong xã hội, với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

Tôi tin với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, với sự quan tâm của nhân dân trong và ngoài nước, trước hết, Trường Sa không xa, Trường Sa trong trái tim của mọi người. Trường Sa đã nằm trong câu hát của những công dân nhỏ tuổi là thiếu nhi - thì Trường Sa không bao giờ mất, cho dù, các thế lực có dã tâm đến đâu đi chăng nữa. Với cá nhân mình, tôi thấy sau những chuyến đi, tình yêu biển đảo tràn đầy hơn. Khi “gánh” tình yêu đó càng đầy thì cuộc sống nó rạng rỡ hơn, hạnh phúc hơn, thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn, và làm việc tốt hơn”, chị Phượng tâm sự.

Hà An
.
.
.