Xem kỷ vật kể chuyện Biệt động Sài Gòn

Thứ Tư, 01/11/2023, 19:33

Mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn liền với hình mẫu những người chiến sĩ Biệt động Sài Gòn và những chiến công hào hùng. Đây là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho dinh Độc lập…

Chứa đựng lịch sử

Lâm Quốc Dũng xuất thân từ Củ Chi “Đất thép Thành đồng”. Ông nhập ngũ và công tác tại K20 - Phòng Chính trị Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Với thiên phú và sự nhạy bén của mình, ông đã được đơn vị cử đi học nghề điêu khắc do Ban Tuyên huấn Khu ủy đào tạo, trở nên thành thạo công việc như một người thợ lành nghề chỉ sau vài tháng học tập.

bao tang (10).jpg -0
Đông đảo khách tham quan bảo tàng

Từ  K20, ông được điều động sang C10 - T700 (Quân báo đô thị) với nhiệm vụ sưu tầm, làm giả giấy tờ của địch, hỗ trợ các lực lượng của ta hoạt động. Từ sau Tết Mậu Thân 1968 đến ngày giải phóng Miền Nam, ông mang biệt danh Dũng “râu” hay Dũng “quận trưởng” và luôn nằm trong danh sách săn đuổi, truy lùng hàng đầu của Nha Cảnh sát Đô thành chế độ cũ. Địch gọi ông là “báu vật” của Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Với đôi tay “phù thủy”, ông có thể làm giả các loại giấy tờ của địch cho cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đi lại hợp pháp.

Khó làm nhất lúc bấy giờ là loại giấy “Căn cước Rồng xanh” do chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới phát hành. Căn cước này có hình con rồng màu xanh nằm cuộn mình trong một vòng tròn cùng những họa tiết vô cùng tinh xảo, sắc nét. Toàn bộ vật tư, công nghệ, thiết kế, in ấn được làm tại Mỹ, chỉ có công đoạn in tên và lăn tay làm ở Sài Gòn. Căn cước Rồng xanh phát quang khi đưa vào máy kiểm tra. Thế nên địch tự tin tuyên bố rằng Việt Cộng không thể làm giả được. Nhưng chúng không thể ngờ chỉ mấy tháng sau, giấy Căn cước Rồng xanh đã được Dũng “quận trưởng” sản xuất và đưa vào nội thành sử dụng.

ĐB32- Xem kỷ vật kể chuyện Biệt động Sài Gòn -0
“Bộ đồ nghề” làm giấy tờ giả của ông Lâm Quốc Dũng hiện được trưng bày tại bảo tàng

Ông Dũng không biết mình đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm tòi để có thể có được một trong những giấy tờ giả “chất lượng” nhất cho các đồng chí lãnh đạo, các lực lượng giao liên, trinh sát, biệt động hoạt động thông suốt trong nội thành - ngoại thành.

Với những thành tích “thầm lặng”, ông Dũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba…

Ngày 27/8/2023 vừa qua, tham dự lễ khánh thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (địa chỉ 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh), ông đã trao tặng bộ “vũ khí” (bộ dụng cụ gồm dao khắc, bút viết, thước kẻ, com-pa... để làm giấy tờ giả) bất ly thân của mình cho bảo tàng.

ĐB32- Xem kỷ vật kể chuyện Biệt động Sài Gòn -0
Chiếc máy in truyền đơn hiệu GESTETNE mà Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai giao cho ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự để in truyền đơn, tài liệu tuyên truyền phục vụ cách mạng…

Tại Bảo tàng còn có cả chiếc máy đánh chữ của văn phòng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu… Cuối tháng 4/1975, khi rời khỏi dinh Độc lập, ông Thiệu đã để lại chiếc máy đánh chữ hiệu Olivetti lettera 22 (sản xuất tại Ý vào thập  niên 1950) trong văn phòng làm việc.

Đây là kỷ vật mà một chiến sĩ bộ đội khi tiếp quản dinh Độc lập sưu tầm, và tặng lại cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định để bảo quản, trưng bày rộng rãi cho du khách tìm hiểu, tham quan. 

Một chiếc máy đánh chữ khác, mang hiệu Olympia splendid 33 (sản xuất tại Đức, thập niên 1960) là hiện vật thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương (thư ký riêng của Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định) chuyên đảm nhận đánh máy, viết các văn bản, hồ sơ mật dưới quyền của Tư lệnh Quân khu. Bà Phương từng sử dụng chiếc máy đánh chữ này trong những năm 1969 - 1975.

ĐB32- Xem kỷ vật kể chuyện Biệt động Sài Gòn -0
Chiếc xe gắn máy hiệu Lambretta

Chiếc máy hiện đã không còn sử dụng được nhưng những “sản phẩm” mà chiếc máy này tạo ra đã góp phần không nhỏ giúp lưu trữ, bảo mật các thông tin nội bộ, tránh bị “tuồn” ra bên ngoài. Nó được chính bà Phương trao tặng cho bảo tàng…

Ngoài ra còn những hiện vật giá trị khác. Máy điện thoại hiệu WESTER ELECTIC của Quân khu Sài Gòn - Gia Định đặt tại nhà ông Dương Văn Đức (tự Hai Diện) dùng để sử dụng liên lạc từ những năm 1970. Máy đã được nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ hoạt động tại gia đình sử dụng liên lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…

Máy chiếu phim nhựa hiệu SANKYO DUALUX - 8 (trên máy có dòng chữ “Do dy No.800420 Sankyo Sei ki MFG.CO.LTĐ – Japan”, mặt trước máy màu xám, mặt sau màu đen, có nắp đậy); máy chiếu hiệu Canon P.8 - Cinema star (Nhật Bản sản xuất, có hình hộp chữ nhật, màu trắng, mặt sau màu đen), thiết bị được sử dụng soi chiếu ảnh, phân tích tình hình, lên kế hoạch tác chiến, hoạt động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1962 - 1968)... cùng rất nhiều hiện vật quý là vật dụng sinh hoạt của lực lượng biệt động Sài Gòn: đàn Mandolin, bình thủy... 

Những vật dụng của nguyên mẫu ông chủ Hãng sơn Đông Á

Tại bảo tàng có nhiều vật dụng liên quan trực tiếp đến Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, như: Chiếc máy in truyền đơn hiệu GESTETNE mà ông Trần Văn Lai giao cho ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự - đơn vị bảo đảm chiến đấu biệt động Sài Gòn A20-A30, dùng để in truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng những năm 1960-1975.

Kế đó là chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của Anh hùng Trần Văn Lai giao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) trước năm 1968, để làm giao liên biệt động Sài Gòn tại vùng “xôi đậu” ấp Trung Viết, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Chiếc xe cũng dùng thực hiện nhiệm vụ đưa đón cán bộ nội thành ra vào chiến khu Củ Chi, chuyển thư từ, tài liệu, tiền vàng, thuốc tây… giao cho Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Bà Ngọc Huệ đã tặng lại kỷ vật quý này cho bảo tàng.

Tiếp đó là chiếc xe gắn máy hiệu Lambretta cũng của ông Trần Văn Lai trang bị cho gia đình ông bà Trần Văn Hãng (Ba Hãng) - thành viên Ban công tác 1, Tiểu đoàn Quyết tử 950 đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó là Biệt động Sài Gòn sử dụng đi lại hoạt động tại nội thành Sài Gòn và phục vụ hoạt động cách mạng. Bà Trần Thị Triệu, con gái ông Ba Hãng đã trao tặng kỷ vật quý này cho bảo tàng…

Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, biệt danh Năm Lai, Năm USOM, Mai Hồng Quế, là một cán bộ biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc nhà thầu khoán của dinh Độc lập, và hoạt động trong cơ quan viện trợ USOM của Mỹ, tòa Đại sứ Mỹ. Dựa trên thân thế của mình, ông Lai đã gầy dựng hàng chục cơ sở cùng hơn 300 quần chúng giác ngộ tham gia, ủng hộ cách mạng. Trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, ông là nguyên mẫu ông chủ hãng sơn Đông Á điển trai, hào hoa, thanh lịch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, căn nhà 145 Trần Quang Khải, quận 1 là một trong hàng chục cơ sở do Anh hùng LLVT Trần Văn Lai gầy dựng, phục vụ cho công việc làm thầu khoán nội thất, thầu xây dựng cho dinh Độc lập và các nhiệm vụ công tác bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu…

“Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một chứng tích của lịch sử. Thông qua những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện lịch sử về lực lượng biệt động Sài Gòn, chúng tôi hy vọng nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là lớp trẻ, sẽ biết thêm về một thời kỳ hào hùng của dân tộc, được biết thêm về những câu chuyện thời chiến của lực lượng đặc biệt này, từ đó sống và học tập cho xứng đáng với công lao của thế hệ trước…”, ông Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng LLVT Trần Văn Lai, chia sẻ.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về Biệt động Sài Gòn.

Căn nhà bảo tàng được giữ nguyên kiến trúc xây dựng từ 1963, di chuyển bằng thang máy cổ có từ thời Pháp thuộc, được xem là cổ nhất và duy nhất hiện đang còn được sử dụng.

Bảo tàng bắt đầu được xây dựng, sưu tập hiện vật từ cuối năm 2019. Hiện đã có 7 bộ sưu tập với khoảng 300 hiện vật quý về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động, gồm: Bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; Xe các chiến sĩ biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; vũ khí; vật dụng sinh hoạt; dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVT Trần Văn Lai trong vỏ bọc nhà thầu khoán dinh Độc lập; thiết bị thông tin liên lạc…

Phú Lữ
.
.
.