Về Hương Đô, nghe kể chuyện Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Thứ Tư, 01/03/2023, 08:23

Trong thời gian cơ quan tiền phương của Tổng cục Hậu cần được thành lập để tăng cường chỉ đạo tuyến nam Quân khu IV, Chỉ huy sở đóng tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, nhân dân và chính quyền nơi đây đã nhường nhà của mình cho bộ đội, luôn luôn che chở, đùm bọc, giữ gìn bí mật cho các cơ quan đầu não của 3 Bộ Tư lệnh.

Nhân sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), người dân cả nước nói chung, chính quyền và nhân dân xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói riêng, lại bùi ngùi, xúc động tìm về nơi đồng chí từng làm việc tại xóm 7, xã Hương Đô để tưởng nhớ, tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đại bản doanh của Bộ đội Trường Sơn năm xưa, nay đã được công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559.

Về Hương Đô, nghe kể chuyện Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên -0
Các thế hệ ở xã Hương Đô giáo dục truyền thống tại Khu di tích nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng làm việc.

Sáng thứ 2 đầu tuần ngày 20/2/2023, em Trần Thị Bảo Trâm, học sinh lớp 5B trường Tiểu học Hương Đô đến trường với một sự háo hức lạ thường. Bởi, đây là lần đầu tiên, em cùng với các bạn trong toàn trường được nghe nói chuyện chuyên đề về tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng, những cống hiến và đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung và tình cảm đặc biệt của đồng chí đối với chính quyền, nhân dân xã Hương Đô nói riêng. Mặc dù nhà ở gần với Khu di tích, thậm chí nhiều lần cùng các bạn vào khuôn viên để chơi đùa nhưng đây là lần đầu tiên, Bảo Trâm cùng các bạn được tường tận hơn về vị tướng huyền thoại. Sau buổi nói chuyện, các em còn được nhà trường tổ chức đến tận nơi Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, nghe thuyết trình từng hạng mục di tích như hào giao thông, hầm chữ A trú ẩn, hầm trú ẩn dưới nhà làm việc của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Tận mắt thấy bàn ghế làm việc, chõng nghỉ của Trung tướng, các cháu hết sức bùi ngùi xúc động, hiểu rõ hơn về Khu di tích lịch sử đặc biệt này.

Thầy Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết, đây là hoạt động thường niên, nhằm tuyên truyền về tấm gương đạo đức cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Qua đó, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Cách đây 57 năm, vào tháng 6/1966, cơ quan tiền phương của Tổng cục Hậu cần được thành lập để tăng cường chỉ đạo tuyến nam Quân khu IV. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh tiền phương - Tổng cục Hậu cần. Chỉ huy sở đóng tại xã Hương Đô, nơi trước đây vào năm 1965 từng là chỗ đóng quân và xuất kích của Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam đánh địch ở các tỉnh Trung hạ Lào. Tại đây, vào cuối tháng 6/1967, Bộ Tư lệnh 559 và Tiền phương Tổng cục Hậu cần phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô năm 1966 - 1967. Đây là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay của Đoàn 559 và hội nghị quan trọng này thường được nhắc đến trong lịch sử là hội nghị Hương Đô. Ngày 28/10/1968, Quân ủy Trung ương quyết định giải thể Đoàn 400, thành lập Bộ Tư lệnh 500 làm nhiệm vụ trung chuyển cho Đoàn 559, sở chỉ huy tiếp tục chọn Hương Đô làm nơi đóng quân.

Năm 1971, Đoàn 500 giải thể, một số đơn vị thuộc Đoàn 500 sáp nhập vào Đoàn 559, phạm vi hoạt động của Đoàn 559 từ nam sông Lam (Nghệ An) vào đến Lộc Ninh (Bình Phước). Hai năm sau đó, xã Hương Đô vẫn là hậu cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Trong suốt thời gian chiến tranh, nhân dân và chính quyền xã Hương Đô đã nhường nhà của mình cho bộ đội; luôn che chở, đùm bọc, giữ gìn bí mật cho các cơ quan đầu não của các đơn vị từng đóng ở đây. Ông Nguyễn Văn Khánh (80 tuổi), một người dân Hương Đô may mắn từng được gặp gỡ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bồi hồi nhớ lại: Thời điểm Chỉ huy sở của cơ quan Tiền phương của Tổng cục Hậu cần đóng đô tại đây, cũng là thời kỳ chiến tranh diễn ra hết sức ác liệt. Lúc bấy giờ, Chỉ huy sở các Bộ Tư lệnh đều đóng trong các nhà dân thuộc trung tâm xóm 7, xã Hương Đô. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Nhuệ có ngôi nhà gỗ 2 gian nhường cho các đồng chí cán bộ cao nhất của các Bộ Tư lệnh ở và làm việc. Ngôi nhà này có hào giao thông và hầm chữ A trú ẩn. Đến nay, ngôi nhà ở của Bộ Tư lệnh và hầm hào đã được bảo tồn nguyên trạng nhưng bằng vật liệu bê tông giả gỗ bền vững hơn.

Trong khi đó, hội trường là nơi diễn ra hội nghị Hương Đô năm 1967 nằm trong vườn ông Hoàng Văn Học. Nền hội trường dạng bán âm sâu 2m, xung quanh có đắp lũy chắn đạn. Ngày nay, hội trường này đã được bê tông hóa phần khung xương, nhưng mái vẫn lợp tranh lá. Các cửa hầm xung quanh hội trường cũng được kiên cố hóa. Một số hạng mục khác như bộ phận hậu cần phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh đặt tại nhà ông Ngô Hạp và bà Nguyễn Thị Minh; bộ phận thông tin liên lạc đóng tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ, nơi đây có bộ phận cơ yếu, điện đài, thông tin, máy phát điện. Các bộ phận di tích khác như “Nhà ăn”, “Bếp Hoàng Cầm”, “Trạm thông tin”… cũng được bảo tồn, nằm rải rác trong đất của các hộ gia đình địa phương. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hương Đô cho biết thêm, mặc dù là thế hệ sau, nhưng khi nghe kể về tình cảm mà vị tướng đường Trường Sơn huyền thoại dành cho chính quyền và nhân dân Hương Đô, các thế hệ lãnh đạo xã nhà đã xây dựng, vun đắp và truyền lửa cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, thấm nhuần và hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cũng như tình cảm mà vị Trung tướng đã dành cho xã Hương Đô anh hùng.

Trong những năm qua, chính quyền đã nỗ lực bảo vệ, tôn tạo và xây dựng Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Cũng tại Khu di tích này, từ năm 2019, khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần. Để tưởng nhớ thời gian Trung tướng công tác tại địa phương, chính quyền và nhân dân đã lập bàn thờ tại khu di tích lịch để các cơ quan, đoàn thể và bà con nhân dân đến dâng hương tưởng niệm. Đến nay, nơi thờ tự Trung tướng đã trở thành một trong những hạng mục quan trọng của Khu di tích. Trong kí ức của nhiều bậc cao niên ở xã Hương Đô, mặc dù là vị chỉ huy cao nhất của lực lượng Bộ đội Trường Sơn, ngày đêm luôn căng thẳng với trăm công ngàn việc, song Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn tranh thủ thời gian tiếp xúc, gần gũi với từng cán bộ và người dân địa phương. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nhiều lần trở lại Hương Đô, thăm hỏi bà con nhân dân với tình cảm hết sức thân thương, trìu mến.

Thiên Thảo
.
.
.