Từ chứng tích lịch sử đến cầu nối kinh tế vùng Tây Bắc

Chủ Nhật, 05/05/2024, 14:05

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

“Cô dâu Điện Biên” làm đám cưới trong hầm Đờ Cát

Mới đây, một nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ đã thực hiện được nguyện vọng về thăm nơi từng diễn ra đám cưới của mình 70 năm trước. Đó là Giáo sư, Bác sĩ (GS.BS) Nguyễn Thị Ngọc Toản. Bà là vợ của vị tướng lẫy lừng -Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

ĐB25-Từ chứng tích lịch sử đến cầu nối kinh tế vùng Tây Bắc -0
Khu vực check-in bên trong sân bay Điện Biên.

Ông bà từng có một đám cưới nổi tiếng diễn ra tại hầm Đờ Cát ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản năm nay dù 94 tuổi, nhưng đã đặt chân đến Điện Biên trong những ngày cả nước đang hướng về mảnh đất lịch sử này. Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, ông Cao Quý Bảo, con trai GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản cho biết, lần gần nhất bà lên thăm lại Điện Biên đã cách đây 40 năm, khi Điện Biên Phủ kỷ niệm 30 năm chiến thắng. Năm nay, dù sức khỏe bà đã yếu nhưng bà vẫn ước muốn được trở lại thăm Điện Biên. Ông Bảo đã lên Điện Biên trước đó để chuẩn bị đón mẹ cùng em trai bay từ TP Hồ Chí Minh ra.

Thăm lại chiến trường xưa, cũng là nơi ghi dấu kỷ niệm đám cưới đặc biệt 70 năm trước, GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Toản phải dùng xe lăn để đi lại thuận tiện hơn, dù vất vả di chuyển nhưng bà vẫn rất vui và xúc động.

“Cô dâu Điện Biên" là tên gọi thân thương vẫn được nhiều người nhắc về GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản. Đám cưới nổi tiếng giữa nữ quân y Ngọc Toản và chú rể Cao Văn Khánh, Đại đoàn quân Tiên phong được tổ chức tại hầm Đờ Cát chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày. Tướng Khánh khi đó trực tiếp chỉ huy Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân Tiên phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh trận đồi Độc lập, đồi A1, bao vây Mường Thanh. Còn bà Ngọc Toản làm công tác cứu thương tại Đội điều trị 2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai người hẹn ước sau chiến dịch sẽ về chiến khu Việt Bắc để báo cáo gia đình làm đám cưới. Nhưng sau khi thắng trận, cả hai người đều bộn bề công việc giải quyết những vấn đề sau chiến tranh, khiến ý định về chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới không thành. Nhiều đồng đội, cán bộ cấp trên gợi ý, tác thành, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới ngay tại hầm Đờ Cát.  Lễ cưới được tổ chức ngay trong hầm Đờ Cát, tròn 2 tuần sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Cô dâu, chú rể chụp ảnh cưới ngay trên xe tăng Pháp bị bắn cháy. Câu chuyện tình yêu và đám cưới tại hầm chỉ huy tướng Đờ Cát của nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Cao Văn Khánh tới nay vẫn được cán bộ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên hàng ngày giới thiệu cho du khách tại di tích chiến trường xưa.

Không chỉ GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản mong mỏi trở lại Điện Biên, nhiều người dân cũng tha thiết được trở lại nơi này, như bác Lò Duy Hiếm. Là một người dân sống ở Điện Biên nhiều năm, song vài năm trở lại đây, do tuổi cao, sức yếu, bác Lò Duy Hiếm đã về Hà Nội sống cùng con cháu. Thế nhưng, mỗi năm đến ngày lễ kỷ niệm chiến dịch  Điện Biên Phủ là bác lại trở lại quê hương. Có thời điểm, máy bay khó khăn, bác thường xuyên đi ôtô, dù chuyến đi kéo dài hơn dự kiến. Năm nay, hơn ai hết, khi sân bay được nâng cấp có thể đón được máy bay lớn, với đường bay thuận lợi chỉ mất hơn 1 giờ bay, bác Hiếm vui mừng hơn cả. Với bác, các chuyến bay như cầu nối hiện tại và quá khứ, thêm cơ hội đưa các nhân chứng lịch sử trở lại với chiến trường xưa, với mảnh đất Điện Biên giàu truyền thống lịch sử…

Chung tay cùng Điện Biên mở ra những cánh cửa mới

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên Phủ là sân bay dã chiến do quân đội Pháp xây dựng. Đây là một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của Pháp và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bốn năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, năm 1958, dịch vụ vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm. Đến năm 1984, nhân Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đường bay Hà Nội - Điện Biên bằng máy bay AN24, AK40... được khôi phục. Khi đó, đường cất hạ cánh tại sân bay vẫn là những tấm ghi nhôm được trải trên mặt đất. Ngày 30/1/1995, Sân bay Điện Biên phải tạm thời đóng cửa để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, Sân bay Điện Biên đã hoạt động trở lại và đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72. Năm 1996, Sân bay Điện Biên chính thức được đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh dài 1430m, rộng 30m bằng bê tông, sân đỗ có 2 vị trí đỗ máy bay. Đến năm 1998, sân bay đã được đưa vào khai thác với tần suất 10 chuyến/tuần. Năm 2004, Sân bay Điện Biên một lần nữa được đầu tư mở rộng với sân đỗ máy bay có diện tích 12.000m2, đảm bảo cho 4 vị trí đỗ máy bay; nhà ga hành khách có diện tích 2.500m2, đủ năng lực phục vụ 2 chuyến bay ATR72 và tương đương tại 1 thời điểm, đáp ứng phục vụ khoảng 300 hành khách.

ĐB25-Từ chứng tích lịch sử đến cầu nối kinh tế vùng Tây Bắc -0
Toàn cảnh Cảng hàng không Điện Biên sau khi nâng cấp, sửa chữa.

Do Sân bay Điện Biên nằm trong khu vực lòng chảo, tĩnh không 2 đầu đường cất hạ cánh hạn chế nên không thể kéo dài đường băng để khai thác các loại máy bay lớn như A320, A321 và tương đương. Việc lắp đèn và hệ thống dẫn đường hiện đại cho đường cất hạ cánh cũng không được thực hiện do vướng về tĩnh không, vì vậy sân bay này chỉ khai thác được các chuyến bay ban ngày. Đặc biệt, do nằm trong khu vực vùng núi cao, điều kiện thời tiết phức tạp, thường xuyên có hiện tượng mù và mù khô tạo tầm nhìn hạn chế khiến tỉ lệ hủy chuyến tại Sân bay Điện Biên khá cao so với các sân bay khác.

Trước thực tế đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án mở rộng Sân bay Điện Biên. Đây cũng là sân bay duy nhất (đang hoạt động) tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc. Ngày 22/1/2022, Dự án cải tạo và nâng cấp Sân bay Điện Biên chính thức khởi công. Đến ngày 1/12/2023, chuyến bay kỹ thuật bằng máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN-A396 đã hạ cánh thành công xuống Sân bay Điện Biên. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng khi Sân bay Điện Biên lần đầu tiên tiếp nhận thành công một máy bay cỡ lớn. Theo đó, các chuyến bay thương mại từ Điện Biên đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ngược lại bằng máy bay A320, A321 hoặc tương đương cũng chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023, với tần suất khai thác Điện Biên - Hà Nội 7 chuyến/tuần và Điện Biên -TP Hồ Chí Minh 3 chuyến/tuần. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Sân bay Điện Biên đã trở thành một sân bay hiện đại, với đường cất hạ cánh có kích thước 2400mx45m, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương.

Rút ngắn được thời gian di chuyển, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu vực, sau 4 tháng hoạt động trở lại, lượng khách đi và đến Điện Biên đã tăng cao và ổn định. Tính đến 31/3/2024, sân bay Điện Biên có 906 chuyến với tổng 69.900 khách. Nhiều hành khách từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La cũng di chuyển đến Điện Biên Phủ để bay Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, tạo không khí tấp nập hơn rất nhiều so với trước đây. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ được đặt lên hàng đầu.

Ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: "Sự hoạt động trở lại của Cảng hàng không Điện Biên và các hãng hàng không tại Điện Biên là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, là cầu nối giữa Hà Nội, các vùng miền trong cả nước và bạn bè quốc tế đến với Điện Biên, tạo động lực, mở ra cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới đây". Việc mở thêm đường bay góp phần rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách khi đến mảnh đất Điện Biên lịch sử, anh hùng, góp phần quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và chào đón Năm Du lịch Quốc gia 2024 được Điện Biên đăng cai tổ chức.

Phạm Huyền
.
.
.