Trên vùng đất ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của miền Đông Nam Bộ

Thứ Năm, 02/02/2023, 08:57

Những con đường bê tông phẳng lì rộng rãi, xóm làng sạch sẽ; đời sống người dân ấm no, hạnh phúc; dân trí ngày một nâng cao; an ninh, trật tự đảm bảo;… Đó là những gì dễ nhận thấy ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú – nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ, một trong những chiếc nôi đầu tiên của phong trào đấu tranh cách mạng.

Cách đây 93 năm, vào đêm 28 rạng ngày 29/10/1929, tại khu rừng bên suối đá Làng 3 đồn điền Phú Riềng (nay là Nông trường cao su Thuận Phú, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú thuộc ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên được thành lập, với tên gọi Chi bộ Phú Riềng. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ. Ngay sau đó, đội xích vệ cũng được thành lập trong thanh niên công nhân do đồng chí Trần Tử Bình phụ trách. Trên cơ sở ấy, đến cuối năm 1929, tổ chức Công hội đỏ Phú Riềng ra đời, là một trong 2 tổ chức Công hội đỏ ở Xứ ủy Nam kỳ, thuộc Đông Dương Cộng sản Đảng. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị Pháp trục xuất vì nghi vấn làm chính trị, vai trò Bí thư Chi bộ Phú Riềng được giao lại cho đồng chí Trần Tử Bình.

Sau những bước phát triển về tổ chức nhưng phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền miền Đông Nam bộ nói chung và Phú Riềng vẫn diễn ra nhiều hơn, hiệu quả hơn. Tiêu biểu cuộc đấu tranh mang tên “Phú Riềng Đỏ” vào ngày 3/2/1930, hơn 5.000 phu cao su dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đã nổi dậy làm chủ Đồn điền cao su Phú Riềng trong hơn 1 tuần lễ gây rúng động Nam kỳ, vang tới tận Paris (Pháp), khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản đối với đội ngũ công nhân.

Trên vùng đất ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của miền Đông Nam Bộ -0
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước và người dân dâng hương tại Tượng đài Phú Riềng Đỏ, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú.

Ngày nay, nơi thành lập Chi bộ Phú Riềng tại ấp Làng 3, chính quyền và ngành cao su đã xây dựng Tượng đài Phú Riềng Đỏ, được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1999. Cách Tượng đài Phú Riềng Đỏ khoảng 700m là nơi kết nạp đảng viên đầu tiên của Chi bộ Phú Riềng cũng được dựng bia ghi dấu.

Chiến tranh đã lùi xa, bà con Thuận Phú đã cần cù lao động, chí thú làm ăn với khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Về xã Thuận Phú một ngày đầu xuân, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Trần Đình Thìn dẫn đi một vòng quanh xã và ấn tượng với diện mạo khởi sắc của vùng quê này. Ông Thìn cho biết, xã có 295 đảng viên. Đảng ủy xã xác định việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là nhiệm vụ quan trọng, nên tập trung thực hiện nghiêm túc. Đảng viên phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu. Đổi thay dễ nhận thấy nhất ở xã Thuận Phú hôm nay đó là giao thông nông thôn. Đến nay hơn 95% đường giao thông của xã đã được bê tông hóa, còn lại đang tiếp tục được triển khai và dự kiến hoàn thành vào giữa năm nay.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm theo “tỉ lệ 7-3” hoặc “Nhà nước bỏ của, Nhân dân bỏ công”, ngay sau khi phát động đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, 8 tuyến đường nhựa với gần 13km và 40 tuyến bê tông xi măng với hơn 15km liên xã, liên ấp đã được xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Tân ở tổ 1, ấp Thuận Phú 1, người hiến hơn 25m2 đất mặt tiền làm đường, trị giá hơn 250 triệu đồng, được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen vì có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, nói: “Trước đây việc di chuyển gặp nhiều khó khăn vì trong xã còn nhiều đường đất, nắng thì bụi mù, còn mưa thì sình lầy, ngập ngụa,… Còn nay được chính quyền phát động, người dân nhiệt tình hướng ứng đường sá đã rộng rãi, khang trang, di chuyển dễ dàng”.

Điểm nổi bật giúp người dân xã Thuận Phú vươn lên đó là tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong phát triển kinh tế. Người dân nơi đây sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp, mỗi hộ bình quân có từ 2-3ha, với các loại cây trồng chủ yếu như: cao su, điều, tiêu, số ít cây ăn trái… Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên chất lượng, sản lượng của các loại hàng hóa nông sản được nâng lên, từ đó giúp người dân có cuộc sống ổn định, giàu có.

Ông Nguyễn Tiến Hải, SN 1966, cho biết, cách nay hơn 25 năm, ông đưa gia đình đến ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú sinh sống, lập nghiệp. Chí thú làm ăn, sau nhiều năm gầy dựng, từ một hộ khó khăn, nay gia đình ông Hải đã khá giả với cơ ngơi hơn 3ha trồng điều, cao su, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho biết, có được cuộc sống tốt như hôm nay là nhờ người dân trong xã biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Thời gian qua, các ấp (xã có 8 ấp) đã xây dựng được các quỹ an sinh khác nhau thuộc các hội, đoàn thể, tổ chức, với số tiền nhiều tỉ đồng, như: cựu chiến binh, khuyến học, phụ nữ, nông dân, người cao tuổi, chữ thập đỏ, đồng hương, hưu trí, hội làng, dòng họ… Các quỹ này được dùng để hỗ trợ cho những hộ gặp khó khăn, hoạn nạn đột xuất vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp, để ổn định cuộc sống. Toàn xã có 2.525 hộ, với 10.123 nhân khẩu. Thời điểm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã có 280 hộ nghèo, nhưng nay chỉ còn 4 hộ. Xã có khoảng 15% hộ giàu có, 35% hộ khá giả, còn lại có cuộc sống ổn định.

Đức Trí
.
.
.