Tìm kiếm hài cốt người đã viết huyết thư ở bốt Chi Quan

Chủ Nhật, 11/12/2005, 09:28

Mới 7 tháng tuổi, cậu bé Kiều Cao Tâm đã mồ côi cha. Chập chững biết đi, cậu thường căn vặn mẹ: “Thầy con đâu?”. Khi đó, cậu đâu biết mỗi câu hỏi là mỗi lần mẹ cậu nhói đau trong lòng. Lớn lên, biết cha mình đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, càng khâm phục người cha bao nhiêu thì Kiều Cao Tâm càng cảm phục mẹ bấy nhiêu.

Năm 1949, khi liệt sĩ Kiều Cao Chử hy sinh, mẹ con cô Chí (vợ liệt sĩ Chử, gọi theo tên người con trai cả Kiều Cao Chí) lâm vào cảnh mẹ góa con côi. Năm đó cô Chí  mới 22 tuổi, nhưng đã thủ tiết thờ chồng, chăm sóc cha mẹ chồng và nuôi 2 con trai nhỏ dại.

Cô Chí thường kể với con: Lần cuối cùng mẹ gặp thầy anh là khoảng giữa năm 1949, nhân một chuyến công tác, thầy anh ghé thăm nhà. Bấy giờ làng mình đã thành vùng tề, từ các bốt trong vùng, giặc Pháp liên tục mở những đợt càn quét ra vùng tự do; còn bọn tay sai, chỉ điểm lùng sục suốt ngày đêm truy tìm Việt Minh, khủng bố những gia đình có người đi kháng chiến. Lúc mẹ tiễn thầy xuống bến sông Tích trước nhà, thầy anh đứng lặng nhìn mẹ, nhìn xóm làng, rồi bơi sang bên kia sông...

Là người con độc nhất, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông Kiều Cao Chử được cha mẹ cho ăn học tử tế. Năm 15 tuổi, ông đỗ Sertifica. Dù chưa một ngày dạy học, nhưng ông Chử vẫn được bà con trong vùng gọi là “hương sư” - ông giáo làng. Phú Lễ (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây), là nơi có phong trào Việt Minh phát triển mạnh từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước.

Đồng đội và người thân đưa hài cốt liệt sĩ Kiều Cao Chử về nhà.

Tổ Tam tam chế đầu tiên của Phú Lễ, gồm các ông Kiều Cao Chử, Khuất Xuân Đào và Đặng Văn Đáng; tổ trưởng là ông Kiều Cao Chử, khi tham gia cách mạng ông lấy tên là Trần Xuân Dương. Đầu năm 1945, tổ Tam tam chế này đã tổ chức thanh niên trong làng đi vận động quyên góp gạo, nấu cháo cứu đói cho dân, nhờ vậy rất ít người ở Phú Lễ bị chết đói; tiếp đó là tham gia giành chính quyền ở xã và huyện trong Cách mạng Tháng Tám. Sau đó, ông Kiều Cao Chử được cách mạng giao công tác tại Ban Kinh - Tài, tham gia Ban Quản lý ấp Mỏ Chén là cơ sở kinh tế của Tỉnh ủy Sơn Tây; rồi được bầu vào Huyện ủy Thạch Thất khi mới ngoài 20 tuổi.

Năm 1949, khu vực ấp Mỏ Chén là một vùng bán sơn địa, trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Hằng ngày, lính Pháp - lính ngụy từ các bốt Hòa Lạc, Sơn Động, Chi Quan hành quân càn quét, đốt phá, giết hại cán bộ và nhân dân. Ông Chử đã kiên cường bám trụ, lãnh đạo nhân dân tổ chức sơ tán, chống càn, sơ tán an toàn tài sản, lương thực của Đảng.

Cuối tháng 10/1949, trong một trận càn, địch bắt được ông Kiều Cao Chử. Bọn ác ôn thay nhau đánh đập bằng báng súng, lưỡi lê nhưng không khuất phục được ông Chử. Đêm ấy, đội Thiều trực tiếp tra khảo ông Chử. Biết ông Chử là người có học, hắn dùng chiêu mua chuộc, hứa sẽ phong quan nếu ông đầu hàng, nhưng thất bại. Đội Thiều lại dùng mọi cực hình tra tấn, song câu trả lời duy nhất mà hắn nhận được từ người cán bộ Việt Minh vẫn là “Không biết!”. Khi ông Chử ngất đi, bọn ác ôn tiếp tục đổ nước vào mồm, dùng giày đinh giậm lên ngực, lên bụng khiến ông chết đi sống lại nhiều lần. Quá mệt vì phải tra khảo, đánh đấm mà không thu được kết quả gì, bọn lính khiêng ông ném vào buồng giam...

Sáng hôm sau, khi mở cửa, bọn ác ôn nhìn thấy trên bức tường buồng giam có dòng chữ viết bằng máu: "Thà chết không đầu hàng giặc!/ Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!". Bọn lính cả Tây lẫn ngụy xô nhau vào xem dòng chữ, rồi lại nhìn người tù nằm thoi thóp trên sàn buồng giam bằng đôi mắt thán phục. Biết không thể khuất phục được ông Chử, chúng đem ông ra bắn ngay trước bốt.

Bấy giờ, một cơ sở của ta trong bốt Chi Quan là cai Túc (còn có tên Tỵ), tìm cách báo cho gia đình cô Chí biết tin dữ. Nhưng lo sợ sự căm hờn của dân làng bùng phát, bọn lính trong bốt ra sức khủng bố, đe dọa những người dân lành, gia đình cô Chí đã không thể tự tay chôn cất người thân. Cai Túc bèn cùng một số binh lính, vốn cảm phục khí tiết của người cán bộ Việt Minh, kiếm vài tấm ván đóng vội rồi mang thi hài liệt sĩ Kiều Cao Chử ra chôn tại một rãnh nước khô bên ngoài bốt Chi Quan.

Một thời gian sau, cụ Nguyễn Thị Đạo (mẹ liệt sĩ Kiều Cao Chử) có lên bốt tìm và đặt một viên gạch có chữ nho vào ngôi mộ để đánh dấu. Khi về, cụ dặn lại, đi hết cái bốt, rẽ phải độ hơn trăm thước thì đến mộ.

Nhưng chiến tranh loạn lạc, những trận càn liên miên, sau bọn Pháp mở rộng bốt, lại san nền làm bãi đỗ ôtô nên dấu tích về ngôi mộ liệt sĩ Kiều Cao Chử chỉ còn trong ký ức một vài người. Vài năm sau, cai Túc làm nội ứng giúp quân ta bức hàng bốt Chi Quan rồi tham gia chiến đấu và dũng cảm hy sinh trong một trận chống quân Pháp đi càn tại khu Cháy, Ứng Hòa (Hà Đông). Nhân chứng quan trọng nhất biết tường tận nơi an nghỉ của liệt sĩ Kiều Cao Chử đã không còn, những người thân thì chỉ biết một cách rất mơ hồ: mộ được chôn dưới một rãnh nước khô bên con đường nhỏ cách bốt Chi Quan hơn trăm mét.

Giấc mơ lạ kỳ và cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Liệt sĩ Kiều Cao Chử hy sinh khi mới 22 tuổi, để lại người vợ trẻ, cha mẹ già và 2 con trai còn nhỏ dại. Cha mẹ liệt sĩ, 9 lần sinh mới nuôi được duy nhất Kiều Cao Chử, nên không dám cho con gọi bằng “thầy”, bằng “mẹ”; mà phải gọi chệch thành “chú”, “thím” để dễ nuôi. Vậy mà, chiến tranh đã cướp mất người con duy nhất của hai cụ. Nén nỗi đau, hai cụ gượng dậy cùng con dâu nuôi hai cháu Chí, Tâm ăn học, trưởng thành. Thương đau dần nguôi ngoai, song nỗi day dứt chưa tìm thấy hài cốt người thân cứ lớn dần, nhất là vào dịp 27/10 (tức mùng 6 tháng 9 Âm lịch hằng năm) là ngày giỗ của liệt sĩ Kiều Cao Chử, cả gia đình đông đủ, lại băn khoăn bàn cách tìm kiếm hài cốt người con, người chồng, người cha của mình.--PageBreak--

Cụ Nguyễn Thị Đạo (mẹ liệt sĩ Kiều Cao Chử) mất từ năm 1968, mang theo nỗi day dứt khôn nguôi đó. Năm 1995, cụ Nguyễn Thị Đạo vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nhờ phúc đức cha ông, hai người con của liệt sĩ Kiều Cao Chử đều trưởng thành, tiến bộ. Người con trai cả trước khi nghỉ hưu là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Thạch Thất. Người con trai út là Kiều Cao Tâm, hiện là Đại tá, Phó hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an. Nỗi niềm mong mỏi tìm được hài cốt người cha luôn khắc khoải trong lòng hai anh em Chí - Tâm, nhất là người mẹ già năm nay đã gần 80 tuổi.

Cách nay vài năm, trong một giấc ngủ, ông Tâm mơ thấy mình đang đi tìm mộ cha. Ông đi bộ trên một con đường nhỏ ven cánh đồng, đi mãi đến chỗ một cây dừa rất cao, thân cây đã mốc trắng, thì có một chiếc hố sâu, ông bước xuống tiếp cho đến khi cảm thấy bóng tối vây chặt lấy mình, thì tỉnh lại. Toát mồ hôi bởi giấc mơ kỳ lạ, ông nhớ lại cảm giác sợ hãi khi ở dưới đáy cái hố đầy bóng tối của một cõi xa xăm; rồi liên tưởng lời kể của bà nội: Mộ thầy cháu được chôn dưới một rãnh nước khô, đi hết bốt Chi Quan thì rẽ phải vào con đường nhỏ, đi khoảng trăm thước nữa thì đến...

Nỗi mong mỏi tìm được mộ cha lại bùng dậy trong ông Tâm. Mỗi lần về quê, ông lại cùng người anh trai  đi tìm những nơi có cây dừa cao mọc quanh khu vực bốt Chi Quan xưa, nhưng cảnh sắc đã quá nhiều thay đổi sau hơn nửa thế kỷ, hầu như không còn dấu vết gì lưu lại.

Giữa tháng 10/2005, Tiến sĩ Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, đến giảng bài tại Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an. Tiến sĩ Quý là người “có duyên” với việc tìm mộ liệt sĩ, trong đó có việc tìm và xác định hài cốt Nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Nhân giờ giải lao, Đại tá Tâm đã tìm gặp, kể lại giấc mơ lạ kỳ của mình. Nghe xong, Tiến sĩ Quý “phán” một câu làm ông Tâm nức lòng: “Nhất định anh sẽ tìm được mộ cha! Giấc mơ đó là ông cụ báo mộng cho anh đấy, hay còn gọi là sự “thúc tâm” nữa. Cái hố có cây dừa mà anh mơ, chính là nơi cụ táng gửi ở đó. Tôi sẽ có cách giúp anh!”.

Bà Nguyễn Thị Sim (giữa).

Với sự giới thiệu của Tiến sĩ Ngô Tiến Quý, một số người đã xác định vị trí của nơi đặt mộ, ngay sau đó, ông Tâm về quê và làm các thủ tục cần thiết với chính quyền địa phương và gia đình để tìm hài cốt người cha liệt sĩ của mình. Căn cứ sơ đồ chỉ dẫn không khó khăn lắm, con cháu họ Kiều đã tìm được vị trí hai cây dừa tại một con đường nhỏ phía sau khu vực Huyện ủy Thạch Thất, gần đó có một giàn mướp đắng!

Sáng sớm ngày 3/11, sau lời khấn của người con trưởng của liệt sĩ, con cháu trong họ bắt đầu đào, giữa giờ chiều, đến độ sâu chừng hơn 1 mét thì lộ ra một tấm ván, bên dưới có cốt! Con cháu trong họ lặng đi vì xúc động, nhiều người bật khóc... Bà Nguyễn Thị Sim, trú tại thôn Chi Quan 2, cũng có mặt và nghẹn ngào kể lại: “Đúng là anh Dương rồi! Năm đó tôi chừng mười mấy tuổi, vẫn thường qua lại buôn bán vùng này. Hôm anh Dương bị giặc bắt, trên đường chúng dong anh về bốt Chi Quan, anh bị trói giật cánh khuỷu, người tả tơi bê bết máu, bọn ác thú vừa giải anh vừa thúc báng súng, đâm cả lê vào người anh... Khi gặp tôi đi ngược chiều, anh đánh mắt ra hiệu cho tôi, ý chừng không được nhận người quen để tránh liên lụy. Tôi vẫn nhớ có lần anh Dương khoe với tôi là đã có hai con trai... Mấy ngày sau, tôi hay tin anh Dương đã bị giặc giết hại, rồi đem chôn ở phía ngoài bốt Chi Quan”.

Lễ truy điệu liệt sĩ Kiều Cao Chử được chính quyền và nhân dân sở tại tổ chức trọng thể. Từ đám trẻ con chưa biết nhiều về quá khứ, đến các bậc cao niên trĩu nặng hoài cổ, đều thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ người con đã ngã xuống vì quê hương, đất nước. Ông Đặng Văn Đáng (cán bộ công an hưu trí) hiện còn khỏe mạnh, trú tại B11, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, biết tin tìm được hài cốt người đồng đội trong tổ Tam tam chế năm xưa, đã vội về quê, đến thăm gia đình và thắp nén hương tưởng nhớ liệt sĩ Kiều Cao Chử. Ông xúc động kể lại: "Tôi và anh Chử là bạn từ thuở ấu thơ, lớn lên cùng giác ngộ cách mạng. Anh ấy con nhà giàu, song sớm giác ngộ, một lòng theo cách mạng, hoạt động rất sôi nổi. Năm 1947, tôi thoát ly đi hoạt động vùng khác, không được gặp lại anh Chử nữa. Anh sống anh hùng, chết vẻ vang lắm!”.

Gần 60 năm sau lần tiễn biệt ông Chử dưới bến sông Tích, bà Đỗ Thị Cẩm - cô Chí năm xưa - mới... “gặp lại” người chồng của mình “trở về” trong chiếc quách được phủ Quốc kỳ. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên khuôn mặt đầy dấu ấn thời gian của bà... Bà chợt nhận thấy chưa bao giờ thanh thản như lúc này

Trần Duy Hiển
.
.
.