Tay súng, tay kèn trên chiến hào Điện Biên Phủ
Một ngày đầu tháng 4/2024, biết tin Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc vừa đi bệnh viện đặt máy trợ tim (lần thứ 4) về, anh em tôi đến thăm. Trong câu chuyện vui vẻ sau ngày ra viện, ông bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của 70 năm về trước – Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Từ chiến sĩ đầu tiên áp dụng “bắn cối ôm nòng”…
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cậu học sinh Đỗ Văn Phúc theo gia đình từ Bắc Ninh tản cư lên Thái Nguyên và vào học Trường Trung học Lương Ngọc Quyến. Tháng 11/1949, khi vừa tròn 16 tuổi, ông cùng nhiều bạn học được chọn cử đi học pháo binh tại Trường Lục quân Việt Nam, đóng tại Trung Quốc.
Ông nhớ lại: “Do quân đội ta mới thành lập ít năm, công tác huấn luyện chưa thật bài bản, phải áp dụng kỷ luật của quân đội một số nước (như Nhật, Pháp), kỷ luật rất khắt khe. Có nhiều chuyện nghe đến chảy nước mắt, như: Một người bị kỷ luật thì cả tiểu đội, trung đội chịu “liên đới”; hoặc người bị kỷ luật phải cầm que tăm leo lên cây cau “đo chiều cao của cây”… Nói chung trong đơn vị trùm lên không khí lính tráng rất sợ chỉ huy. Nhưng từ khi Chính ủy Trần Tử Bình về, không khí trong nhà trường thay đổi hẳn”.
Và từ năm nay, nhà trường đào tạo nhiều chuyên ngành: Pháo cối, công binh, thông tin, hoá học... Đỗ Văn Phúc về lớp súng cối rồi được chọn đi học lớp A trưởng để chuẩn bị huấn luyện. Ông nhớ lại: “Toàn bộ phần chiến - kĩ thuật, vũ khí do giáo viên Trung Quốc dạy, còn Chính trị thì giáo viên ta. Tới tháng 8/1951, khóa 6 tốt nghiệp, hành quân về nước. Do kết quả học tập tốt mà mình được nhận “chức vụ” B trưởng (ngày đó quân đội ta chưa áp dụng chế độ phong “quân hàm” mà chỉ giao “chức vụ”) và được phân công về Đại đoàn 316, tham gia chiếu đấu ngay trên quê hương Bắc Ninh. Do xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, tháng 2/1952 mình được vinh dự kết nạp vào Đảng ở xã Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh”.
Vào chiến dịch Tây Bắc, ông được đề bạt là C phó C56 “bộ binh pháo” - C hỏa lực của Trung đoàn E98 mà ông Vũ Lăng (sau này là Thượng tướng) là Trung đoàn trưởng. Vào chiến dịch Điện Biên Phủ, Đỗ Văn Phúc được đề bạt tiếp C trưởng C56. Anh em C56 có 31 ngày đêm bám trụ trên đồi C1, C2 và chính ông là người đầu tiên cho áp dụng kĩ thuật "bắn súng cối ôm nòng".
Năm nay bước vào tuổi 92, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc vẫn minh mẫn, ông kể: “Khẩu cối 82 có 3 bộ phận chính: Nòng, chân và bệ. Khi hành quân phải có 3 người mang vác 3 bộ phận, rồi phải có thêm xạ thủ và lính tiếp đạn. Vì vậy Tiểu đội cối 82 chỉ biên chế 2 khẩu. Khi vận động, nếu mang đủ 3 bộ phận cùng cơ số đạn thì rất cồng kềnh. Qua thực tế chiến đấu ở đồi C1, mình đề nghị cho áp dụng kĩ thuật “bắn ôm nòng”, nghĩa là, chỉ cần một pháo thủ ôm nòng cùng một tháo lắp đạn, một tiếp đạn. Khi “tác nghiệp”, pháo thủ ôm nòng cối tì vào vai; còn hướng và góc tà thì cân chỉnh theo kinh nghiệm (sau khi bắn quả đầu tiên). Khi có lệnh bắn, một pháo thủ sẽ thả đạn vào nòng”.
Nghe đến đây, chúng tôi thắc mắc, thả đạn vào nòng, khi đạn bắn ra có ma sát thì sẽ làm bỏng vai; thì được giải thích: “Ừ, bỏng chứ. Khi bắn được 3, 4 phát thì phải hạ nòng xuống đất, tưới nước vào hạ nhiệt. Sau này anh em có sáng kiến lấy vải ướt buộc vào nòng…”, ông cười.
Sau chiến dịch có bài báo viết về chuyện bắn ứng dụng cối 82 trên đồi C1. Họ hỏi, sáng kiến của ai, thì ông nói, đó là kinh nghiệm của thầy Giá - giáo viên môn Súng cối, từng là lính Tưởng Giới Thạch, sau tham gia đánh trận ở Triều Tiên 1950 - về dạy; còn bản thân ông chỉ là “người bắn ứng dụng đầu tiên” trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
… đến chiến sĩ thổi kèn địch vận ở Điện Biên
Ngay từ ngày là học sinh trung học, Đỗ Văn Phúc đã đam mê văn nghệ nên tại mặt trận không chỉ đánh giặc giỏi mà ông còn tham gia đóng kịch cùng Ngọc Thảo (chiến sĩ đội Tuyên văn hỏa tuyến, sau này là phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Thành – tác giả hành khúc “Qua miền Tây Bắc”). Sau đó, C trưởng Phúc còn được anh em gán cho cái tên “tiếng kèn địch vận”.
Ngày còn ở Trường Lương Ngọc Quyến, Phúc thường thổi chiếc kèn h’armonica nhỏ xíu do ông chú tặng. Ở mặt trận, biết anh đam mê thổi kèn nên một đồng đội đã tặng lại chiếc kèn chiến lợi phẩm. Thời gian ở đồi C1, tranh thủ lúc im tiếng súng, anh thường mang kèn ra thổi động viên anh em những ca khúc “Làng tôi”, “Qua miền Tây Bắc”, “Suối Mơ”, “Thiên Thai”...
Ông nhớ lại: “Chính đội trưởng Đội tuyên truyền binh vận đã đề nghị mình thổi những bản dân ca Pháp xen kẽ các bài “vận động ngưng chiến”, và cả ca khúc nổi tiếng “One Day: When we were young” của Johann Strauss... phát ra loa. Giao thông hào ta cách đồn địch chừng 400m. Lúc đầu chúng bắn xối xả về phía loa, nhưng rồi thưa dần, thưa dần và lặng im. Vậy là những bản nhạc này có tác dụng binh vận, làm những người lính Lê dương xiêu lòng, nhớ về quê hương, muốn từ bỏ vũ khí...”.
Học viên Lục quân Đỗ Văn Phúc đã góp phần vào chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ như thế!
Năm 1954, đất nước tạm ngưng tiếng súng. Tháng 7/1957, Đỗ Văn Phúc được cử đi học tại Học viện Pháo binh Leningrad (Liên Xô): “Mình tự hào vì cùng thủ trưởng Vũ Lăng - 2 lính đại đoàn 316 được cử đi học trong số 24 học viên của quân đội sang Liên Xô học tập ngày đó”. Tháng 7/1963, ông tốt nghiệp, về công tác ở Trường Sĩ quan Pháo binh.
Để chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc, năm 1966, ông lại cùng anh em sang Baku, học chuyển loại Tên lửa Sam-2, rồi trở về chiến đấu trong đội hình Sư đoàn phòng không 361. Từ trợ lý phòng Nghiên cứu Khoa học Quân sự (Bộ Tham mưu, quân chủng Phòng không Không quân), ông kinh qua các nhiệm vụ: Phó Phòng nghiên cứu Khoa học Quân sự, trưởng Ban Tác chiến (Sư đoàn 365)... Ông nhớ lại: “Tới tháng 3/1972, là Thiếu tá, Tham mưu phó Sư đoàn phòng không 361, đặc trách về Tên lửa bảo vệ Hà Nội. Trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, ngay trong đêm đầu tiên 18/12/1972, 2 Tiểu đoàn 77 và 59 của Sư đoàn 361 “Cận vệ đỏ” đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B-52. Trong cả chiến dịch, sư 361 đã hạ gục 25 máy bay B-52”.
Sau ngày thống nhất đất nước, Đỗ Văn Phúc trải qua nhiều cương vị công tác và được phong hàm Thiếu tướng vào năm 1990.
Về với đời thường
Đầu năm 1994, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia công tác khu phố nơi cư trú ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cho đến khi phải vào bệnh viện đặt máy trợ tim. Quay đi quay lại đã 30 năm sống chung với máy trợ tim nhưng trái tim ông luôn rung động trước cái đẹp. Bù lại cả cuộc đời khoác áo lính, không có thời gian học âm nhạc nên ông đã tự học ký xướng âm rồi mày mò sáng tác ca khúc ca ngợi người lính, ca ngợi quê hương... Cho tới giờ, trong tay ông có đến 12 ca khúc: “Người canh giữ bầu trời”, “Kíp săn B-52”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Nhớ mãi Hà Nội”, “Hà Nội - em và tôi”...
Ông kể: “Năm 1970 khi được điều về làm Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 361 “Cận vệ đỏ” mà ông Trần Văn Giang là Chính ủy. Ngoài tình đồng chí, đồng đội thì 2 anh em còn gắn bó nhau từ chiến dịch Điện Biên vì có chung đam mê văn nghệ. Vốn yêu thơ và từng viết hàng trăm bài thơ, năm 2000, Thiếu tướng Trần Văn Giang cho xuất bản tập thơ “Con Tằm”. Khi được tặng tập thơ, mình đã chọn bài “Chim Nhạn” để phổ nhạc”.
Có mặt trong tiệc mừng thọ cụ Trần Văn Giang tròn 80 tuổi vào năm 2004, tác giả bài viết này xúc động khi được thưởng thức ca khúc “Chim Nhạn” qua song ca của cụ Đỗ Văn Phúc và Nguyễn Hồng Sơn (con rể của cụ Giang).
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, chiến sĩ Điện Biên với “tay súng tay đàn”, có một cuộc đời bình dị và đáng yêu như thế đấy!