Quảng Trị - 50 mùa xuân hồi sinh từ khói lửa
Năm mươi năm sau chiến tranh, ba mươi sáu năm từ ngày chia tách khỏi tỉnh Bình Trị Thiên, mảnh đất Quảng Trị - nơi từng được mệnh danh là "tọa độ lửa" của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại - đang bừng lên sức sống mới. Từ đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đến Cồn Tiên - Dốc Miếu, từ Đường 9 gió Lào đến Thành cổ Quảng Trị đẫm máu người, những vùng đất từng tan hoang vì bom đạn giờ đây đã khoác lên mình màu xanh của hòa bình, phát triển.
Vết thương cũ, màu xanh mới
Chúng tôi trở lại Hiền Lương - Bến Hải một sớm của ngày đầu tháng Tư lịch sử. Chiếc cầu gỗ năm xưa chia đôi đất nước giờ là điểm nối của ký ức và hiện tại. Bà Lê Thị Hảo (78 tuổi), trú thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh đưa tay chỉ cây cầu Hiền Lương: "Hồi đó, đứng bên này nhìn sang bên kia, nhớ thương người thân mà không thể qua. Bom đạn rền vang ngày đêm. Giờ thì… con cháu tui ngày nào cũng đi dạo trên cầu".

Hai bên bờ Bến Hải giờ là những làng quê trù phú, nhà cao tầng san sát, trường học, trạm y tế khang trang. Vùng đất từng bị rải thảm bom giờ là vùng nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái phát triển nhanh chóng. Du khách tấp nập đến thăm, lắng nghe tiếng vọng từ hai đầu giới tuyến.
Tại Cồn Tiên - Dốc Miếu, nơi từng là "con mắt thần" trấn giữ tuyến lửa của Mỹ, Quân đội Sài Gòn, nay là khu di tích lịch sử và đài tưởng niệm được chăm chút từng nhành hoa, gốc cỏ. Ông Nguyễn Tiến Lực, Trưởng phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị xúc động: "Mỗi ngày ở đây tiếp đón hàng chục lượt khách, nhiều người khóc khi nghe kể chuyện. Nhưng điều khiến họ ngạc nhiên hơn cả là sự hồi sinh mạnh mẽ của mảnh đất này".
Trên tuyến Đường 9 huyền thoại - nơi từng gánh hàng triệu tấn đạn bom, máu và mồ hôi của bao lớp thanh niên xung phong, nay trải nhựa êm ru, dẫn đường cho đoàn xe tải ngược xuôi qua Cửa khẩu Lao Bảo. Cả một vành đai kinh tế mới đã hình thành nơi biên cương. Các khu dịch vụ thương mại mọc lên, phát triển không ngừng, góp phần làm nên hình hài mới cho vùng đất từng là rốn lửa.
Tại Làng Vây, nơi ghi dấu trận đánh nổi tiếng của bộ đội ta đánh tan lực lượng biệt kích Mỹ, giờ là bản làng của đồng bào Vân Kiều rộn tiếng cười. Già làng Hồ Văn Tới nói với chúng tôi bằng giọng hào sảng: "Ngày trước bom rơi đạn nổ. Nay con cháu học chữ, có điện, có đường, có trạm xá. Ủy ban xã còn có cán bộ là người Vân Kiều, tự hào lắm!".
Mảnh đất Thành cổ - nơi 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã thành bất tử - nay là công viên cây xanh, nơi tưởng niệm trang nghiêm. Dòng người lặng bước giữa những hàng cây xanh mát, mắt rưng rưng khi đọc những dòng chữ khắc ghi: "Mỗi tấc đất là một tấc máu".
Dáng đứng của người giữ đất
Trong hành trình hồi sinh ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp thầm lặng mà kiên cường của lực lượng Công an nhân dân tỉnh Quảng Trị. Từ những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1989), khi trụ sở làm việc còn mượn tạm, biên giới rối ren, lòng dân chưa yên, chính lực lượng Công an là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân. Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: "Chúng tôi xác định rõ: giữ bình yên để phát triển. Có lúc phải đối mặt với tội phạm ma túy vùng biên, có lúc là những cuộc cứu hộ trong mưa lũ lịch sử, rồi phòng, chống dịch COVID-19, gian khổ lắm, nhưng anh em chưa từng lùi bước".
Những chiến công thầm lặng ấy được ghi nhận qua từng chuyên án thành công, từng khu dân cư "3 không": không tội phạm, không tệ nạn, không vi phạm pháp luật. Ở vùng sâu vùng xa, Công an chính quy về xã không chỉ giữ an ninh mà còn là cầu nối giúp dân làm kinh tế, xóa mù chữ, giữ gìn bản sắc. Trung tá Hồ Sỹ Vinh, Trưởng Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, từng là học sinh lớn lên từ bản làng Vân Kiều, tự hào nói: "Tôi là người con của đất này, được học hành, rèn luyện để quay về phục vụ chính quê hương mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất".
Đặc biệt, ngay sau triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, cũng như 63 tỉnh, thành cả nước, tại Quảng Trị, Công an là lực lượng chủ công. Từ đô thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến miền núi, hình ảnh chiến sĩ Công an tận tụy, gần gũi, không chỉ là biểu tượng an ninh mà còn là niềm tin của dân…
Quảng Trị hôm nay là biểu tượng cho nghị lực vươn lên từ tàn tích chiến tranh. 36 năm sau ngày tách tỉnh, từ chỗ nghèo nhất cả nước, tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hạ tầng giao thông - giáo dục - y tế không ngừng mở rộng. Gió Lào vẫn thổi, nhưng trên những cánh đồng gió nay là những trụ turbine điện gió quay đều, thắp sáng khát vọng mới. "Chúng tôi không bao giờ quên quá khứ, nhưng cũng không bị ràng buộc bởi quá khứ. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là biến Quảng Trị thành nơi xứng đáng để sống, để đầu tư, để phát triển", ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị bộc bạch: Quả đúng như vậy, bài ca hồi sinh ấy, dẫu viết bằng máu và nước mắt, nhưng giờ đã vang lên bằng nhịp sống, niềm tin và thành quả ngày càng rực rỡ!