Kỷ niệm 70 năm thành lập quân đội nhân dân Vệt Nam, 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân:

“Ông Bảy nông dân” và những chiến công huyền thoại

Thứ Sáu, 12/12/2014, 09:34
Thành lệ, cuối tháng ông lại từ Lai Vung (Đồng Tháp) lên thành phố để sinh hoạt CLB không quân và lĩnh lương hưu. Mỗi lần như thế, ông đùm túm theo gạo, trái cây, cá mắm, vịt gà lên cho mấy đứa con. Ông là Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy A), một trong những phi công huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam, đã bắn hạ 5 chiếc F4 và 2 chiếc F105 của không quân Mỹ. Rời quân ngũ, ông về với ruộng vườn, vui thú điền viên trở thành một lão nông chính hiệu. Dù vậy, mọi người vẫn thường gọi kính trọng với cái tên “Anh hùng Bảy lúa”.
Chuyn vui v con s 7

Năm 2014, ông Bảy tròn 78 tuổi. Dáng vóc của ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn nhiều cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Dạo trước, tìm đến tận chòi ruộng của ông ở xã Hậu Thành, TT Lai Vung (Đồng Tháp) thăm, nhìn ông xoắn tay áo khoe cơ bắp cuồn cuộn cánh trẻ chúng tôi phải ganh tỵ và bái phục lão phi công anh hùng. Ngồi bên chái hiên chòi, nhìn ra đám lúa vàng ươm với bờ đê xa tít mù, thấy ông đang lững thững đi về, ôm theo củ khoai mỳ to đùng gần 30kg, đầu quấn khăn rằn Nam Bộ, quần áo cũ lấm lem bùn đất ghé ngay mép bờ kinh rửa chân, đá văng nước kêu soàn soạt.

Ông cười rất lành: “Bay thấy tao rặt nông dân không. Sẵn có mấy con cá dưới ruộng mới bắt cho tụi bay nhậu chơi. Lâu quá mới thấy tụi bay ghé thăm”. Nhìn thành quả của bao nhiêu mồ hôi ông đổ xuống những ngày qua, chúng tôi thầm bái phục ông vô cùng. Đánh giặc giỏi, về làm nông dân trồng lúa khoai, nuôi cá cái gì cũng “mát tay” năng suất cao hơn mọi người. Giờ thì ông nói, chuyện ruộng lúa, nuôi cá ông rành rẻ còn hơn lái máy bay, bắn nhau với phi công Mỹ trên trời.

Hồi mới nghỉ hưu, ông về thị xã Sa Đéc lên bờ liếp trồng cam, quýt bưởi. Móc đất dưới mương, khoét thành ao thả tôm, nuôi cá basa. Một thời ông thường đi đến các trường học kể chuyện bắn máy bay cho học sinh nghe. Tiền “bồi dưỡng” ông bỏ hết vào con heo đất tặng lại cho học sinh nghèo. Ông coi đó như niềm vui khi giã từ binh nghiệp.

Ngồi chơi, ông kể chuyện vui: “Đời tao ngộ lắm mầy. Người ta thì “ba chìm, bảy nổi” còn tao tới chín, mười lần dính líu tới con số bảy. Tên Bảy, bảy lớp, 17 tuổi đi bộ đội, 1967 cưới vợ, 1967 được tặng danh hiệu Anh hùng, lái Mig 17, bắn 7 chiếc máy bay”… Tên cha mẹ đặt cho ông là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, tại xã Hòa Thành, Lai Vung. Nhưng khi đi học ở trường làng, bị bạn bè chê tên giống “con gái”, sẵn thứ bảy ông đổi tên thành Nguyễn Văn Bảy. Đến năm 17 tuổi, cha mẹ tính cưới vợ là một cô gái nết na cùng làng, ông từ chối, bỏ nhà trốn theo bộ đội.

Năm 1954 ông lên đường tập kết, đơn vị đóng tại Sơn Tây. Cuối thu năm 1960, chỉ huy đơn vị thông báo, ông được Trung ương chọn sang Trung Quốc học lái máy bay. Nghe đến đây, ông vừa mừng lại vừa lo. Hồi nhỏ chỉ học lõm bõm ở trường làng, học làm phi công, sợ không đủ kiến thức… Lên Lạng Sơn, thầy giáo mở khóa học “tốc hành” phổ cập kiến thức chỉ trong…7 ngày. Ông kể: Chủ yếu là học tiếng Trung Quốc, tập trung lắng nghe, nhìn để nhớ mấy cái hình vẽ, định lý, nguyên lý… Nhờ có trí nhớ “học lỏm” bẩm sinh mà ông thuộc nằm lòng, được biểu dương.

Nhớ lời huấn thị của Bác Hồ trước giờ lên đường: “Các cháu là những học sinh, chiến sĩ miền Nam, hãy cố gắng học tập và rèn luyện cho tốt để sau này trở thành những phi công giỏi, chiến đấu thống nhất đất nước mình. Và còn chở Bác về thăm đồng bào miền Nam nữa chứ!”. Ông luôn ghi nhớ lời dạy thiêng liêng đó, vì thân phụ của Bác Hồ cũng an nghỉ ngay tại quê hương Đồng Tháp. Năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam được đào tạo từ TP Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã kiêu hãnh lái máy bay về nước, hạ cánh xuống sân bay quân sự Gia Lâm - Hà Nội trong niềm vui mừng của quân dân miền Bắc.

Ông Bảy bên chiếc Mig-21 trong Bảo tàng Không quân (ảnh lớn) và với Tướng Steve Richie trong một lần hội ngộ.

"Sát th" máy bay không lc Hoa Kỳ

Trong lịch sử chiến đấu của Không quân và Hải quân Mỹ thừa nhận, Không quân Việt Nam có những anh hùng huyền thoại từng là nỗi khiếp đảm của phi công Mỹ với những chiếc MiG-21, MiG-17. Đó là Anh hùng Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Mai Văn Cương và phi công “huyền thoại” MiG-17 Nguyễn Văn Bảy (Bảy A) 7 lần hạ máy bay địch. Ông nổi tiếng là phi công, chao nghiêng cánh “né” tên lửa tầm nhiệt của máy bay Mỹ hàng chục lần. Ông kể chuyện chiến đấu trên không với các loại máy bay hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ mà nghe cứ như đang ở miền Tây bắn chim bằng nạng thun: “Lần đầu tao bắn trúng nghe cái bụp đã lắm. Tao lượn sát xuống để nhìn nó bốc cháy cho đã mắt, suýt nữa là đâm vào núi”.

Lần khác, vào ngày 7/10/1965, ông nhận lệnh cất cánh chiếc MiG-17F số hiệu 3020 của Trung đoàn Không quân 923 Yên Thế với vị trí số 1, lao lên bầu trời đối đầu với máy bay của địch. Bọn chúng bọc lót khá kỹ, nên máy bay của ông bị trúng đạn tên lửa tầm nhiệt bên cánh trái, bốc khói và thủng kính buồng lái nhiều lỗ. “Có lỗ to như trái cau, trái quýt Lai Vung” - ông mô tả, bình tĩnh dùng tay bịt lỗ thủng to nhất... một tay máu chảy ròng ròng, nhưng kiên quyết không nhảy dù, không để máy bay rơi, gắng gượng bay về đến sân bay Kép hạ cánh an toàn. Dưới đất, đồng đội reo mừng, các chuyên gia Liên Xô ôm chầm lấy ông trầm trồ thán phục về tinh thần dũng cảm tuyệt vời của phi công VN. Lần đó, ông đếm tất cả 82 lỗ thủng trên kính, trên nắp buồng lái.

Nhiều trận đánh, nhiều kỷ niệm… nhưng có lẽ ông không bao giờ quên trận không chiến ngày 5/9/1966 cùng người bạn miền Nam là phi công anh hùng, liệt sĩ Võ Văn Mẫn (quê Bến Tre). Khoảng 4 giờ chiều, từ tàu Hải quân Mỹ từng tốp chiến đấu cơ lao vào đánh phá cầu Giẽ. Nhận lệnh cất cánh, ông và Mẫn lao đến không vực thì địch rút lui. Bất ngờ, Sở chỉ huy dẫn đường phát hiện một tốp máy bay khác đang bay vào khu vực Phủ Lý (Hà Nam) nên ra lệnh công kích. Nhìn thấy từ xa, mục tiêu như hai chấm đen cách 5km, ông lập tức lệnh cho phi công Mẫn (số 2) thả thùng dầu phụ, tăng tốc đối đầu công kích. Bọn giặc lái rất hoảng sợ phi công Việt Nam nên chuồn ngay trong đám mây lẩn trốn ra biển. Ông Bảy đón đầu, bay tắt xé mây, áp sát máy bay địch. Ông bám theo chiếc thứ hai, xả đạn vào buồng lái, máy bay địch bốc cháy lao xuống. Còn Võ Văn Mẫn bám theo chiếc số 1 nổ súng, máy bay địch bốc cháy, phi công địch nhảy dù. Trận đánh chớp nhoáng trong 45 giây, hai phi công người miền Nam hạ hai máy bay tiêm kích F4 rơi cách nhau 10km. Ông và Võ Văn Mẫn được Bác Hồ tặng huy hiệu. Năm 1967, Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho lớp 3 phi công VN đầu tiên, trong đó có Thượng úy Nguyễn Văn Bảy.

Năm 1990, ông Bảy về xã Tân Phú Đông, TX Sa Đéc đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi heo, lên liếp trồng cây ăn trái. Một hôm, ông tiếp vị khách đặc biệt tại vườn là Trung tướng Không quân Mỹ, GS. Steve Richie - một “đối thủ” 40 năm trước lái máy bay thần sấm F4 tham chiến nhiều trận trên không phận miền Bắc. Hôm đó, Tướng Steve Richie đi cùng con gái người bạn phi công đã bị Nguyễn Văn Bảy bắn hạ để tường tận sự thật. Tướng Steve Richie tìm đến ông với tất cả sự kính trọng một người anh hùng, là đối thủ “đáng gờm” nhất trong chiến tranh mà ông từng gặp.

Ông Bảy kể lại: “Hôm đó tao mần con gà ác nướng nước mắm, thêm rau vườn và cá lóc... nhậu rượu đế đã đời. Ông bạn Mỹ vui lắm, khen ngon suốt”.

Giờ thì bóng chiều đời đã dần nghiêng đổ xuống, hai vợ chồng anh hùng phi công trở thành lão nông dân Nam Bộ thứ thiệt. Vuốt chòm râu dài rung rinh trong gió, ông cười khà khà, thoải mái làm sao. “Từ ngày nghỉ hưu đến giờ, đêm ngủ chưa bao giờ nằm mộng thấy chiến tranh. Có lẽ vì tao trả xong nợ nước, nên thanh thản, an nhàn”.

Hoàng Châu
.
.
.