Những ngày đặc biệt tác nghiệp ở Lại Đà
Những dòng người nối dài không dứt trên đường làng Lại Đà từ sớm tới đêm khuya đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; những giọt nước mắt tiếc thương, câu nói nghẹn ngào,... Đó là những hình ảnh không thể quên với nhóm phóng viên chúng tôi khi tác nghiệp tại Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư, người con ưu tú của quê hương Lại Đà. Khi thực hiện nhiệm vụ của những phóng viên tại Lại Đà, chúng tôi cảm nhận được tình người ấm áp, tình nước, tình dân...
Ngay khi thông báo về Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát đi, lãnh đạo Báo CAND đã lên kế hoạch tuyên truyền chi tiết, phân công các mũi phóng viên tác nghiệp tại nhiều vị trí. Nhóm phóng viên chúng tôi được phân công đưa tin, viết bài tại quê hương của Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cùng với điểm cầu Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh - nơi diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư.
Ngay từ khi nhận nhiệm vụ đặc biệt, chúng tôi đã ý thức được rằng đây là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Một ngày trước khi Lễ quốc tang được tổ chức, chúng tôi đã có mặt tại thôn Lại Đà để nắm rõ địa điểm, chương trình tổ chức lễ tang, từ đó chuẩn bị nội dung phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền. Chiều 24/7, những cơn mưa tầm tã mấy ngày liền đã dứt, đường làng Lại Đà hửng nắng. Dọc đường xóm, người dân trong thôn đã treo cờ rủ tiếc thương người con của làng. Không khí trầm buồn bao trùm cả vùng quê, trong lúc công tác chuẩn bị lễ viếng diễn ra khẩn trương.
Những ngày đặc biệt, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt ở Lại Đà từ sáng sớm và rời làng lúc đêm khuya. Trên mọi ngả đường đến thôn Lại Đà, nối dài những đoàn khách và người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc về vái vọng đồng chí Tổng Bí thư. Dù đường xa, dù nắng gắt hay mưa tuôn, những dòng người vẫn lặng lẽ và thành kính trên đường làng Lại Đà, những đôi mắt tiếc thương ngấn lệ. Chính tình cảm quý trọng, tin yêu và thương tiếc Tổng Bí thư của người dân đã thôi thúc chúng tôi truyền tải thật rõ nét, chân thực những nội dung, hình ảnh Lễ quốc tang tại quê hương Lại Đà đến người dân cả nước.
Tuy nhiên, để bao quát được tất cả hoạt động ở hiện trường tác nghiệp là điều không dễ dàng bởi không gian trải rộng. Hơn nữa, chưa bao giờ Lại Đà đón nhiều đoàn khách và người dân từ nhiều địa phương trong cả nước tụ về đây như những ngày này. Có đến gần 1.600 đoàn khách, gần 57 nghìn người đến viếng Tổng Bí thư tại nhà văn hóa thôn, gấp 5 lần so với số lượng đăng ký. Có đoàn từ huyện đảo Phú Quốc hay bà con ở xã Chiềng Mai, huyện Mai Châu, Sơn La không quản ngại đường xa đã di chuyển suốt ngày đêm để có mặt ở cổng làng lúc 5 giờ sáng. Bà con dù ở bất cứ đâu đến Lại Đà đều trở nên thân gần trong nỗi niềm chung thương nhớ và những câu chuyện về Tổng Bí thư.
Chúng tôi cố gắng linh hoạt trong khi tác nghiệp, để vừa đảm bảo đưa tin kịp thời, chính xác các hoạt động chính diễn ra tại sân nhà văn hóa thôn, vừa di chuyển gặp gỡ, phỏng vấn các đoàn khách, người dân. Trong khi đó phải hết sức lưu ý không làm ảnh hưởng đến tác vụ của lực lượng phục vụ lễ tang, công tác đảm bảo an ninh. Chúng tôi đã cố gắng quan sát, nắm bắt và kịp thời phỏng vấn những “nhân vật đặc biệt”. Đó là những giờ phút tác nghiệp tập trung, chạy đua cùng thời gian, không để vuột mất những tư liệu quý. Bởi, chúng tôi ý thức được rằng, chính những câu chuyện được chia sẻ ấy càng tô đậm đạo đức, nhân cách sáng ngời của Tổng Bí thư.
Đó là câu chuyện của ông Phạm Tuấn Thành (72 tuổi, ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã thuê xe về xã Đông Hội từ ngày hôm trước, được lãnh đạo địa phương bố trí chỗ ở để sáng 25/7 vào tham gia lễ viếng. Đó là giây phút Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lộc đến viếng Tổng Bí thư và nghẹn ngào chia sẻ: “Khi xưa hai con tôi hy sinh vì đất nước, tôi đứt từng khúc ruột. Mấy hôm nay, nhận tin Tổng Bí thư mãi đi xa, nỗi đau ấy lại quặn thắt tâm can”. Khi con cháu lo cho sức khỏe của mẹ, liên tục hỏi: “Cụ có mệt không? Cụ có muốn về nhà không?”, mẹ Lộc lắc đầu: “Tôi không mệt, cũng không muốn về nhà. Tôi muốn ở đây cả ngày để chứng kiến bà con xa gần đến viếng đồng chí Tổng Bí thư”.
Những ngày đặc biệt ấy, từ các phóng viên tác nghiệp tại các điểm cầu đến các đồng chí lãnh đạo, bộ phận thư ký biên tập tại “trung tâm chỉ huy” Báo CAND đều trong tâm thế làm việc tập trung, khẩn trương. Các tin bài, hình ảnh gửi về nhanh chóng được tổng hợp, dẫn trực tiếp, kịp thời phản ánh toàn diện, phong phú, có điểm nhấn về Lễ quốc tang.
Tại khu vực tác nghiệp báo chí trong sân nhà văn hóa, chúng tôi đồng thời cập nhật các hoạt động diễn ra tại các điểm cầu khác trong cả nước qua màn hình lớn. Dù trong tâm thế tập trung và nghiêm cẩn, nhưng trong không gian đặc biệt ấy, rất nhiều lúc chúng tôi tác nghiệp trong nỗi xúc động. Những ngón tay gõ lên bàn phím hay bấm máy ảnh liên hồi nhưng với đôi mắt đỏ hoe...
Những ngày ở Lại Đà, chúng tôi chú trọng khai thác câu chuyện cuộc đời của Tổng Bí thư qua hồi ức của những người dân. Chúng tôi đã tìm gặp nhà giáo Vương Khắc Côn (81 tuổi), là bạn học cấp 1, cấp 2 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Côn và Tổng Bí thư cùng sinh ra, lớn lên tại làng quê Lại Đà, thuở nhỏ thường chơi cùng, học cùng nhau. Ngày “người bạn đặc biệt” đi xa, bao kỉ niệm thời niên thiếu ùa về trong nhớ thương, ông Côn gửi vào thơ.
Chúng tôi cũng chứng kiến ông Hoàng Văn Tài chầm chậm đến bên bàn ghi sổ tang, ông viết: “Đoàn 10B Nguyễn Gia Thiều 57-63. Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người bạn cùng lớp. Chúng tôi vô cùng thương xót và chia buồn cùng gia đình!”. Trong kí ức của ông Tài, lớp trưởng Nguyễn Phú Trọng khi ấy là người học giỏi, nhân hậu, sống chan hòa. Ngay cả khi đã trở thành lãnh đạo cấp cao thì người bạn lớn Nguyễn Phú Trọng vẫn điềm đạm, gần gũi. Có dịp về thăm trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư vẫn gọi thầy hiệu trưởng là “thầy”, xưng “em”. Trong nhiều dịp họp lớp, dù bận trăm công ngàn việc nhưng người bạn lớn ấy vẫn dành thời gian gặp bạn bè.
Mấy ngày diễn ra Lễ quốc tang, người Lại Đà có những đêm không ngủ. Lễ viếng ngày 25/7 kéo dài từ 6h sáng đến 12h đêm. Người dân tham gia dọn dẹp lại khu vực nhà văn hóa thôn và đường làng đến 2 giờ sáng. Rồi, bà con tiếp tục công tác hậu cần đón tiếp các đoàn khách vào sáng hôm sau. Không chỉ người dân từ xa đến, mà cả các phóng viên cũng luôn được chính quyền địa phương, Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh và người dân trong làng tạo điều kiện tác nghiệp thuận lợi nhất. Nhà chị Ngô Thị Thuần ở đối diện nhà văn hóa thôn đã trở thành địa điểm đón tiếp và phục vụ các phóng viên báo chí tác nghiệp trong Lễ quốc tang. Tất cả bàn gấp cá nhân, ghế, quạt điện và ổ cắm được gia đình huy động để phục vụ các nhà báo từ sáng sớm tới đêm khuya.
Tác nghiệp ở Lại Đà, chúng tôi cảm nhận rõ hình ảnh vị Tổng Bí thư trở nên bình dị nơi quê hương, họ tộc, gia đình. Đặc biệt xúc động khi tại điểm cầu trưng bày những bức ảnh chụp Tổng Bí thư lúc sinh thời. Ảnh chụp Tổng Bí thư về thăm Trường Tiểu học Đông Hội, về dự lễ kỷ niệm 140 năm ngày thành lập huyện Đông Anh, dự lễ trao thưởng học sinh dòng họ Nguyễn Phú,... Và, đặc biệt xúc động là ảnh chụp Tổng Bí thư cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2019.
Tận đến lúc kết thúc lễ viếng, vẫn có những người dân từ xa đến muộn. Ông Ngô Anh Tuấn (72 tuổi) sáng 26/7 bắt xe từ Bắc Ninh đến thôn Lại Đà. Giữa đường xe gặp trục trặc, thành ra ông đến muộn, không kịp tham gia lễ viếng. Đứng lặng nơi sân tang, ông bật khóc, chờ đợi đến giây phút diễn ra lễ truy điệu Tổng Bí thư. Sau lễ truy điệu, tại sân nhà văn hóa thôn, chúng tôi cùng rất nhiều người dân đứng lặng, hướng lên màn hình theo dõi lễ di quan và lễ an táng Tổng Bí thư. Dưới ánh nắng vàng chớm thu, tiếng khóc lan từ nhà văn hóa thôn Lại Đà tiễn biệt người con ưu tú của quê hương về nơi an nghỉ cuối cùng. Hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, rời thôn Lại Đà, chúng tôi lặng lẽ đi bộ dọc đường làng, cảm xúc bâng khuâng dâng đầy, nhớ tiếc một trái tim lớn đã hòa vào yên bình của làng quê, đất nước...