Nhớ những ngày “ba cùng” với đồng bào Tây Nguyên
Hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), bao ký ức về một thời làm báo gian khó ở Tây Nguyên lại hiện về trong tôi. Địa bàn Tây Nguyên có những năm tháng tôi làm báo giữa thời bình nhưng tình hình an ninh trật tự nóng như nước sôi, lửa bỏng, và trong gian khó ấy, càng nung nấu thêm ý chí kiên cường của người cầm bút…
Những năm tháng không thể nào quên
Nửa đêm, chuông điện thoại réo rắt, tay lọ mọ cầm máy, liền nhận được lệnh chỉ huy yêu cầu phải có mặt gấp ở hiện trường để ghi hình vụ gây rối, bạo loạn... Tôi bật dậy như phản xạ, tay xách, nách mang gấp gáp túi máy, phóng xe lên đường. Chuyện tác nghiệp khi đột xuất, lên đường gấp gáp lúc nửa đêm hay bất chấp mưa rừng, bụi đỏ của đời người làm phóng viên lăn lộn ở vùng Tây Nguyên các năm tháng “bão giông” giai đoạn năm 2001 không phải là hiếm, nhưng lần này thật sự lo lắng…
Khi đến nơi, phát hiện từng đoàn người chia thành nhiều nhóm cứ lao về phía trung tâm thành phố Pleiku, tôi bấm máy liên tục và di chuyển theo đám đông. Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh biểu tình bạo loạn nên bản thân cố lấy bình tĩnh, tìm cách len lỏi vào đám đông để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhớ khi ấy, có người trong nhóm gây rối thấy tôi bấm máy quay, họ reo lên: “Báo chí quốc tế đến rồi!”. Lúc ấy, tôi lặng người đi và sau này mới hiểu về câu chuyện nhiều người tham gia gây rối đã bị bọn phản động FULRO lừa phỉnh, kéo nhau đi biểu tình, gây bạo loạn sẽ được nhận tiền, có “báo chí quốc tế” lên tiếng…
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, ghi hình các đối tượng gây rối và đặc biệt là những tên cầm đầu các nhóm để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. Đến cuối ngày, nhóm người gây rối đã giải tán hoàn toàn vì phần lớn họ được lực lượng chức năng khuyên giải, thuyết phục và nhận ra sự thật do bị bọn phản động lừa phỉnh đi biểu tình để được cho tiền, hưởng lợi nhưng thực tế không có gì nên tự nguyện quay về làng. Đến lúc này, tôi cùng đồng đội ai cũng thở phào nhẹ nhõm, nhưng thấy người mệt vã mồ hôi vì bụng cồn cào đói, chợt nhớ cả ngày chỉ uống nước lã...
Tôi nhớ một lần khác, mới dọn cơm tối ra chưa kịp ăn thì có lệnh xuất quân với các Tổ trinh sát An ninh xuống làng. Vậy là húp vội chén canh rau rồi vai đeo máy ảnh, tay xách máy quay (camera) lên đường. Cả đêm ấy cùng thức với đồng chí, anh em trên hành trình bám sát làng Lao (ở Nhơn Hòa, Chư Pưh, Gia Lai bây giờ). Đêm ẩn mình bên vườn tiêu, đến rạng sáng cùng chịu trận bị ném đá, gậy gộc, cung tên bắn như mưa của những phần tử quá khích... Đến gần trưa hôm sau, những kẻ cầm đầu nhóm phản động FULRO ẩn trú ở làng Lao đã bị tóm gọn, lúc này anh em chúng tôi mới được ngồi dưới gốc cây làng gặm ổ bánh mì khô khốc...
Đời làm báo ở buôn làng những năm tháng khó khăn, hàng ngàn cuộc “phiêu diêu” với đồng bào Tây Nguyên đã cho tôi nhiều bài học quý giá. Bản thân tôi cũng đã nhận ra rằng đồng bào Tây Nguyên phần lớn thật thà, chung thủy trước sau và chịu thương, chịu khó... Tuy nhiên, do một phần hủ tục còn sót lại và những kẻ phản động FULRO dã tâm gieo rắc tội ác nên có số ít người trở thành nạn nhân của chúng.
Những năm tháng ở buôn làng Tây Nguyên cũng có lần lên ngọn Chư Gông tìm những người bị quy kết cái gọi là “ma lai” theo lời của một số dân làng có nhận thức lạc hậu xua đuổi. Nhớ lần ấy gặp bà H’Đoai và người con gái bị nhiều năm xua đuổi vào rừng mà nước mắt cứ rưng rưng. Bà H’Đoai không còn nhớ cái ngày cả gia đình, anh em kéo nhau vào rừng tạm lánh nạn vì bị dân làng Ngol đòi giết, nhưng áng chừng cũng khoảng hơn hai mươi mấy cái mùa rẫy qua rồi. Khi ấy vì cuộc sống mưu sinh, có chuyện xích mích nhỏ với người trong làng về chuyện thả con heo, con gà qua vườn nên xảy ra những cuộc cãi vã hơn thua. Có lẽ trong tâm thức ẩn chứa những điều chưa thoả mãn hằng ngày trong cuộc sống nên đêm ngủ, người hàng xóm nằm mơ thấy bà H’Đoai đến đòi giết cả nhà mình. Thế là hôm sau thức dậy bà ta đi báo với làng: “H’Đoai là con ma lai giết người”.
Luật làng phán xuống xử ép, H’Đoai và con gái là H’Djrek bị mọi người đánh đập, xua đuổi nên phải trốn vào rừng lánh nạn. Hơn nửa đời con gái ở rừng, tuổi thanh xuân của H’Djrek đã héo mòn theo cái hoang vu của rừng núi. Ở chốn rừng hoang, không biết ai mà bắt chồng, họ quanh năm chỉ biết vui với chim chóc, thú rừng lấy làm niềm tâm sự riêng tư của một kiếp người. Nhớ khi ấy vào rừng tìm hiểu câu chuyện kỳ lạ này, chúng tôi về kể với lãnh đạo xã, sau đó mẹ con bà H’Đoai đã được chính quyền giúp đỡ trở về với buôn làng trong niềm vui không sao tả xiết. Chuyện đã hàng chục năm qua nhưng bây giờ mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn thấy lòng mình rưng rưng...
Làm Báo CAND ở buôn làng Tây Nguyên những năm tháng ấy, có khi về làng không chỉ để viết bài, đưa tin mà cái lớn hơn nữa là làm công tác vận động quần chúng. Có những chuyện người dân chưa hiểu rõ dẫn đến không tin, không nghe, làm điều sai trái… nhưng nhà báo diễn giải thì lại “lọt tai” người dân, họ tin tưởng làm theo. Hàng chục năm sống và làm việc ở Tây Nguyên có muôn ngàn góc khuất thầm lặng ở buôn làng mà trên mặt báo chưa thể viết hết nên mỗi dịp về Tây Nguyên tôi vẫn thấy mình còn nhiều nặng nợ với dân làng.
Duyên phận với nghề…
Tôi không được học ở trường báo chí nhưng đến với nghề như lẽ tự nhiên. Vèo như cơn gió thoảng, thấy mình đã già. Giờ nhớ lại những ngày đầu tập tễnh viết báo kiếm nhuận bút cũng thú vị nhưng đó là cuộc mưu sinh đầy vất vả. Khi ấy, tuy chưa chính danh nhà báo nhưng đã góp công nuôi sống bản thân và gia đình. Nhớ lúc mới ra trường làm báo như nghề tay trái kiếm cơm. Ban đầu cộng tác cho các báo rồi thấy mê mẩn mỗi khi có tin bài được đăng.
Làm báo ở Tây Nguyên thời đó phải thuê đánh máy hoặc viết tay rồi ra bưu điện để chuyển phát nhanh. Bài nào “nóng” cũng phải 3 ngày mới được in vì các công đoạn chuyển tải từ người viết đến toà soạn là thủ công. Vào giai đoạn sau những năm 2005 làm báo có phần nhẹ hơn vì có hệ thống Internet ở nhiều nơi.
Báo chí giai đoạn này cũng bắt đầu phát triển khá phong phú. Tuy nhiên, thời ấy tôi làm báo ở vùng Tây Nguyên còn khá khó khăn so với vùng đồng bằng. Nhất là việc đi lại vào mùa mưa, đường đất đỏ Tây Nguyên trơn như đổ mỡ, công tác về xã nhiều nơi phải đi bộ. Mọi việc chuyển tin bài phải về trung tâm thị xã mới có internet. Cái hay của thời đó là làm việc gì phóng viên cũng phải có mặt tận nơi chứ không thể ngồi nhà lướt mạng, sao chép được. Có khi đi cơ sở cả tuần mới viết được một bài báo chứ không phải như bây giờ mỗi ngày phóng viên ở nhà có thể làm được nhiều bài, tin...
Làm phóng viên thường trú ở Tây Nguyên, nhiều lúc tôi cũng thấy mình còn trẻ người, non dạ nhưng may mắn thường được các nhà báo lão thành khuyên: Cái vốn quý cần giữ gìn của người làm Báo CAND là dù khó khăn mấy cũng phải gắng sức giữ lòng tin yêu của nhân dân. Bởi chúng ta luôn quan niệm, lòng tin và niềm tin yêu của nhân dân không dễ mà có được. Nhất là làm Báo CAND những năm tháng ở vùng Tây Nguyên như nước sôi lửa bỏng ấy thì cần tuyệt đối phải đảm bảo tính định hướng cao, thông tin chính xác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, mỗi khi viết cái gì cũng phải cân nhắc, thận trọng, làm sao đúng tôn chỉ mục đích của Báo CAND mà vừa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, không để bọn phản động suy diễn, tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.