Nhớ mãi một người thầy

Thứ Tư, 02/11/2022, 15:45

Vậy là người thầy đặc biệt của bao nhiêu thế hệ học sinh Việt Nam đã dừng bước trên hành trình 75 năm cuộc đời – Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ông ra đi để lại vô vàn thương nhớ về một bầu trời tuổi thơ trong sáng, đẹp đẽ, về những ký ức học đường sôi nổi và rực cháy nội lực…

Người thầy không phấn trắng, bảng đen

Tôi không phải là học trò của ông, nhưng được học về tấm gương của ông trong sách giáo khoa từ hơn 20 năm về trước, trong sâu thẳm ký ức còn mãi sự ngưỡng mộ, lòng cảm phục. Những năm trước, khi còn khỏe, ông vẫn miệt mài viết sách và hăng hái tham gia các buổi nói chuyện, truyền cảm hứng trong hầu hết các sự kiện được mời. Và, tôi đã may mắn được gặp ông, nhiều lần như thế. Ông mời tôi đến nhà chơi, một tổ ấm nhỏ ở Q. Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, sau này ông chuyển về P. Phước Long B, TP Thủ Đức.

Nhớ mãi một người thầy_sodacbiet_1/11_T29 -0
Vợ chồng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trong lần đón nhận Kỷ lục gia Việt Nam cho người đầu tiên viết sách bằng chân.

Con người của ông được tái hiện ngoài đời thực, sống động và kỳ lạ hơn những trang sách rất nhiều. Lúc nào cũng thế, ông luôn tự hào kể về sự học và con đường đến trường của mình, một học sinh bị liệt hai cánh tay, phải tập viết bằng chân. Hành trình này đã được ông viết vào sách, rất chi tiết và tỉ mỉ trong tác phẩm “Tôi đi học”. Một thời, cuốn sách là “bảo bối” gối đầu giường của thế hệ học sinh chúng tôi.

Nổi tiếng học giỏi và nhiều tài năng nhưng vào thời điểm đất nước chiến tranh, ở một vùng quê nghèo Nam Định, số phận Nguyễn Ngọc Ký làm sao mà người ta biết được. Ông kể rằng, bài báo viết về ông đầu tiên là của một phóng viên báo Sông Đào (Nam Định) năm 1961. Sau bài báo đó, lần lượt có một số phóng viên khác tới tìm gặp và viết bài nên cái tên Nguyễn Ngọc Ký mới được người ta biết đến. Bác Hồ đọc được những thông tin viết về một cậu học sinh bại liệt mà có ý chí học hành, tu dưỡng đạo đức, Người đã gửi huy hiệu tặng Nguyễn Ngọc Ký. Từ đó, tấm gương của Nguyễn Ngọc Ký nhanh chóng lan rộng khắp vùng.

Đi học thì viết bằng chân còn đi dạy quả là một thử thách vô cùng khó khăn đối với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký khi mà vào thời điểm đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Thầy Ký dạy không viết lên bảng đen mà viết vào các tờ giấy trắng đã được soạn bài giảng sẵn ở nhà. Mỗi khi lên lớp, thầy nhờ học sinh dán tập giấy ấy lên bảng rồi dạy đến phần nào thì lật qua nội dung phần ấy. Bằng cách dạy độc đáo như vậy, đứng trên bục giảng hơn 30 năm, từng dạy khắp các trường học ngoài Bắc trong Nam, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã truyền lửa cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh niềm yêu thích và say mê với sự học.

Nhớ mãi một người thầy_sodacbiet_1/11_T29 -0
Dù tuổi cao và mang căn bệnh suy thận nhiều năm nhưng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn dốc sức làm việc trên đôi chân của mình.

Sau hơn 35 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Nguyễn Ngọc Ký xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Cả cuộc đời không lành lặn, ông đã lao động thật sự, ông không cho phép mình nghỉ dù chỉ một ngày khỏe mạnh. Ngoài công việc viết sách, viết báo, viết truyện dành cho thiếu nhi, ông Ký còn là tư vấn viên mảng tâm lý của tổng đài 1080. Mỗi ngày, luôn có hàng trăm câu hỏi kết nối với chuyên gia Nguyễn Ngọc Ký nhờ ông tư vấn, hỗ trợ và giải đáp thắc mắc. Giọng nói trầm ấm đặc chất Bắc pha chút duyên dáng, dí dỏm nhưng đầy triết lý đã “thu phục” hàng trăm con tim bạn trẻ. Cả một thế giới lành lặn với đủ các thân phận, nỗi lòng ngày ngày hội tụ trong gian phòng làm việc của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Trong câu chuyện với tôi, ông luôn phải ngắt quãng bởi nhiều cuộc gọi, nhưng bất cứ hoàn cảnh nào, tôi chưa bao giờ thấy ông phiền lòng hay cau có. Vợ và các con của ông đều nhận xét như vậy.

Chuyện tình trong mơ

Chuẩn bị rời trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Ngọc Ký được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong buổi gặp gỡ ấy, Thủ tướng đã hỏi Ký chuyện vợ con đến đâu rồi? Ký chợt bối rối về câu hỏi rồi e thẹn trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu không dám nghĩ đến chuyện vợ con vì cháu biết sức khỏe của mình không được bình thường. Bây giờ cháu chỉ lo có một công việc ổn định làm phụ giúp bố mẹ vì bố mẹ cháu đã khổ vì cháu cả cuộc đời rồi”. Thủ tướng liền bác bỏ ý nghĩ đó của Ký và khuyên Ký đừng nên tự ti, mặc cảm với bản thân mình. Ký đã vượt qua được mặc cảm bản thân để vươn lên thành người có ích cho xã hội thì không có lý gì cậu lại bỏ cuộc hạnh phúc của mình. Sau lần gặp ấy, Ký như được tiếp thêm sức mạnh, trong đầu Ký bắt đầu mơ về một hạnh phúc nhỏ nhoi phía trước.

Trong thời gian được nghỉ chờ việc, Nguyễn Ngọc Ký tranh thủ những ngày ngắn ngủi về nhà thăm gia đình. Một buổi sáng mùa thu xanh mát, ông anh kết nghĩa Đặng Yên Chi dẫn theo cô em gái vợ Bùi Thị Nhiễu xuống nhà Ký chơi. Vừa gặp nhau lần đầu tiên, hai ánh mắt như có hồn cứ ánh lên những tia sét ái tình. Cuộc gặp gỡ chóng vánh chưa nói được gì đã phải chia tay, đến khi tiễn anh Chi và Nhiễu về rồi, Ký cứ thấy bâng khuâng vương vấn.

Đúng nửa tháng sau, không hiểu lửa tình mãnh liệt đến mức nào mà cô Nhiễu một mình đạp xe vượt 30 cây số xuống thăm Ký. Cả nhà đều đi làm vắng, Ký rủ Nhiễu đi dạo qua nhà bà con quanh xóm chơi. Suốt đoạn đường ngược chiều gió heo may êm mát, lần đầu tiên Ký ngồi sau xe của một người con gái và thực sự thấy hồi hộp, vui vui, ngường ngượng. Ký hỏi Nhiễu: “Em có sợ người ta trêu khi đèo anh không?”. Nhiễu tếu táo: “Thế anh có sợ người ta trêu khi bị em đèo không?”. “Chắc em hiểu chỉ có trai đèo gái thôi chứ chẳng khi nào gái đèo trai”, Ký nói. Cô Nhiễu trấn an: “Sao anh phong kiến thế, nếu nghĩ vậy em đã chẳng một mình xuống đây”. Rồi cả hai cùng cười, vòng xe bon bon dọc triền đê của vùng quê Hải Hậu, Nam Định.

Nhớ mãi một người thầy_sodacbiet_1/11_T29 -0
Thầy giáo Ký thời trẻ.

Mải mê nói chuyện quá, đến khi định về thì trời nhá nhem tối, nghĩ cảnh đường xa, thân gái dặm trường, Ký năn nỉ Nhiễu ở lại. Đêm hôm ấy, trăng thanh, gió mát, cảnh khuya tĩnh mịch, câu chuyện của hai người đang yêu chốc chốc lại chùng xuống, sôi lên.

Ký hỏi Nhiễu: “Nhiễu có sợ rằng nếu kết thân với anh cả đời sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Rồi có những người gièm pha, nói em là dại dột đi làm bạn với người không còn tay thì em nghĩ sao?”.  Cắt ngang dòng suy nghĩ của Ký, Nhiễu quả quyết: “Em không sợ gì hết, đã yêu nhau thì chỉ cần con tim và khối óc. Theo em, để vượt qua sóng gió, cái chính là nghị lực và ý chí, đâu phải chỉ ở cái chân, cái tay. Khối người lành lặn mà vừa gặp vũng nước đã chùn bước”. Ký thấy hạnh phúc vô bờ. Thế là từ đây, Ký đã thật sự chọn cho mình một người bạn đời đích thực. Một nụ hôn đầu, một vòng tay âu yếm từ Nhiễu, một vòng chân ngường ngượng, run run. Cả hai lặng đi trong phút giây hạnh phúc đầu tiên.

Thế là Nguyễn Ngọc Ký có một gia đình nhỏ, 3 người con, 2 gái, 1 trai. Khó khăn, gian khổ không làm ông nao núng bởi trên đời này còn điều gì gian khó mà Ký chưa vượt qua đâu. Hai vợ chồng đều làm nghề giáo, những khi vợ bận con nhỏ không lên lớp ông lại đứng giảng thay vợ.

Năm 1994, trong khi đang công tác ở miền Nam thì bà Nhiễu bị tai biến não phải nhập viện. Từ Nam, ông bỏ hết công việc ra Hà Nội chăm vợ. Hai tháng trời ròng rã ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình không thuyên giảm, ông tiếp tục đưa vợ vào TP Hồ Chí Minh chữa trị. Sau 7 năm gồng mình chống trả với những di chứng của bệnh bại não, mặc dù được chồng con hết mực chăm sóc, chạy chữa nhưng rồi năm 2000, bà Nhiễu rời bỏ ông và các con.

Trước khi “khuất núi”, lời thỉnh cầu cuối cùng và tâm huyết nhất của bà Nhiễu là nhờ người em gái ruột là bà Bùi Thị Đậu thay mình chăm sóc chồng. Bà Đậu đã có gia đình và hai con riêng nhưng chồng cũng đã mất cách đây 10 năm. Mặc dù thương mẹ, thương bố không có người chăm nom khi về già nhưng các con của ông Ký và con bà Đậu một mực phản đối.

Định kiến xã hội và nghịch cảnh một gia đình trí thức luôn ám ảnh những người con ông Ký khiến họ phản đối cũng là điều dễ hiểu. Trong thời gian đó, ông Ký bị bệnh không thể đi lại được, vậy là 3 người con phải bỏ việc, ở nhà thay nhau chăm sóc ông. Bệnh tình kéo dài, công việc ở cơ quan thì nhiều, đến lúc không thể tiếp tục được nữa, các con ông họp lại và quyết định điện cho dì Đậu vào chăm sóc bố. Thế rồi, một đám cưới nho nhỏ, bình lặng diễn ra để hai con người tiếp tục hành trình đi về phía trước.

Chặng đường sau này, hễ ông đi đâu là bà đều có mặt. Trong những buổi nói chuyện hay các cuộc giao lưu, người ta thường nhìn thấy bóng dáng một người phụ nữ phía sau thầy Nguyễn Ngọc Ký, khi cần sẽ cài lại cho ông cái nút áo bị tuột, ôm cho ông bó hoa và theo ông đi khắp các ngả đường, cho đến ngày đôi chân của ông dừng bước. 

Ngọc Thiện
.
.
.