Nhiều việc làm “sám hối” với những cánh rừng quý hiếm ở Quảng Trị
Cuộc sống của người Pa Cô, Vân Kiều ở 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trước đây chỉ biết trông chờ vào những cánh rừng xung quanh. Để đến khi những cánh rừng ấy ngày một xa dần vì những tác động xấu của họ thì bà con mới nhận ra tầm quan trọng của rừng. Những năm qua, như để “sám hối”, đồng bào nơi đây vừa ra sức bảo vệ rừng, vừa tìm tòi mang về những loại cây quý hiếm trồng quanh bản, tạo thêm rừng.
Ở bản 7, xã Thuận, chúng tôi gặp bà Hồ Thị Bút và được bà kể rằng, cách đây hơn chục mùa rẫy, chồng của bà không may bị bạo bệnh, lúc lâm chung cứ dặn dò rất kỹ việc nếu có khó khăn đến mấy cũng không được bán những cây giáng hương cổ thụ quanh nhà. Theo hướng tay bà Bút, tôi nhìn qua ô cửa sổ của căn nhà sàn bạc phếch màu mưa nắng, ngay trước mắt mình, những cây cổ thụ ấy có đường kính thân/cây chừng hơn 1m, mỗi cây đều cao hơn 20m. Để tìm mang những loại cây quý hiếm về trồng quanh nhà, trong ký ức của người góa phụ này là cả một câu chuyện dài.
“Mình không biết năm nào, chỉ nhớ lúc đứa út, trong 5 người con, mới sinh chừng một tháng thì cái ăn cạn kiệt. Như mọi khi, vợ chồng và những đứa lớn vào rừng để tìm kiếm rau và măng tre nhưng lúc đó đi từ sáng mãi tới tối vẫn không tìm được. Về sau, cán bộ giải thích thì bà con ở đây mới hiểu là do mình làm nhiều việc gây hậu quả xấu với rừng. Vì thế, từ đó chồng mình và mọi người ở đây bàn bạc với nhau việc bảo vệ rừng”, bà Bút trầm ngâm kể lại.
Ở bản A Quan, xã Lìa, nói về việc giữ rừng, bà con nhắc ngay tới già làng Ăm Moan. Năm nay, già Moan đã ngoài 80 tuổi song đầu óc vẫn còn rất minh mẫn. Già kể hành trình trồng các loại cây gỗ quý hiếm cũng dài như một tiểu thuyết. “Lâu rồi, ngày đó hai cánh tay của bố còn nhấc nổi một thanh gỗ nặng thì rừng lúc đó đã bắt đầu cạn kiệt rồi. Rồi vì cái đói, vì rừng không còn các loại rau, măng dễ tìm kiếm được nữa nên bố suy nghĩ nhiều lắm và bàn với mọi người tìm cách giữ rừng. Từ đó, bản A Quan hình thành quy định, người dân ở đây không được giúp sức cho người ở bên ngoài vào chặt cây rừng, bẫy bắt chim, thú. Bà con cũng không được đốn hạ cây để làm nhà khi chưa được phép của già làng và mọi người”, già Moan nhớ lại.
Theo lời già Moan, thời gian đó, mỗi gia đình đều phải có trách nhiệm trồng rừng hàng năm. Riêng gia đình ông và một số gia đình khác nhận thấy việc trồng rừng nên trồng các loại cây bản địa, quý hiếm mới tạo ra được những cánh rừng có giá trị. Vì thế, bên cạnh trồng hàng trăm cây giáng hương quanh vườn nhà, gia đình ông còn khai hoang trồng hơn 2ha cây trắc. Nay, qua hơn 30 năm, những cây trồng này đều đã trở thành cổ thụ, có giá trị rất lớn về kinh tế nhưng bất kỳ người nào đến hỏi mua ông đều không bán. “iền bạc, cái ăn, cái hưởng thụ khác chỉ là cái trước mắt; việc giữ lại màu xanh, giữ lại cây rừng để chúng tiếp tục phát huy tác dụng đối với môi trường sống chung quanh mới là ý nghĩa gấp hơn cả trăm lần”, già Moan vừa trò chuyện, vừa rót nước mời khách và nở nụ cười rất tươi.
Gắn bó gần trọn vẹn đời người với công tác bảo vệ rừng nên hơn ai hết ông Nguyễn Minh Hiền, Trạm trưởng kiểm lâm khu vực Lao Bảo (Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa) thấu hiểu được tấm lòng của người dân bản đối với rừng. Tuy nhiên, do tác động của kinh tế thị trường, nhiều đối tượng xấu từ bên ngoài vào dụ dỗ, lôi kéo, lén lút tổ chức khai thác những cây gỗ quý hiếm để bán với giá cao nên công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho đồng bào ở đây là rất cần thường xuyên và sâu sát với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, việc tuyên truyền bảo vệ rừng là phải linh hoạt và mềm dẻo.
Đơn cử như việc tuyên truyền các hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở các xã vùng Lìa có cây giáng hương cổ thụ nằm trong diện tích đất được cấp quyền sử dụng đất, lực lượng kiểm lâm phải đến từng nhà để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu là muốn khai thác cây giáng hương cổ thụ trong vườn nhà thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứ không được tự ý chặt hạ. Nếu tự ý khai thác loài cây quý hiếm này khi chưa được các cơ quan chức năng đồng ý thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Rồi tuyệt đối không được khai thác cây giáng hương cổ thụ cũng như các loài cây rừng khác trong rừng tự nhiên, “rừng ma”…, bởi vì giáng hương thuộc nhóm gỗ 2A quý hiếm, cấm khai thác.“Cứ phải tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm đất” mới mang lại hiệu quả trong thực tế. Kết quả, hiện nay có hơn 1.000 ha rừng tự nhiên ở 7 xã vùng Lìa được lực lượng kiểm lâm cùng với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Hiền phấn khởi chia sẻ.