Lênh đênh số phận một con tàu cổ

Thứ Hai, 13/04/2009, 08:08

Cuối năm 2008, một người nông dân trình độ văn hóa lớp 2 dồn cả gia nghiệp của mình để trục vớt con tàu cổ dưới lòng sông Hồng. Từ đó đến nay, anh chỉ quanh quẩn bảo vệ nó và chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc, thẩm định con tàu để hỗ trợ kinh phí anh đã bỏ ra.

Tin "con tàu cổ" được anh Hà Công Chuôm trục vớt dưới sông Hồng (khu vực xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, giáp ranh các xã Thụy Phú và Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lan nhanh khắp nơi, thu hút hàng trăm người hiếu kì.

Lênh đênh số phận một con tàu cổ -0
Anh Chuôm bên xác con tàu cổ được trục vớt dưới lòng sông Hồng cuối năm 2008.

Liệu đó có phải là con tàu cổ có giá trị lịch sử không? Bao giờ thì số phận con tàu được định đoạt, nó thuộc sở hữu của Nhà nước hay của anh Chuôm? Nhiều câu hỏi chưa được trả lời, trong lúc mùa lũ sắp đến và con tàu vẫn đang nằm phơi mưa nắng bên bờ sông...

Tận mắt "con tàu cổ"

"Phải che chắn thế này cho đỡ mưa nắng. Gia đình tôi đã mất bao nhiêu công của mới đưa được nó vào bờ" - vừa nói, anh Hà Công Chuôm vừa gỡ tấm bạt cho chúng tôi "chiêm ngưỡng" con tàu cổ đã được anh trục vớt ở giữa lòng sông Hồng hơn một tháng trước đây.

Cách vài chục mét về phía hạ lưu, phần thân trước của con tàu cũng được anh Chuôm che bạt và dùng dây cột chặt vào bờ. Thân con tàu này áng chừng chỗ rộng nhất khoảng 5-6 mét, dài 30 mét, vật liệu dùng đóng tàu chủ yếu là gỗ và đai sắt để giữ các khớp nối của khung tàu. Các tấm ván gỗ bọc vỏ và lát sàn tàu được ghim chặt vào khung tàu bằng những cây đinh sắt hình vuông dài cả gang tay.

Lênh đênh số phận một con tàu cổ -0
Anh Chuôm như đang ngồi trên đống lửa vì phải vay mượn, dồn tất gia sản được hơn 230 triệu đồng mới trục vớt xong con tàu cổ từ dưới đáy sông Hồng.

Trải qua bao năm dưới đáy sông, ngoại trừ một số bị mủn mục vì ngấm nước, còn lại nhiều miếng gỗ thân tàu, khung tàu vẫn tốt; những cây đinh sắt còn xanh ánh thép. Đáng chú ý, thân tàu có chỗ được bọc đồng lá, dày khoảng 2-3 ly. Máy tàu khá đồ sộ và cồng kềnh gồm ba "thớt", thân máy bằng gang, các cần trục chuyển động đều bằng thép tốt. Có lẽ đây là một tàu thủy đường sông chạy bằng máy hơi nước...

Bằng mắt thường có thể nhận thấy đã có một vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu. Nhiều miếng gỗ sàn tàu, một phần khung tàu còn nham nhở những vết cháy, có những khúc bị cháy thành than. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến con tàu bị chìm và ngủ yên trên dưới 100 năm trong lòng sông Hồng.

Nét mặt chân chất, Hà Công Chuôm kể lại ngày anh "lặn rong" thu lượm phế liệu, gỗ... vào cuối tháng 10 âm lịch năm 2008. Ở độ sâu khoảng 20 mét giữa sông Hồng (xã Đại Tập), anh Chuôm chạm tay vào phần đuôi của con tàu và nghĩ mình tìm được một con tàu gỗ. Tàu nằm chúi mũi xuống lòng sông, một phần bị bùn đất lấp sâu tới 3,4 mét... Anh Chuôm lập tức tiến hành việc trục vớt "món quà của quá khứ". Tưởng đâu chỉ mất vài ba ngày, nhưng con tàu đã bao năm nằm dưới lòng của một con sông nhiều phù sa, dòng chảy rất phức tạp, nên việc trục vớt kéo dài tới gần một tháng.

Lênh đênh số phận một con tàu cổ -0
Một phần thân tàu được bọc bằng lá đồng dày.

Càng làm càng vô vọng nhưng đã trót đâm lao, anh Chuôm buộc phải dồn hết tài sản, vay nóng của anh em họ hàng và cả ngân hàng để đi thuê 2 tàu cẩu và 10 người thợ nữa, cùng dấn bước vào một cuộc phiêu lưu.

Sau nhiều ngày sục, hút đất cát quanh thân tàu, hai dây cáp đã được luồn qua thân con tàu dưới đáy sông; riêng việc luồn được hai dây cáp này đã mất đứt 5 ngày. Đêm trước ngày trục con tàu vào bờ, anh Chuôm nằm vắt tay lên trán trằn trọc suy nghĩ và không khỏi toát mồ hôi khi nhẩm tính số tiền chi dùng trong gần một tháng cho việc trục vớt tàu đã lên đến 230 triệu! Thế nhưng, đó mới chỉ là phần đầu của câu chuyện chưa có hồi kết về chiếc tàu cổ.

Số phận "con tàu cổ" sẽ ra sao

Trước khi trục vớt con tàu, anh Chuôm có đến Đoạn Quản lý đường sông Vạn Điểm (Hà Nội) để xin phép và mượn một số biển báo hiệu luồng lạch hướng dẫn tàu bè đi tránh khu vực trục vớt. Nhiều người dân xã Đại Tập và chính quyền xã cũng biết việc này, nhưng chắc chắn không ai nghĩ cái đang được trục vớt lại có thể là một con tàu cổ.

Ngay khi chiếc tàu được kéo vào bờ, thân tàu lộ ra với hình dáng khác thường mà ngay cả những người làm nghề đi sông biển cũng chưa từng nhìn thấy bao giờ. Tin về "chiếc tàu cổ" trục lên từ đáy sông Hồng lan nhanh. Nhiều người nghĩ trong thân tàu chắc chắn phải có nhiều cổ vật. Hàng trăm người kéo đến bờ sông thuộc xã Đại Tập, cả đám con nghiện cũng có mặt để "hôi đồ cổ". 

Lênh đênh số phận một con tàu cổ -0
Con nước đang lên dần và con tàu cổ có thể lại bị dòng lũ nhấn chìm xuống đáy sông Hồng.

Chiếc tàu được chính quyền xã Đại Tập niêm phong và giao cho Công an xã cùng anh Chuôm có trách nhiệm trông coi, bảo vệ. Đây là điều cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là, con tàu này có phải là cổ vật không? Cơ quan nào sẽ xác định và bao giờ hoàn thành việc xác định là (hoặc không) tàu cổ?

Về phần các cơ quan chức năng, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hưng Yên, nhận định con tàu này có niên đại vào khoảng thế kỷ XIX. Cục Di sản văn hóa - Bộ Thông tin Truyền thông sau khi nhận được báo cáo đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thu hồi con tàu để di chuyển về Bảo tàng tỉnh dưới hình thức bảo tồn hiện vật cổ.

Là một nông dân thuần phác, dù mới chỉ học hết lớp 2 nhưng anh Chuôm là người khá hiểu biết và tỏ ra nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Hơn một tháng qua, anh Chuôm trở thành người bảo vệ chính con tàu mà anh đã gán cả gia sản để đưa nó lên từ đáy sông Hồng.

Sáng 11/4, khi chúng tôi tới bến sông nơi con tàu đang nằm, trên bờ có một cái chòi dựng tạm của Công an xã Đại Tập để bảo vệ, nhưng tịnh không gặp một ai. Anh Phạm Đăng Mạnh (40 tuổi, trú tại thôn Chi Lăng, xã Đại Tập) cho biết: "Phải trông coi con tàu cũ nát hơn một tháng qua, các ông ấy chán quá, thỉnh thoảng mới ra ngó một lát rồi về".

Lênh đênh số phận một con tàu cổ -0
Anh Chuôm đang rất lo lắng cho số phận của con tàu cổ.

Anh Hà Công Chuôm thì khẳng định: "Nếu đây là con tàu cổ, thì tôi sẵn sàng chấp hành theo pháp luật; chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tôi đã bỏ ra. Nhưng đề nghị tỉnh sớm có quyết định, vì tôi đã phải ăn chực nằm chờ hơn một tháng rồi, lại còn phải trông coi con tàu nên chẳng làm ăn được gì hết".

Anh Chuôm cho biết thêm: Anh đã lên UBND tỉnh Hưng Yên gửi đơn trình bày, đến gặp một số cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị sớm giải quyết nhưng hầu như chưa có tiến triển gì. Cơ quan tài chính thì yêu cầu anh phải có chứng từ, hóa đơn chi trong các hoạt động trục vớt con tàu. "Tôi là người đặc nông dân, chỉ biết đi "lặn rong" kiếm sống, có lập công ty công tiếc gì đâu mà có được hóa đơn".

Trước khi chúng tôi từ biệt bến sông có "con tàu cổ" đang nằm cô quạnh, anh Chuôm nhìn xa xăm dòng sông Hồng rồi thở dài: "Con nước đỏ lần đầu rồi, vài tuần nữa là có lũ, nước sông lên nhanh lắm. Rồi chẳng biết có giữ được con tàu không hay lũ sẽ cuốn nó đi mất!".

Mong sao, những người có trách nhiệm thấu hiểu nỗi niềm của anh Chuôm.

Trần Duy Hiển
.
.
.