Ký ức người lính giữ cờ bên cầu Hiền Lương

Thứ Năm, 09/03/2023, 17:25

Trong căn nhà cổ tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, Trung úy Nguyễn Hữu Ái, chiến sĩ giữ cờ Đồn Công an vũ trang 54 cẩn thận lấy cho chúng tôi xem lá cờ Tổ quốc năm xưa. Bàn tay ông nắm chặt những vết đạn loang lổ, những vệt vải bị mảnh bom xé rách và những giọt máu khô còn chưa phai mờ, đôi mắt ông rưng rưng lệ. Hình ảnh lá cờ Hiền Lương gợi nhớ về một cuộc chiến bảo vệ cờ khốc liệt và gian khổ nơi vĩ tuyến 17 gần 60 năm về trước.

Mệnh lệnh giữ cờ

Sau Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, sông Bến Hải tạm chia đôi đất nước thành hai miền Nam – Bắc. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta cũng bắt đầu tung bay ở phía Bắc đầu cầu Hiền Lương. Từ đấy, Đồn Công an vũ trang 54 (Đồn 54) thuộc Công an vũ trang đặc khu Vĩnh Linh trở thành “lá chắn thép” bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 với mệnh lệnh: “Cờ còn là hậu phương lớn miền Bắc còn, Tổ quốc còn”.

DB31-Ký ức người lính giữ cờ bên cầu Hiền Lương -0
Chiến sĩ Công an vũ trang Nguyễn Hữu Ái bên cột cờ Hiền Lương năm 1972.

Lá cờ Tổ quốc của ta tung bay trên bầu trời đã trở thành mục tiêu đánh phá của địch. Địa bàn bảo vệ cờ thuộc vùng trũng nên Đồn 54 rất vất vả mới tạo nên được một hệ thống phòng thủ kiên cố. Thời gian này, cảnh sát ngụy bên bờ Nam sông Bến Hải luôn dòm ngó để tuyên truyền xuyên tạc, ban ngày thì máy bay trinh sát L19 của Mỹ công khai bay liệng trên bầu trời.

Sáng 17/8/1965, từ hướng biển, năm chiếc chiếc phản lực F105 của Mỹ lao đến giội bom vào lá cờ của chúng ta. Từ các công sự bí mật, chiến sĩ Công an Đồn 54 chủ động đánh trả kẻ thù. Bị đánh bất ngờ, một chiếc F105 cắt bừa bốn quả bom, hai quả rơi xuống sông, hai quả rơi cạnh bờ, tiếng nổ chát chúa, những chiếc máy bay khác cũng hấp tấp cắt bom rơi xuống sông, chúng rút lui để lại một khoảng trời đầy khói bom khét lẹt. Cờ Tổ quốc vẫn tung bay.

Đến cuối năm 1966, đầu năm 1967, địch tiếp tục dùng pháo hạm đội từ Cồn Tiên – Dốc Miếu (xã Gio Phong, huyện Gio Linh) đánh vào cờ, sau đó chúng dùng máy bay ném bom, bắn rốc-két vào đơn vị công an vũ trang bảo vệ cờ không một ngày ngơi nghỉ.

Máy bay bổ nhào ném bom, máy bay đánh bom theo tọa độ hoặc địch đi đánh ở đâu về khi quay trở lại đều nhằm vào lá cờ đỏ sao vàng mà trút hết số bom còn lại. Hết máy bay, chúng đánh bằng tên lửa khiến cho khu nhà liên hợp, nhà nghỉ của Ủy ban Quốc tế, Đồn Công an phút chốc biến thành những hố bom chất chồng lên nhau.

Đến mùa mưa, nước sông dâng cao, xung quanh cột cờ nước dâng trắng xóa, hễ thấy bóng dáng chiến sĩ ta xuất hiện ở chân cột cờ là địch pháo kích tới tấp. Không có công sự che chắn dưới cột cờ, các chiến sĩ chặt cây chuối kết lại làm công sự nổi trên mặt nước trong điều kiện chiến đấu ác liệt. Người này ngã xuống, người khác tiến lên, quyết giữ vững cho lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời Hiền Lương. 

Lá cờ ở vĩ tuyến 17 nặng 10kg, được may hết 120m vải đỏ khổ 0,8m và 12m vải vàng. Để treo được cờ, chiến sĩ bảo vệ phải trèo lên 56 nấc thang tới một cái chòi được gọi là “chuồng chim” có nền bằng sắt rộng 1,70m, cột cờ xuyên qua tâm nền đính chặt vào, chung quanh có lan can cao 1,30m.

Tại vị trí nền đứng kéo cờ luôn phải hứng chịu đạn pháo và bom giội, mục đích của địch là phá nát vị trí kéo cờ của chúng ta. Ở độ cao 36m, nếu không bị pháo chơm hay bom đạn xé thì bình thường cứ một tuần là đội bảo vệ thay cờ một lần. Tuy nhiên, "chuồng chim" bị pháo băm vằm khiến cho việc trèo lên thay cờ gặp vô vàn khó khăn và hiểm nguy, cộng với gió từ biển Cửa Tùng thổi rất mạnh, khổ cờ lớn, cứ phần phật trước gió nên bị rách ở đuôi cờ rất nhiều.

DB31-Ký ức người lính giữ cờ bên cầu Hiền Lương -0
Ông Ái (đeo kính, bên phải) cùng đồng đội xem lại lá cờ Hiền Lương năm xưa.

Lúc này, Chi bộ và Đoàn Thanh niên đưa ra sáng kiến mới, đó là dùng rơm bện thành “con cúi” quấn nhiều lớp đậy vào nắp "chuồng chim" tạo nên một công sự nổi trên độ cao 25m. Không ngờ sáng kiến này mang lại kết quả tuyệt vời, đội cắm cờ trèo lên chuồng chim nép mình vào “con cúi” rơm khiến cho pháo chơm không thể đánh trúng mục tiêu, chúng bắn tơi tả “con cúi”, những mảnh pháo găm đầy thân nộm rơm nhưng lá cờ thì vẫn tung bay trên đỉnh cao.

Khi kể đến những dòng này, ông Nguyễn Hữu Ái rớm lệ. Ông nhớ đến những đồng đội của mình đã mãi nằm lại dưới chân ngọn cờ thiêng liêng, thân xác vùi sâu dưới dòng Bến Hải. Ông nhớ bà mẹ Diệm tần tảo chăm sóc cho những người lính chiến.

Những đêm thiếu dầu để thắp, những ngày đói cơm để ăn, những vết thương nặng của bộ đội chưa thể đưa về tuyến sau cấp cứu, đều một tay mẹ lo. Người mẹ leo lắt bên ngọn đèn dầu, còng lưng trong hầm chữ A vá lá cờ Tổ quốc cho quân ta có lá cờ lành lặn để treo lên giữa ngàn vạn mưa bom bão đạn của quân thù.

Quyết không lùi bước

Không khuất phục được lá cờ bên bờ Bắc cầu Hiền Lương, địch điên cuồng tìm đủ mọi cách đánh phá. Ngày 20/8/1967, đất trời bỗng rung lên bởi những tiếng rú điên loạn của 8 chiếc máy bay RF4H, vừa tới là cắm đầu ném bom về phía lá cờ và vị trí các đồn bảo vệ.

Quân ta nhanh chóng vào vị trí, các khẩu đội 12 ly 7 đồng loạt nhả đạn, chiếc máy bay thứ nhất loạng choạng nhả 4 quả bom xuống trận địa. Chiến sĩ Nguyễn Xuân Lực bị lực của bom hất xuống hố sâu đầy nước nhưng nhanh chóng đứng lên vào vị trí để chiến đấu cùng đồng đội.

Loạt đạn thứ hai từ quân ta bắn lên, một chiếc máy bay trúng đạn chao liệng rồi bốc cháy giúi đầu xuống biển Cửa Đại. Cả đội reo hò vui sướng giữa tiếng gầm rít chát chúa trên bầu trời. Đây là chiếc RF4H đầu tiên của không quân Hoa Kỳ bị những chiến sĩ Công an vũ trang giới tuyến bắn rơi trên bầu trời Hiền Lương. 7 chiếc còn lại trong đội hình điên cuồng, thay nhau bổ nhào giội bom, bắn rốc-két xối xả vào cột cờ và trận địa dưới mặt đất.

Chiến sĩ Nguyễn Hữu Ái đang hăng say chiến đấu, bỗng thấy một loạt bom bay vèo qua đầu mình rồi cắm xuống móng cầu phía Bắc khiến một nhịp cầu Hiền Lương bị phá hủy. Một loạt rốc-két nữa phụt tới, cắt đứt nửa cột cờ của ta.

Đây là tình huống xấu mà chúng ta đã lường trước nên đã có phương án. Tổ của đồng chí Lê Thế Tri nhanh chóng triển khai ra ụ chiến đấu nhằm gây sự chú ý của máy bay L19 và V010 về phía mình.

Trong lúc đó, tổ của đồng chí Bảy, Sâm và Dương khẩn trương dựng cột cờ mới. Chưa đầy một giờ, cờ của ta lại tung bay trước mắt kẻ thù. Ngày hôm sau, địch tiếp tục huy động nhiều loại máy bay đánh vào cột cờ. Cột cờ này dựng lên, chúng đánh cho gãy sập, ta lại đưa cột cờ mới.

Ngày 28/10/1967, 12 máy bay địch lì lợm bay thẳng đến, không vòng liệng cứ thay nhau ném bom, bắn phá dồn dập. Cột cờ bị nghiêng, lá cờ bị hơi bom cuốn vào cột. Đồng chí Lê Vĩnh Lai nhảy ra khỏi công sự, trèo lên cột gỡ cờ ra, hất cờ tung lên bay cao trong gió. Một quả bom nổ chậm gần chân cột cờ phát nổ hất đồng chí Lai xuống đất. Trong cơn hấp hối, người chiến sĩ Công an vũ trang vẫn cố gắng nói câu cuối cùng: “Giương cờ lên…”.

Những người còn lại quyết tâm giữ cho bằng được lá cờ, dù phải đổ thêm xương máu. Cột cờ bị đánh gãy, chúng ta lợi dụng hàng cột điện bê tông dọc quốc lộ 1 nối thêm cây vào rồi treo cờ lên cho đến ngày Hiệp định Paris được ký kết và ngày đất nước chung một lá cờ đỏ sao vàng.

Đất nước hòa bình, ông Nguyễn Hữu Ái đã gom nhặt những mảnh vải rách của lá cờ vá lại và giữ gìn như một kỷ vật quý giá bởi lá cờ ấy còn chằng chịt vết bom đạn và thấm những giọt máu của đồng đội. Lá cờ được ông đặt ở một nơi trang trọng nhất, là một phần thiêng liêng trong trái tim, nhắc nhở ông về một thời chiến trận oanh liệt mà vẻ vang của người chiến sĩ Công an vũ trang.

Ngọc Hoa
.
.
.