Cần xử lý mạnh tay với các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

Kỳ cuối: Khắc phục vướng mắc, xử lý có trọng tâm, trọng điểm

Thứ Tư, 11/09/2024, 06:45

Theo dự báo, trong thời gian tới, tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong thời gian tới và trên không gian mạng xuất hiện đa dạng, với những phương thức, thủ đoạn đan xen giữa truyền thống với công nghệ, lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm và các vi phạm liên quan ATTP, bên cạnh khắc phục nhiều bất cập, tồn tại, theo Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho rằng, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) quán triệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an xác lập và phá vụ án hành vi phạm tội từng đường dây, ổ nhóm tuyên truyền răn đe mạnh mẽ, tổ chức đấu tranh, xử lý có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”.

ngo-doc5.jpg -0
Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giữ kho hàng chứa hơn 1 tấn thịt động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhận diện vướng mắc, bất cập để khắc phục

Thượng tá Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng, phần lớn các vụ việc ngộ độc khi phát hiện thì đã có hậu quả xảy ra, thời gian xảy ra từ 1-2 ngày (tuỳ theo chủng virus, vi khuẩn mà thời gian ủ bệnh từ 6 giờ đến 48 giờ), khi cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo, tiếp cận hiện trường thì không còn mẫu thực phẩm thực hiện việc lưu mẫu theo quy định. Vì vậy quá trình thu thập mẫu thực phẩm (đã sử dụng hết, đã bị tiêu huỷ hoặc các cơ sở kinh doanh thực phẩm làm chứng cứ không đảm bảo hoặc chỉ thu thập được các nguyên liệu chế biến ban đầu có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc thực phẩm). Chẳng hạn như vụ 74 người ngộ độc sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn ở phố biển Nha Trang, thời điểm điều tra, tại cơ sở không còn mẫu thức ăn đã chế biến nên cơ quan chức năng không thu được mẫu thức ăn cơm nắm, cơm cuộn đã chế biến, mà chỉ có mẫu nguyên liệu thực phẩm. Do đó, không đủ cơ sở để xác định cụ thể thức ăn nào là thức ăn nguyên nhân gây ngộ độc.

Điều đáng chú ý, đối với các quán bán thức ăn đường phố, nguyên liệu thực phẩm được mua, bán không qua công đoạn kiểm duyệt về nguồn gốc và giấy tờ mua bán chỉ mang tính hình thức, không được cơ quan chức năng kiểm soát, thực hiện theo quy định của Luật ATTP. Việc này cũng gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra xác minh nguồn gốc, chất lượng của nguyên liệu thực phẩm dùng để chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất thực phẩm được áp dụng riêng biệt đối với từng cơ sở kinh doanh (người đăng ký tự chịu trách nhiệm với quy trình chế biến), khi có nghi vấn ngộ độc thực phẩm thì cơ quan quản lý không đủ căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp này...

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Đà Nẵng cho biết, quá trình xử lý các vụ việc vi phạm về ATTP, việc kiểm định mẫu thực phẩm phục vụ công tác xử lý phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm do cơ quan có thẩm quyền chỉ định. Tại Đà Nẵng, số phòng thí nghiệm được chỉ định là rất ít và năng lực kiểm định được một số ít chỉ tiêu trong thực phẩm và không theo kịp yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, thời gian kiểm định, phân tích mẫu thực phẩm khi có kết quả thì phải mất thời gian dài (từ 3 đến 7 ngày) trong khi các mặt hàng thực phẩm lại có thời hạn sử dụng ngắn, gây nhiều khó khăn trong công tác tạm giữ, bảo quản, xử lý hoặc chủ vi phạm đã tẩu tán hết số hàng. Bên cạnh đó, Luật ATTP và các văn bản, qui phạm pháp luật liên quan hiện không cho phép xử lý việc vi phạm ATTP dựa trên kết quả test nhanh mẫu thực phẩm mà chỉ có tính chất sàng lọc, sau đó dương tính mới lấy mẫu lần nữa đi kiểm nghiệm ở nơi có phòng Labor cao cấp. Như vậy, cơ chế giám sát để “định tội” thực phẩm mất an toàn còn phải… chạy theo diễn biến thực tế…

Tại Thừa Thiên Huế, quá trình thực hiện đấu tranh với các hành vi vi phạm về ATTP, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh nhận thấy vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, trong đó Trung tâm kiểm định tại tỉnh chưa có chức năng để phân tích các chi tiêu như: Hóa chất kích thích tăng trưởng; hóa chất bảo quản, hóa chất không có nguồn gốc xuất xứ; phân tích mẫu động vật, sản phẩm động vật để xác định hàm lượng kháng sinh, bệnh, dịch bệnh...

Bên cạnh khó khăn, vướng mắc mà Công an các địa phương đang gặp phải và tìm cách để khắc phục, theo Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, tình hình tội phạm về ATTP hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm không đúng quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ người tiêu dùng. Hoạt động lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đang diễn ra khá phổ biến nhưng chưa được kiểm soát, ngăn chặn, xử lý triệt để…

Trong công tác xác minh, đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm ATTP, cơ quan Công an vẫn gặp nhiều khó khăn khi các đối tượng bán hàng và kho chứa hàng thường không ở cùng địa điểm, khu vực chứa hàng thường là nhà riêng, chung cư cao cấp… Đó là chưa kể hàng hóa vi phạm thường được các đối tượng chia nhỏ, cất giữ tại nhiều địa điểm khác nhau nên công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, thường phát hiện và thu giữ hàng hóa với số lượng nhỏ, giá trị không lớn, chỉ có thể xử lý hành chính, không đủ để xử lý hình sự. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng còn thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, kho chứa hàng, bày bán hàng giả lẫn với hàng thật, dán nhãn hàng hóa gây nhầm lẫn. Các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tiêu thụ các sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ dưới danh nghĩa hàng giảm giá, xách tay để lừa dối người tiêu dùng và trục lợi…

Nhiều giải pháp hiệu quả

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, thời gian qua lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý quyết liệt với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, thực hiện đồng bộ 3 nội dung: phòng ngừa xã hội; phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh xử lý, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, đã tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả đối với công tác này. Qua thống kê từ năm 2020 đến nay, cơ quan điều tra và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố 105 vụ liên quan đến ATTP, trong đó lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã khởi tố 29 vụ…

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường dự báo, trong thời gian tới, tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP trong thời gian tới và trên không gian mạng xuất hiện đa dạng, với những phương thức, thủ đoạn đan xen giữa truyền thống với công nghệ, lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội. Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã đề ra một số giải pháp nâng cao hiêu quả công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP trong tình hình mới, trên không gian mạng. Theo đó, chỉ đạo Công an cấp tỉnh, huyện, xã rà soát, đánh giá thực trạng tội phạm vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo ATTP cùng cấp chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn. Tham mưu, kiến nghị với Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN&PTNT; các đơn vị chức năng được phân công ở cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện sản xuất, kinh doanh; phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý đối với cơ sở có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP, vận động quần chúng chấp hành pháp luật về ATTP. Trước mắt, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) tổ chức tuyên truyền trên ứng dụng VNeID; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Chỉ đạo Công an cấp huyện, Công an cấp xã tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở có nguy cơ vi phạm về ATTP, các bếp ăn tập thể ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, Công an cấp xã tổ chức cao điểm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, hình doanh thức ăn đường phố, nhằm phát huy vai trò của lực lượng Công an trong công tác đảm bảo ATTP tại cơ sở, giải quyết cơ bản tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP tại các các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố diễn ra phức tạp trong thời gian qua nhưng không được các ngành, các lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý.

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho rằng, trong công tác đấu tranh xử lý, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường quán triệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an xác lập và phá vụ án hành vi phạm tội từng đường dây, ổ nhóm tuyên truyền răn đe mạnh mẽ, tổ chức đấu tranh, xử lý có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”. Tăng cường công tác điều tra cơ bản theo danh mục các ngành hàng trọng điểm, phức tạp về ATTP như thực phẩm bảo vệ sức khỏe; sữa và các sản phẩm từ sữa; bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn; sản phẩm động vật đông lạnh, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chay, thức ăn đường phố… Qua đó, chủ động phát hiện tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu “chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái” đáp ứng công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP trong tình hình mới, trên không gian mạng.

Hải Lan – Vân Anh
.
.
.