Không chỉ là kỷ vật

Thứ Năm, 03/11/2022, 09:36

Một ngày cuối hạ, bầu trời vừa cao xanh trở lại sau trận mưa rào và ánh nắng sáng bừng lên khích lệ, tôi tìm về xóm Văn Miếu, thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Và khi cánh cổng nhà ông Đào Hà vừa mở ra chào khách, tôi đã thốt lên trầm trồ khi ngay trước mặt mình là một “giàn mướp” trĩu trịt “quả”. Tôi vội hỏi chủ nhân “Ông trồng loại mướp gì mà quả nom lạ thế?”. Ông Đào Hà chừng như đoán ngay ra sự “nhầm lẫn” của tôi, nhưng ông không vội trả lời, ông làm vẻ “vô tư” hỏi lại: “Thì bác nhìn lại đi đã”. Nghe theo “chỉ dẫn”, tôi lấy tay dụi mắt rồi ngước lên nhìn lại. “Gì thế này?” - tôi tự hỏi và tự trả lời: “Một “giàn mướp” độc nhất vô nhị”.

Giàn mướp độc nhất vô nhị ấy thực ra là một giàn mắc rất nhiều những chiếc ăng gô bộ đội thời chống Mỹ. Phải tới hàng trăm chiếc ăng gô được mắc thẳng hàng đều nhau tăm tắp. Những chiếc ăng gô màu cứt ngựa “lặng im” trước vẻ ngạc nhiên của tôi. Tôi vội hỏi thêm: “Ông thu thập từ bao giờ và từ nguồn nào mà có nhiều ăng gô đến thế?”. Ông Đào Hà cười: “Mời bác ngồi xơi chén nước đã. Giàn này nhiều nhặn gì đâu. Tôi đã sưu tầm và lưu giữ hơn ngàn chiếc ăng gô như thế này cùng khoảng 3.000 chiếc bi đông bộ đội. Ở trong nhà kia, trong đó còn nhiều kỷ vật chiến tranh qua các thời kỳ nữa. Lát mời bác qua tham quan”.

Không chỉ là kỷ vật_sodacbiet_1/11_T28 -0
Một số kỷ vật ông Đào Hà sưu tầm được.

Nghe ông Đào Hà giới thiệu như vậy, tôi không giấu được tò mò bèn hỏi thêm: “Vậy ông có cái thú sưu tầm kỷ vật chiến tranh từ khi nào và điều gì khiến ông làm chuyện đó?”. Ông Đào Hà nghiêng đầu cẩn trọng rót cho tôi một chén trà nóng: “Cái thú này á? Cũng lâu lâu rồi bác ạ”.

Ông Đào Hà, tuổi Kỷ Hợi. Năm vừa tròn 18 tuổi, chàng trai làng Tân Hội, huyện Đan Phượng trúng tuyển vào Trường Đại học An ninh. Sau khi ra trường, anh sĩ quan an ninh trẻ được phân công công tác ở quê nhà (tỉnh Hà Tây cũ), lần lượt qua các vị trí khác nhau, có lúc lên Bộ (công tác tại Bộ Công an), rồi lại về Công an Hà Nội. Ông rời ngành năm 2015 với quân hàm Thượng tá. Và như Đào Hà tâm sự thì: “Về hưu rồi càng có điều kiện với “cái thú sưu tầm kỷ vật chiến tranh” của mình”.

Thực ra nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà “bắt đầu” sưu tập kỷ vật chiến tranh từ năm 2010. Ban đầu là ông sưu tầm những cổ vật có liên quan đến Hà Nội nhân chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong quá trình sưu tầm đó ông nhận thấy có rất nhiều kỷ vật khác rất cần được lưu giữ. Và thế là Đào Hà chính thức tiến hành sưu tầm kỷ vật chiến tranh qua các thời kỳ.

Hỏi thêm tôi mới rõ, “thú” sưu tầm kỷ vật chiến tranh mà Đào Hà đã và đang làm có “nguồn gốc” từ họa sĩ Phan Kế An, tác giả của bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” nổi tiếng từ hồi 9 năm kháng chiến. Tuy nhiên họa sĩ họ Phan chỉ chuyên sưu tầm kỷ vật chiến tranh thời kháng chiến chống Pháp, còn Đào Hà thì lại sưu tầm tất tần tật các kỷ vật chiến tranh qua các thời kỳ. Nhà nghiên cứu Đào Hà giải thích: “Quê tôi vốn “nằm trong” địa bàn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và tôi cũng rất mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, và những gì liên quan đến vùng đất hai bên bờ sông Hồng (đoạn chảy giữa Đan Phượng và Mê Linh)”. Qua những đợt ông về lại vùng đất lịch sử đó để khảo sát và đã phát hiện ra nhiều điều lý thú. Đầu tiên là các cổ vật gắn với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, cuộc khởi nghĩa được xác định là cuộc nổi dậy đầu tiên chống lại quân xâm lược phương Bắc để giành lại chủ quyền đất nước Việt.

Nói rồi nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà vội đứng dậy để lấy cho tôi xem một số cổ vật từ thời kỳ đó, ông đặc biệt thích thú khi giới thiệu cho tôi một thanh kiếm cổ. Ông cho hay: “Thanh kiếm này theo sơ bộ đánh giá của tôi thì nó có từ thời Hai Bà”. Tôi khá ngạc nhiên và nghĩ rằng nếu thực sự thanh kiếm đó có từ thời Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì cực kỳ quý giá?

Không chỉ là kỷ vật_sodacbiet_1/11_T28 -0
“Giàn mướp” ăng gô bộ đội của ông Đào Hà.

Cũng từ những chuyến đi “thực địa” đó mà nhà nghiên cứu Đào Hà đã tìm ra quê hương của ông Dương Thi Sách, phu quân của bà Trưng Trắc, là ở xã Nại Tử, huyện Đan Phượng, Hà Nội; ông cũng đã tìm ra nguồn gốc của điệu hát Chèo tàu nổi tiếng của Tổng Gối nơi Xứ Đoài, một điệu hát có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hắc Y, một cuộc khởi nghĩa nông dân vùng ven sông Hồng nổi dậy chống lại sự xâm lược của nhà Minh. Và chính ông là người đã công bố cứ liệu về cuộc khởi nghĩa Hắc Y của ông Văn Dĩ Thanh, mà như đánh giá của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan thì cuộc khởi nghĩa này “Rõ ràng đây là một cuộc khởi nghĩa bị lãng quên và bây giờ nó đã hiện diện không còn phải nghi ngờ”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà qua hơn 10 năm tiến hành sưu tầm cho tới nay đã sưu tầm được hơn 6.000 hiện vật chiến tranh qua các thời kỳ. Ông nói vui: “Ban đầu thấy tôi tìm kiếm các thứ cổ vật và kỷ vật chiến tranh có người đã gọi tôi là “ông đồng nát” vì họ chưa hiểu hết việc tôi làm”. Tôi gật đầu “Làm ông đồng nát như ông chắc chỉ một hai người làm được và dám làm vì khó”.

Nhà nghiên cứu Đào Hà cho biết: “Năm 2012 tôi lên thị xã Sơn Tây có tình cờ rẽ vào một hiệu bán đồ cũ ở phố Lê Lợi. Nhìn thấy trong đống đồ cũ đó có một số vật dụng như: Mũ đồng của quân Cờ đen hay một số quân dụng của lính Pháp. Tôi hỏi mua và bằng kinh nghiệm nên trả tiền ngay và khi người chủ cửa hàng đặt vấn đề “không bán nữa” thì tôi nói rằng tiền đã trả và đồ đó đã mang đi xa rồi”. Ông Đào Hà nói thêm: “Những vật quân dụng Pháp tôi đã tặng lại Bảo tàng Điện Biên Phủ”. Được biết cũng chính ông Đào Hà còn trao tặng lại những kỷ vật chiến tranh sưu tầm được cho Khu di tích Hỏa Lò và Nhà văn hóa quận Cầu Giấy.

Lại có lần ông Đào Hà đến chơi nhà một người quen tên là Bùi Văn Cường ở phố Lương Khánh Toàn, Hà Nội, người chủ nhà biết Đào Hà đang sưu tầm kỷ vật chiến tranh và có chữ tín nên đã giao chiếc mũ cối bộ đội cũ cho Đào Hà giữ. Người chủ nhà đó nói: “Mũ này là của anh bạn Nguyễn Văn Cường, quê huyện Vũ Thư, Thái Bình. Anh Cường đang lái xe trên đường Trường Sơn thì trúng một mảnh bom Mỹ nên gục xuống vô lăng, đó là năm 1968”. Do ông Bùi Văn Cường tuổi đã cao lại không có điều kiện lưu giữ nên đã nhờ Đào Hà giữ hộ với mong muốn từ chiếc mũ cối của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường, mọi người sẽ biết được những khó khăn gian khổ và sự dũng cảm của những chiến sĩ lái xe trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời chống Mỹ.

Không chỉ là kỷ vật_sodacbiet_1/11_T28 -0
Ông Đào Hà đang kiểm tra tài liệu ghi chép về các kỷ vật.

Tôi thật thà hỏi ông Đào Hà: “Ngoài những kỷ vật hay di vật chiến tranh được đồng đội hay người nhà trao cho thì ông còn phải tìm mua. Mà tôi hiểu mua được những thứ đó rất khó và cũng rất tốn chi phí. Vậy ông lấy tiền đâu để mua?”. Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà cũng chân thật trả lời: “Hễ ở đâu có ai mách bán là tôi tìm đến. Đi khắp cả nước và sang tận Lào nữa. Ngoài tiền có trong người ra cũng đôi khi tôi phải bán đồ đạc trong nhà”. Quả là “một cuộc chơi” không phải ai cũng dám chơi. Được biết ông Đào Hà từng phải bán sập gụ, bán đồ đồng quý nhà mình để có tiền mua lại kỷ vật chiến tranh. Ông Đào Hà tâm sự: “Cũng may là gia đình tôi làm xưởng may mũ nên có chút tiền”. Cũng được biết gia đình ông Đào Hà có truyền thống may mũ vải, cha của ông là ông Đào Văn Ẩm từng là chủ nhiệm đầu tiên của Hợp tác xã may Tiến Bình trên phố Cửa Nam, Hà Nội.

Với “kho” kỷ vật chiến tranh đã sưu tầm được, ông Đào Hà không ngần ngại bày tỏ về dự định xây dựng một bảo tàng tư nhân. Ông cho biết: “Đất thì tôi đã có, những hơn 1.500 mét vuông. Giờ chỉ chờ thủ tục xong là tôi có thể bắt tay vào thực hiện”.

Rồi ông nói thêm: “Với việc làm nhỏ bé của mình có thể giúp cho thế hệ trẻ không chỉ biết tên gọi, công dụng của từng kỷ vật mà thông qua đó hiểu thêm giá trị lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông từ chính những kỷ vật đó”.

Ông Đào Hà lại đứng dậy và giới thiệu với tôi về chiếc thắt lưng bộ đội của chính người chú của mình, liệt sĩ Đào Văn Khoa. Liệt sĩ Khoa hy sinh năm 1973 trên đèo Hải Vân. Những di vật này do anh em trong đơn vị của liệt sĩ Khoa mang về cho gia đình và gia đình đã giao nó cho “bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông Đào Hà. Ông Đào Hà phấn khởi cho biết: “Có nhiều kỷ vật cũng như di vật chiến tranh tôi nhận được từ các cựu chiến binh. Các cựu chiến binh khi giao nó cho tôi đều tin tưởng những kỷ vật cùng di vật đó được lưu giữ và sẽ “cất lên tiếng nói”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.
.