Huyền thoại nữ biệt động mang danh “con thoi sắt”
Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Dấn thân…
Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mai, nữ biệt động Sài Gòn được mệnh danh là “con thoi sắt” lừng lẫy một thời để thắp nén hương và nghiêng mình trước anh linh người phụ nữ kiên trung đã trở thành huyền thoại.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), khi vừa qua tuổi trăng tròn, Nguyễn Thị Mai theo anh Hai đi làm giao liên cho Huyện đội. Đó chỉ là thời điểm Mai được tổ chức giao nhiệm vụ chính thức, còn cô làm giao liên từ khi mới lên 9, 10 tuổi, giúp mẹ bán bánh giò tại chợ, bến đò, bến xe... Trong những chiếc bánh đó có cả mật thư, truyền đơn… và chỉ có những người “làm và ăn bánh” mới biết.
Năm 1964, lãnh đạo Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã cử người về các địa phương để tuyển người, trong đó có đơn vị biệt động 90C về quê Đại Lộc của Mai để tuyển quân. Nguyễn Thị Mai lọt vào “mắt xanh” của “nhà tuyển trạch biệt động Sài Gòn” và gia nhập đội biệt động 90C.
Với chất giọng xứ Quảng đặc sệt, thêm thân hình của một vận động viên thể thao, Mai khi thì hóa thân thành người nông dân hàng ngày vác cuốc, liềm đi làm đồng, khi thì đẩy chiếc xe đạp, trên xe lúc quả mít, khi trái thơm (quả dứa), củ khoai mỡ… nhưng trong ruột toàn kíp nổ, vũ khí, ngay cả bánh xe đạp cũng được nhồi thuốc nổ, đưa về cơ sở. Lúc Mai lại trong vai người đem rau từ quê lên phố bán cho dân thị thành. Cứ vậy, từng chuyến vũ khí được chuyển từ Hóc Môn, Củ Chi về nội thành nhờ sự khéo léo của Mai. Mai luôn thay đổi cung đường, thoắt ẩn, thoắt hiện để qua mắt địch nên anh em trong đơn vị gọi cô là “con thoi sắt”.
Một ngày đầu năm 1965, Nguyễn Thị Mai đang vận chuyển 30 kíp nổ giấu trong giỏ khổ qua (mướp đắng) cùng tập tài liệu từ chợ Phước Thịnh (huyện Củ Chi) vào nội thành bằng xe lam thì bị một tốp cảnh sát chặn lại kiểm tra. Bọn chúng kiểm tra rất chặt chẽ, lần này có cả nữ cảnh sát đi cùng, nên chúng không chừa một ai và không bỏ sót, kể cả “vùng nhạy cảm” của phụ nữ. Trước nguy cơ tài liệu mật cất giấu trong người bị phát hiện, Mai đã bỏ vào miệng nhai. Bị phát hiện, mấy tên cảnh sát lao đến bóp cổ, banh miệng Mai để móc ra nhưng vô ích, tài liệu đã nhàu nát.
Nếu chỉ tài liệu không thì địch chẳng có chứng cứ, nhưng không may hành lý của Mai được hành khách đi cùng trên chuyến xe lam yêu cầu trả lại cho cô. Kiểm tra, địch phát hiện bên trong có thư và 30 kíp nổ. Cô bị dẫn về bốt Hàng Keo. Bốt này nổi tiếng với những gã "đồ tể" nhà nghề đi kèm những hình thức tra tấn tàn độc. Tại đây, những ngày tháng sống cảnh “địa ngục trần gian” của nữ giao liên bắt đầu ập đến.
Nữ biệt động từng kể: "Tụi nó đánh đập hả hê rồi nó kẹp vào hai bên ngực, hai bên tai tra điện. Mình ngất xỉu, nó tạt nước cho tỉnh lại tra tấn tiếp. Sau đó chúng dùng tăm chống 2 mí mắt tôi lên, dùng đèn pha công suất lớn chiếu thẳng vào khiến đầu óc quay cuồng, hai con ngươi như muốn nổ tung. Vừa tra tấn, chúng vừa hét lớn, hỏi: Vũ khí mày chuyển tới nơi nào? Đội trưởng của mày tên gì? Mày lấy vũ khí và truyền đơn từ đâu? Đơn vị mày đóng ở đâu?...”. Nhưng chúng chỉ nhận câu trả lời là: "Người ta nhờ tôi đem giùm! Tôi không biết gì hết...".
Sáu tháng dùng đủ mọi hình thức tra tấn tàn ác mà vẫn không kết được án, quân địch đành phải ghi vào hồ sơ là “án mù” và kết án Nguyễn Thị Mai là gây rối trật tự trị an, phạt một năm tù.
Năm 1967, tuy vết thương chưa lành nhưng Mai vẫn xung phong cùng đồng đội nhận nhiệm vụ mới để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nhiệm vụ mới của Mai là tìm diệt Ba "xe ngựa" - một tên chỉ điểm khiến nhiều cơ sơ của ta bị lộ, thiệt hại nặng nề. Mai giả làm người đến nhà hắn kêu có người muốn đi xe, Ba “xe ngựa” tưởng thật, ra mở cửa. Khi cổng nhà hắn vừa mở, một họng súng gí thẳng vào mặt hắn bóp cò. Tiếng nổ làm tên chỉ điểm ngã bật ngửa ra sau, còn người nổ súng thì nhanh chóng rút lui. Tiếng súng tuy không giết được tên chỉ điểm Ba “xe ngựa” nhưng cũng khiến hắn phải bỏ xứ đi đâu không rõ. Chiến công Mai và đồng đội thực hiện cứ thế nối dài với những trận chiến như đánh bom bãi xe hậu cần Mỹ, nhà đèn Thủ Đức, làm nổ tung những chiếc tivi “tâm lý chiến” chuyên tuyên truyền nói xấu cách mạng, làm tê liệt 17 đầu máy tàu hỏa tại ga Hòa Hưng, chặn đứng hoàn toàn âm mưu đánh vào Miền Trung của đối phương…
Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đội biệt động 90C được phân công đánh vào khám Chí Hòa nhằm giải phóng tù chính trị. Mai được phân công là Tổ trưởng Tổ trinh sát. Vào trận, Mai như con thoi có mặt tại những điểm nóng, trực tiếp chiến đấu, cứu thương, dẫn đường cho các cánh quân tấn công…
Chuyện tình cảm động thấu trời xanh…
Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động bị tổn thất nặng nề, Mai vào lại nội thành gây dựng cơ sở. Trong một lần dẫn binh từ nội thành ra căn cứ, mến cái nết, thương cái tình đồng hương, Huỳnh Kiều, chàng trai xứ Quảng đã đem lòng yêu cô.
Một lần đi công tác, Kiều dò hỏi: “Sao Mai chưa tính chuyện chồng con?”. Mai lặng lẽ thở dài. Thực tế Mai không dám nghĩ tới chuyện chồng con sau lần bị địch tra tấn dã man, bởi chị nghĩ đời con gái của chị đã không còn, nói chi đến hạnh phúc. Lúc này Kiều mới ngập ngừng: “Còn tôi đang tính lấy vợ, mà phải là người cùng quê”. Mai thản nhiên: "Vậy để tui làm mai cho anh với cô An ở Quảng Nam”. "Nhưng… tôi ưng Mai thôi", Huỳnh Kiều nói. Bất ngờ trước lời tỏ tình của Kiều, Mai nhỏ nhẹ: “Anh biết tôi bị gì mà?”.
Sau đó, Huỳnh Kiều lên xin Ban Cán bộ hỏi cưới Mai. "Mày có biết con Mai không? Nó không còn khả năng làm mẹ đâu…" - một vài cán bộ nói. “Tôi yêu Mai, tôi yêu con người cô ấy, yêu cả nỗi đau của cô ấy!”. Huỳnh Kiều thể hiện rõ quyết tâm và nằng nặc đòi cưới Mai. Mấy anh chị trong Ban Cán bộ buộc Kiều ký đơn cam kết nhất trí sống trọn đời với Mai, anh đồng ý liền.
Năm 1971, khi chưa kịp tổ chức hôn lễ thì cả hai nhận lệnh chiến đấu. Mai thì Vàm Cỏ Đông, Kiều hành quân qua Tây Ninh. Ngày đưa chàng đi, thấy quai dép lốp của chàng bị đứt, khi chia tay, Mai đưa dép của mình cho Kiều và nói: “Đường xa, lấy dép tui đi. Đưa đôi dép ràng dây chuối tui mang, mai mốt ra chợ tui mua đôi khác”.
Thời gian sau, Mai bị bắt. Lần nữa Mai lại cận kề cái chết với những trận đòn thù. Mỗi ngày kẻ thù túm đầu Mai ngửa lên rồi đổ cả ấm xà phòng 5 lít vô bụng, khi bụng cô phình lên, chúng nhảy lên giẫm đạp dã man. Không khai thác gì được ở Mai, chúng càng tàn nhẫn hơn. Một trưa, chúng lôi Mai ra cột cờ, dùng bao nilon bó từng chân Mai lại như cục chả giò, đổ xăng vào giữa châm lửa. Ngọn lửa bùng lên nhưng Mai vẫn kiên cường giữ trọn khí tiết…
Không khai thác được gì, bọn địch một lần nữa phải khép lại với “án mù” rồi đày Mai xuống nhà giam Thủ Đức. Hơn năm sau Mai được thả ra. Với thân hình tiều tụy, Mai lại men theo đường rừng trở về căn cứ. Đến nơi, vừa thấy Mai, mọi người ôm cô khóc. Kiều đứng giữa, anh sờ từng vết sẹo, từng vết bỏng trên cơ thể Mai như để cảm nhận nỗi đau người yêu phải chịu đựng. "Tôi về rồi! Kiều còn muốn lấy tôi làm vợ nữa không?", Mai hỏi. Kiều vừa khóc vừa gật đầu: "Có! Có! Tôi sẽ lấy Mai làm vợ". Đầu năm 1973, một đám cưới đơn giản được tổ chức ở căn cứ.
Những tưởng sau những trận đòn thù, Mai không còn khả năng làm mẹ, nhưng không, mầm sống đã từng ngày lớn lên trong cơ thể cô và “trái ngọt” là cậu bé Huỳnh Đức Dũng ra đời năm 1974. Hạnh phúc lại mỉm cười với vợ chồng Kiều – Mai, sau giải phóng, cậu con trai thứ hai chào đời…
Với những chiến công góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, nữ biệt động thành “con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến…