Hũ gạo kháng chiến và bức ảnh “Luân hồi” tại ngôi chùa lịch sử

Thứ Tư, 18/01/2023, 20:19

Chùa Tứ Giáp (thôn Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là nơi Công an khu XII (gồm 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hồng Gai và Hải Ninh) đứng chân trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Đây cũng là nơi Công an khu XII xuất bản tờ báo “Bạn dân” do Giám đốc Hoàng Mai chủ trì. Đầu Xuân Mậu Tý 1948, Công an khu XII xuất bản số báo Xuân đặc biệt, gửi biếu Bác Hồ kèm một lá thư xin ý kiến về cách làm báo. Bác đã viết thư gửi đồng chí Hoàng Mai, đề ngày 11/3/1948. Trong thư, Người nêu về Tư cách người Công an cách mệnh và chỉ bảo cụ thể cách làm báo. Nội dung thư sau đó được phổ biến tới toàn lực lượng CAND. Công an khu XII, Ty Công an Thanh Hóa rồi Sở Công an Nam Bộ… là những đơn vị đầu tiên tổ chức quán triệt, phát động thực hiện “Sáu điều Bác Hồ dạy CAND".

CAND Tết trang 18: Hũ gạo kháng chiến và bức ảnh “Luân hồi” tại ngôi chùa lịch sử   -0
Mặt trước chùa Tứ Giáp hôm nay.

Ngày 11/3/2018, đúng dịp kỷ niệm 70 năm lực lượng CAND đón nhận thư Bác, “Khu di tích lịch sử Sáu điều Bác dạy CAND” được khánh thành. Phòng truyền thống khu lưu niệm đã trở thành nơi lưu giữ, trưng bày hàng trăm tư liệu, hiện vật phản ánh quá trình lực lượng CAND học tập và làm theo Sáu điều Bác dạy. Trong khu trưng bày, trọn vẹn một gian phòng là bức tranh vẽ chùa Tứ Giáp, hai màu xanh đỏ, màu xanh của lá, màu đỏ của hoa. Trang trọng giữa khuôn hình là một hiện vật gốc được trưng bày: Một cái chum! Đây là hiện vật quý, gây sự chú ý với khách tham quan. Cái chum sành dung tích 15 lít được làm thủ công, có một vết lõm in hình dấu tay người thợ.

Ngày cuối năm bận rộn, tôi tranh thủ đến thăm cụ Nguyễn Văn Cư, 87 tuổi, người đã trao tặng hiện vật cho Khu di tích thì mới hay đó là vật quý giá của gia đình cụ. Cha cụ Cư là Nguyễn Văn Ứng. Những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình cụ Ứng ở thôn Bãi Ban (thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên) được đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII chọn làm cơ sở. Những ngày tháng ấy, chiếc chum đựng gạo, rồi câu chuyện về "hũ gạo kháng chiến" đã lan tỏa, góp phần vào những phong trào tương thân, tương ái, ủng hộ kháng chiến, kiến quốc.

Sau này, chiếc chum được đồng chí Hoàng Mai tặng lại gia đình cụ Ứng. Cụ Nguyễn Văn Cư bồi hồi nhớ lại: Trước khi qua đời năm 1979, người cha của cụ dặn dò mấy anh em phải giữ gìn chiếc chum cẩn thận, đó là kỷ vật của cán bộ cách mạng. Bảy anh em cụ Cư mỗi người sống một nơi nhưng chiếc chum vẫn được gia đình bảo quản. Khi khu lưu niệm khánh thành, được gửi gắm kỷ vật cho Ban Quản lý khu di tích, cả gia đình Cụ đều thấy tự hào, sau bao năm “châu đã về Hợp Phố”...

CAND Tết trang 18: Hũ gạo kháng chiến và bức ảnh “Luân hồi” tại ngôi chùa lịch sử   -0
Cụ Nguyễn Văn Cư thăm Phòng truyền thống tại khu di tích.

Cụ Cư là con trai thứ tư và cũng là người gắn bó với ngôi chùa Tứ Giáp. Sau những năm tháng tuổi trẻ tham gia thanh niên xung phong rồi trở về làm ruộng tại quê nhà, đến năm 1989, lão nông Nguyễn Văn Cư tình nguyện làm thủ nhang của chùa. Khách đến là cụ tận tình chỉ dẫn: Nơi này là bức đại tự "Phúc Vô Lượng" được triều Nguyễn sắc phong năm 1940, trên cột bên trái còn hằn dấu tích của đạn pháo giặc Pháp. Cây nhãn, cây gạo được trồng từ khi các bậc tiền nhân gây dựng ngôi chùa năm 1771. Tấm bằng chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã nhuốm màu thời gian...

Năm 2021, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, chùa Tứ Giáp được chính quyền địa phương, nhân dân và lực lượng Công an cả nước góp công, góp của tu bổ từ dấu tích xưa còn lại là khung bảy gian hậu cung. Cũng năm ấy, cây gạo tuổi đời trải qua 3 thế kỷ đã “hóa”, cái gốc to được các nghệ nhân tạc thành bức tượng Phật Địa Tạng. Sáng ngày 23/6/2021, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan chùa Tứ Giáp.

Thượng tá Đoàn Thế Phong, Phó Trưởng phòng khi đó (hiện là Phó trưởng Công an huyện Lục Nam) đã tình cờ ghi lại được tấm hình gốc gạo đại thụ dang vòng tay che chở thân cây con mới mọc lên, xuyên qua lỗ của một gốc cây. Bức ảnh được anh đặt tên là “Tiếp nối”, gắn với sự kiện kết nạp đảng viên mới hôm đó. Nhiều người đến thăm và được nghe câu chuyện cây gạo cổ, bức tượng Phật Địa Tạng, tận mắt thấy một mầm xanh tiếp nối, nên tấm hình càng được đánh giá có nhiều ý nghĩa và độc đáo. Ngày 27/8/2022, tác giả bức ảnh dẫn đoàn công tác của công an một tỉnh bạn đến thăm chùa Tứ Giáp. Khi dừng lại trước bức tượng Phật Địa Tạng, Thượng tá Đoàn Thế Phong kể với khách tham quan về câu chuyện và mong muốn dâng tác phẩm lên chùa Tứ Giáp làm kỷ niệm. Tấm hình độc đáo được in ra, đóng khung trang trọng, mang đến chùa cung kính thắp hương, thỉnh chuông, dâng tác phẩm. Sau đó, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ an vị tượng Phật Địa Tạng, cùng với tấm hình này và đặt tên mới là “Luân hồi”.

CAND Tết trang 18: Hũ gạo kháng chiến và bức ảnh “Luân hồi” tại ngôi chùa lịch sử   -0
Bức ảnh quý “Luân hồi”.

Thượng tá Đoàn Thế Phong kể lại: “Ngày khánh thành chùa Tứ Giáp, mùng 8 tháng 8 năm Nhâm Dần (3/9/2022), cùng gia đình đến thăm chùa, chiêm bái lại tác phẩm, tôi rất xúc động. Chùa Nguộn - nơi cưu mang lực lượng CAND một thời gian khó, nơi có quần thể khu di tích gồm Khu di tích lưu niệm Sáu điều Bác dạy liền kề với ngôi chùa Tứ Giáp… có ý nghĩa tinh thần rất quan trọng với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND; nên tôi càng tin mình đã may mắn khi tình cờ lưu lại được bức ảnh  Luân hồi”.

Mảnh đất Chùa Nguộn nay đang có những bước chuyển mình, là nơi lưu giữ những di sản tinh thần vô giá của lực lượng CAND, khắc ghi những điều Bác dạy, trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng. Những câu chuyện giản dị về sự gắn bó máu thịt của nhân dân với lực lượng Công an còn lan tỏa mãi. Cây gạo luân hồi sẽ vươn cao, rực rỡ những bông hoa màu đỏ như những đốm lửa long lanh mỗi độ tháng Ba về – cũng là dịp tròn 75 năm trước Bác Hồ đã gửi thư cho vị Giám đốc Công an khu XII nêu Sáu điều tư cách người Công an cách mạng.

Thế Vũ
.
.
.