Hai câu chuyện và ước mơ làm lính cứu hỏa
Mệt mỏi với cánh tay chi chít vết bầm vì phải truyền dịch, nằm trên giường trong Bệnh viện Nhi Đồng 2, cậu bé 7 tuổi Trần Đăng Trung Quân, ngụ Củ Chi lâu lâu lại thức giấc, lay mẹ hỏi trời đã sáng chưa, hỏi mình sắp được làm lính cứu hỏa chưa? Thấy con mệt nhưng ánh mắt sáng quảnh, háo hức, chị Kim Loan, mẹ bé quệt nước mắt vỗ về “Gần sáng rồi con! Con của mẹ sắp được làm lính cứu hỏa rồi”.
Câu chuyện thứ nhất
Hằng ngày Trung Quân muốn ra khỏi giường bệnh vận động và hít thở không khí, chị Kim Loan và nhân viên y tế phải dìu em với cánh tay vẫn còn gắn dây truyền dịch, thế mà sáng hôm đó, cậu bé dường như khỏe hẳn, chỉ muốn tự mình bước xuống cầu thang, bởi trong suy nghĩ của cậu bé 7 tuổi lúc này chỉ với ước muốn nhỏ nhoi, khoác lên mình bộ đồ cứu hỏa.
Bộ đồ lính cứu hỏa được Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an TP Hồ Chí Minh may riêng cho Trung Quân dường như rộng hơn thời điểm các anh đến lấy số đo. Bé gầy hơn nên chiếc quần chuyên dụng cho lính cứu hỏa cứ tuột xuống. Bé cười, mọi người xung quanh bật cười xen lẫn xúc động khó tả.
Đại úy Đỗ Ngọc Đức - Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH xốc lại chiếc quần cho Trung Quân, hỏi mọi người xin chiếc kim băng để bóp chiếc quần lại cho vừa vặn, anh xúc động: “Hạ sĩ Trung Quân, giờ đồng chí là người lính cứu hỏa thực thụ. Hiện đang có cháy lớn, đồng chí cùng các đồng đội đã chuẩn bị tinh thần làm nhiệm vụ chưa?”.
Đưa tay lên chào như một người lính cứu hỏa thực thụ, Trung Quân cười tít mắt. Chiếc vòi rồng chữa cháy dường như quá to lớn với bàn tay nhỏ bé của Trung Quân. “Đồng đội” của Trung Quân phải giúp bé một tay giữ vòi rồng. Nước từ vòi rồng phun mạnh phóng lên cao, nước tạt vào người Trung Quân ướt sũng nhưng cậu bé vẫn hồ hởi và quên đi những đau đớn do căn bệnh quái ác gây ra. Trở về phòng, tiếp tục gắn liền với dây truyền dịch nhưng Trung Quân vui hơn, khỏe khoắn hơn. “Con là Hạ sĩ Trung Quân, con là lính cứu hỏa rồi mẹ. Con hết bệnh sẽ đi chữa cháy cứu người!” - Trung Quân tíu tít.
Đứng ở góc phòng, nhìn con vừa thực hiện được giấc mơ của mình, chị Kim Loan chực trào nước mắt… Chị làm công nhân còn chồng bị tàn tật, ngồi xe lăn hằng ngày mưu sinh bằng nghề bán vé số. Do hoàn cảnh khó khăn, nhà đông con nên chị Loan đã gửi bé Trung Quân về Bình Thuận sống với ông bà ngoại. Khoảng tháng 4/2023, trên người Trung Quân xuất hiện nhiều vết bầm, con mệt mỏi thường xuyên, biếng ăn nên chị về quê đón Trung Quân vào lại TP Hồ Chí Minh khám bệnh. Như sét đánh ngang tai khi bác sĩ báo Trung Quân bị bạch cầu cấp dòng tủy, một loại ung thư máu phải nhập Khoa ung bướu huyết học của Bệnh viện Nhi đồng 2 chữa trị, chị Kim Loan phải nghỉ làm ngày đêm túc trực bên giường bệnh của con.
Trên giường bệnh, cậu bé Trung Quân không hay biết được bệnh tình hiểm nghèo của mình dù dây nhợ chằng chịt trên người. Trở thành lính cứu hỏa là ước mơ cháy bỏng của cậu bé.
Chị Kim Loan thường động viên con: “Con giống các chiến sĩ cứu hỏa bởi lòng dũng cảm. Chỉ khác là lính cứu hỏa dập lửa cứu tài sản, cứu người, còn con đang chiến đấu để dập bệnh, nhưng cả 2 nhất định sẽ chiến thắng”. Từ lời động viên của mẹ, Trung Quân càng mong muốn giấc mơ của mình thành hiện thực …
Câu chuyện thứ 2
Tháng 9/2017, trong lúc chữa cháy kho hàng tại quận Bình Tân, sàn nhà đổ sập, Đại úy Phạm Phi Long, công tác tại Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Bình Tân hy sinh. Lúc này bé Phạm Hữu Phát mới 2 tuổi, em gái Phát vẫn còn trong bụng mẹ. Phát và em gái lớn lên thiếu vắng tình thương của cha nhưng bù lại được người mẹ, chị Nguyễn Thị Hồng Phượng và các đồng chí, đồng đội của cha hết mực yêu thương, quan tâm chăm sóc.
Căn nhà nhỏ tươm tất nơi sinh sống của 3 mẹ con chị Hồng Phượng lọt thỏm trong làng mai vàng xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Mùa này người dân bắt đầu vào phân, phun thuốc để mai ra tược, đơm nụ nên đến đâu cũng thấy mai mơn mởn lá, đầy sức sống.
Đã 6 năm đã trôi qua, bé Phát đã lên lớp 3 còn bé Châu đã bước vào lớp 1. Thấy mọi người thắp nhang cho ba mình, bé Phát cũng lại đốt cây nhang cắm lên bàn thờ ba khấn vái. “Lớn lên con muốn làm nghề gì?”. Cậu bé Phát không do dự trả lời: “Con muốn làm lính cứu hỏa giống ba!”. Nghe con trả lời, chị Phượng ngồi cạnh rơm rớm xúc động: “Cháu Phát sợ lửa nhưng từ khi được đi trại hè lính cứu hỏa về, lúc nào cháu cũng ước mơ lớn lên làm lính cứu hỏa”.
Chị Phượng cho hay, trước khi chồng hy sinh, chị buôn bán ở tiệm thuốc tây nhỏ để có đồng ra đồng vào phụ giúp chồng. Từ ngày Đại úy Long hy sinh, một mình chị một nách 2 con thơ, vừa chăm con vừa làm việc nên chị cũng khó quán xuyến. “Cuộc sống của 3 mẹ con quanh quẩn trong tiệm thuốc tây. Để tiện bề lo cho 2 con đang tuổi ăn học, em đang xin dời tiệm thuốc tây về nhà bán. Khu em ở là làng mai vàng nên em cũng thuê đất trồng thêm mai để cải thiện thu nhập”.
Câu chuyện hy sinh của cha được mẹ thường xuyên kể trong lúc vỗ về giấc ngủ cho 2 anh em khiến cậu bé Phát luôn thường trực một mơ ước, lớn lên sẽ làm lính cứu hỏa, dũng cảm anh hùng như cha mình.
Chị Hồng Phượng cho hay, lúc anh Long chưa hy sinh, Phát quấn ba dữ lắm! Mỗi lần ba từ đơn vị về người vẫn còn mặc bộ đồ bảo hộ chữa cháy, Phát cứ túm lấy đòi theo ba ẵm bồng. Mùi mồ hôi quyện trên áo, những vết nám trên bộ quần áo bảo hộ minh chứng cho những lần tham gia dập lửa của ba, Phát thích và mân mê suốt.
Nhắc lại thời điểm bé Phát cùng 240 “chiến sĩ nhí” Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh được tổ chức trải nghiệm chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa”, chị Hồng Phượng thật hạnh phúc. Phát hòa cùng các bạn tìm hiểu công việc, tập cả điều lệnh, đội ngũ, được trực tiếp cầm vòi rồng xịt nước vào đám cháy, nhìn con, chị Hồng Phượng cảm thấy như đâu đó hình bóng của chồng mình, một người lính cứu hỏa quả cảm xông pha trong những lần chữa cháy, cứu người.
Phát đi trại hè về rắn rỏi hơn, say sưa, tíu tít kể lại các trải nghiệm của mình, luôn nằng nặc đòi mẹ cho mình được làm lính cứu hỏa thêm nhiều lần. Những lúc này chị Hồng Phượng ôm con vào lòng, thủ thỉ động viên con cố gắng học thật tốt để thực hiện được ước mơ của mình. “Nghe con kể về ước mơ làm lính cứu hỏa tôi lại thấy đâu đó dáng dấp của anh Phi Long, mong rằng con sẽ nuôi dưỡng và sống cùng ước mơ của mình!” - Chị Hồng Phượng tâm sự.
Đại úy Đỗ Ngọc Đức, Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã tổ chức nhiều buổi diễn tập cứu hộ giả, đặc biệt là các kỳ nghỉ hè cho các em thanh thiếu nhi thành muốn trải nghiệm và có ước mơ làm người lính cứu hỏa. Nói về 2 trường hợp trên, Đại úy Đức chia sẻ, hình ảnh người lính chữa cháy, cứu hộ luôn khắc sâu trong tâm trí người dân, đối với các em nhỏ, hình ảnh người lính chữa cháy, cứu hộ lao vào biển lửa cứu người, cứu tài sản được các em xem đó như những người hùng nên có rất nhiều bé luôn ước mơ trở thành người lính cứa hỏa.
Hình ảnh 2 đứa trẻ, 2 số phận trái ngược nhưng có cùng chung giấc mơ làm người lính cứa hỏa xông pha trong biển lửa cứu tài sản, cứu dân khiến nhiều người xúc động. Mong rằng các em giữ vững tinh thần, giữ vững ước mơ và biến giấc mơ thành hiện thực để giúp đời, cứu người.
“Cậu bé Trung Quân bị ung thư với giấc mơ được làm lính cứu hỏa khiến nhiều người xúc động. Được sự đồng ý của lãnh đạo phòng, 30 anh em trong đội đã thực hiện chương trình một cách tận tâm, chỉ mong bé sau chương trình bệnh tình sẽ khá hơn, có đủ tự tin, sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo”. Đại úy Đỗ Ngọc Đức