Giữ hồn thiêng nơi Ngã ba Đồng Lộc
Trải qua 55 năm, từ một “tọa độ chết” trong chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Để giữ hồn thiêng cho Khu di tích này, nhiều thế hệ đã ngày đêm lặng lẽ, âm thầm hi sinh, cống hiến, dành trọn cả tuổi thanh xuân để giữ cho Đồng Lộc thêm trong xanh và linh thiêng.
Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày tháng 7 tri ân, bất luận thời tiết khắc nghiệt của miền Trung lúc mưa sầm sập, khi nắng như đổ lửa, gió Lào thổi rạt bờ tre nhưng 38 cán bộ, nhân viên thuộc biên chế của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, hiện đang làm nhiệm vụ tại Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc lại tất bật với những công việc thường ngày.
Họ ở tại nhiều địa phương khác nhau, có những người sinh sống cách nơi làm việc đến 30km nhưng suốt mấy chục năm qua, ai cũng cần mẫn, đều đặn có mặt tại Khu di tích khi du khách chưa có mặt, và chỉ trở về nhà khi vị khách cuối cùng rời khỏi chốn linh thiêng này.
Đặc biệt, năm nay tròn 55 năm ngày Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 55 năm ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP và kỷ niệm 55 năm chiến tích Làng K130, từ ngày 20/7 - 27/7/2023 tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc sẽ diễn ra Tuần văn hóa “Linh thiêng Đồng Lộc” cùng nhiều hoạt động tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nên khối lượng công việc tăng lên rất nhiều lần so với ngày thường.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết thêm, để phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về với Ngã ba Đồng Lộc, từ đầu tháng 7/2023, Ban Quản lý Khu di tích đã huy động 100% nhân viên làm việc liên tục, không có ngày nghỉ để phục vụ các đoàn khách tham quan. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để mọi hoạt động văn hóa, tri ân được đảm bảo tốt nhất.
Chia sẻ về những khó khăn, vất vả mà đội ngũ cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên gặp phải trong quá trình công tác tại đây, anh Đào Anh Tuân, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho rằng, ở “túi mưa, túi nắng” này luôn có rất nhiều khó khăn, nhưng những người làm nhiệm vụ giữ cho Khu di tích này luôn xanh trong và linh thiêng lại ít khi nói về những vất vả, khó khăn đó.
Bởi từ trong tâm thức của mỗi người ở đây, ai cũng luôn nhận thức rằng được làm việc, được cống hiến và phụng sự ở Ngã ba Đồng Lộc là vinh dự, tự hào. Họ là những người thay mặt cho tuổi trẻ, đồng bào cả nước để nói lên chiến công, những hi sinh oanh liệt và sự khốc liệt của chiến trường Đồng Lộc trong những năm tháng mưa bom bão đạn, qua đó nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Cũng bởi vậy, ở Ngã ba Đồng Lộc, có những con người đã gắn bó gần như cả cuộc đời, tuổi thanh xuân của mình với mảnh đất này. Họ đã gắn bó quãng thời gian suốt gần 30 năm, ngày ngày cần mẫn trên chiếc xe máy cà tàng, vượt quãng đường hơn 50km cả đi lẫn về để lặng lẽ cống hiến cho Khu di tích. Theo anh Đào Anh Tuân, có câu nói đã trở thành cửa miệng của cán bộ, nhân viên mà mọi người thi thoảng vẫn tếu táo với nhau, rằng đặc thù của cán bộ, nhân viên ở Ngã ba Đồng Lộc là lúc đến cơ quan thì đèn đường vẫn còn sáng, và khi trở về nhà thì đèn đường đã lại sáng rồi. Để nói rằng, quỹ thời gian dành cho Khu di tích gần như chiếm trọn 12 tiếng mỗi ngày, nhưng ai cũng vui vẻ chấp nhận, lấy đó làm niềm vui.
Người gắn bó lâu nhất với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, từ năm 1995 đến nay là anh Cù Huy Hùng. Thời điểm anh này về nhận công tác, Khu di tích vẫn đang thuộc sự quản lý của UBND huyện Can Lộc, anh Hùng là người bảo vệ Khu di tích. Sau này, khi được chuyển giao cho Tỉnh đoàn Hà Tĩnh quản lý, vì quá gắn bó với nơi 10 liệt nữ TNXP yên nghỉ, người này tiếp tục xin được ở lại để hương khói cho các cô. Thoắt cái, gần 30 năm trôi qua, vị cán bộ mẫn cán này vẫn ngày ngày chăm lo mộ phần, lặng lẽ cùng với đồng nghiệp giữ cho Ngã ba Đồng Lộc thêm xanh, thêm bất tử.
Hay như cá nhân anh Đào Anh Tuân, năm nay cũng đã là năm thứ 23 gắn bó với mảnh đất linh thiêng này. Mới ngày nào, bản thân anh mới chỉ là một hướng dẫn viên, thuyết trình cho du khách hiểu hơn về sự hi sinh anh dũng của 10 liệt nữ TNXP nói riêng và nhân dân Đồng Lộc trong cuộc chiến khốc liệt của dân tộc ta 55 năm về trước. Hôm nay, dù đã làm quản lý, song anh Tuân vẫn yêu nghề, vẫn hăng say với những buổi thuyết trình, những lời giới thiệu về chiến công của Đồng Lộc, nên anh vẫn thường xuyên nói chuyện, hướng dẫn cho các đoàn du khách.
Anh Đào Anh Tuân cho biết thêm, với mỗi cán bộ, nhân viên đang công tác, gắn bó với Ngã ba Đồng Lộc, tự tâm luôn coi đây là ngôi nhà thứ 2 của chính mình; luôn luôn lo lắng, làm bằng mọi cách làm thế nào để Đồng Lộc phát triển. Tất cả mọi người ở đây đều có tinh thần xung kích, tình nguyện, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khác với các địa danh khác, ở Ngã ba Đồng Lộc cán bộ, nhân viên làm việc không có giờ nghỉ trưa, các đoàn về bất cứ thời điểm nào cũng tổ chức đón tiếp, thậm chí cá biệt có những buổi tối, đêm khuya có những đoàn du khách ở các tỉnh xa đến lúc đêm muộn, song anh chị em vẫn sẵn sàng phục vụ bằng tất cả sự trang trọng nhất. Mỗi một du khách đến với Ngã ba Đồng Lộc, khi rời đi đều để lại cho họ những ấn tượng nhất định về những người hướng dẫn viên, nhân viên ở đây, hết lòng vì công việc mà phụng sự. Cũng bởi vậy, tình cảm mà họ nhận lại được là sự yêu thương, trân quý.
Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày Khu di tích đón hơn 100 đoàn khách đến thăm, viếng và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ngày cao điểm, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón đến 600 đoàn khách. Dịp 30/4 vừa qua, tại đây đã đón đến 10.000 lượt du khách hành hương về địa chỉ đỏ này.
Đến nay, Ban quản lý Khu di tích cũng đã hoàn tất việc tu sửa một số hạng mục phục vụ cho Tuần văn hóa “Linh thiêng Đồng Lộc” như: sơn mới lại tượng đài chiến thắng; sửa sang các hội trường phục vụ du khách; lát gạch vỉa hè đường vào khu di tích; chuẩn bị không gian cho khu triển lãm “Hà Tĩnh - Điểm hẹn”, quảng bá, giới thiệu các địa điểm, sản phẩm văn hóa, du lịch tỉnh Hà Tĩnh. Từ nay đến hết ngày 27/7, tại Khu di tích này đã chính thức diễn ra các hoạt động tri ân hướng đến 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng nhớ 55 năm ngày sinh của 10 liệt nữ TNXP và kỷ niệm 55 năm chiến tích Làng K130.
Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch nghìn năm” kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc và 55 năm chiến tích Làng K130 do Báo Nhân Dân - Trung tâm Truyền hình Nhân Dân phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức sẽ diễn ra tối 22/7/2023, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Chương trình có thời lượng dự kiến 100 phút, với 3 chương: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; “Máu có thể đổ, đường không thể tắc” và “Đồng Lộc - Thênh thang đường mới”.
Chương trình nghệ thuật sẽ tái hiện lại không gian, không khí những ngày chiến đấu anh hùng, sự quả cảm, hy sinh của người dân Hà Tĩnh nói chung và người dân Làng K130, 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc nói riêng. Bên cạnh đó, chương trình còn thể hiện không khí rộn ràng ngày mới của thị trấn Đồng Lộc với sự phát triển mạnh mẽ hôm nay.