Đẩy lùi bạo lực gia đình ở vùng biên A Lưới
A Lưới là huyện miền núi, biên giới (giáp ranh với Lào) của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Phần lớn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở A Lưới vẫn còn khó khăn.
Đây cũng từng là một trong những điểm nóng về bạo lực gia đình (BLGĐ) của tỉnh. Thế nhưng, thời gian gần đây, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động nhằm lan tỏa sâu rộng, góp phần đẩy lùi vấn nạn BLGĐ.
Xã Hồng Vân (huyện A Lưới) từng là một trong những điểm nóng về BLGĐ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Là xã biên giới, kinh tế khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn. Cái nghèo nảy sinh mâu thuẫn, cộng thêm nạn uống rượu chè, cờ bạc khiến khoảng 10% số hộ dân ở xã này từng xảy ra BLGĐ, chủ yếu là bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em.
Trước thực trạng đó, năm 2006, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai mô hình thí điểm các CLB can thiệp phòng, chống BLGĐ tại địa phương này. CLB được huy động từ nhiều tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động và kịp thời phát hiện, can thiệp, hòa giải các vụ việc BLGĐ trong khu dân cư.
Bà Hồ Thị Thỉ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Vân cho biết, ông Hồ Văn Dâm (SN 1980, ở thôn Kê, xã Hồng Vân) và vợ là Hồ Thị Khoa (SN 1981), người dân tộc Pa Cô sinh sống bằng nghề nông. Cách đây khoảng 10 năm, ông Dâm thường xuyên say xỉn rồi chửi bới, đánh đập vợ, có lần bị thương tích. Thế nhưng, sau một thời gian được các thành viên trong CLB phòng, chống bạo lực gia đình của xã, các già làng, người có uy tín, chính quyền địa phương… tuyên truyền, vận động nên ông Dâm đã dần thay đổi nhận thức.
Từ năm 2016 đến nay, ông Dâm đã không còn đánh đập vợ nữa mà ngược lại, ông chăm chỉ lên nương rẫy, ra đồng để cùng vợ mưu sinh, chăm lo cho con cái. Chưa dừng lại ở đó, khi chứng kiến cảnh một số thanh niên mới lập gia đình la mắng, đánh đập vợ, ông Dâm đã đến can ngăn. Từ năm 2018 đến nay, ông Dâm còn là người tiên phong tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ trong cộng động thôn, bản.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, nhờ các CLB tuyên truyền những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ BLGĐ, hướng dẫn các kỹ năng ứng xử trong gia đình và đặc biệt là nhờ những già làng, người có uy tín khuyên răn nên đã tác động đến nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số và giúp họ thay đổi hành vi. Hiện, bà con dân bản đã hiểu BLGĐ là điều xấu, cần phải loại bỏ.
Sau 15 năm triển khai, từ 95 hộ gia đình xảy ra bạo lực (vào năm 2008), đến nay xã Hồng Vân được xem là địa phương đã đẩy lùi được vấn nạn này, tình trạng bạo lực thể xác đã chấm dứt… Hiện, toàn huyện A Lưới có 18 CLB can thiệp phòng, chống BLGĐ và các nội dung lồng ghép với sinh hoạt của các tổ chức mặt trận, đoàn thể, chính quyền địa phương các xã, thị trấn.
Đến xã A Ngo (huyện A Lưới), hỏi ông Hồ Xuân Liên (54 tuổi, trú thôn Diên Mai, xã A Ngo) gần như ai cũng biết bởi chừng 8 năm về trước, ông “nổi tiếng” đánh đập vợ như cơm bữa, trong khi vợ ông là bà Ploong Thị Hóa suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để kiếm tiền nuôi con ăn học. Qua tìm hiểu được biết, những lần bị chồng đánh, nhẹ thì bà Hóa bầm tím chân tay, nặng thì có lần gãy xương, phải nhập viện điều trị… Thế nhưng, hơn 2 năm nay, ông Liên bắt đầu nhận ra việc đánh đập vợ là sai trái và ông đã dần thay đổi. Từ đó, cuộc sống gia đình trở nên êm ấm, vợ chồng hạnh phúc, con cái học hành tiến bộ hơn. Điều khiến nhiều người trong xã bất ngờ, giờ đây, ông Liên cũng trở thành người đi tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc trong cộng đồng thôn, xã và ra ngoài địa bàn.
“Một thời gian dài tôi đã có những hiểu lầm rồi mâu thuẫn với vợ, từng có những hành động tàn nhẫn với vợ. Sau thời gian được các chị em trong Hội Phụ nữ huyện A Lưới, Hội Phụ nữ xã A Ngo tìm hiểu nắm bắt tâm tư, rồi dần tháo gỡ được những khúc mắc trong lòng. Giờ đây, tôi cũng muốn mình đi tuyên truyền lại những điều tốt đẹp đó đến các gia đình, đặc biệt những trường hợp bạo lực và nguy cơ BLGĐ”, ông Liên cho hay.
Bà Ploong Thị Hóa kể, những năm trước, cứ mỗi lần đi làm về mệt mỏi rồi còn phải “ăn đánh”, nước mắt chan cơm, con cái thì lo sợ, xa lánh bố. Từ ngày chồng thay đổi, cả gia đình rất hòa thuận, hai vợ chồng đồng lòng nuôi cả 4 người con học hành và hiện đứa con đầu đã học đại học.
Chị Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Ngo, cho biết, trước đây trên địa bàn xã có nhiều hoàn cảnh bị bạo lực gia đình. Sau khi có Luật Phòng, chống BLGĐ, công tác tuyên truyền của tỉnh, huyện được tăng cường về địa phương qua những hình thức khác nhau. Hội Phụ nữ xã A Ngo cũng phối hợp với các đơn vị đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về cơ sở, về các gia đình trong thôn bản. Đến nay, tình trạng BLGĐ tuy chưa chấm dứt nhưng đã giảm hẳn so với trước đó.
Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện A Lưới cho biết, BLGĐ vẫn còn xảy ra ở một số vùng sâu, vùng xa của huyện, thậm chí có cán bộ Hội Phụ nữ xã cũng bị bạo lực. “Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên BLGĐ thời gian gần đây đã giảm nhiều. Điều đáng quý, những người từng gây ra BLGĐ giờ đã thay đổi và trở thành các tuyên truyền viên, đóng góp cho phong trào xây dựng đời sống văn minh, văn hóa ở địa phương. Qua khảo sát tại địa phương, BLGĐ xảy ra chủ yếu ở các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chính vì thế ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì giải quyết được nguồn gốc sâu xa về kinh tế là rất quan trọng”, bà Tường cho biết và thông tin thêm, huyện đang triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về “Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Hội Phụ nữ huyện cũng phối hợp với ngành Nông nghiệp hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn như chuyển giao công nghệ về cây trồng, vật nuôi…