Dấu ấn nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Bảy, 22/06/2024, 10:35

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm chính trị cao và sự kiên quyết, kiên trì của Đảng, Nhà nước ta. Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, lực lượng CAND đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp công tác PCTN, TC và đạt nhiều kết quả quan trọng, mang tính đột phá, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xử lý hành vi tham nhũng và trách nhiệm nêu gương

Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC và kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, có việc vượt yêu cầu đề ra.

Dấu ấn nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực_SoDACBIET _T23 -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị tuyên tử hình về tội "Tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ", 19-20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng", tổng hợp hình phạt là tử hình

Công tác PCTN,TC tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; kết hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác PCTN với PCTC; giữa PCTN,TC với công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; vừa xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, vừa xử lý nghiêm vi phạm trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2024, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ/4.211 bị can; truy tố 2.030 vụ/4.042 bị can; xét xử sơ thẩm 1.686 vụ/3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 2 vụ án/8 bị can; khởi tố thêm 135 bị can trong 7 vụ án; kết luận điều tra 3 vụ án/318 bị can; kết luận điều tra bổ sung 2 vụ án/10 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 2 vụ án/304 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/140 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ án/9 bị cáo.

Các Cơ quan điều tra trong CAND tiếp tục phát hiện nhiều vụ án, vụ việc mới có tính chất nghiêm trọng, được dư luận xã hội rất quan tâm; nhất là đã khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án TN,TC phức tạp, xảy ra đã lâu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, như: Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An; hoàn thành kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương và vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC...

Điển hình, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, Tập đoàn Phúc Sơn đã thực hiện 21 dự án tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Khánh Hoà với tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng. Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan cho thấy, từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã tham gia đấu thầu, chỉ định thầu và trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng. Đặc biệt trong hai năm 2022-2023, tập đoàn này phát triển rất "nóng", trúng nhiều gói thầu với tổng trị giá 18.000 tỷ đồng, có những gói thầu thuộc nguồn vốn của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau COVID-19. Chỉ qua điều tra tại một số dự án đã xác định có việc thông thầu, bán thầu bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để rút tiền chia cho "nhóm lợi ích" (hành vi đưa, nhận hối lộ)...

Các cơ quan tố tụng đã hoàn thành kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương và vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; hoàn thành xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với mức án rất nghiêm khắc, trong đó, lần đầu tiên tuyên phạt tử hình bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội "Tham ô tài sản".

Từ các vụ án cũng cho thấy, mặc dù cơ chế chính sách trên một số lĩnh vực đã được quy định tương đối chặt chẽ (ví dụ quy định về đấu thầu), nhưng các đối tượng vẫn có nhiều cách "lách luật" hoặc bỏ qua quy định của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng. Điều này cho thấy, vấn đề gốc rễ của PCTN là vấn đề con người, vấn đề công tác cán bộ, nhất là vai trò của người đứng đầu, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhiều lần nhắc nhở. Vấn đề phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Thu hồi 85.283 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi

Công tác phát hiện và xử lý TN,TC ở địa phương được đẩy mạnh, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh đã theo dõi, chỉ đạo đối với 526 vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo; các địa phương khởi tố mới 190 vụ/463 bị can về tội tham nhũng. Nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều địa phương đã phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ diện Trung ương và Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, cán bộ chủ chốt cấp huyện...

Đồng thời, tiếp tục tập trung điều tra, làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt, câu kết, "lợi ích nhóm" trong các vụ án; xử lý nghiêm những người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, can thiệp, chỉ đạo trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; người chủ mưu, cầm đầu, người thực hành tích cực có động cơ vụ lợi; miễn, giảm trách nhiệm hình sự với người không có động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân, chủ động khai báo, khắc phục hậu quả... vừa bảo đảm nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao...

Đặc biệt, đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo đang bỏ trốn. Điển hình như vụ án AIC, Cơ quan điều tra các cấp đã sắc bén trong điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu để chứng minh tội phạm, qua đó xét xử ngay cả khi các đối tượng bỏ trốn. Chỉ riêng Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị xử lý trong 3 vụ án hình sự dù đang trốn truy nã. Qua đó, chứng minh và khẳng định một điều, dù các đối tượng có bỏ trốn cũng không thoát tội.

Dấu ấn nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực_SoDACBIET _T23 -0
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) cùng một số bị can bị khởi tố. Cơ quan Công an đã thu giữ trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ trong vụ án này.

Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án TN,TC cũng có sự chuyển biến đáng kể. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, trong giai đoạn thi hành án dân sự các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã thu hồi trên 7.460 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi từ khi thành lập (năm 2013) đến nay là  85.283 tỷ đồng, đạt 50,61%. Chú trọng động viên, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, gây thiệt hại, có vụ thu hồi đạt 100%, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Riêng trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu giữ, kê biên trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ; trong vụ án Tập đoàn Thuận An đã thu hồi gần 40 tỷ đồng...

Cùng với đó, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc, nhất là phần liên quan đến cán bộ, đảng viên, sớm kết luận để phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vừa bảo đảm công tác theo đúng tiến độ pháp luật quy định, vừa phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Có thể khẳng định, công tác đấu tranh PCTN,TC thời gian qua đã để lại dấu ấn nổi bật, chủ động nhận diện, xác định lĩnh vực trọng điểm và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", làm trong sạch, lành mạnh hoá nhiều lĩnh vực và có sức lan toả trong toàn xã hội. Từ PCTN,TC trong đại dịch COVID-19, mà điển hình là vụ Việt Á, vụ án "Chuyến bay giải cứu"; PCTN,TC trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả vụ việc tồn đọng, kéo dài như vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; vụ án tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh...; đến kiên quyết loại bỏ "ung nhọt" trong xã hội như "đại án" đăng kiểm, sai phạm trong sát hạch, cấp giấy phép lái xe; gần đây là xử lý các "nhóm lợi ích", lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi như vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, vụ án Tập đoàn Thuận An...

Quỳnh Vinh
.
.
.