Dấu ấn lão nông người Khmer trên những con đường hoa thôn quê

Chủ Nhật, 15/01/2023, 11:29

Gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi đến ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tìm gặp lão nông người Khmer Lâm Văn Phấn, còn gọi là Sáu Phấn (65 tuổi), người uy tín, gương mẫu, có nhiều đóng góp cho địa phương và tích cực tham gia hoạt động từ thiện.

Ông Phấn từng làm Chủ tịch Hội nông dân xã Tham Đôn. Đến năm 1996, do vợ bệnh nặng, hai con còn nhỏ, ông Phấn xin nghỉ về lo cho gia đình. Ông kể, sau khi cưới vợ, được cha mẹ cho 6 công đất (mỗi công 1.000m2).

Diện tích đất lúc đó so với nhiều người chưa phải là lớn nhưng với ông Phấn đó là cơ nghiệp. Chăm chỉ làm ăn, cuộc sống gia đình ông Phấn dần thay đổi. “Tích tiểu thành đại”, từ 6 công đất, nay gia đình ông sáu Phấn có 7 ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp.

laonong 1.jpg -0
Lão nông Sáu Phấn.

Là người uy tín trong đồng bào Khmer địa phương, ông Sáu Phấn phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cho hộ khó khăn; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, trực tiếp hướng dẫn bà con với mong muốn ai cũng có cuộc sống ổn định ngay trên mảnh đất quê hương, không phải tha hương cầu thực. Đến nay, nhiều người dân ở địa phương được ông Phấn giúp đỡ đã có cuộc sống ổn định hơn, nhiều hộ khá lên.

Những tuyến đường trong ấp Tắc Gồng đã được tráng xi măng rộng rãi, sạch sẽ; hai bên đường được gia cố, trồng thêm hoa, có hàng rào, có nhiều cột cờ Tổ quốc… rất bắt mắt. Đây là thành quả có được từ sự vận động của ông Sáu Phấn. Một người dân ở địa phương cho biết: “Những con đường này dài khoảng 3km, có 6 cây cầu, trị giá trên 500 triệu đồng, do ông Sáu Phấn đứng ra vận động nhà hảo tâm đóng góp xây dựng. Ông còn vận động bà con trồng hoa ven đường, làm hàng rào, cột cờ Tổ quốc, giữ cho con đường luôn sạch đẹp… Không chỉ vậy, ông Phấn còn vận động và bỏ tiền túi xây 2 căn nhà mát ngoài đồng làm nơi nghỉ ngơi, tránh mưa, nắng cho bà con khi đi làm đồng, tập kết nông sản vào mùa thu hoạch”.

Mấy năm trước ở đây chỉ có huyện lộ, còn đường giao thông ở xã, ấp ít và chủ yếu là đường đất, bờ bao. Với mong muốn có đường cho bà con đi làm, các cháu học sinh đi học thuận tiện, ông Sáu Phấn gặp chính quyền xã xin làm đường. Một cán bộ xã nói với ông: “Chú làm vì bà con, xã rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi làm đường sẽ hư hại hoa màu, cây cối của bà con, xã không có tiền bồi thường”. Ông Sáu Phấn ôn tồn: “Chỉ cần các chú gật đầu, việc hư hại hoa màu, cây cối của bà con, tôi lo”. Kết quả, bà con không ai yêu cầu bồi thường. Khi làm đường, cán bộ ấp nói khó huy động nhân công thì ông Phấn nói với Bí thư Chi bộ ấp: “Chú vận động các đảng viên trong ấp, tôi vận động bà con tham gia”. Kết quả, đảng viên trong chi bộ có 7 người tham gia, còn người dân do ông vận động trên 50 người. Có hai gia đình “khó tiếp cận” nhưng có phương tiện, nghe tin ông Sáu Phấn đứng ra vận động làm đường liền ủng hộ tiền dầu, cho tài xế đưa phương tiện xuống thi công, không lấy một xu. Sau thời gian ngắn, con đường bê tông dài 1km hoàn thành trong niềm vui của người dân địa phương.

Ông Sáu Phấn kể: “Khi tôi vận động làm đường, mấy đứa con cũng lo vì sợ không đủ tiền. Tôi nói hiện ba có sẵn một số tiền, nếu không đủ thì ba bán đất để làm cho xong đường. Mong muốn của ba là có đường cho các cháu đi học, bà con đi lại dễ dàng, thuận tiện, Nói thật, con đường đó không đi qua nhà tôi nên khi tôi vận động, mọi người nhiệt tình ủng hộ”…

T36-Dấu ấn lão nông người Khmer trên những con đường hoa thôn quê -0
Ông Sáu Phấn (ngoài cùng bên phải) đến thăm, động viên người dân trong xã.

Tính đến nay, ông Sáu Phấn đã bỏ tiền túi và vận động nhà hảo tâm được trên 2,2 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa 6 cây cầu; 4 đường giao thông nông thôn; xây 2 nhà mát ngoài đồng; hỗ trợ 70 tấn gạo và hàng tỉ đồng tiền mặt cho người nghèo. Ông cũng là người đứng ra vận động một hộ dân hiến đất cho Nhà nước xây Trường Mẫu giáo Bông Sen (điểm Tắc Gồng), tạo điều kiện cho các cháu học sinh địa phương có trường mới khang trang, sạch đẹp, học tập tốt hơn.

Ông Phấn còn trồng hàng ngàn cây bạch đàn, đào 3 ao nuôi cá. Người nghèo cần cây cất nhà, ông cho cây làm nhà; không có gạo, ông cho gạo. Đặc biệt, ao cá của gia đình ông ai có nhu cầu cứ đến bắt về ăn, không bao giờ ông bán một con. Người bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn, ông Sáu Phấn giúp tiền điều trị. Ông Thạch Sal (85 tuổi, ngụ địa phương) chia sẻ: “Ở địa phương có nhiều hộ khó khăn, trong đó có gia đình tôi. Mỗi tháng, ông Sáu hỗ trợ cho mỗi hộ 10kg gạo và 300 ngàn đồng. Tháng nào như tháng đó, bà con biết ơn ông Sáu nhiều lắm”. Ông Huỳnh Văn Hùng (người dân địa phương) nói: “Chú Sáu đến với bà con như người ruột thịt trong nhà nên ai cũng quí mến. Không chỉ lo cho bà con, chú Sáu tích cực trong công tác bảo vệ ANTT ở địa phương vì chú có trong tay lực lượng hỗ trợ rất tích cực nên trên địa bàn không xảy ra mất ANTT, tệ nạn xã hội không có đất sống ở ấp này. Chú là Trưởng Ban hòa giải ấp, thành viên bảo vệ ANTT xã, từng được Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng khen thưởng trong công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở”.

Trung tá Nguyễn Thanh Trừng, Trưởng Công an xã Tham Đôn nhận xét: “Ông Sáu Phấn là người có uy tín ở địa phương. Không chỉ đóng góp cho công tác an sinh xã hội, lo cho người nghèo, ông còn đóng góp nhiều cho công tác giữ gìn ANTT ở địa phương. Có vấn đề gì khó khăn, cần tuyên truyền vận động người dân, chúng tôi nhờ ông để được hỗ trợ thành công. Ông nói là mọi người đồng ý, ủng hộ nên công tác bảo đảm ANTT ở đây rất tốt”.

Cách đây không lâu, một số cơ sở đắp bờ bao nuôi tôm khiến 23 hộ dân trong ấp bị ngập nước nửa năm. Bà con làm đơn gửi khắp nơi nhưng không được giải quyết. Vậy là họ tìm đến ông. Ông cùng một số người đào mương, đặt ống thoát nước đi qua đường. Vụ việc được báo lên cấp trên. Một đoàn công tác trên huyện cử xuống làm việc với bà con và nói sẽ “xử lý” người đào đường thoát nước vì gây nguy hiểm cho người đi đường. Ông Sáu Phấn thay mặt bà con phản ánh vụ việc và cho biết sau khi đào ngang đường có đặt ống cống rồi lấp lại nên không gây nguy hiểm cho người đi đường; đồng thời ông đưa họ đi thực tế. Kết quả, đoàn công tác ra về, người dân hết cảnh “sống chung với ngập” và họ mãi nhắc đến ông.

Ông Tăng Trung Bảo, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết, ông Sáu Phấn là người tâm huyết cùng địa phương trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; làm tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào Khmer. 

Nói về việc làm từ thiện, ông Sáu Phấn chia sẻ: “Gia đình tôi từng trải qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn nên tôi rất thấm cái nghèo, cái khổ của bà con. Bây giờ mình thoát nghèo nhưng còn nhiều người khó nên phải giúp đỡ họ. Giúp bà con là cách để tôi được thanh thản, thư thái. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức thì nghỉ nhưng sẽ hướng dẫn con, cháu nối tiếp mình”.

Theo ông Sáu Phấn, bà con Khmer rất chân thật. Để tạo niềm tin trong đồng bào, bản thân ông và gia đình phải gương mẫu, có uy tín, phải am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. “Phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Nói phải đi đôi với làm thì bà con mới tin, mới vận động được bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, ông Sáu Phấn nói.

Những đóng góp của ông Lâm Văn Phấn được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương ghi nhận. Đặc biệt, năm 2019, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “Có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019”. Năm 2020, ông Phấn đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Ông Sáu Phấn cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu được tuyên dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Sóc Trăng.

V.Đức – X.Lương
.
.
.