Sức sống Trường Sa - Bài 2:

Đảo bắt sóng vẽ hoa

Chủ Nhật, 24/05/2015, 10:25
Được đến với Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống vượt lên mọi gian khổ của người dân và các lực lượng trên đảo để xây dựng và bảo vệ toàn vẹn vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi mới hiểu hết sức sống, tinh thần lạc quan, lòng kiên trung, vững vàng trước bão giông của quân và dân nơi đầu sóng. Tất cả làm nên hình ảnh sống động về một Trường Sa mạnh mẽ, tự tin, một pháo đài bất khả xâm phạm.
>> Bài 1: Nhộn nhịp nơi đảo xa

1. Nam Yết là một trong những đảo lớn nhất trong số những đảo nổi ở quần đảo Trường Sa. Đây cũng là đảo có thảm thực vật phong phú nhất trong tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trên đảo thậm chí còn có những cây cổ thụ lớn đến hai người ôm không xuể.

Đảo ngút ngàn xanh ngắt những tán bàng vuông, cây tra và rất nhiều loại cây ở trong đất liền được nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ đem ra trồng như: giống bàng đất liền, cây đa búp đỏ… nay đã lớn tỏa bóng xum xuê. Đường đi, lối lại đã được bê tông hóa sạch sẽ khang trang. Nhà cửa trên đảo cũng được xây dựng kiên cố, bài bản, quy mô.

Qua câu chuyện với Thượng tá Nguyễn Văn Lý, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, chúng tôi hiểu hơn về ý chí, nghị lực của những con người đã và đang xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Thượng tá Nguyễn Văn Lý là người đã có thâm niên gắn bó với Trường Sa.

Nhiều năm giữ chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương, với anh những cái tên như: đảo Đá Nam, đảo Đá Lát, Song Tử Tây, Nam Yết… đã trở nên gắn bó, thân thuộc như một phần máu thịt.

"Trường Sa cách đây chưa lâu, kể cả đảo nổi lẫn đảo chìm đều có điểm chung là khí hậu khắc nghiệt, nước ngọt rất khan hiếm. Nắng gió như thiêu đốt thịt da, khắc nghiệt như thế nên cũng chẳng có loài cây nào lớn lên nổi ở đất này. Chính vì thế mà cũng chỉ có một vài loài đặc chủng ở đây như giống bàng vuông, phong ba sống nổi nhưng cũng còi cọc bởi những ngày tháng gió muối triền miên. Ngay đến đảo Nam Yết này, có lớp đất dày tươi tốt nhất trong số các đảo nổi nhưng cách đây độ chục năm, màu xanh của dáng cây cũng hãn hữu lắm. Biết bao sức người vun trồng mới có thể biến đảo khô thành đảo xanh tràn đầy sức sống đấy", Thượng tá Lý chia sẻ.

Chiến sĩ trẻ trên đảo trò chuyện với khách từ đất liền.

Chỉ tay về phía góc nhà, có mấy quả dừa khô được xếp ngay ngắn, Thượng tá Lý vừa nói vừa cười: “Chỉ tiêu của tớ đấy. Trên đảo, tất cả cán bộ chiến sĩ đều phải ươm giống để trồng, mỗi người 6 quả. Để được một cây dừa to phải mấy mấy chục năm vun trồng tưới tắm, nhưng nếu không trồng thì bao giờ đảo mới xanh như thế này được. Nước sinh hoạt thiếu thốn nhưng anh em cán bộ chiến sĩ trên đảo vẫn phải chắt chiu nước ngọt để tưới cây”.

Trong câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Văn Lý, Trường Sa từ những ngày đầu anh đặt chân ra đảo có quá nhiều gian truân. Từ lúc còn đèn dầu tù mù, nhà cửa sơ sài, cây cối hoang sơ mà vẫn phải chống chọi lại mọi phong ba bão táp, đến nay tất cả các đảo đều đã có điện sáng, nhà cửa khang trang, cây cối xanh tươi tựa như những bông hoa đua nở giữa trùng khơi sóng gió là biết bao công sức, mồ hôi, thậm chí là cả máu của biết bao cán bộ chiến sĩ đã phải đổ xuống nơi đây. Sức lực và ý chí con người đã bắt sóng phải vẽ hoa nơi đầu sóng thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghe xa xa bỗng có tiếng chim gù, tôi giật mình tự hỏi, loài chim này chỉ sống ở nơi có đồng lúa, ven sông suối nơi có những mảnh đất canh tác màu mỡ của con người, cớ sao chúng lại chọn đảo xa khắc nghiệt làm chốn dừng chân?

Thượng tá Nguyễn Văn Lý bật mí, cách đây hơn 1 năm, trên đảo Nam Yết này bỗng nhiên xuất hiện một đôi chim cu gáy, có lẽ chúng từ đất liền bay ra. Cây cối xanh tươi nên chúng đã chọn hòn đảo này làm chốn “an cư”.

Thi thoảng một vài tiếng chim lạ kêu lên, chúng tôi được các cán bộ chiến sĩ trên đảo giải thích, đấy là những “thành viên” còn sót lại của những đàn chim di cư. Khi bay đến đảo, chúng không đủ sức theo đàn nên đáp xuống.

Với tâm niệm đất lành chim đậu, lãnh đạo đảo đã nghiêm cấm việc săn bắt, sát hại chim trời. Và sau một thời gian “quá cảnh” lấy lại sức lực, đàn chim tung cánh bay về đất liền, khi ấy đảo lại tiếp tục đón những “cư dân” chim mới!

2. Đêm trên đảo Nam Yết, chúng tôi được bố trí chỗ ngủ tại Trung tâm Văn hóa Nam Yết (một món quà được Ngân hàng Vietinbank xây dựng tặng đảo). Phòng ốc sạch sẽ, cũng được trang bị như những nhà khách trên đất liền.

Trong phòng chỉ có duy nhất chiếc ti vi là không sử dụng được, lý do rất dễ giải thích rằng đồ điện tử ở đây nếu không được sử dụng thường xuyên rất nhanh hỏng bởi hơi nước từ biển thổi vào mang theo muối mặn. Với chúng tôi, những người lần đầu được ra thăm Trường Sa, được tá túc lại một đêm trên đảo, quả là một vinh hạnh mà không phải ai cũng có được.

Màn đêm buông xuống, thả bước trên đảo, tiếng mõ, tiếng cầu kinh vang lên từ ngôi chùa vọng lại, tan lẫn vào mây trời, sóng nước Trường Sa, tôi thấy tâm hồn mình như tĩnh lại, nhẹ tênh và bình thản đến lạ lùng. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước hình ảnh ngôi chùa uy nghi, trầm mặc, tọa lạc ngay giữa biển Đông. Một sự bình an rất khó nói thành lời.

Những năm gần đây, phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã đóng góp và trùng tu nơi thờ Phật khang trang và vững chãi hơn để các phật tử trên đảo và những ngư dân thường xuyên khai thác hải sản gần khu vực quần đảo Trường Sa tới thắp hương lễ Phật vào những tuần lễ tiết…

Một góc đảo Nam Yết với ngôi chùa bề thế.

Sau lễ tụng kinh, bên ấm trà thơm phức, tỳ kheo Thích Nguyên Ngọc Trụ mở lời về cuộc sống ở Trường Sa. Trước khi ra đảo, tỳ kheo tu hành ở chùa Tòng Lâm Lô Sơn (thuộc xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Cũng mang trong mình dòng máu đỏ, da vàng nên thầy cũng mong muốn được đóng góp sức mình cho quê hương, cho Tổ quốc. Chính vì thế khi được giáo hội phân đi làm phận sự ở Trường Sa, thầy thấy phấn khởi vui mừng lắm, khấp khởi không biết cuộc sống ở Trường Sa thế nào, những ngôi chùa trên đảo ra sao?

“Là người tu hành, lấy cửa chùa làm nhà, vì vậy tôi thực sự vui mừng khi được chứng kiến đạo Phật thịnh phát ngay trên mảnh đất Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Không xúc động sao được khi hằng ngày được tu hành trên một ngôi chùa bề thế, tráng lệ ở một hải đảo xa xôi thế này. Có ra đến đây mới hiểu hết ý nghĩa của hai từ Tổ quốc, đã là con dân nước Việt ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn”, Tỳ kheo Thích Nguyên Ngọc Trụ chia sẻ.

Hằng ngày cứ 4h sáng và khoảng 9h tối, nhà chùa lại thắp hương, tụng kinh niệm phật cầu cho quốc thái, dân an, cho biển đảo quê hương mãi mãi trường tồn.

Ngồi trong sân chùa trò chuyện với tỳ kheo Thích Nguyên Ngọc Trụ, đưa tầm mắt ra xa, bên bờ sóng dưới ánh điện lung linh, chúng tôi thấy rõ từng tổ tuần tra, canh gác đang vững vàng tay súng để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Đêm ở giữa Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận rõ lời tâm sự trên tàu hành trình ra Trường Sa của Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, Phó đoàn công tác: “Sự quan tâm, chia sẻ của đất liền đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió sẽ là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho họ trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng và giao phó”.

Phan Hoạt
.
.
.