Cõi thiêng Đồng Lộc
54 năm trôi qua kể từ ngày 10 cô gái TNXP hi sinh để làm nên một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, vùng đất được ví là “túi bom” trong chiến tranh, hôm nay đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời cũng là điểm du lịch tâm linh, hằng năm đón hàng triệu lượt du khách viếng thăm, hành hương về nguồn.
Gặp lại thân nhân 10 liệt nữ TNXP
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi tìm về xóm Hòa Thịnh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) để tìm gặp ông Võ Xuân Tựu, thân nhân của liệt nữ TNXP Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 10 cô gái TNXP Ngã 3 Đồng Lộc. Ông Tựu năm nay đã 72 tuổi, cũng là người thân duy nhất của chị Tần trong số 9 anh chị em trong gia đình hiện nay còn sống. Ngôi nhà mà hai vợ chồng ông Tựu đang trú ngụ, cũng là nơi mà suốt 54 năm qua kể từ ngày chị Tần hi sinh cùng 9 nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc, được chọn là nơi thờ tự của liệt sĩ Võ Thị Tần.
Ông Tựu kể, chị Tần là con thứ 2 trong gia đình, còn ông Tựu là con thứ 4. Ngày biết tin chị hi sinh, ông Tựu đang lênh đênh trên biển theo nghề vận tải. Chiến tranh kết thúc, ông trở về xây dựng gia đình với bà Đặng Thị Hồng. Kể từ ngày bố mẹ rồi các anh chị em lần lượt qua đời, vợ chồng ông đứng ra lo việc hương khói, phụng thờ chị gái.
Hôm chúng tôi đến, đại diện Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cùng vừa đến để thắp hương, trao quà động viên thân nhân dịp tháng 7 tri ân, cũng là chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 54 cho các chị, được tổ chức vào ngày 24/7 hằng năm. Theo ông Tựu, Ban quản lý Khu di tích cùng với chính quyền địa phương, dịp lễ, giỗ và tết hay các ngày lễ lớn của dân tộc, đều động viên, thăm hỏi kịp thời khiến thân nhân của 10 liệt nữ, trong đó có gia đình ông cũng cảm thấy được ấm lòng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ ông Tựu cho biết thêm, mặc dù gia đình neo người, nhưng suốt bao năm qua, có một nhân vật đặc biệt, thường xuyên qua lại như người nhà để phụ giúp ông bà hương khói cho chị Võ Thị Tần. Bà là Võ Thị Minh (72 tuổi), trú thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc, bà Minh là vợ của ông Nguyễn Đức Hồng, người yêu cũ của liệt sĩ Võ Thị Tần.
Ông Hồng và chị Tần có một mối tình đẹp nhưng dang dở, hiện ở khu trưng bày kỷ vật chiến tranh tại Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn kỷ vật là chiếc lược chính tay ông Hồng làm để tặng chị Tần. Tuy hai người không thể tới với nhau nhưng ông Hồng luôn đối xử có tình nghĩa với gia đình chị Tần và được họ coi như con cháu trong nhà. Sau khi kết hôn với bà Minh, hai vợ chồng ông Hồng đã đưa di ảnh của Tiểu đội trưởng 10 nữ TNXP hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc, về thờ ở nhà mình.
Rời Thiên Lộc, chúng tôi tìm về huyện Đức Thọ để tìm gặp thân nhân của liệt nữ TNXP Võ Thị Hà, một trong 10 cô gái TNXP hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, cũng là liệt nữ trẻ nhất, chị ngã xuống khi vừa bước vào tuổi 17 của cuộc đời. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Trung tá Võ Tây Sơn (SN 1959), em trai của liệt nữ Võ Thị Hà nép mình bên đê La Giang ở tổ dân phố 4, thị trấn Đức Thọ.
Anh Sơn kể, trong số 5 người con trong gia đình, mặc dù anh là con thứ 4, Hà là chị thứ 2 nhưng anh vẫn là người con nhiều thời gian gần gũi với chị nhất nên còn lưu giữ khá nhiều kỷ niệm về người chị gái thân yêu. Những ngày chiến đấu ở “túi bom” Đồng Lộc, mỗi khi có dịp là Hà lại đạp xe về nhà thăm bố mẹ và các em, tiện thể mang cho mẹ mấy cuốn sách để đọc. “Ngày biết tin chị hi sinh, mẹ lặng người khóc ngất. Tròn 3 tháng 10 ngày, chiều nào mẹ cũng khóc, ra ngõ dõi mắt hướng về Ngã ba Đồng Lộc”, anh Sơn kể lại. Cách đây 9 năm, do tuổi cao, sức yếu nên mẹ đã mất, từ đó đến nay anh Sơn thay bố mẹ hương khói cho liệt sĩ Võ Thị Hà.
Anh Lê Thanh Hoàn, Phó Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết, hiện nay thân nhân gia đình của 10 cô gái chỉ còn anh em ruột, do tuổi cao sức yếu nên bố mẹ các cô đã mất cả. Cuộc sống của thân nhân các cô cơ bản được đảm bảo, không còn gia đình nào gặp khó khăn trong cuộc sống. Suốt mấy chục năm qua, Ban quản lý Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc đã trở thành cầu nối, điểm tựa để thường xuyên thăm hỏi, động viên thân nhân các gia đình, đồng thời kết nối để các gia đình liên hệ được với nhau, sẻ chia và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Tháng 7 ở Đồng Lộc
Chúng tôi tìm về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đúng vào thời điểm cả nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ, 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 54 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng Liệt sỹ TNXP. Mảnh đất một thời là “chảo lửa, túi bom”, nay đang đón muôn triệu bước chân từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, hành hương về đây để tri ân, tưởng nhớ. Hơn nửa thế kỷ đi qua kể từ thời khắc lịch sử 10 liệt nữ TNXP anh dũng ngã xuống, nơi đây đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là điểm du lịch tâm linh, thu hút được sự quan tâm của đồng bào cả nước và du khách quốc tế.
Anh Trần Đình Ước, Trưởng ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết thêm: Sau hơn 2 năm hạn chế đón khách vì đại dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc mở cửa đón khách trở lại và đã ghi nhận lượng khách đến với khu di tích rất nhiều. Đặc biệt, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, mỗi ngày có hàng vạn du khách thập phương trở về Ngã ba Đồng Lộc để thắp hương, dâng hoa bày tỏ sự biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Theo ông Ước, bình quân mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt du khách đến dâng hoa dâng hương kết hợp tham quan, dịp cuối tuần cao điểm có khoảng 3.000 lượt khách.
Tín hiệu tích cực nói trên, ngoài việc đây là địa chỉ tâm linh, thì trong suốt 54 năm qua, nhằm khắc ghi công lao và sự hy sinh của những người anh hùng đã làm nên chiến tích Ngã ba Đồng Lộc, nơi đây đã được đầu tư, tôn tạo với nhiều quần thể di tích, công trình ý nghĩa tiêu biểu, xứng tầm là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Về Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, du khách muôn phương như đang lạc vào một khu du lịch tâm linh hơn là một Khu di tích lịch sử, khi được thả mình vào không gian xanh ngút ngàn của núi rừng, vừa được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc ghi dấu lịch sử một thời oanh liệt như Khu mộ 10 nữ TNXP, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng 10 nữ TNXP…
Theo các tư liệu lịch sử, từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Đồng Lộc. Nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ. Chỉ tính từ năm 1964 đến năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Đặc biệt, trưa 24/7/1968, Tiểu đội 4 - TNXP thuộc Đại đội 2, Tổng đội 55 gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường để thông xe sau các đợt ném bom của máy bay địch. Chiều cùng ngày, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các nữ TNXP trú ẩn khiến hầm sập, tất cả 10 cô gái đều hi sinh, người trẻ nhất mới 17 tuổi, chị lớn nhất 24 tuổi.