Chuyện nghề của phóng viên thường trú
Hành trình 10 năm làm PV thường trú Báo CAND tại Thừa Thiên - Huế đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm gắn với những chuyến đi tác nghiệp. Chính những chuyến đi ấy đã giúp tôi trưởng thành, bản lĩnh, đam mê với nghề báo hơn, đặc biệt là càng thêm gắn bó, yêu lấy mảnh đất và con người ở Cố đô.
Tác nghiệp nơi “khúc ruột miền Trung”
Là phóng viên (PV) thường trú Báo CAND tại Quảng Nam, tôi (Ngọc Thi) là một trong số ít PV đưa tin đầu tiên về vụ TNGT xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 14/2/2023 tại ngã tư đường Võ Chí Công và đường trục chính ra cảng Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) giữa ôtô khách với ôtô đầu kéo làm 10 người chết, 11 người bị thương. Tôi nhận thông tin về vụ tai nạn khi đang đi xe máy trên Tỉnh lộ ĐT609 từ huyện Đại Lộc lên huyện biên giới Đông Giang thu thập tài liệu viết bài về công tác sắp xếp dân cư ở huyện miền núi, tôi đã quay xe, tìm cách tiếp cận hiện trường vụ tai nạn nhanh nhất.
Trên đường đi, tôi liên hệ với Công an tỉnh Quảng Nam để nắm thông tin ban đầu về vụ tai nạn. Thật may khi một cán bộ CSGT đang có mặt tại hiện trường đã chụp, gửi ảnh qua Zalo giúp tôi. Nhận được thông tin, hình ảnh ban đầu, tôi tấp ngay vào quán nước ven đường ĐT609 (đoạn qua xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc), mở máy tính để xử lý… Khoảng 15 phút sau đó, Báo CAND điện tử đã có tin đầu tiên về vụ TNGT này, là một trong số ít tờ báo đưa tin sớm nhất về vụ tai nạn thảm khốc.
Tôi rời quán tiếp tục di chuyển. Vừa đi tôi vừa nghĩ, khoảng cách từ vị trí của tôi đang di chuyển ở huyện Đại Lộc đến hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành hơn 100km; nếu chạy xe máy thì chắc chắn vào hiện trường sẽ rất chậm trễ. Do đó, tôi đã liên lạc với một tài xế ôtô chuyên chạy Grab mà tôi quen tại thị trấn Ái Nghĩa để khi tôi đến nơi sẽ lên xe vào ngay hiện trường.
Khi đến thị trấn Ái Nghĩa, tôi tìm chỗ gửi chiếc xe máy rồi nhanh chóng lên xe Grab chờ sẵn để tiếp tục di chuyển về hiện trường vụ tai nạn. Dù đã thống nhất ban đầu với tài xế xe dịch vụ về chi phí chuyến đi, song để nhanh chóng tiếp cận hiện trường hơn nữa, thay vì đi trên QL1A tôi đề nghị đi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tất nhiên, tôi phải chịu thêm chi phí. Nhưng “máu” nghề nên lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm thế nào để đến được hiện trường nhanh nhất. Nhờ đó, tôi là một trong những phóng viên tiếp cận hiện trường vụ tai nạn sớm nhất.
Hiện trường vụ tai nạn khi đó rất tang thương. Chiếc ôtô khách bị lật ngửa, nạn nhân tử vong nằm la liệt, trong khi các cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường, khẩn trương tổ chức cứu hộ, cứu nạn và điều tra, làm rõ nguyên nhân. Sau khi ghi nhận hiện trường, phỏng vấn nhân chứng và những người có liên quan, tôi ra chiếc ôtô Grab, mở máy tính và phát Wifi từ điện thoại để viết bài chuyển về tòa soạn. Sau đó, tôi đã bám sát diễn biến vụ tai nạn, từ kết quả điều tra ban đầu, công tác thăm hỏi, động viên các nạn nhân của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, của lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia… đã được tôi cập nhật liên tục trên trang Online của Báo CAND và cho số báo in sáng hôm sau.
Qua quá trình tác nghiệp tại tỉnh Quảng Nam, có thể khẳng định rằng, sự yêu thương, hỗ trợ tích cực về thông tin từ lực lượng Công an cơ sở và sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể dành cho Báo CAND và cá nhân tôi là điều kiện tiên quyết để tôi bám sát địa bàn, nắm bắt nhanh nhạy các thông tin diễn ra trên địa bàn phụ trách.
Với Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung, một trong những “đặc sản” không thể không nhắc đến đó là thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Tôi còn nhớ như in, trong mùa mưa lũ năm 2020, tại các huyện miền núi Quảng Nam, trong đó có các xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đã xảy ra mưa lũ, sạt lở đất rất nghiêm trọng làm nhiều người chết, bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị xóa sổ; đường giao thông lên các xã này bị nước lũ, sạt lở đất cô lập, gây chia cắt hoàn toàn.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, tôi được đưa vào nhóm Zalo “ƯPT CAT”. Đây là nơi lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật báo cáo tình hình mưa lũ, sạt lở đất. Từ những thông tin trong nhóm Zalo này, tôi đã khai thác thêm để cập nhật thông tin liên tục trên các ấn phẩm của Báo CAND. Bên cạnh đó, trong đợt mưa lũ năm 2020, trong khi mưa lớn, sạt lở đất vẫn diễn ra, tôi đã tìm cách tiếp cận lên huyện miền núi Phước Sơn để tìm hiểu sâu hơn về tình hình thiệt hại tại địa phương này và công tác hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả của lực lượng Công an và chính quyền sở tại. Tuy nhiên, khi lên đến trụ sở Công an huyện Phước Sơn thì được lãnh đạo trực ban cho biết, mọi tuyến đường vào khu vực sạt lở xã Phước Thành, Phước Lộc đã bị cô lập hoàn toàn; một đoàn công tác của Công an huyện do đồng chí Trưởng Công an huyện làm trưởng đoàn đang băng rừng, vượt suối, gùi lương thực tìm đường vào tiếp tế cho người dân.
Không thể đi tiếp vào hiện trường, qua điện thoại và mạng xã hội Zalo, tôi đã kết nối với đồng chí Trưởng Công an huyện Phước Sơn để nắm bắt tình hình đoàn, những thông tin liên quan và thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất gây ra. Qua đó, tôi đã kịp thời phản ánh hoạt động của lực lượng Công an cơ sở băng rừng vượt lũ, gùi hàng tiếp tế cứu trợ bà con vùng lũ bị cô lập đăng tải trên các ấn phẩm Báo CAND, gây xúc động đối với bạn đọc.
Không chỉ trong công tác phòng, chống thiên tai, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tôi đã được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để tôi đi lại, tiếp cận các điểm cách ly, các chốt kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam còn tin tưởng, kết nối tôi vào nhóm Zalo “CAQNAM COVID19”, qua đó giúp tôi nắm bắt kịp thời các thông tin nơi tuyến đầu chống dịch, giúp tôi chuyển tải rất nhiều thông tin bổ ích trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc”, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nơi tuyến đầu và sự đồng thuận của xã hội trong thời điểm nguy nan ấy.
Góp phần giữ gìn văn hóa di sản Cố đô
Cố đô Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc. Nơi đây, triều đình nhà Nguyễn với 143 năm tồn tại (1802-1945) đã để lại hệ thống di sản đồ sộ, trong đó Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di săn văn hóa thế giới cách nay 30 năm. Là phóng viên thường trú của Báo CAND trên địa bàn gần 10 năm qua, trong hành trình tác nghiệp của mình, tôi (PV Anh Khoa) luôn có ý thức đóng góp, giữ gìn bản sắc cho vùng đất Cố đô.
Những bài phản ánh về thực trạng xuống cấp, hư hỏng của một số di tích thuộc Di sản Huế đăng tải trên Báo CAND đã được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ghi nhận, tiếp thu và xử lý, khắc phục. Chẳng hạn như vào tháng 5/2014, di tích Phu Văn Lâu là một trong 3 công trình kiến trúc văn hóa lịch sử tiêu biểu, đại diện cho Di sản Huế bất ngờ sập đổ một phần mái. Sau khi Báo CAND đăng bài viết “Di tích Phu Văn Lâu bị sập một phần do đơn vị chủ quản thiếu trách nhiệm” và nhiều cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh sự việc, đơn vị quản lý di tích đã tiến hành khắc phục sự cố. Tiếp đó, di tích này được đầu tư gần 12 tỷ đồng để trùng tu, phục hồi theo nguyên trạng ban đầu. Hay như mới đây, vào cuối tháng 3/2023, di tích Châu Hương Viên (đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế) được khởi công trùng tu với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng trong niềm vui của những người yêu ca Huế.
Trước đó, qua đi thực tế tìm hiểu về di tích này và phỏng vấn các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại Huế, PV Báo CAND đã viết bài “Châu Hương Viên cần được quan tâm trùng tu”. Sau khi Báo lên tiếng phản ánh, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở VH-TT và các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra, khảo sát hiện trạng di tích, hoàn tất hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo để Châu Hương Viên trở thành điểm đến phục vụ du khách và những người yêu thơ, ca Huế.
Nằm ở khúc ruột miền Trung, tỉnh Thừa Thiên-Huế là địa phương thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề do các đợt mưa bão, lũ lụt gây ra hàng năm. Ngoài những chuyến tác nghiệp trong mưa lũ, phóng viên địa bàn cùng lãnh đạo Văn phòng Báo CAND tại miền Trung và lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vượt lũ đi trao quà cứu trợ cho người dân ở các xã bị lũ lụt gây ngập, chia cắt. Và khó quên nhất là những lần tác nghiệp tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) khi vào ngày 12/10/2020, sự cố sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân mất tích. Tiếp đó, đoàn công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH) gồm các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và huyện Phong Điền vào tiếp cận hiện trường thì không may gặp trận sạt lở đất đồi khiến 13 cán bộ, chiến sĩ đi trong đoàn hy sinh.
Tôi nhớ thời điểm đó, do mưa lớn, nước lũ dâng cao, tuyến đường tỉnh lộ 11B đi xã Phong Xuân bị ngập, chia cắt nhiều điểm nhưng sau đó tôi đã có mặt tại địa bàn Phong Xuân để kịp thời chuyển tải thông tin từ hiện trường về công tác tìm kiếm các cán bộ, chiến sĩ mất tích. 19h ngày 15/10/2020, sau khi lực lượng CNCH tìm kiếm được 13 thi thể CBCS gặp nạn, tôi cũng vừa kịp hoàn thành bản tin cuối cùng trong ngày để gửi về toà soạn. Hôm ấy, đến 12h khuya, tôi và các phóng viên của Truyền hình CAND mới lên xe trở về TP Huế dưới cơn mưa lớn như trút nước.
Trước áp lực thông tin thời sự tại Rào Trăng 3, Ban Biên tập Báo CAND từng yêu cầu Văn phòng thường trú tại miền Trung cho tăng cường thêm phóng viên ra Huế để hỗ trợ tôi. Nhưng thời điểm đó, tình hình mưa lũ tại các tỉnh thành đều diễn biến phức tạp, tôi đã báo cáo mình vẫn gắng bám trụ được. Và sau đó, cuộc tìm kiếm các công nhân mất tích còn lại tại thủy điện Rào Trăng 3 được tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức kéo dài qua nhiều tháng trời, tôi thường xuyên theo chân CBCS Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế để kịp thời thông tin về công tác tìm kiếm tại hiện trường.
Hành trình 10 năm làm PV thường trú Báo CAND tại Thừa Thiên - Huế đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm gắn với những chuyến đi tác nghiệp. Chính những chuyến đi ấy đã giúp tôi trưởng thành, bản lĩnh, đam mê với nghề báo hơn, đặc biệt là càng thêm gắn bó, yêu lấy mảnh đất và con người ở Cố đô.
“Ba cùng” với Công an Đà Nẵng, Quảng Nam
Hơn 20 năm theo nghề báo, cũng là chừng ấy thời gian tôi (PV Thân Lai) công tác trong cơ quan báo chí của lực lượng Công an và gắn bó với Công an Quảng Nam, Đà Nẵng. Thời gian làm nhiều thứ phôi pha nhưng những tháng năm được “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với lực lượng Công an trên mảnh đất nghĩa tình này, tôi không bao giờ quên được…
Năm 2002, sau một thời gian tập sự và cộng tác tin bài, tôi chính thức trở thành phóng viên Báo Công an Đà Nẵng, nay là Chuyên đề thuộc Báo CAND. Trong một lần ngồi cà phê cóc, anh Nguyễn Văn Thi, một phóng viên gạo cội bảo “Đà Nẵng đất chật, phóng viên đông, tin bài ít” và khuyên tôi nên “đeo bám” địa bàn Quảng Nam. Sau mấy lần chở tôi vào Hội An, Tam Kỳ, Đại Lộc… để làm quen địa bàn, bày vẽ đề tài và “ra mắt” các đơn vị Công an, Tòa án, sở ngành, anh Thi bảo tôi: “Chú tự tác chiến nhé”. Vậy là hàng tuần, tôi lại từ Đà Nẵng vào Quảng Nam “săn tin”. Nhờ sự giới thiệu của anh Thi, tôi cũng được các chú, các anh ở Công an tỉnh xem như em út, luôn quan tâm giúp đỡ.
Thời điểm đó, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mới chia, tách được vài năm. Phần lớn lãnh đạo cũng như CBCS Công an tỉnh rời gia đình ở Đà Nẵng, vào Tam Kỳ (Quảng Nam) nhận nhiệm vụ. Hầu hết mọi người ăn ở, sinh hoạt tại dãy nhà tập thể trong một con hẻm gần đường Lý Thường Kiệt, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ. Mỗi phòng tập thể thường bố trí 6 giường. Biết tôi ở Đà Nẵng, theo dõi địa bàn Quảng Nam nên anh Tư Khương, phóng viên Truyền hình An ninh Tổ quốc Công an tỉnh hay bảo tôi về phòng anh ở lại một vài đêm, khi có giường trống do ai đó đi công tác.
Anh Tư Khương sinh năm 1955, từ năm 15 tuổi đã tham gia du kích tại quê hương ở thôn Mỹ Lược, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1971, trong một trận tham gia chống địch càn, anh bị đạn bắn xuyên qua chân. Sau này anh được đưa ra Bắc học tập và vào ngành Công an. Năm 1997, khi tách tỉnh, anh xung phong vào Quảng Nam công tác. Đó là thời điểm gian khó còn nhiều, cả phòng chỉ có một chiếc quạt điện cũ kĩ mà anh Khương mang từ Đà Nẵng vào. Chiếc quạt bị gãy ngang, anh Khương dùng một thanh gỗ nhỏ tháp lại để sử dụng. Những đêm hè nóng nực, nghe tôi trở mình khó ngủ, người thương binh thân thương ấy ngồi dậy, chỉnh chiếc quạt quay sang giường tôi…
Những anh em khác trong phòng cũng vui vẻ, vô tư và tình cảm. Những khi tôi về phòng muộn, thường đã có người mắc mùng giúp. Sáng ngủ dậy, lại có anh bạn đồng hương chuẩn bị sẵn bàn chải mới và kem đánh răng. Đến bữa, anh em lại quây quần bên mâm cơm đạm bạc trò chuyện rôm rả. Thỉnh thoảng đồng chí Nguyễn Thái Bình, khi đó là Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy cùng đồng chí Lê Văn Hồng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế lại chiêu đãi phóng viên bữa cơm trưa với cá kho, thịt luộc, canh chua tại một quán cơm được xem là “sang” nhất Tam Kỳ, trên đường Hùng Vương. Còn đồng chí Trương Quang Vinh, Trưởng phòng An ninh văn hóa tư tưởng (sau này lên Phó Giám đốc Công an tỉnh) thỉnh thoảng lại cho tôi mấy phiếu đổ xăng…
Là phóng viên báo ngành nên tôi cũng được các anh ưu ái đặc biệt, cung cấp thông tin nhiều vụ việc nóng hổi. Có những hôm đã 21-22 giờ đêm, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Nam làm rõ, bắt được thủ phạm các vụ trọng án. Nhận được thông tin từ lãnh đạo Phòng, từ Đà Nẵng tôi phóng xe máy gần 70km và nhanh chóng có mặt tại đơn vị để ghi hình đối tượng, hỏi cặn kẽ quá trình điều tra phá án, có khi còn ngồi trước nghi can để hỏi như một… điều tra viên, để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, tìm hiểu những góc khuất của một con người.
Niềm vui lớn nhất của những phóng viên như tôi là đưa được những tin tức nóng hổi, “độc quyền”, được dư luận quan tâm lên trang báo một cách nhanh nhất, đầy đủ thông tin nhất và chính xác nhất. Những chuyến trèo đèo, lội suối, băng rừng với lực lượng Công an đã khiến tôi thêm mạnh mẽ hơn cả về tinh thần và thể chất, nỗi sợ say xe, say sóng cũng hoàn toàn được đẩy lùi… Những năm đầu mới vào nghề, dù “đeo bám” địa bàn Quảng Nam nhiều hơn, nhưng tôi vẫn nỗ lực tiếp cận, xây dựng mối quan hệ với các đơn vị Công an tại Đà Nẵng. Không chỉ là người truyền tải thông tin, với “máu nghề”, tôi nhiều lần “xã hội hóa” để nắm tình hình và cung cấp thông tin để lực lượng Công an điều tra, xử lý, ngăn chặn một số vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật.
Như cuối tháng 9/2008, khi nghi vấn có đối tượng tại Đà Nẵng lên mạng lừa bán sừng tê giác giả, tôi đã đóng vai khách hàng để tìm hiểu chân tướng sự thật. Đối tượng lừa đảo tự nhận có chiếc sừng tê giác “gia truyền” do ông tổ để lại và muốn bán với giá 60 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi kiểm chứng, tôi đã báo sự việc với Công an Đà Nẵng để điều tra, làm rõ hành vi của đối tượng này. Tương tự, tôi đã cung cấp thông tin để Cơ quan Công an ngăn chặn, xử lý mua bán một vụ bằng cấp, giấy tờ giả qua mạng xã hội xảy ra trên địa bàn quận Hải Châu, vụ bán “Máy OZON chữa bách bệnh” tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng); ngăn chặn đường dây sử dụng súng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã tại huyện Hiệp Đức (Quảng Nam)… Mặt khác, tôi cũng có nhiều bài báo tuyên truyền pháp luật, giúp dư luận hiểu rõ sự thật, hiểu rõ bản chất của các đối tượng chống đối chính quyền, chống đối lực lượng Công an, góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ trật tự, an ninh trên quê hương của mình.
Nhiều lần, tôi được theo sát quá trình điều tra, phá án của lực lượng Công an Quảng Nam, Đà Nẵng. “Đặc ân” ấy vẫn tiếp tục duy trì, khi tôi chuyển sang Báo CAND và công tác tại Văn phòng thường trú miền Trung từ năm 2009. Như vụ phá đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng dưới hình thức cá độ bóng đá tại Đà Nẵng năm 2020 hay hàng loạt vụ án “nóng” như bắt nhóm cán bộ sai phạm tại trường Đại học Bách Khoa, khám xét các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Đà Nẵng, bắt đối tượng cướp tiền tại VietinBank tháng 4/2023,… tôi là phóng viên đầu tiên được cung cấp thông tin về vụ việc. Điều đó cho thấy sự đánh giá cao của Công an các địa phương đối với kênh truyền thông Báo CAND; sự tin tưởng, tín nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương đối với phóng viên phụ trách địa bàn…