Chi tiết nhỏ làm nên bài báo hay
Nguyễn Như Phong sốt ruột trước thông tin có tới 4.000 phóng viên các nước đang đổ về Afghanistan, chủ yếu qua hướng biên giới với Pakistan. Sáng hôm đó, nhà văn Hữu Ước gọi Nguyễn Như Phong sang phòng uống trà. Trao đi đổi lại về đề tài, Nguyễn Như Phong chép miệng nói với anh Hữu Ước: “Sang được đó thì hay quá”...
Một buổi chiều được “trà đàm” với nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong, tôi rất ấn tượng với những chiêm nghiệm của ông: “Lấy tư liệu phải kĩ, tỉ mỉ, chi tiết. Khoảng 40 năm trước, lần đầu được lên Đồng Văn, Hà Giang, mà tao – anh thường xưng hô với tôi như vậy – tưởng như từng đến nơi này nhiều lần rồi, bởi đã đọc và “thấm” mỗi chi tiết, hình ảnh trong tiểu thuyết “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” của nhà văn Ngôn Vĩnh. Rồi sau này, tao được nhà thơ Phạm Tiến Duật nhắn nhủ: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Vì thế, muốn có được những bài báo hay, phải quan tâm đến từng chi tiết, từng bức ảnh”…
Dùng phóng sự để “tường thuật” vụ án
Mùa hè năm 1999, Hà Nội xảy ra vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh rúng động dư luận. Đây là một tiệm vàng lâu năm mở ngay mặt phố Tây Sơn (quận Đống Đa). Sáng hôm đó, tôi đi xe tuyến lên cơ quan; vừa qua Ngã Tư Sở thì tắc đường kéo dài đến ngã ba Tây Sơn – Hồ Đắc Di. Rất nhiều người dân và công an, dân phòng đứng vòng trong vòng ngoài. Xe không di chuyển được nên tôi xuống đi bộ và xem đã xảy ra việc gì. Tôi hỏi một anh Cảnh sát khu vực thì được biết: “Có án mạng tại tiệm vàng Kim Sinh”…
Khoảng 20 phút sau, xe chúng tôi nhích dần và vượt qua điểm ùn tắc. Tới cơ quan, tôi vội đến phòng anh Nguyễn Như Phong (hai trụ sở cách nhau khoảng 3 phút đi bộ, lúc này anh là Phó Tổng Biên tập Chuyên đề An ninh Thế giới, tôi là phóng viên Tạp chí Xây dựng lực lượng), để thông báo vụ việc. Tưởng anh sẽ hào hứng vì được báo tin hot, ai dè anh thủng thẳng trả lời: “Tao mới ở hiện trường về đây!”, khiến thằng em mới vào nghề báo bị… choáng. Anh còn lấy ra tập ảnh (ngày đó chưa có máy ảnh kĩ thuật số, ảnh chụp xong thường phải ra hiệu tráng phim và in ảnh) cho tôi xem. Cả chục bức ảnh chi tiết từ mặt tiền khu vực tiệm vàng, đến ảnh hiện trường, ảnh thi thể 4 nạn nhân… Xem xong, tôi chỉ còn biết chặc lưỡi: “Bác tài thật. Anh em đồng nghiệp còn chưa biết gì mà bác đã có đầy đủ thông tin, cả ảnh nữa”…
Sau đó, Chuyên đề An ninh Thế giới lần lượt đăng phóng sự của anh Nguyễn Như Phong về quá trình điều tra, khám phá vụ giết, cướp tiệm vàng Kim Sinh. Trong phóng sự, tôi ấn tượng mãi với mấy chi tiết: Tác giả là người duy nhất không phải là điều tra viên, trinh sát mà được tham gia vào quá trình điều tra, truy bắt đối tượng. Sau khi xác định nghi phạm cư trú ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, một tổ công tác của Công an TP Hà Nội gồm 2 ôtô ngay trong đêm 19/7/1999 xuất phát chở theo khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ trong đó có những “chuyên gia phá án”… Điều đặc biệt, một trong hai ôtô chở tổ công tác chính là chiếc Zace biển số 80B 1505 của Chuyên đề An ninh Thế giới do “tài xế” Nguyễn Như Phong, Phó Tổng Biên tập cầm lái.
Trong loạt phóng sự nóng hổi về quá trình điều tra, truy bắt đối tượng Nguyễn Minh Châu, có những chi tiết độc đáo mà chỉ “người trong cuộc” mới có thể tường tận: Anh em trinh sát mệt nhoài và đói, nửa đêm ghé vào một quán ăn còn le lói ánh đèn bên đường, gọi mấy tô mì tôm. Tô mì vừa được chế nước sôi xong, họ phải bỏ vài cục đá lạnh vào cho đỡ nóng, ăn nhanh để tiếp tục hành trình phá án…
Ngày đó, báo mạng chưa có nên loạt phóng sự của Nguyễn Như Phong là một “cú hích” giúp lượng phát hành của Chuyên đề An ninh Thế giới tăng vọt. Đám trẻ bán báo dạo còn phô tô nhiều bài trên An ninh Thế giới, rao bán inh ỏi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nguyễn Như Phong là một trong những người “tiên phong” dùng phóng sự để “tường thuật” vụ án – một thể loại (chuyên mục) đặc sắc của báo chí CAND trong nhiều năm.
Trước vụ án tiệm vàng Kim Sinh vài năm, đường dây ma túy Xiêng Phênh – Vũ Xuân Trường cũng là một vụ đại án chấn động dư luận cả nước. Bám sát phương châm tỉ mỉ, chi tiết, đưa “văn” vào báo để chuyển tải thông tin một cách hấp dẫn hơn, nên loạt phóng sự của Nguyễn Như Phong đã gây ấn tượng mạnh với bạn đọc. Lượng phát hành của Chuyên đề An ninh Thế giới trong những ngày đó tăng vọt thêm cả chục vạn bản, đưa ấn phẩm này trở thành một trong vài tờ báo có lượng phát hành lớn nhất cả nước.
Nguyễn Như Phong cũng là nhà báo có biệt tài “nuôi” vấn đề, vụ việc. Trong nhiều vụ án, anh có thể “tham gia” từ đầu đến khi kết thúc… Vụ án Xiêng Phênh – Vũ Xuân Trường từ khi được phát hiện đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành 8 bị án tử hình cùng lúc, Nguyễn Như Phong đều có những phóng sự “nóng giãy” và ngồn ngộn thông tin.
Nhớ lại những năm tháng “tung hoành” trong nghề báo, vừa là Phó Tổng biên tập, vừa là Thư ký tòa soạn, vừa làm phóng viên xông xáo, Nguyễn Như Phong bảo: “Anh Hữu Ước (Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND – PV) là người có biệt tài làm báo, rất nhạy bén trong phát hiện vấn đề. Mỗi khi duyệt, anh phát hiện ra ngay thiếu cái này, thừa cái kia; hoặc bài này phải biên tập kỹ, bài này phải giảm “tông”… Thông thường, mỗi số An ninh Thế giới anh duyệt rất nhanh, chỉ vài ba phút thôi. Nhiều đề tài dư luận đang quan tâm, anh phát hiện, chỉ đạo làm ngay và thực tế đem lại hiệu quả rất cao. Anh Ước cũng là người khích lệ anh em “đưa văn” vào báo, dùng phóng sự để chuyển tải, “tường thuật” vụ án; từ đó các phóng sự trên An ninh Thế giới thêm mềm mại, hấp dẫn mà vẫn đảm bảo tính thời sự, thông tấn của báo chí. Quan điểm viết báo của anh Ước là “Viết Đúng thì dễ nhưng viết Hay được thì mới khó. Và tờ báo muốn tồn tại là phải có nhiều bài báo Hay”.
Bền bỉ đi và viết
Nguyễn Như Phong giờ đã là một ông lão xấp xỉ tuổi 70 nhưng vẫn cặm cụi với câu chữ mỗi ngày. Anh vẫn viết báo, viết tiểu thuyết và “chiến đấu” cả trên “phây”.
Tròn 45 năm về trước, anh là bộ đội công binh làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào. Thời ấy, được đăng cái tin trên báo địa phương đã thấy oai lắm rồi. Vậy mà năm 1978, anh có hẳn 2 truyện ngắn trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Một ngày giữa năm 1980, có 3 nhà báo của Bộ Tư lệnh Công binh sang Lào và tới Sư đoàn 530 đang làm sân bay Cánh đồng Chum - Nguyễn Như Phong khi đó là lính văn công của sư đoàn, thổi kèn Clarinet.
Nghe lãnh đạo Ban Tuyên huấn Sư đoàn nói ở “Đội tuyên văn có thằng Phong in được 2 truyện ngắn ở Báo Văn nghệ”, họ ngạc nhiên lắm. Thế là các ông Mai Thế Chính, Đào Duy Thủy, Đình Tuất gọi Nguyễn Như Phong lên. Được chỉ huy triệu tập, Nguyễn Như Phong líu ríu đến căn phòng các nhà báo đang làm việc. Nói chuyện một lúc, các ông mới biết anh là con trai của nhà văn Hoài An. Ông Mai Thế Chính, tác giả cuốn ký sự “Bên những quả bom chờ nổ” rất kính nể nhà văn Hoài An. Ông Đào Duy Thủy mau mắn bảo Nguyễn Như Phong: “Mày viết được thì về Báo Công binh đi?”. Thế là sau đó vài tháng, Nguyễn Như Phong chuyển công tác về Báo Công binh. Đây là tờ báo có bộ máy rất tinh gọn, chỉ 4 người và anh được rèn giũa viết từ mẩu tin đến bài phản ánh, phóng sự, rồi biên tập, sửa mo rát… Anh kể: “Các ông ấy rèn tao kỹ lắm, từng câu từng chữ, kể cả cách xếp báo, gói báo, buộc báo! Tao bước vào nghề báo, không được học hành gì, nhưng may mắn là được các nhà báo giỏi nghề dạy dỗ!”. Công tác ở Báo Công binh được gần 2 năm thì anh được phục viên, chuyển ngành.
Nguyễn Như Phong nhớ lại cái duyên đến với Báo CAND: “Cô Tú (nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú) đưa tao đến gặp nhà văn Lê Tri Kỷ, Phó Giám đốc Nhà xuất bản CAND. Ông Kỷ đọc qua tập truyện của tao rồi bảo với cô Tú: “Cậu này viết được đấy, nhưng chỗ tôi hiện chỉ tuyển biên tập viên. Để tôi nói với bên Báo CAND xem sao”. Thế rồi nhân một cuộc họp ở Bộ Công an, nhà văn Lê Tri Kỷ trao đổi với nhà báo Trần Liêu, Tổng Biên tập Báo CAND. Ông Trần Liêu nhắn: “Anh bảo cậu ấy gửi cho tôi hai chục tờ báo đã được đăng bài”. Nhận được hồi âm, Nguyễn Như Phong hăng hái chọn hẳn 50 tờ báo có bài của mình và anh nhanh chóng được tiếp nhận.
Nguyễn Như Phong bộc bạch với tôi: “Nói thật với ông em - lúc thân mật anh hay xưng hô như vậy – lúc đó tao đã có bằng cấp gì đâu, trong lúc anh em phóng viên khác đều tuyển từ Đại học An ninh (C500) hoặc Đại học Tổng hợp. Tao biết thân biết phận nên tự răn mình, chỉ có cách đi và viết, viết nhiều, viết khỏe và hay… để tồn tại và trưởng thành”.
Nguyễn Như Phong đã nỗ lực theo phương châm ấy. Qua 25 năm được quen biết, có lúc là cấp dưới của anh (khi anh là Phó Tổng Biên tập Báo CAND thì tôi là phóng viên rồi Phó trưởng Ban Thư ký tòa soạn), tôi tự tin khẳng định: Nhà báo đi công tác, đi thực tế trong nước, chắc chắn không ai vượt qua được Nguyễn Như Phong. Anh đi nhiều ngày nhất, có lần đi liền một mạch 3 tháng; đi đến nơi xa nhất, gian khổ nhất của đất nước. Trong đó có những chuyến cuốc bộ cả tháng đến đồn biên phòng xa nhất ở ngã ba biên giới Việt-Trung-Lào tại xã Sín Thầu, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Chuyến đi ấy, cả chặng đi và về, Nguyễn Như Phong phải cuốc bộ hơn 400km và anh là nhà báo miền xuôi đầu tiên đến được ngã ba biên giới vào tháng 3 năm1984.
Sau này, Nguyễn Như Phong buộc phải đi học tại chức để có tấm bằng “hoàn thiện hồ sơ cán bộ”. Quá trình anh học đại học, có nhiều chuyện như giai thoại: Hễ thấy anh vào lớp là một số giáo viên rất ngại vì các thầy đa phần giỏi về lý thuyết, lý luận báo chí và truyền thông, nhưng nhiều người chưa từng viết một phóng sự. Lúc giải lao, có thầy nói vui với Nguyễn Như Phong: “Anh ạ, giờ dạy của em, anh không cần học cũng được. Chứ anh ngồi chiếu tướng, em lúng túng lắm”.
Đầu những năm 2000, báo mạng mới có ở Việt Nam nhưng báo in vẫn thống lĩnh đời sống báo chí. Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ quyết định tấn công Afghanistan. Đọc báo hằng ngày, Nguyễn Như Phong sốt ruột trước thông tin có tới 4.000 phóng viên các nước đang đổ về Afghanistan, chủ yếu qua hướng biên giới với Pakistan. Sáng hôm đó, nhà văn Hữu Ước gọi Nguyễn Như Phong sang phòng uống trà. Trao đi đổi lại về đề tài, Nguyễn Như Phong chép miệng nói với anh Hữu Ước: “Sang được đó thì hay quá”. Là người nhạy bén và quyết đoán, anh Hữu Ước bảo: “Mày đi được thì tốt!”… Vừa lúc đó thì nhà báo Xuân Ba đến chơi, anh Ước bảo: “Ông đi với thằng Phong sang Afghanistan nhé?”. Câu trả lời là: “Tôi không biết tiếng của họ, mà chiến cuộc chắn chắn sẽ tàn khốc lắm. Tôi không chơi!”. Lát sau thì thêm nhà văn Nguyễn Quang Thiều ghé vào và anh hào hứng nhận lời cùng Nguyễn Như Phong xúc tiến việc đi Pakistan, để từ đây xâm nhập vào chiến trường Afghanistan.
Với quyết tâm cao và sự đầu tư của tòa soạn, cùng với sự quan tâm của Bộ Công an, nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nhà báo Nguyễn Như Phong trở thành 2 phóng viên đầu tiên của Việt Nam đến được vùng chiến sự tại biên giới Pakistan – Afghanistan (sau đó cũng có phóng viên các báo Tuổi trẻ, Thanh niên)… Đây có lẽ là lần đầu tiên báo chí Việt Nam tác nghiệp tại chiến trường ngoài nước trong thời đại Internet. Và rất nhanh, loạt phóng sự hừng hực “Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á” đã hấp dẫn bạn đọc cả nước và tiếp tục nâng lượng phát hành báo lên mức kỷ lục, khoảng 720.000 bản/kỳ.
Hơn 20 năm sau khi thực hiện loạt phóng sự này, Nguyễn Như Phong ngồi uống trà với tôi và ôn lại những năm tháng sôi động trong đời làm báo. Bất chợt, anh bồi hồi nói: “Nói thật với ông em, đi thế cũng nguy hiểm lắm, chả biết sống chết thế nào. Về nước, tao cảm động mãi khi biết chuyện, có người hỏi anh Hữu Ước: “Chẳng may thằng Phong, thằng Thiều bỏ mạng bên ấy thì sao?”. Anh Hữu Ước trả lời: “Tao sẽ nuôi mấy đứa con của chúng nó cho đến khi trưởng thành!”.