Chế tài xử phạt đã đủ mạnh? (Bài cuối)
Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý thích đáng với các cá nhân, đơn vị làm sách giả, sách lậu, tuy nhiên thực trạng này vẫn không thuyên giảm. Nhiều người đặt câu hỏi nghi ngại, về chế tài xử phạt đã đủ mạnh chưa?
Việc phát hiện, xử lý phải triệt để
Theo quy định của pháp luật thì hành vi copy, in, phát hành sách mà không được sự cho phép của tác giả là vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về những hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Ngoài hành vi vi phạm quy định về xuất bản thì hành vi in lậu còn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cùng với đó, hiện nay Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đã xác định rõ những hành vi in lậu và chế tài xử lý.

Cụ thể trong Điều 28 quy định mức xử phạt vi phạm ở các mức từ phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 200 triệu đồng tùy mức độ, tính chất sự việc. Ngoài ra, trong Nghị định quy định hình thức xử phạt bổ sung, như: Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động in từ 1 đến 6 tháng.
Rõ ràng, trong Luật, Nghị định đã quy định cụ thể, có tính răn đe, cảnh tỉnh nhưng tình trạng sách giả, sách lậu vẫn tràn lan. Phân tích rõ hơn về điều này, Phó Giám đốc-Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh cho rằng, vấn đề là thực trạng in lậu quá công khai, sự phát hiện của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả.
"Chúng ta đã quy định những chế tài mạnh, triệt để như tịch thu tang vật, rút giấy phép và cấm kinh doanh… Vấn đề là việc phát hiện, xử lý triệt để; việc tuân thủ và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này còn bất cập, do đó, cơ quan quản lý nhà nước phải thật quyết liệt thì mới giải quyết được phần nào vấn nạn này", bà Phạm Thị Thinh nhấn mạnh.
"Xã hội ngày một tốt đẹp hơn, hành vi của con người cũng sẽ ngày một nâng cao hơn về tính trách nhiệm đối với pháp luật và xã hội. Vì vậy, sự đồng hành giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xuất bản và bạn đọc sẽ là một sợi dây liên kết chắc chắn để chống lại vấn nạn sách giả, sách lậu hiện nay, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn.
Chính tâm lý thiếu cương quyết của bạn đọc, cho rằng đọc sách giả cũng không sao đã vô tình tiếp tay cho nạn sách lậu, sách giả tràn lan trên thị trường. Nếu độc giả nghiêm khắc hơn với sách giả, chắc chắn những gian thương trong ngành sách sẽ không có cơ hội hoạt động ngang nhiên như hiện nay. Sách là biểu tượng của tri thức, thế nên mua sách thật và tẩy chay sách giả chính là hành động thiết thực thể hiện sự tôn trọng tri thức.
Cuộc chiến chống sách lậu, sách giả cần có sự chung tay của nhiều bên, trong đó không thể thiếu sự ủng hộ của độc giả. Độc giả phải là những người tiêu dùng có trách nhiệm, nói không với việc sử dụng sách lậu. Mua sách giả là giết chết sách thật", bà Phạm Thị Thinh khẳng định.
Đồng quan điểm đó, TS, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, mặc dù chế tài hành chính và hình sự hiện nay đối với hành vi sản xuất buôn bán sách lậu, sách giả là tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên hành vi vi phạm vẫn diễn ra bởi nhiều nguyên nhân chứ không phải là do chế tài không đủ sức răn đe.
Có thể kể đến một số nguyên nhân dẫn đến sách lậu tràn lan như hiện nay, như: Ý thức coi thường pháp luật của một số tổ chức, cá nhân dẫn đến liên tục thường xuyên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán sách lậu; lợi nhuận từ hoạt động in, phát hành, bán sách lậu là rất lớn nên nhiều đối tượng vì ham lợi nhuận nên sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; công tác quản lý thị trường quản lý về hoạt động xuất bản chưa tốt dẫn đến hành vi vi phạm rất dễ có thể được thực hiện…
Cũng theo TS, luật sư Đặng Văn Cường thực tế cho thấy có hiện tượng bao che dung túng cho sai phạm, tiếp tay cho sai phạm dẫn đến hành vi vi phạm của nhiều tổ chức cá nhân kéo dài, liên tục với quy mô lớn.
Những vụ án hình sự gần đây triệt phá các tổ chức sản xuất buôn bán sách lậu cho thấy đã có hành vi bảo kê, bao che, dung túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này. Chính vì vậy cần phải tăng cường các biện pháp quản lý, từ sản xuất đến vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng sách lậu đều cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Ngoài ra, cần phải tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm ở các khâu xuất bản, vận chuyển, quảng cáo và bán các loại sách lậu này thì mới giải quyết triệt để được vấn đề.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Trao đổi với PV Báo CAND, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên khẳng định, sách lậu, sách giả là vấn đề nhức nhối đã dai dẳng suốt nhiều năm qua.
"Nhiều người đang nghĩ rằng, việc chấn chỉnh nạn sách lậu, sách giả là trách nhiệm của cơ quan quản lý xuất bản ở Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành; ở Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy nhiên với bộ máy ở các Sở chỉ 2, 3 người làm công tác quản lý xuất bản, báo chí nói chung và khoảng dưới 10 người làm công tác thanh tra cho tất cả các lĩnh vực của quản lý báo chí truyền thông thì việc đó là không thể.
Để phát hiện, bắt giữ các vụ liên quan đến sách lậu, sách giả đòi hỏi phải đeo bám cả tháng đến hàng năm vì thế giao cho cán bộ làm công tác quản lý xuất bản (trong khi lại làm nhiều việc một lúc) thì hiệu quả sẽ rất hạn chế. Hơn nữa, hiện nay sàn thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ khiến không chỉ ngành xuất bản và những ngành khác hoang mang không biết làm cách nào ngăn chặn, bởi người ta quảng cáo trên nền tảng là hàng thật còn khi giao đến có thể là hàng giả", ông Nguyễn Nguyên băn khoăn.
Chia sẻ về một số định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Nguyên cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý, nghiên cứu sửa đổi thêm một số nội dung trong Luật Xuất bản để kịp thời bắt kịp với thực tiễn đặt ra, cụ thể hóa một số Nghị định để có chế tài xử lý phù hợp hơn; lập đường dây nóng phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến sách lậu, sách giả; thành lập thêm các đoàn thanh tra, kiểm tra với các cơ sở khi dư luận báo in sách giả; thanh, kiểm tra các đơn vị thương mại điện tử…
"Chúng tôi xác định việc đẩy lùi nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào mà là một quá trình lâu dài, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Chúng ta phải tăng cường việc xử lý thực thi pháp luật ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, phải coi việc chống sách lậu, sách giả như chống thuốc giả hay các mặt hàng thiết yếu khác tác động trực tiếp đến đời sống con người. Hiện nay, bối cảnh chuyển đổi số khiến hoạt động sản xuất sách lậu, sách giả phức tạp, tinh vi hơn, đòi hỏi các cơ quan phải thực hiện các biện pháp đồng bộ, từ thể chế, tổ chức thực hiện, tuyên truyền, biện pháp kỹ thuật…
Với đơn vị làm sách, NXB phải coi câu chuyện đấu tranh bản quyền sách là câu chuyện của chính mình, không thể đùn đẩy cho cơ quan chức năng", ông Nguyễn Nguyên khẳng định.