Bức thư gửi Tổng thống Obama và giấc mơ ám ảnh về những viên kim cương Cuba

Chủ Nhật, 15/01/2023, 17:33

Sau đúng 31 năm, kể từ ngày kết thúc mấy năm học ở Cuba trở về Việt Nam, tôi mới có cơ hội trở lại hòn đảo này, vào tháng 2/2020. Khi máy bay đáp xuống sân bay Jose Marti, tôi đã khóc. Ai ở trong tâm thế ấy cũng sẽ khóc. Tôi không thể nào quên được những năm tháng sống trên hòn đảo này. Càng về sau, tôi càng thấy mình thật may mắn khi được đến học ở đây. Đó là một nơi trong sạch: thiên nhiên, con người và văn hóa Cuba.

Cuba bị bao vây, cấm vận nhiều năm và cuộc sống trên hòn đảo này khá khó khăn. Nhưng Chính phủ và nhân dân Cuba vẫn cấp học bổng cho hàng trăm sinh viên đến từ nhiều quốc gia. Hồi tôi học ở Cuba thì dân số Cuba khoảng 10 triệu người, nhưng số lượng bò sữa tương đương với số dân.

CAND Tết trang 14: Bức thư gửi Tổng thống Obama và giấc mơ ám ảnh về những viên kim cương Cuba -0
Các nhà thơ Việt Nam, Mỹ, Cuba... soạn thư gửi Tổng thống Mỹ (tác giả thứ ba từ trái sang).

Sinh viên Việt Nam là một trong những sinh viên đến học tập ở Cuba rất sớm. Trong những ngày ở Bệnh viện Tropical để kiểm tra các bệnh truyền nhiễm trước khi vào học, chúng tôi đã không thể làm quen với đồ ăn Cuba. Thức ăn rất nhiều nhưng chúng tôi bị đói. Rất may là chúng tôi phát hiện trong khu bệnh viện có một cây ổi sai trĩu quả. Và trong một hai ngày đầu, ổi là thức ăn chính của chúng tôi. Thấy chúng tôi bỏ thức ăn mà lại ăn ổi, những người nấu ăn cảm thấy lo lắng. Họ bắt đầu họp lại xem có chuyện gì đang diễn ra. Một người đàn bà da đen đại diện những người nấu ăn đến gặp chúng tôi. Bà không biết tiếng Anh còn chúng tôi lúc đó chưa biết tiếng Tây Ban Nha. Chính vì thế mà cuộc nói chuyện chỉ dùng tay chân và điệu bộ và nó lại càng làm cho vấn đề có vẻ đi xa hơn. Tôi thấy những người đàn bà da đen Cuba rất lo lắng và căng thẳng. Họ nghĩ rằng họ đã nấu ăn quá tệ để những sinh viên Việt Nam bỏ bữa. Trong lúc câu chuyện đang trở nên khó hiểu thì một người bạn chúng tôi đã sang Cuba học trước vài năm xuất hiện. Chúng tôi vui mừng vì gặp bạn và có phiên dịch. Và thế là câu chuyện đầy lo lắng đối với những người đàn bà da đen nấu ăn chỉ là chuyện ăn uống chưa quen với khẩu vị mà thôi.

Và suốt hơn bốn năm trời, tôi đã nghiện thức ăn Cuba. Sau này, mỗi lần sang Mỹ, tôi lại tìm đến một quán ăn Cuba ở khu phố của cộng đồng người Mỹ La Tinh. Đến đó để bớt đi một phần nỗi nhớ hương vị ẩm thực Cuba. Khi bước chân vào cửa quán ăn đó, lúc nào tôi cũng dừng lại và hít thật chậm, thật sâu mùi vị thức ăn Cuba đang được nấu từ trong bếp tỏa ra. Và mỗi lúc như thế, tôi lại nhớ về những người đàn bà da đen Cuba.

CAND Tết trang 14: Bức thư gửi Tổng thống Obama và giấc mơ ám ảnh về những viên kim cương Cuba -0
Tác giả nói chuyện với bạn bè Cuba.

Trong sáu tháng học tiếng Tây Ban Nha ở trường dự bị của Đại học La Havana, những người phụ nữ da đen phục vụ ở nhà ăn sinh viên làm chúng tôi nhớ nhất. Khi biết chúng tôi là sinh viên Việt Nam thì họ vây lấy chúng tôi. Việt Nam, Việt Nam, chúng mày thích gì nào? Đó là câu hỏi thường xuyên vang lên mỗi khi chúng tôi đến nhà ăn của trường dự bị đại học. Phần lớn những đầu bếp là người da đen. Những người da đen chia cơm và thức ăn luôn cho chúng tôi khẩu phần ăn gấp rưỡi và thậm chí gấp đôi. “Có muốn ăn thêm nữa không?”. Những người chia khẩu phần lúc nào cũng hỏi chúng tôi như thế. Họ chăm sóc chúng tôi như một người mẹ, một người chị.

Trong thời gian chúng tôi học ở trường dự bị đại học thì một cơn bão rất lớn đổ bộ vào Cuba. Toàn bộ thủ đô La Havana mất điện kể cả khách sạn. Sinh viên của trường nháo nhác vì không có thực phẩm. Nhưng trong ngôi nhà sinh viên Việt Nam ngập tràn thực phẩm: trứng, thịt hộp, gạo, đậu đỏ, bánh mỳ, mỳ sợi... Tất cả những thực phẩm đó là do những người đàn bà da đen mang đến cho chúng tôi. Và sinh viên Việt Nam lúc nào cũng có thể xử lý các tình huống khó khăn một cách tốt nhất. Họ dựng bếp ngoài vườn và bắt đầu nấu nướng trong những ngày mưa bão. Nhưng chúng tôi không chỉ nấu cho các sinh viên Việt Nam ở đó mà nấu cho cả các sinh viên nước khác vì họ chẳng biết làm thế nào trong những ngày đó. Thế là, bếp ăn của nhà trường thì đóng cửa nhưng bếp ăn dã chiến của sinh viên Việt Nam lại nhộn nhịp lửa khói.

Một lần, một sinh viên Việt Nam bị ốm. Những người làm ở nhà ăn sinh viên phát hiện ra đoàn Việt Nam thiếu một người đi ăn. Đoàn chúng tôi có 10 sinh viên. Họ không thể nhớ hết tên chúng tôi và đôi khi nhầm lẫn người này ra người kia. Vì thế họ luôn luôn đếm chúng tôi. Nếu thấy không đủ quân số, họ sẽ hỏi còn một “thằng” nữa đâu. Khi biết một người trong đoàn bị ốm không đi ăn được thì lập tức họ mang cho chúng tôi gà và đậu để nấu cháo. Bà hiệu trưởng trường dự bị là một người đàn bà da đen mà chúng tôi gọi là Hefa. Cứ đôi ba ngày bà lại ghé qua thăm ngôi nhà chúng tôi ở xem những sinh viên Việt Nam sống như thế nào. Thấy không gọn ghẽ là bà lệnh cho nhân viên phụ trách vệ sinh của trường xuống dọn dẹp. Trong mấy năm học ở Cuba, vào dịp nghỉ hè, tôi thường về nhà của bà hiệu trưởng trường dự bị. Bà luôn coi tôi như một đứa con. Lúc nào bà cũng dành một căn phòng đẹp cho tôi và ngày ngày nấu những món ăn ngon nhất của Cuba cho tôi.

Tôi thường đến khu người da đen ở khu phố Havana cổ. Tôi có một người bạn Cuba học cùng lớp. Những đêm mùa hạ, hầu như khu phố đó không ngủ. Những người da đen chơi cờ Đô-mi-nô và đàn ghi ta. Chúng tôi hát suốt đêm trong những làn gió biển thổi về lúc gần sáng và vầng trăng như sà thấp xuống khu nhà của những người da đen. Những cô gái da đen dạy tôi nhảy. Những người đàn ông da đen dạy tôi pha món rượu RON Cuba thành cocktail. Có những đêm như thế, tôi ngồi lặng lẽ uống cocktail để nghe họ hát, họ chơi đàn và nhảy múa. Họ khác lạ so với chúng ta. Tôi thường nghĩ họ chính là một hình ảnh - như là kiểu âm bản - của chính chúng ta mà nhiều lúc chúng ta không nhận ra. Sau này trở về nước, vào những đêm trăng, tôi thường nhớ về khu nhà những người da đen mà tôi đã sống nhiều đêm ở đó. Nó luôn luôn làm tôi rạo rực và nhiều suy tưởng. Ở đó như tự do, như cô đơn và như cổ xưa. Và suốt mấy chục năm rời Cuba về Việt Nam, tôi chưa một lần được trở lại. Nhưng tôi vẫn thường trở lại trong những giấc mộng của mình. Những giấc mộng sực nức mùi vị các món ăn Cuba, lấp lánh hàm răng của những người da đen, rừng rực những điệu nhảy và thăm thẳm đôi mắt cô gái Cuba 18 tuổi nhìn tôi trong những đêm vầng trăng như sà thấp đến mức chạm vào mái nhà.

Tôi trở lại Cuba trong đoàn của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, lúc đó là Trưởng ban Dân vận Trung ương nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ Việt Nam-Cuba. Tôi có cảm giác, lãnh đạo và người dân Cuba muốn nghe được từ trái tim người Việt Nam những tình cảm thực sự đối với Cuba trong một thời đại có quá nhiều thay đổi. Và trong buổi nói chuyện với hơn 500 người nghe trong đó có một số đồng chí là lãnh đạo Cuba và bà Trương Thị Mai, tôi nói với những người bạn Cuba rằng: Trong ngôn ngữ Việt Nam có từ ‘’chúng tôi’’ và ‘’chúng ta’’ để chỉ tính sở hữu. ‘’Chúng tôi’’ là chỉ một phía còn ‘’Chúng ta’’ là bao gồm mọi phía. Ngôn ngữ Cuba không phân chia hai cụm từ chỉ sở hữu này mà chỉ có một từ là ‘’nosotros (giống đực) và nosotras (giống cái). Nhưng đối với sự hy sinh và chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi phải dùng cụm từ ‘’của chúng ta’’. Nghĩa là sự hy sinh đó và chiến thắng đó thuộc về lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam và Cuba. Những người nghe trong hội trường hôm đó đã vỗ tay không ngớt. Tôi nhìn thấy nhiều người đã khóc.

Trong buổi nói chuyện hôm đó, tôi nói về con tàu Victoria của Cuba. Tôi đã đứng trong một buổi chiều đầy gió cho tới khi hoàng hôn biển đổ xuống và nhìn con tàu Victoria đậu trên cảnh Marian. Đấy là con tàu đã nhiều lần vượt qua bãi thủy lôi của Mỹ rải ở cảng Hải Phòng để mang thuốc men giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Tôi muốn mang chiếc tàu đó về cảng Hải Phòng như một nhân chứng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba. Những năm chiến tranh hồi tôi còn nhỏ tuổi, một hôm cha tôi mang về một gói đường Cuba. Tôi đã đặt những hạt đường to màu nâu trong lòng bàn tay mình và ngắm nhìn. Lúc đó, những viên đường đẹp và quí như những viên kim cương. Ngày đó thiếu thốn vô cùng. Khi trong nhà chẳng may có ai đó bị đau ốm, mẹ tôi pha một cốc nước đường nóng cho uống là chúng tôi khỏi ốm. Bởi thế, với tôi những năm tháng xa xưa ấy, những hạt đường mía mà Cuba viện trợ Việt Nam trong lòng tay của một đứa trẻ thôn quê đói khát, thực sự nó đẹp và giá trị như những viên kim cương.

CAND Tết trang 14: Bức thư gửi Tổng thống Obama và giấc mơ ám ảnh về những viên kim cương Cuba -0
Tác giả cùng hai người con gái của những công nhân Cuba từng xây dựng đường sá Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Năm 2015, trong buổi gặp gỡ các nhà thơ Việt Nam, Cuba, Mỹ và Colombia tại gia đình bạn tôi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Các nhà văn Việt Nam, Cuba, Mỹ và Colombia đã cùng nhau viết một lá thư bằng 3 thứ tiếng: Việt, Tây Ban Nha và tiếng Anh để gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro kêu gọi chính quyền Mỹ phải bãi bỏ chính sách cấm vận vô nhân đạo đối với Cuba.

Toàn văn bức thư:

‘’Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro

Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2015

Là các nhà văn, nhà thơ, và những người có thiện chí, và trong tinh thần của tình bạn bền lâu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tán thành và khuyến khích phá bỏ các rào cản, cùng việc mở cửa hướng tới sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa mọi dân tộc. Để đạt được mục đích này, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến gần đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã phân cách quá lâu. Chúng tôi biết ơn cả hai chính phủ đã đáp ứng những ích lợi của chính dân tộc họ, và cổ vũ sự phát triển của những trao đổi văn hóa hữu ích như là một bước để tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện.

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người từ mọi quốc gia xin cùng chúng tôi ký vào lá thư này, một lá thư được viết nhân dịp hai mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Mỹ và Việt Nam’’.

Chúng tôi đã gửi lá thư đó tới các nhà văn và trí thức toàn thế giới xin chữ ký rồi các nhà thơ Mỹ thay mặt nhóm chúng tôi gửi tới Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama. Sau đó, chúng tôi đã nhận được lá thư của Tổng thống Barack Obama trả lời và hứa tiếp tục theo đuổi chính sách bình thường hóa quan hệ với Cuba. Nhưng khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông ta đã thay đổi hoàn toàn và tiếp tục đẩy Cuba vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Tôi trở lại Cuba và trong lòng mang theo một nỗi buồn về việc Cuba vẫn bị Mỹ cấm vận với một chính sách thù địch. Cuba đang phải đối mặt với bao thách thức và thiếu thốn. Trong chuyến trở lại Cuba, tôi được tham dự Hội chợ sách của Cuba. Tôi không thể hình dung rằng: trong khó khăn, thiếu thốn như thế mà người dân Cuba vẫn yêu sách đến lạ lùng. Và trong hội chợ sách quốc tế dịp đó, có hai người phụ nữ da đen tìm đến gặp tôi. Họ nói với tôi họ là con gái của hai công nhân Cuba đã sang Việt Nam trong thời gian chiến tranh để giúp Việt Nam xây dựng đường sá. Họ nói với tôi, trong suốt những năm tháng từ Việt Nam trở về Cuba cho tới khi mất, cha họ không lúc nào không nói về Việt Nam. Và họ đã yêu Việt Nam bằng ký ức của cha mình.

Nguyễn Quang Thiều
.
.
.