Trường Sa - hạnh phúc nảy mầm từ những gian khó, hy sinh

Bài 2: Đất liền, đảo xa hòa nhịp đón xuân sớm

Thứ Tư, 24/01/2024, 07:36

Sau hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, 6h sáng 5/1, tàu cập bến mang theo hương vị Tết đến với đảo Trường Sa lớn. Đón đoàn công tác ở âu tàu là các chiến sĩ cùng người dân, với những tràng pháo tay và nụ cười rạng rỡ…

Trọn vẹn Tết sum vầy

Ở Trường Sa những ngày chớm xuân thời tiết hay thất thường. Nắng mưa bất chợt, song đã mưa là mưa thật to, đã nắng là cháy da, rát mặt. Ấy thế nhưng tình cảm của các chiến sĩ, người dân thì luôn ấm nồng. Tình cảm ấy càng đậm sâu hơn trong không khí đón xuân sớm vô cùng đầm ấm ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và đồng bào ở mọi miền đất nước đã giúp cho quân và dân huyện đảo được đón Tết cổ truyền sớm hơn ở đất liền, bảo đảm sung túc, đủ đầy.

Bài 2: Đất liền, đảo xa hòa nhịp đón xuân sớm -0
Quân và dân trên đảo Trường Sa lớn quây quần gói bánh chưng để đón Tết sớm.

Từ tàu xuống đảo Trường Sa, ngay từ cổng chào, đoàn công tác đã cảm nhận rõ sắc xuân tràn ngập thông qua việc trang trí cờ hoa phấp phới. Phía sau đoàn công tác là từng chuyến xe chở hàng hoá với đầy đủ hương vị Tết, nào thịt, nào quất, nào lá dong… cùng các sản vật của các vùng miền được chuyển từ tàu lên đảo. Cũng như những năm trước, mặt hàng rượu, bia, thuốc lá tuyệt nhiên không có. Tuy nhiên không phải vì thế hương vị Tết bớt phần thi vị. Những tiếng nói cười rộn ràng cả khu cảng.

Chủ tịch thị trấn Trường Sa Trần Quang Phú chia sẻ: “Nhận được tin đoàn công tác ra thăm Trường Sa, từ nhiều ngày nay, cả đảo háo hức đón chào. Công tác chuẩn bị đón Tết sớm cũng đã hoàn tất. Trên các bàn thờ của đơn vị cũng như trong các gia đình, các hộ dân đều có ảnh Bác Hồ, mâm ngũ quả, hoa tươi. Còn bánh chưng tối nay sẽ gói”. Như lời chỉ huy đảo nói, sau khi đoàn tới đảo, việc đầu tiên là đoàn đi thắp hương tri ân tại tượng đài các anh hùng liệt sĩ, rồi đến dâng hương tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kế tiếp là thắp hương cửa phật tại chùa Trường Sa.

Cho đến đúng 16h30, tiếng loa phát thanh vang lên, mời bà con cùng một số chiến sĩ về phía sân cột mốc chuẩn bị gói bánh chưng Tết. Khi công tác chuẩn bị bắt đầu thì bỗng dưng mây đen kéo tới. Vậy là tất thảy, nào gạo, nào đỗ xanh, nào thịt, nào lá dong lần lượt được bê nhanh vào phía trong hội trường. Vài phút sau, điện bỗng dưng tắt phụt.

Dường như đã quá quen với cảnh này, chị Nguyễn Ngọc Thương, người dân hộ số 3 thị trấn Trường Sa động viên đoàn công tác: “Điện ở đảo là điện năng lượng mặt trời, điện gió, nên không lo thiếu. Giờ cao điểm chỉ tắt chừng 1-2 phút do đổi nguồn thôi, rồi sẽ lại có. Các anh chị cứ yên tâm, công cuộc gói bánh chưng sẽ không bị ảnh hưởng”.

Ngồi kế bên, vừa chuẩn bị lá dong, đồng chí Lý Quốc Cường (đảo Trường Sa) vừa cười nói: “Các anh chị mới ra đảo nên còn chút bỡ ngỡ với cảnh này, chứ ở đây chúng em quen rồi. Dường như không khó khăn nào có thể gây khó cho bộ đội và người dân ở Trường Sa. Những năm trước, khi điều kiện khó khăn không có lá dong gói bánh, quân và dân ở Trường Sa còn hái lá bàng vuông để gói bánh chưng, vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Bởi cây bàng vuông, phong ba, mù u là đặc trưng của Trường Sa”.

Quả là vậy, ngay cả lúc không có điện, ở Trường Sa không có cảm giác quá nóng, bởi gió biển luôn thổi mạnh mang theo vị mặn của muối, quấn vào mỗi người, khiến con người nơi đây như khoẻ hơn, kiên cường hơn nơi đầu sóng, ngọn gió. Chẳng thế mà, chỉ chưa đầy nửa tiếng sau, nhóm gói bánh chưng đã thực hiện xong gần 20 chiếc bánh. Cả quân, cả dân, mỗi người mỗi công đoạn, miệng nói cười rôm rả xong tay cứ thoăn thoắt như thoi đưa. Kế bên, gần chục đứa trẻ cũng ríu rít cười đùa, đứa vui miệng còn đọc cả bài thơ “Em yêu Trường Sa”, trông chờ chiếc bánh vuông vức rời tay bố mẹ hay chú bộ đội là chúng đón lấy, đặt xuống thẳng hàng, rồi tranh nhau “xí” công đoạn đưa bánh vào nồi…

Trong khi một nhóm gói bánh chưng, thì phía hội trường đối diện, nhóm khác lại đang bê cây quất cảnh đặt giữa sân khấu, chuẩn bị cho buổi tối giao lưu toàn đảo. Nhóm nữa lại đang ghép nhạc chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ. Cả đảo tràn ngập không khí Tết sum vầy.

Bài 2: Đất liền, đảo xa hòa nhịp đón xuân sớm -0
Công tác chuẩn bị đón xuân sớm ở đảo Đá Tây.

Tết là ngày hội, nhưng không quên công tác sẵn sàng chiến đấu

Ngày thứ 2 ở trên đảo, cũng là ngày thứ 5 của hành trình, đúng 5h, khi trời vẫn chưa kịp sáng, đoàn công tác đã được đánh thức bởi tiếng hô vang 1, 2 của các chiến sĩ tập thể dục. Chừng nửa tiếng sau, âm thanh từ loa phát thanh vang lên: “Đúng 7h, các thành phần đã được phân công cùng người dân về sân cột cờ làm lễ chào cờ đầu năm mới”.

Vừa đứng quan sát bộ đội tập, đồng chí Thiếu tá Trần Quang Phú, Chỉ huy đảo chia sẻ: “Trong mọi hoạt động chuẩn bị đón Tết, từ việc sắp đặt bàn thờ, gói bánh chưng, làm thịt lợn, tổ chức các trận thi đấu thể thao, các trò chơi, văn hoá- văn nghệ luôn có sự tham gia của bộ đội và nhân dân. Quân và dân cùng “nhà là đảo, biển là quê hương”, cùng nhau tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa này giúp cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo gắn kết, gần nhau hơn, làm nền tảng vững chắc để người dân yên tâm sinh sống, bám biển, giữ gìn và bảo vệ vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Mới nhận nhiệm vụ trên đảo Trường Sa, chiến sĩ hải quân Ngô Triều Kiến Quốc chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em đón Tết xa nhà nhưng lại được đón Tết tại một nơi đặc biệt. Tạm gác lại cảm giác nhớ nhà, người thân và bạn bè, người lính trẻ quyết tâm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao, cùng chuẩn bị đón Tết cùng đồng đội trên đảo. Sự gắn bó, quan tâm gần gũi giữa những người lính xa nhà làm Quốc cảm thấy mình có thêm một gia đình mới; là chỗ dựa vững chắc cho bản thân không chỉ trong những ngày Tết xa quê mà sẽ là một “tổ ấm” trong suốt quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ trên đảo xa.

Khác với chiến sĩ trẻ, gia đình anh Trương Chí Chiến, chị Nguyễn Thị Thanh Phương cùng 2 con và nhiều hộ dân khác đã đón nhiều cái Tết cổ truyền ở Trường Sa. Năm nào cũng vậy, thông qua các chuyến đi của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, họ luôn được đón nhận tình cảm nồng ấm, vật chất đong đầy của cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào ở mọi miền đất nước gửi ra nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Khi chúng tôi hỏi về cảm nhận đón Tết xa quê như thế nào, anh Chiến xúc động nói: “Tết của người dân cũng như lính ở Trường Sa rất đặc biệt vì nơi đây có vị mặn mòi của biển cả, hoà lẫn tình cảm cả nước luôn nhớ và hướng về Trường Sa. Dù sóng to, gió lớn, biển động nhưng bộ đội hải quân vẫn vượt lên hiểm nguy chở hàng hoá, nhu yếu phẩm ra đảo để nhân dân có cái Tết ấm no, sung túc…”.

Đồng chí Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên Đảo Trường Sa cho biết: Tết của quân và dân ở Trường Sa không chỉ có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh… mà còn có cả hoa tươi, cây quất cùng những món quà Tết thắm nghĩa tình đồng bào gửi đến Trường Sa từ đất liền. Do vậy, bộ đội và người dân nơi đây luôn cảm thấy Trường Sa rất gần với đất liền trong tình thương yêu, đoàn kết gắn bó. Cũng bởi lẽ đó, những người lính vui Tết không quên nhiệm vụ. Ở nơi tiền tiêu, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đơn vị xây dựng kế hoạch khoa học, luyện tập thuần thục các phương án, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Các vọng gác tăng cường quân số, tổ chức canh gác nghiêm túc 24/24h. Với lực lượng dân quân, phân công luân phiên tuần tra, kiểm soát ngày đêm quanh đảo, luyện tập xử trí các tình huống.

Đánh giá về việc chuẩn bị và tổ chức đón Tết năm 2024 cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, Đại tá Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa, cũng là đoàn trưởng của con tàu 561 đưa các phóng viên, lương thực thực phẩm ra đảo chúc Tết, cho biết, đến thời điểm hiện tại cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã tiếp nhận đầy đủ các mặt hàng, nhu yếu phẩm phục vụ đón Tết Giáp Thìn từ đất liền gửi ra. Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vui Xuân đón Tết, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Song song với việc tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong mọi tình huống, lực lượng đóng quân trên đảo còn tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ, thi gói bánh chưng, cắt tỉa cây cảnh và trang trí các phòng đón xuân tạo không gian giống như trong đất liền để mọi người vơi đi nỗi nhớ quê, nhớ nhà… Lãnh đạo đơn vị còn thăm hỏi, động viên những quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt để cán bộ, chiến sĩ cảm thấy thực sự yên tâm đón Tết đầm ấm và trọn vẹn với tinh thần xuyên suốt của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 hải quân “Đảo là nhà, biển là quê hương”.

Phạm Huyền

.
.