Bài 1: Hành trình mang nghĩa tình ra đảo
Nhắc tới Trường Sa là nhắc tới một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nhắc tới “vòng tròn bất tử” và những trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từng tấc đất, từng vùng biển cha ông ta tự bao đời vẫn được toàn dân, toàn quân ta ngày đêm canh giữ, bảo vệ. Bởi vậy, vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, hành trình vượt sóng mang Tết tới Trường Sa luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, thậm chí từng người dân ở đất liền đặc biệt quan tâm.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, những ngày đầu tiên của năm 2024, tôi đã chính thức được bước chân lên tàu 561-một trong những con tàu được mệnh danh là tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á, đưa đoàn công tác cùng gần chục tấn lương thực, thực phẩm ra thăm và chúc Tết các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Trên cả hành trình rẽ sóng dài 19 ngày, những ân cần, chu đáo và hơn hết là sự quan tâm chân tình của các chiến sĩ làm công tác phục vụ trên tàu đã để lại trong đoàn công tác nhiều thiện cảm, xúc cảm khó quên.
“Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”
Mỗi ngày, đúng 5h30 sáng, tiếng loa phát thanh “toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” lại vang lên trên khắp con tàu. Chỉ 30 phút sau, tiếng loa thông báo mời đoàn công tác về phòng ăn dùng bữa sáng tiếp tục được phát ra. Cứ thế, mỗi ngày, ngoài 3 bữa chính, trên tàu còn phục vụ thêm cả bữa phụ. Với những người bị say sóng không ăn được cơm, các chính trị viên còn đến từng phòng hỏi han và đề nghị thay đổi món ăn như cháo, mỳ để đoàn công tác cảm thấy ngon miệng hơn.
Hồng Long, Chính trị viên trên tàu HQ 561 chia sẻ: Chuyến công tác cuối năm thường gặp sóng to, nên tàu hay rung lắc, do đó ít nhiều hành khách dễ bị say sóng. Tuỳ thuộc thể trạng mỗi người, mà sau 1 vài ngày mới có thể thích nghi. Do đó, sức khỏe của từng thành viên trong đoàn được đặc biệt quan tâm. Thực tế, ngoài việc Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đưa theo một đội ngũ đầu bếp chuyên phục vụ, chăm lo từng bữa ăn cho đoàn công tác, trên tàu còn có một ê kip bác sĩ túc trực 24/24h để khám chữa bệnh cho khách và cán bộ chiến sĩ khi cần.
Kể thêm về con tàu, Thiếu tá Phạm Văn An nói, tàu quân y 561 thuộc biên chế của Vùng 4 Hải quân được đánh giá là một trong những tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á. Thực hiện nhiệm vụ trên con tàu mang sứ mệnh nhân đạo này, cán bộ, chiến sĩ Tàu 561 không ngừng trau dồi nghiệp vụ để con tàu xứng đáng là “bệnh viện di động” trên Biển Đông. Tàu bệnh viện Khánh Hòa-01 có phiên hiệu HQ-561 đi vào hoạt động đầu năm 2013. Con tàu này được đóng hoàn toàn theo công nghệ Hà Lan, đạt tiêu chuẩn quốc tế IMO với thân tàu dài hơn 70 mét, rộng hơn 13 mét.
Tàu có tải trọng hơn 1.500 tấn, chở được hơn 200 người, thủy thủ đoàn cùng ê kíp bác sĩ, hoạt động liên tục 45 ngày trên biển, chịu được sóng từ cấp 8 đến cấp 10. Ngoài ra còn được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại tương đương một bệnh viện ở đất liền. Các khoang đều được trang bị điều hòa, tủ lạnh, tivi kết nối truyền hình vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua vệ tinh Vinasat và các phòng bệnh có hệ thống máy móc tiên tiến. Ngoài nhiệm vụ vận tải chở quân, chuyển lương thực thực phẩm, nước ngọt cho các đảo, nhà giàn DK1 và ngư dân, tàu Khánh Hòa-01 còn có đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh như một bệnh viện thu nhỏ. Tàu có 9 phòng chức năng, gồm phòng giảm áp (điều trị các tai biến do lặn), phòng xét nghiệm, phòng hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm – hội chẩn, phòng mổ có kết nối vệ tinh VINASAT, phòng chuyên khoa răng - hàm - mặt…
Tham quan các buồng bệnh tại tàu 561, chúng tôi bất ngờ về mức độ hiện đại của con tàu này. Ở khoang bệnh viện có đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám, hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm, phòng mổ, các phòng chuyên khoa... với gần 20 giường bệnh. Buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất để điều trị các bệnh liên quan đến những bệnh lý nặng như bệnh giảm áp. Đặc biệt ở phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175. Trang thiết bị, vật tư y tế trên tàu được nhập từ các nước tiên tiến, như máy siêu âm màu 4 chiều, máy đo điện tim, xét nghiệm sinh hóa.
Riêng phòng mổ và phòng hội chẩn được trang bị hệ thống truyền hình trực tiếp với Bệnh viện Quân y tuyến trung ương qua hệ thống vệ tinh Vinasat. Sau gần chục năm đưa vào hoạt động, tàu 561 đã khám bệnh, cấp phát thuốc, tổ chức cấp cứu cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và ngư dân tại huyện đảo Trường Sa. Ngoài việc cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển và các đảo, tàu còn đảm đương nhiều trọng trách, đó là: Tổ chức thăm khám cho quân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hai năm một lần, mỗi lần kéo dài một tháng rưỡi; phục vụ các chuyến chở các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại Trường Sa; tham gia các đợt diễn tập quốc tế…
Tàu 561 từng tham gia hoạt động trong Chương trình đối tác Thái Bình Dương năm 2019 (PP19) diễn ra tại TP Tuy Hòa và 2 huyện Đông Hòa, Tây Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Kết thúc các hoạt động PP19, có hơn 700 người dân địa phương được khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe; hơn 400 bệnh nhân được khám và điều trị về các bệnh răng miệng; gần 60 bệnh nhân được phẫu thuật, cấp thuốc miễn phí ngay trên tàu bệnh viện 561…
Sự khắc nghiệt của nắng gió và sóng biển
Trước đó, vào ngày 3/1, sau 3 hồi còi, tàu chính thức rời cảng Cam Ranh. Thế nhưng, từ ngày 2/1, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm gồm lợn, gà, nước mắm, dầu ăn, rau xanh, bánh kẹo, thậm chí cả hoa Đà Lạt, quất cảnh Hưng Yên… đã được các chiến sĩ của lữ đoàn 146 và tàu Khánh Hoà 01 (HQ-561) vận chuyển từ bờ xuống boong, hầm hàng. Mọi thứ đều được “phân luồng” để đảm bảo sau 19 ngày, việc đưa hàng ra các đảo vẫn được an toàn, tươi nguyên vẹn. Lợn gà sẽ được chia theo chuồng có khu vực nuôi riêng, thức ăn tươi như các loại cá thịt thì được đưa vào kho lạnh, rau tươi được đưa vào hầm mát, những cây quất cảnh thì được đưa lên hai mạn của thuyền để tránh nắng, gió, sóng biển tạt vào và tiện tưới… Cứ thế, thực phẩm lần lượt được sắp xếp ngăn nắp, chỉn chu sao cho tàu gặp sóng to nghiêng lắc không va đập, nắng nóng không làm ôi thiu.
Theo Trung úy Hà Thanh Trường, nhân viên rada kiêm quản lý hậu cần tàu 561, Hải đội 411 cho biết, một năm có 4 lần các cán bộ chiến sĩ trên đảo được cấp lương thực. Vì vậy mỗi lần mang lương thực ra đảo là phải hết sức cẩn thận và dồn sức “bảo vệ”. Công việc vận chuyển vất vả một thì công tác chăm sóc lợn, gà khó mười bởi nắng gió, và say sóng. Trước mỗi chuyến đi, các thuyền viên đều phải chuẩn bị chuồng quây, chắn lán cả cám, thân cây chuối làm thức ăn cho lợn, để lợn không bị gió mà ốm, thay đổi thức ăn mà bỏ bữa, giảm cân. Như để minh họa thêm, Đại úy Trần Quốc Hữu, Phó thuyền trưởng Tàu 561, chia sẻ: Với đất liền, việc được dùng thực phẩm tươi trong ngày Tết là dễ dàng, vì chỉ cần ra chợ là có. Thế nhưng với anh em đi tàu và trên đảo, việc sử dụng thịt tươi chỉ trông chờ vào việc chăn nuôi thêm và hàng thực phẩm cung cấp từ đất liền theo mỗi chuyến hàng. Có lần, tàu của hải đội chở hàng Tết ra đảo, nhưng khi ra được đến đảo sinh tồn Đông, nuôi được lợn mấy ngày thì lợn lăn ra chết cả đàn do không thích nghi được. Trên bờ lợn ăn cám, nhưng cả hành trình trên biển chỉ thì ăn cơm, cộng thêm khí hậu nắng, nước biển tạt vào, oi nồng của gió biển nên chúng không kịp thích nghi. Nhưng không vì không có thịt tươi mà các chiến sĩ cảm thấy buồn. Không khí Tết vẫn tràn ngập trên các đảo…