Yên Bái: Trường mới xây đã chuẩn bị… sập

Thứ Năm, 23/11/2006, 13:56

Bằng mắt thường cũng có thể thấy ngôi nhà hai tầng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Một vết nứt rộng xẻ toạc đôi bậc cầu thang lên xuống giữa tầng 1. Góc phải của toà nhà bị nghiêng, phần cột trụ bị vết nứt lớn, nhiều chỗ bị lún sụt… Ngôi trường trị giá hơn nửa tỷ đồng này mới được đưa vào sử dụng vẻn vẹn 2 tháng.

Năm 2004, bà con các dân tộc sinh sống ở huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) mừng khấp khởi vì thấy người ta tiến hành khởi công xây dựng ngôi trường mới cho đám trẻ trong vùng. Khoảng một năm sau, Phân hiệu II Trường Tiểu học Kim Đồng (thuộc tiểu khu 5, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu) gồm 2 tầng, 4 phòng học được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Ngồi trong phòng học mới được có 2 tháng thì học sinh được nghỉ hè. Hết kỳ nghỉ hè, học sinh không được quay lại học ở ngôi trường mới vì đang có nguy cơ… đổ sụp bất cứ lúc nào.

Qua tìm hiểu được biết, Phân hiệu II của Trường Tiểu học Kim Đồng được xây dựng nhờ nguồn vốn của dự án kiên cố hoá trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái làm chủ đầu tư có tổng trị giá hơn nửa tỷ đồng. Đơn vị thi công là một công ty xây dựng tư nhân có trụ sở tại thị xã Yên Bái. Trường bắt đầu được đưa vào sử dụng tháng 4/2005 và đến tháng 9/2005 đã phải đóng cửa vì xuống cấp.

Sau khi nghe tin ngôi trường bị sụt lún và có khả năng bị sập, Sở GD-ĐT Yên Bái, Phòng Giáo dục Trạm Tấu, UBND thị trấn, đã cho đoàn cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra và đưa ra kết luận: Ngôi trường được xây dựng ở khu đất mượn, bên trong lòng đất có mạch nước chảy qua, khi bão số 6 và 7 năm 2005 xảy ra làm đất bị trượt, mặt bằng bị lún xuống, vì vậy móng của ngôi trường bị sụt lún theo!

Để chứng minh cho quan điểm này của Sở, ông Trần Văn Sa - Trưởng phòng Giáo dục huyện Trạm Tấu cho biết: "Phân hiệu II của Trường Tiểu học Kim Đồng được Sở GD-ĐT trực tiếp đầu tư xây dựng, địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng; Phòng chỉ nghiệm thu công trình và quản lý khi ngôi trường được bàn giao".

Tìm hiểu thực tế, ông Sa cử một cán bộ phụ trách kỹ thuật của phòng đưa chúng tôi đi tìm vết nứt nằm trên sườn đồi, nơi được giải thích là nguyên nhân của sự xuống cấp nhanh chóng đến kỳ lạ của ngôi trường mới.

Theo chân người cán bộ phụ trách kỹ thuật tên là Cảnh, chúng tôi leo lên sườn đồi phía trên của ngôi trường mới. Tới một mương nước nằm cách ngôi trường đó khoảng hơn 200 mét, anh Cảnh dừng lại và chỉ vào một vết nứt của miếng bê tông xây rãnh và quả quyết rằng, sau trận bão số 6 năm 2005, chính vết nứt ấy là nguyên nhân gây ra sự xuống cấp của ngôi trường.

Nhìn cái mương nước bé với vết nứt của miếng bê tông cũng nhỏ tẹo ấy, đất xung quanh lại không hề có dấu hiệu sụt lún hay nứt nẻ gì, chúng tôi cũng không dám tin rằng người ta lại có thể dùng nó để giải thích cho sự xuống cấp của một ngôi trường. Tại ngôi trường bị bỏ hoang, chúng tôi bắt gặp đống con tiện bằng xi măng được vứt lay lắt bên bãi đất cạnh đó. Cầm lên tay đập nhẹ, những con tiện đã gãy rời và làm lộ ra cả cái lõi… tre ở bên trong. Trông cái đống con tiện ấy cũng đủ hiểu vì sao mà lan can của ngôi nhà cứ trống huơ trống hoác. Cô giáo hiệu trưởng bảo: "Chúng tôi đã đem đi hỏi đơn vị thi công. Họ trả lời là họ được phép làm như vậy".

Một ngôi trường được đầu tư xây dựng hơn nửa tỷ đồng mà chỉ sau một năm học đã bị lún sụt không thể tiếp tục hoạt động. Trách nhiệm đi tìm nguyên nhân và của sự xuống cấp này thuộc về cơ quan chức năng. Còn bọn trẻ thì hàng ngày vẫn phải "phổ cập tiểu học" dưới... gầm nhà sàn, nơi không đủ ánh sáng, ẩm thấp và rất mất vệ sinh…

Tâm Hiếu - Đào Tuy
.
.
.