Xương Giang... phế thành ký sự

Chủ Nhật, 08/11/2009, 11:26
Mười lăm năm trước, lúc ngồi cùng ông Nguyễn Đình Bưu, Giám đốc Sở Văn hoá Bắc Giang, tôi thấy ông có vẻ trăn trở nhiều về chuyện có một cổ thành bị quên lãng ngay giữa thị xã Phủ Lạng Thương của ông. Ông Bưu bảo với tôi rằng, nếu không có cái chiến thắng Xương Giang lẫy lừng năm 1427 thì thành Đông Quan chưa biết ra sao, rồi thì cuộc chiến chống nhà Minh không biết bao giờ chấm dứt…

Cái cổ thành ấy bây giờ còn gì nữa không? Ông Bưu lắc đầu bảo: Chỉ còn lại dấu vết lũy thành, mấy cái cổng thành thì còn lại cái tên…

Sau đó ít lâu khi ông Ngô Quang Toản lên làm Giám đốc Sở Văn hoá, mấy bận tôi lên Bắc Giang đều nghe ông Toản nhắc đến cái cổ thành hoang phế giữa thành phố mới nâng cấp Bắc Giang. Nghe và chờ. Chả thấy ai động tĩnh gì về cái di tích hoang phế gắn với trận quyết chiến công thành diệt viện, đẩy 20 vạn quân Minh đến thất bại gần sáu trăm năm trước…

Thế rồi trước tiết lập Thu năm Kỷ Sửu này, lại thấy người Bắc Giang mở hội thảo về bảo tồn phát huy di tích chiến thắng Xương Giang. Bà Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch Bắc Giang Hoàng Thị Hoa trong lời đề dẫn hội thảo đã nói đến ý nghĩa của việc tôn tạo phát huy các di tích chiến thắng Xương Giang hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Năm du lịch Bắc Giang 2014.

Bắc Giang hôm nay

Thôi thế cũng là một cố gắng giữa lúc còn bao việc của ngày hôm nay chưa làm. Cái được nhất của hội thảo lần này là để các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá chỉ ra tầm vóc của chiến thắng và giá trị của những di tích gắn với đại thắng ấy và đề xuất lập dự án bảo tồn phát huy bằng những công trình mang tầm vóc lịch sử.

Vâng! Chiến thắng Xương Giang lẫy lừng đến mức có nhà khoa học ví nó với những Bạch Đằng, Đống Đa; Rạch Gầm; Xoài Mút hay Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân 1975… Tầm vóc vậy, nhưng để di tích bấy lâu hoang phế, mai một là điều đáng phàn nàn. Muốn hiểu một đất nước trước tiên phải hiểu lịch sử đất nước ấy. Lịch sử lẫy lừng vậy. Đại thắng ấy xứng đáng được tôn vinh để muôn đời cháu con nối nghiệp cha ông mà giữ đất, mà làm cho đất nước phồn thịnh để tự cường…

Bây giờ tôi trở về cái phế thành Xương Giang để tìm lại sự kiện gần sáu trăm năm trước. Bên cái quán lá nơi xưa là Thành Xương Giang, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Xuân Cần có vẻ am tường sử sách đã kể cho tôi câu chuyện năm Đinh Mùi cách nay gần sáu thế kỷ…

Cổ thành Xương Giang do nhà Minh lập ra năm 1420 trên con đường thiên lý huyết mạch nối Lưỡng Quảng với Đông Quan - Hà Nội. Thành kiên cố với chiều cao 4; 5 mét, bề dày có nơi cả chục mét, nội thành rộng có thể đủ cho cả 2 ngàn quân đóng giữ. Để đánh thành Xương Giang như một chiến dịch cuối cùng sau mười năm kháng chiến trường kỳ "nằm gai nếm mật" chống giặc Minh xâm lược, Lê Lợi đích thân cử hai vị tướng là Lê Sát và Lê Thụ đem quân tấn công quyết phá thành. Vậy mà sáu tháng ròng không chiếm nổi.

Lê Lợi đã phái tướng quân Trần Nguyên Hãn đem quân tiếp ứng bằng mọi cách phá thành Xương Giang để chặn đường viện binh của giặc. Nghĩa quân đắp đồi cao để bắn phá vào thành, giặc liều chết xông ra chiếm trận địa. Ta đào hào xuyên thành áp sát dùng mưa đá mưa lửa ào ào bắn phá, giặc như nước lũ chặn đầu ngăn lại. Quân giặc bị hãm thành trong thế bị vây như vậy và bị tiêu dệt dần cho đến một ngày Thu năm 1427 mới bị mất thành. Nhiều tướng giặc như Lý Nhâm, Phùng Trí, Lưu Tử Phụ, Thế Công đều đã phải tự tử. Kết quả thành bị hạ trước khi Viện binh của tướng Liễu Thăng kéo vào. Lại nói, khi viện binh giặc vừa vào đã bị phục kích tại Ải Chi Lăng. Xung quanh núi Mã Yên là cánh đồng lầy, chúng đã bị tiêu diệt và Tổng binh Liễu Thăng tử trận ngay chân núi Mã Yên. Tướng chỉ huy Lương Minh cũng chết tại đây, Thượng thư bộ binh Lý Khánh đích thân dẫn quân sang đã phải tự tử.

Từ Đông Quan tướng giặc là Hoàng Phúc và Thôi Tụ đã vội vàng thu thập quân lương tiến về Xương Giang trong khi chưa biết thành đã bị hạ ngày 28/9/1427. Giữa cánh đồng Xương Giang, giặc Minh bị bao vây chặt bốn bề buộc chúng tiến thoái lưỡng nan. Lê Lợi cho chặn đường rút lui và siết chặt vòng vây buộc Thôi Tụ, Hoàng Phúc phải bị bắt sống cùng hơn ba vạn binh lính. Đại thắng Xương Giang chỉ diễn ra trong chưa tròn một tháng. Và để bớt tốn thêm máu xương binh sĩ, Lê Lợi đã cho quân đưa những tên chỉ huy cùng  mấy tên thiên hộ bị bắt trong trận Chi Lăng - Xương Giang mang theo bằng sắc, ấn tín của Liễu Thăng đến trại của tướng Mộc Thạch đương kéo quân từ hướng Vân Nam sang. Thấy vậy Mộc Thạch kinh hãi quay đầu dẫn quân tháo chạy...

Có thể nói chiến thắng Xương Giang là chiến công lớn nhất trong cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn. Nó có ý nghĩa kết thúc cuộc kháng chiến vũ trang giải phóng đất nước buộc nhà Minh phải đầu hàng và công nhận nền độc lập của Việt Nam…

Tầm vóc vĩ đại của đại thắng Xương Giang hạ thành diệt viện đã làm ngỡ ngàng những nhà viết sử mọi thời đại. Nhiều sử gia mỗi lần cầm bút viết về Xương Giang đều vô cùng xúc động. Và thi hào Nguyễn Trãi, Anh hùng dân tộc, nhà văn hoá lớn, người cùng nếm mật nằm gai bao năm chiến trận, khi viết “Đại cáo Bình Ngô” đã nhìn rõ ánh hào quang toả ra từ chiến thắng mùa thu năm Đinh Mùi lịch sử. "Gió mây vì thế mà biến sắc/ Trời trăng ảm đạm đến lu mờ…". Còn đây "Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin hàng/ Thượng thư Hoàng Phúc trói mình đành chịu bắt/ Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước…". Và cũng từ đây vì hữu hảo, nhà Lê đã thả cho quân giặc về nước, còn cấp lương, cấp cả ngựa và thuyền để mong "Sửa hoà hiếu cho hai nước/ Tắt muôn đời chiến tranh" (Phú núi Chí Linh). 

Một chiến thắng như vậy rất cần được vinh danh. Đáng tiếc là đến hôm nay dấu xưa tích cũ chả còn được bao nhiêu. Cái thành cổ rộng đến 2.100 mét chu vi, với gần ba chục héc ta, từng kiên cố chiến lũy hào sâu là thế cùng với uy nghi bốn cổng thành đồ sộ nay chỉ còn trong ký ức. Nhiều người dân Phủ Lạng Thương những năm 70 thế kỷ XX mới rồi còn nhìn thấy tường thành cổ có nơi cao tới 3; 4 mét. Bốn góc thành còn những pháo đài. Bên ngoài thành còn những đoạn hào sâu, có nơi rộng gần hai chục mét. May mà chính quyền thành phố đã nhớ đến cái việc bảo tồn mà cho xây dựng mấy cái bia đánh dấu các cổng thành Nam - Bắc - Tây - Đông. Một cái khe nước cổ, một cái Giếng Phủ vẫn có tên trên bản đồ thành phố âu cũng  là một cái may khi chưa kịp đổi tên cho sang cho đẹp như có nơi đã làm. Rồi một số đoạn tường thành còn dấu vết đang được cho khoanh vùng bảo vệ. Phần đất còn lại đã kịp mọc lên những phố phường khu dân cư…. Góc thành đường Giáp Hải và Xương Giang thì hiện còn một cái đài liệt sĩ bỏ hoang…

Sáu trăm năm đã qua miền đất Phủ Lạng Thương ngày nào đương đi lên công nghiệp hoá hiện đại hoá. Thành phố Bắc Giang rồi còn mở rộng, rồi còn quy hoạch lại và đô thị hóa là xu thế không cưỡng lại được. Vậy hãy làm gì để giữ lại chút gì của lịch sử cho xưa sau?

Năm 2008 chính quyền thành phố đã phê duyệt quy hoạch cụ thể Khu di tích lịch sử thành Xương Giang do Công ty CP Kiến trúc đô thị Việt Nam lập. Theo quy hoạch ấy thì Khu di tích có không gian tương đối lớn bao gồm cả di tích và các công trình tôn vinh. Đó là Trung tâm lễ hội trên trục đường nối cổng thành Nam và Bắc. Sân hành lễ rộng gần chín ngàn mét vuông đủ chỗ cho hàng vạn người hành hương diễu hành mở hội.

Có một khu vực quan trọng nhất là khu mô tả chiến thắng Xương Giang - Cần Trạm được quy hoạch ở góc Đông Nam của ngôi thành. Tại đây toàn bộ chiến thắng xưa được mô tả bằng hình tượng sa bàn, đặc biệt mô tả trận tổng công kích thành vào đêm 28-9-1427. Những địa đạo hào giao thông của quân đội Trần Nguyên Hãn cho ta sự liên hệ với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Phương án nào cho bảo tồn phát huy giá trị di tích Xương Giang? Câu hỏi được đặt ra và người Bắc Giang đang đi tìm câu trả lời cần thiết.

Ba phương án đã được đưa ra để lựa chọn. Ba phương án ấy do Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Việt Nam lập để xin ý kiến lãnh đạo và nhân dân Bắc Giang đặng chọn lấy một phương án để nơi đây có một cụm di tích độc đáo gắn với chiến thắng Xương Giang lừng lẫy, hợp với tâm linh và tầm vóc chiến công.

Phủ Lạng Thương

KTS Nguyễn Thế Khải, chủ đề tài quy hoạch thiết kế khu di tích đã hơn một lần cho tôi xem những ý tưởng mà ông đưa ra. Cái nào cũng có ý nghĩa tôn vinh, gắn với thăm quan, học tập. Nhưng thâm tâm tôi, không thể xây nơi ấy những ngôi đền. Đây là nơi ta chiến thắng giặc Minh, chỉ nên xây tượng đài chiến thắng gắn biểu tượng thời Lê thôi. Phương án 1 xây đền thờ có lẽ không nên bàn tiếp. Phương án 2 xây đài chiến thắng hoành tráng với biểu tượng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng cái cột cờ đồ sộ, và ruột của nó có thang máy lên tầng cao ngắm thành phố nghe có vẻ hiện đại đấy nhưng ý nghĩa của cái đài ấy ít, chất hoành tráng sẽ phản cảm vì đây đâu phải nơi xưa nghĩa quân dựng cờ? Phần đế cột cờ rộng đến gần 2 ngàn mét vuông thì hoành tráng quá.

Nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về phương án 3 là xây đài chiến thắng bằng hình ảnh thanh kiếm Thuận Thiên chỉ lên trời. Đây là thanh kiếm được trao cho Lê Lợi đánh giặc và cuối cùng được trả lại hồ Lục Thuỷ như truyền thuyết hồ Gươm.

Chân đài kiếm Thuận Thiên là một khối nhà hình con rùa mang biểu tượng thần Kim Quy mang trong lòng nó những căn phòng trưng bày đa năng. Ngôi đền nếu có, nên xây ở khu vực Trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Giang bây giờ là hợp lý, để người hành hương có nơi đến tưởng niệm các nghĩa sĩ Lam Sơn. Có thể chọn phương án 3, và tượng đài thanh gươm như một công trình độc đáo tôn vinh một thời đại anh hùng. Thanh gươm và thần Kim Quy sẽ là biểu tượng nhà Lê đánh giặc. Thanh gươm ấy viết lên trời xanh những câu thơ về lòng tự hào và tự trọng dân tộc… 

Bên thành xưa, đêm nay tôi đi bộ dọc sông Thương một mình lặng lẽ để được nghe vọng lại đâu đây tiếng vó ngựa khua dồn, tiếng nghĩa binh reo hò trong ánh lửa Xương Giang rực cháy.  Đêm nay tôi bỗng thấy đồng cảm với Lý Tử Tấn xưa, khi người rung động với chiến công mà thốt rằng: "Kìa trận Hợp Phù oanh liệt ngày trước, trận Xích Bích toàn thắng ngày xưa sao bằng đây Xương Giang vẻ vang".

Tôi cảm phục Lê Quý Đôn ba trăm năm sau chiến thắng vẫn  còn nao lòng trước lịch sử cha ông: "Có lẽ từ Triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy!". Đất nước trường tồn và hơn bất kỳ đâu, Xương Giang mãi là biểu tượng cho một chiến thắng hiển hách làm rạng ngời trang sử Việt. Mấy bận dự lễ hội Xương Giang vào mùng sáu mùng bảy Tết, là mấy lần tôi đi tìm thành quách cũ nhưng nào thấy. Tất cả đã thành phế tích bởi sự biến thiên thời cuộc và năm tháng vật đổi sao dời…

Mừng là đầu năm 2009 này di tích Xương Giang đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ cấp quốc gia sau gần hai mươi năm phế tích ấy được tỉnh Bắc Giang ra quyết định bảo vệ. Di sản ấy rồi ra sẽ được tôn tạo, lại khang trang, có không gian dành cho lễ hội và là nơi giáo dục lịch sử và cũng là một địa chỉ hấp dẫn cho du lịch nhân văn đem lại nguồn thu cho kinh tế miền đất Phủ Lạng bên bờ sông Thương…

Tân Linh
.
.
.