Xuân về trên chiến khu xưa

Thứ Tư, 13/02/2013, 12:09
Nước Oa, địa danh nổi tiếng đã đi vào sử sách với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giờ đây, chiến tranh lùi vào quá vãng. Đất nước hòa bình đã hơn một phần ba thế kỷ, nhưng Nước Oa - chiến khu xưa - vẫn là niềm tự hào của thế hệ hôm qua từng cầm súng chiến đấu đánh đuổi giặc thù xâm lược; trở thành địa chỉ “Về nguồn” cho những người đang sống và thế hệ mai sau...

Tôi nhớ mãi những chuyến đi tìm mộ liệt sĩ cùng với các cựu binh từng là trinh sát Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu V trong suốt một thời chiến tranh ác liệt, bám trụ với núi rừng Bắc Trà My (Quảng Nam) để chiến đấu với giặc thù, cùng các lực lượng vũ trang bảo vệ tuyệt đối căn cứ Nước Oa, cơ quan đầu não của kháng chiến và các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V. Những người lính trở về từ mùa xuân đại thắng - 1975, giờ đây tóc đã điểm sương. Nhưng, trong ký ức của họ vẫn còn đó bao kỷ niệm không thể nào quên...

Ông Nguyễn Ý Chí, đến nay vẫn còn lưu giữ cuốn nhật ký ghi chép những tháng, ngày cùng đồng đội lăn lộn ở đại ngàn Trường Sơn Đông để bảo vệ căn cứ Nước Oa, cho biết: “Hồi đó, để tránh những cuộc càn quét,  rải thảm của máy bay địch, cơ quan Khu ủy Khu V đã phải liên tục thay đổi địa điểm. Căn cứ Nước Oa là địa điểm thứ 17 và trở thành “đại bản doanh” của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V, lãnh đạo nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần làm nên thắng lợi mùa xuân 1975, giang sơn thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà...”.

Theo lời ông Chí, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu V chọn Nước Oa đặt căn cứ lãnh đạo kháng chiến trong thời kỳ ác liệt nhất (1960 - 1973), vì nơi đây được bao bọc bởi các dãy núi và ba con sông, gồm sông Trường, sông Oa và sông Tranh, tạo nên triền đất bãi bồi quanh co kéo dài và liên kết các thung lũng cao thấp bên trong. Nơi đây thuận lợi cho việc ẩn trú, cất giấu vũ khí, xuất quân, ém quân và di chuyển cũng như khai thác nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ.

Đất nước hòa bình thống nhất, những di tích ở căn cứ Nước Oa vẫn được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ, gìn giữ. Đến tháng 8-1992, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Nước Oa là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Khu di tích An ninh Khu V luôn là địa chỉ "Về nguồn" của các bậc lão thành cách mạng và thế hệ trẻ CAND.

Và mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã nâng tầm lên thành Khu di tích Lịch sử Quốc gia cấp khu vực Trung Trung Bộ... Một quần thể di tích với 6 tiểu khu, gồm: Khu di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Trung Trung Bộ (khu trung tâm); các Khu di tích An ninh khu V, Dân y khu V, Ban Tổ chức Khu ủy V, Nông dân miền Trung - Tây Nguyên và Khu sinh hoạt truyền thống thanh thiếu niên miền Trung - Tây Nguyên.

Các tiểu khu được bố trí ven theo tuyến đường vào khu trung tâm, diện tích rộng hơn 50ha, với nhiều hạng mục rất có ý nghĩa như: Bia tưởng niệm, các tượng đài vua Quang Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh; các khu trưng bày hiện vật lịch sử, khu sinh hoạt truyền thống… tổng kinh phí đầu tư lên đến trên 80 tỷ đồng. Đoạn đường dài khoảng 8km từ trung tâm huyện lỵ Bắc Trà My lên xã Trà Tân, để đến khu di tích, giờ đây cũng được thảm nhựa phẳng phiu... Và như vậy, Nước Oa hôm nay đã trở thành một “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi kẻ thù xâm lược, đem lại độc lập tự do cho dân tộc...

Cùng với xây dựng các khu tưởng niệm, nhiều năm qua, đồng bào khó khăn, các gia đình chính sách ở khu căn cứ Nước Oa ngày trước, đã được các cơ quan, đơn vị tiếp sức xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa; hàng ngàn lượt người dân, học sinh còn được tặng quà thực phẩm, quần áo, sách vở, máy vi tính, khám chữa bệnh miễn phí vào mỗi dịp lễ, Tết... Đi đầu trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa “Về nguồn”, với vùng căn cứ Nước Oa phải kể đến là cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân. Hiện tại, Khu di tích An ninh khu V là có quy mô và bề thế lớn nhất trong các tiểu khu di tích, tưởng niệm ở Nước Oa.

Đoạn sông Tranh chảy qua căn cứ Nước Oa.

Trong tất cả các đợt hành quân “Về nguồn” tại đây, các thế hệ cán bộ chiến sỹ ngành Công an đều dành thời gian tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ đồng bào với nhiều phần quà, vật dụng trị giá hàng tỷ đồng. Trên con đường dẫn về khu di tích, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa được xây dựng 2 tầng bề thế, khang trang. Ngôi trường có tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 12, 612 tỷ đồng. Trong đó, ngoài ngân sách Nhà nước và tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, có đến 7,5 tỷ đồng vận động đóng góp từ những tấm lòng vàng; đáng kể là UBND TP Đà Nẵng tài trợ 4 tỷ đồng; thông qua sự vận động của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Tổng Biên tập Báo CAND, ông Lê Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty Golf Long Thành và ông Thân Đức Nam, Tổng Công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5), đóng góp mỗi đơn vị 1 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng 553,635 triệu đồng; Bộ GD&ĐT 218 triệu đồng, Quân khu V 200 triệu đồng... Đặc biệt, cá nhân đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch nước, gửi tặng trường 2 bộ máy tính trị giá 20 triệu đồng; đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 30 triệu đồng...

Theo Trung tướng Lê Ngọc Nam - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Bộ Công an cũng đã thống nhất với huyện Bắc Trà My, quyết định đầu tư xây dựng thêm một trường học tại căn cứ Nước Oa mang tên Trường THCS 19-8, với nguồn kinh phí khoảng 3 tỷ đồng và sẽ triển khai xây dựng trong năm 2013...

Tết Quý Tỵ 2013 đã cận kề, về thăm lại Nước Oa, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng chiến khu xưa. Ông Nguyễn Duy Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tân, cho hay: Xã Trà Tân hiện có 509 hộ, với hơn 2.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Cor, Ca Dong, còn lại là số ít người dưới xuôi lên. Mặc dù, tỷ lệ người nghèo còn cao, nhưng tình trạng thiếu đói, các tệ nạn say xỉn, hủ tục, mê tín đã được đẩy lùi. Trà Tân là xã đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Trà My phát động xây dựng xã văn hóa và được công nhận đạt xã văn hóa...

Ông Phạm Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết thêm rằng, xã hội hiện đại có nhiều luồng văn hóa giao thoa phức tạp nhưng người dân vùng Nước Oa vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc mình. Đối với người Kinh từ miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới đều hòa nhập, sống đoàn kết với người dân bản địa, anh em Kinh - Thượng một lòng, cùng nhau thi đua sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Trong những dịp Tết Nguyên đán, các khu dân cư người Kinh đều thờ cúng tổ tiên, tổ chức thi hát dân ca, bài chòi… Và người Kinh đã cùng với đồng bào Cor, Ca Dong tổ chức cúng Bác Hồ, múa cồng chiêng, tham gia viếng hương tưởng niệm tại các khu di tích tại Nước Oa...

Long Vân - Bình Minh (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.